Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược chất/
  3. Chlorhexidine

Chlorhexidine: Thuốc sát khuẩn và khử khuẩn

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Chlorhexidine (Clorhexidin).

Loại thuốc

Thuốc sát khuẩn và khử khuẩn.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch sát trùng ngoài da: Băng gạc tẩm thuốc 20%; gạc tẩm (bão hòa dung dịch) 0,5% với isopropyl alcol 70% (lau tay); dung dịch 0,5% với isopropyl alcol 70% (rửa tay); dung dịch 1% với alcol 61% (sát khuẩn bàn tay); dung dịch 2% (làm sạch da), dung dịch 4% (sát khuẩn bàn tay trước khi phẫu thuật); dung dịch 4% (làm sạch da).

Sát khuẩn răng miệng: Dung dịch súc miệng: 0,12%; 0,1 - 0,2%; khí dung, gel 1%; viên tác dụng kéo dài: 2,5 mg để đặt vào túi lợi quanh răng

Chỉ định

Thuốc được chỉ định sử dụng cho các trường hợp:

  • Chuẩn bị trước khi phẫu thuật: Sát khuẩn bàn tay cho phẫu thuật viên; chuẩn bị vùng da người bệnh trước khi phẫu thuật (kể cả khử khuẩn toàn thân); vệ sinh bàn tay nhân viên y tế; chuẩn bị vị trí đặt ống cathete và chăm sóc sau khi đặt.
  • Sát khuẩn vết thương tại chỗ: Làm sạch vết thương nông ngoài da và toàn thân.
  • Khử khuẩn khoang miệng: Vệ sinh răng miệng; điều trị viêm lợi; phòng sâu răng.

Dược lực học

Chlorhexidine, một bisbiguanid sát khuẩn và khử khuẩn, có hiệu quả trên phạm vi rộng đối với các vi khuẩn Gram dương và Gram âm, men, nấm da và các virus ưa lipid.

Hiệu quả của thuốc đối với vi khuẩn Gram dương tốt hơn so với Gram âm. Thuốc ít nhạy cảm đối với Pseudomonas và Proteus, gần như không có hiệu quả với Mycobacteria.

Chlorhexidine là một cation, hoạt tính kháng khuẩn của thuốc là do lực hút giữa chlorhexidine mang điện tích dương và màng tế bào vi khuẩn mang điện tích âm.

Chlorhexidine bị hút bám trên bề mặt tế bào các vi khuẩn nhạy cảm thành một phức chất bền vững có chứa phosphat. Phức chất này phá vỡ toàn bộ màng tế bào vi khuẩn.

Ở nồng độ thấp, thuốc có tác dụng kìm khuẩn. Ở nồng độ cao, thuốc diệt khuẩn không hồi phục.

Động lực học

Hấp thu

Chlorhexidine hấp thu kém qua niêm mạc đường tiêu hóa và hấp thu kém sau khi bôi ở da.

Sau khi cho thuốc vào âm đạo, một lượng nhỏ hấp thu toàn thân.

Thuốc tại chỗ ở da nguyên vẹn, thuốc hấp thu vào các lớp ngoài da và có tác dụng kháng khuẩn kéo dài. 93% thuốc (Chlorhexidine gluconat gắn phóng xạ) vẫn còn thấy ở da không băng kín sau 5 giờ.

Phân bố

Chưa biết rõ thuốc có qua nhau thai và vào sữa mẹ không.

Chuyển hóa

Không có thông tin.

Thải trừ

Sau khi bôi ngoài da, lượng thuốc được hấp thu vào cơ thể phần lớn được đào thải qua phân dưới dạng không biến đổi.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Dùng đồng thời chlorhexidine với một số loại xà phòng thông thường hoặc các thuốc sát khuẩn khác có thể gây tương tác thuốc, ảnh hưởng đến khả năng điều trị hoặc gia tăng nguy cơ mắc phải một số tác dụng phụ.

Tránh dùng đồng thời hoặc dùng kế tiếp với các thuốc sát khuẩn khác do có thể gây tương tác (đối kháng, làm mất tác dụng), đặc biệt là với các dẫn chất anion.

Tương tác với thực phẩm

Có thể ảnh hưởng đến mùi vị của thức ăn và đồ uống. Tránh ăn hoặc uống trong 30 phút sau khi sử dụng.

Tương kỵ thuốc

Các muối chlorhexidine tương kỵ với xà phòng và các chất anion khác, và với tất cả các chất dùng để ổn định dịch treo như các alginat và gôm tragacanth, bột không tan như kaolin, bột kết hợp của calci, magnesi và kẽm.

Chlorhexidine acetat tương kỵ với kali iodid. Clorhexidin có thể bị trung hòa bởi nước cứng. Thuốc đánh răng có thể chứa chất diện hoạt anionic như natri laurylsulfat, làm giảm tác dụng sát khuẩn của chlorhexidine vì vậy phải dùng cách nhau ít nhất 30 phút.

