Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây Cối xay: Loài thảo dược phổ biến ở Việt Nam

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cối xay là một loài thảo dược phân bố khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam và đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian. Cối xay có tác dụng điều trị cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, đau đầu, tai ù, điếc, sốt vàng da, tiểu tiện vàng đỏ, đái rắt, đái buốt, phù thũng, lở ngứa, dị ứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cây cối xay

Tên khác: Cây kim hoa thảo; cây nhĩ hương thảo; ma mãnh thảo; cây dằng xay

Tên khoa học: Abutilon indicum (L.) G. Don. Đây là một loài thực vật có hoa trong họ Bông (Malvaceae). 

Cây cối xay
Cây Cối xay (Abutilon indicum)

Đặc điểm tự nhiên

Cây nhỏ mọc thành bụi, sống lâu năm, cao 1 – 1,5 m. Cành hình trụ, phủ lông nhỏ mềm, hình sao.

Lá mọc so le, có cuống dài, hình tim, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông mềm, mặt dưới màu trắng xám, gân chính 5 – 7; lá kèm hình chỉ.

Hoa màu vàng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá; cuống dài có đốt gấp khúc; đài có lông ngắn ở mặt ngoài, lông dài ở mặt trong, hình tam giác, màu tro; cánh hoa hình tam giác ngược hay hình nêm; nhị nhiều, tụ tập trên một trụ có lông xồm xoàm ở gốc; bầu có lông, gồm khoảng 20 lá noãn.

Quả do nhiều nang họp lại, xếp xít nhau nhìn giống cái cối xay, nang có lông ở phần lưng và có mỏ nhọn.

Mùa hoa: tháng 2 – 3, mùa quả: tháng 4 – 6.

Dược liệu gồm các đoạn thân, cành, lá, hoa, quả. Tất cả các bộ phận đều có lông. Thân lớn đường kính khoảng 1,2 cm, được cắt vát dài 1 – 1,5 cm. Thân nhỏ và cành thường được cắt thành đoạn dài 3 – 4 cm. Vỏ thân có vân nhăn nheo dạng lưới, màu nâu xám nhạt hay lục xám, vỏ cành thường nhẵn. Lá khô bị nhăn nheo, nhàu nát, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt hơn, nếu ngâm nước rồi rải trên một mặt phẳng sẽ thấy lá mỏng mềm, hình tim, đầu nhọn, dài rộng khoảng 5 – 10 cm. Hoa màu vàng, có cuống, mọc đơn độc ở nách lá. Quả hình cầu cụt đầu giống thớt cối xay, đường kính 1,5 – 2cm, có khoảng 20 phân quả, mỗi phân quả có một vỏ nhọn như gai, có lông dày, chứa 3 hạt màu đen nhạt, hình thận.

Phân bố, thu hái, chế biến

Thế giới: Cối xay mọc tại các nước vùng nhiệt đới châu Á, Malaysia, Indonesia...

Việt Nam: Ở nước ta, cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi.

Thu hoạch: Vào mùa hạ

Chế biến: Giũ sạch bụi, cắt thành những đoạn theo kích thước quy định, phơi hoặc sấy khô.

Bảo quản: Để nơi khô, tránh mốc.

Bộ phận sử dụng

Phần trên mặt đất của cây cối xay đã phơi hoặc sấy khô. Dược liệu gồm những đoạn thân, cành lá, quả…

Dược liệu Cối xay
Dược liệu Cối xay

 

Thành phần hoá học

Flavonoid, hợp chất phenol, acid amin, acid hữu cơ, đường. Các flavonoid là gossypin, gossypitin, cyanidin-3-rutinosid. Các acid amin là alanin, acid glutamic, arginin, valin. Các đường là glucose, fructose, galactose.

Hạt chứa 5% dầu béo, các acid béo là acid palmitic, acid stearic và một số acid béo khác; phần không xà phòng hóa chiếm 1,7%.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Cối xay có vị cam, tính bình và quy vào các kinh tâm, đởm. 

Tác dụng: Giải biểu nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu.

Chủ trị: Cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, đau đầu, tai ù, điếc, sốt vàng da, tiểu tiện vàng đỏ, đái rắt, tiểu buốt, phù thũng, lở ngứa, dị ứng.