Ở nồng độ 0,05%, các muối chlorhexidine tương kỵ với các borat, bicarbonat, carbonat, clorid, citrat, nitrat, phosphat và sulfat, tạo thành các muối có độ tan thấp và có thể kết tủa.

Pha loãng ở nồng độ 0,01% hoặc loãng hơn, các muối này thường tan. Trong nước cứng các muối có thể trở thành không tan. Các muối chlorhexidine bị mất hoạt tính khi có các sợi trong dung dịch.

Vải vóc đã tiếp xúc với dung dịch chlorhexidine có thể chuyển thành màu nâu nếu đem tẩy trắng bằng hypoclorit. Khi đó cần tẩy thay thế hypoclorit bằng cách tẩy với peroxid (nước oxy già).

Chlorhexidine tương hợp với một số chất. Ví dụ chlorhexidine thường được phối hợp với thuốc tê như tetracain, lidocain; với các thuốc khử khuẩn hoặc sát khuẩn khác như cetrimid, cloresol, hexamidin.

Chống chỉ định

Có tiền sử quá mẫn với chlorhexidine và các thành phần của thuốc.

Không dùng chlorhexidine vào não, màng não, các mô dễ nhạy cảm và tai giữa. Thuốc có thể gây điếc nếu nhỏ vào tai giữa.

Liều lượng & cách dùng

Cách dùng

Chỉ dùng tại chỗ.

Liều dùng

Người lớn

Chuẩn bị vùng phẫu thuật:

  • Dung dịch chlorhexidine gluconat 2 - 4%: Bôi tùy ý dung dịch lên vị trí rạch và dùng gạc lau ít nhất 2 phút.
  • Sau đó lau khô bằng 1 khăn vô khuẩn. Có thể lặp lại thêm 2 phút và sau đó lại lau khô bằng khăn vô khuẩn.

Sát khuẩn bàn tay cho phẫu thuật viên: Dung dịch chlorhexidine gluconat 2 - 4%: 5 ml dung dịch, cọ trong 3 phút và rửa sạch, rửa thêm 3 phút nữa.

Vệ sinh bàn tay cho nhân viên y tế:

  • Dung dịch chlorhexidine gluconat 2 - 4%: Rửa tay bằng nước ấm, dùng khoảng 5 ml dung dịch, xoa nổi bọt và rửa sạch trong 15 giây.
  • Dung dịch 0,5 - 1%: Bàn tay phải sạch và khô, dùng 5ml dung dịch 0,5% hoặc 2ml dung dịch 1%, cọ bàn tay mạnh cho tới khi khô (15 giây), không dùng khăn lau khô.

Làm sạch vết thương nông ở da và toàn thân:

  • Dung dịch chlorhexidine gluconat 2 - 4%: Phải làm sạch vùng da cần làm sạch bằng nhiều nước trước khi bôi dung dịch.
  • Bôi một lượng tối thiểu thuốc lên da hoặc vết thương, rửa nhẹ nhàng và sau đó rửa sạch thật kỹ.

Chuẩn bị vị trí đặt ống cathete: Dùng dung dịch 2%, để cho khô trước khi đặt ống cathete.

Viêm lợi: Súc miệng dung dịch chlorhexidine gluconat 0,12%, ngày 2 lần, mỗi lần 15 ml trong 30 giây (sáng và chiều sau khi đánh răng).

Nha chu viêm:

  • Một viên tác dụng kéo dài (chip) 2,5 mg chlorhexidine gluconat để đặt dưới lợi (vào túi lợi quanh răng) do thầy thuốc chuyên khoa đặt sâu 5 mm hoặc hơn. Nhà sản xuất cho rằng có thể đặt tới 8 viên thuốc mỗi lần đến khám.
  • Cách 3 tháng lại đặt 1 viên thuốc mới.
  • Nếu các túi quanh răng không đáp ứng với điều trị trong vòng 9 - 12 tháng, phải chuyển phương pháp điều trị (như điều trị phối hợp, phẫu thuật).

Trẻ em

Trẻ em từ 12 tuổi trở lên trừ khi có khuyến cáo khác của nha sĩ hoặc bác sĩ có thể dùng với liều của người lớn.

Trẻ em dưới 12 tuổi không nên sử dụng sản phẩm trừ khi được chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Chóng mặt, nhịp tim nhanh, khô miệng.

Ít gặp

Phản ứng mẫn cảm, kích ứng da, viêm miệng, các phản ứng dị ứng.

Hiếm gặp

Sốc phản vệ, viêm tuyến mang tai, mề đay, dị ứng da (đỏ bừng toàn thân), hạ huyết áp.

Lưu ý

Lưu ý chung

Đối với dung dịch súc miệng:

  • Thông báo cho người bệnh dung dịch súc miệng chlorhexidine gluconat có thể làm răng, lưỡi bắt màu, nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và có thể làm mất màu bằng các kỹ thuật chuyên khoa thông thường. Thuốc có thể làm thay đổi vị giác đặc biệt với kẹo, vị mặn và chua, vị đắng ít tác động.
  • Dung dịch súc miệng chưa rõ tác dụng với chu nha viêm, nhưng vì dung dịch súc miệng không thể vào sâu được các túi quanh răng, nnên thường không có tác dụng đối với chu nha viêm nặng, lâu ngày. Khi dùng dung dịch súc miệng, làm tăng sỏi trên lợi. Nhà sản xuất khuyến cáo phải lấy chất lắng đọng của sỏi cách nhau không quá 6 tháng.

Viên thuốc nhỏ (chip) đặt vào túi lợi quanh răng:

  • Điều trị các túi áp-xe cấp quanh răng bằng viên thuốc nhỏ (chip) cho tới nay chưa được nghiên cứu, nhà sản xuất không khuyến cáo dùng.
  • Cần thông báo cho người bệnh tránh dùng chỉ vệ sinh răng ở vị trí đặt viên thuốc trong 10 ngày sau khi đặt vì sợi chỉ có thể làm rơi viên thuốc. Nếu rơi, phải thông báo ngay cho thầy thuốc.
  • Trong tuần đầu sau khi đặt thuốc, có thể thấy độ nhạy cảm nhẹ hoặc vừa là bình thường, nhưng nếu thấy đau, sưng hoặc các triệu chứng khác, phải thông báo cho thầy thuốc.

Dung dịch sát khuẩn:

  • Tránh thuốc tiếp xúc với mắt, trừ khi đó là dung dịch loãng chuyên dùng cho mắt.
  • Chlorhexidine có thể gây kích ứng mắt, nếu lỡ chạm vào mắt phải rửa mắt ngay lập tức bằng nước và giữ mi mắt cách xa nhau trong ít nhất 15 phút.

Dung dịch sát trùng da 2% hoặc 4% không nên dùng để sát trùng da trước khi phẫu thuật ở mặt và đầu.

Đối với niêm mạc và vết thương hở cần thận trọng, chỉ dùng sát khuẩn trên bề mặt vết thương ở nồng độ thấp nhất (0,05%) để giảm nguy cơ sốc phản vệ.

Để tránh tầm tay trẻ em và xa nơi có lửa hoặc tia lửa điện.

Bơm và kim tiêm ngâm trong dung dịch Chlorhexidine cần được rửa kỹ với nước muối hoặc nước vô khuẩn trước khi dùng.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Không thấy có tác dụng có hại ở trẻ sơ sinh, thậm chí dùng cho mẹ nhiều trong khi đẻ. Chỉ một lượng rất nhỏ Chlorhexidine xâm nhập được vào tuần hoàn của mẹ nên chắc chắn vào thai cũng ít. Dù sao, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Sự có mặt của chlorhexidine trong sữa mẹ có thể không có ý nghĩa lâm sàng, vì chỉ một lượng rất nhỏ hấp thu được vào tuần hoàn của mẹ sau khi rửa âm đạo. Cần chú ý là núm vú của mẹ cần phải rửa với nước thật sạch, nếu đã bôi chlorhexidine vào đó để khử khuẩn, mặc dù hấp thu của thuốc qua đường tiêu hóa rất kém.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có thông tin.

Quá liều

Quên liều Chlorhexidine và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Nếu thuốc hấp thu quá mức qua niêm mạc miệng hoặc niêm mạc âm đạo, có thể xảy ra quá liều và gây tác dụng có hại trên thần kinh và tim mạch.

Nếu không may uống hoặc tiêm phải chlorhexidine, có thể xảy ra tan máu. Trẻ sơ sinh bú mẹ đang dùng thuốc xịt tại chỗ để phòng viêm vú, có biểu hiện nhiều đợt xanh tím, tim đập chậm.

Cách xử lý khi quá liều

Nếu tan máu, có thể phải truyền máu. Một số nhà sản xuất khuyến cáo rửa dạ dày cấp bằng sữa, lòng trắng trứng, gelatin hoặc một ít xà phòng sau khi uống nhầm.

Tuy vậy, một số thận trọng chống lại rửa dạ dày vì sợ vỡ thủng các vùng loét và khuyến cáo cho ăn sữa.

Chưa có số liệu về lợi ích dùng than hoạt, thuốc tẩy hoặc thẩm phân máu khi quá liều chlorhexidine.

Tuy vậy, do có nhiều chế phẩm chlorhexidine gluconat chứa alcol, thẩm phân máu hoặc màng bụng có thể thích hợp sau quá liều nặng.

Nếu chlorhexidine gluconat tiếp xúc với mắt, phải rửa mắt bằng nước sạch, giữ mi mắt cách xa nhau trong ít nhất 15 phút.

Nguồn tham khảo