Cối xay là vị thuốc được sử dụng theo kinh nghiệm nhân dân, chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, phù thũng sau khi đẻ, kiết lỵ, mắt có màng mộng, tai điếc.

Lá giã nát đắp ngoài chữa mụn nhọt. Ngoài ra, lá cối xay phơi khô sắc uống với nhân trần và vọng cách dùng chữa chứng vàng da hậu sản. Liều dùng mỗi ngày 5 - 10g dược liệu khô hoặc 10 – 40g dược liệu tươi.

Dựa trên cơ sở phát hiện chống viêm của cối xay. Viện quân y 103 quân khu 5 đã dùng cối xay phối hợp với các vị thuốc khác trong đơn chè khớp như sau: lá và thân cây cối xay 3g, trinh nữ 10g, rau muống biển 3g, lá lạc tiên 3g, rễ có xướng 3g, lá vòi voi 3g, lá lốt 3g. Hãm uống như hè trong ngày. Đã điều trị có kết quả tốt cho nhiều người bệnh đau viêm khớp có sốt 38 – 39oC với số ngày nằm viện trung bình là 40,8 ngày.

Theo y học hiện đại

Trong điều trị sốt

Theo tài liệu Ấn Độ, dịch chiết bằng cồn từ cây cối xay có tác dụng hạ nhiệt trên súc vật thí nghiệm, tác động qua ảnh hưởng đối với hệ thần kinh trung ương. Về độc tính cấp, trên chuột nhắt trắng LD50 của cây cối xay được xác định là 1000 mg/kg. 

hoạt chất từ cây Cối xay
Hoạt chất chiết từ Cối xay có khả năng điều trị sốt rét

Trong điều trị phù, viêm

Hoạt chất gossypin có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột so carragenin gây nên, đồng thời ức chế sự thẩm thấu của protein huyết tương ra ngoài thành mạch. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cán bộ quân dân y Nghĩa Bình đã phát hiện tác dụng chống viêm rất mạnh của cối xay và đã thu được kết quả tốt trong điều trị đau viêm xương khớp. Trên mô hình gây viêm bàn chân chuột bằng cách tiêm nhũ dịch kaolin, tác dụng ức chế phù của cối xay đạt 84,4% so với nhóm chứng, vào thời điểm 5 giờ sau khi gây viêm. Hạt cối xay có tác dụng nhuận tràng, tiêu viêm.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng từ 8 g đến 12 g, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị đau tai, tật điếc

Rễ Cối xay 60g hoặc 20 – 30 g quả, nấu với thịt lợn mà ăn. Đối với tật điếc, dùng rễ cối xay, mộc hương, vọng giang nam, mỗi vị 60 g, nấu với đuôi lợn mà ăn.

Trị phù thũng sau khi sinh

Lá Cối xay 30g, Ích mẫu 20g sắc uống.

Trị kiết lỵ hay mắt có màng mộng

Quả Cối xay, Hoa mào gà mỗi vị 30g, sắc uống.

Trị chứng dị ứng phong mày đay 

Toàn cây Cối xay khô 40g, thịt heo nạc vừa đủ, hầm lấy nước uống, thịt ăn.

Trị trĩ sang

Rễ Cối xay 200g, sắc đặc, uống 1 chén thuốc (bằng chén trà), còn lại thừa lúc nóng xông hậu môn, khi nước còn ấm thì dùng rửa, ngày xông rửa 5-6 lần.

Trị tổn thương do đánh ngã, hoặc người thể hư thiếu sức

Rễ Cối xay khô 2 lượng (80g), giò heo 1 cái, rượu ngon 2 lượng, chưng hầm ăn uống nước.

Trị viêm tai trong mạn tính

Rễ cối xay khô 20 – 40g, gạo nếp 1 chén (hoặc thịt heo nạc, hoặc đậu hủ lượng vừa đủ) hầm ăn uống nước.

Trị lợi răng lở loét

Rễ Cối xay khô 20g, đường đỏ vừa đủ, sắc uống; hoặc rễ Cối xay tươi tẩm giấm 1 giờ, bọc vải ngậm trong miệng.

Trị xích bạch lỵ

Quả Cối xay (cả hạt) sao nghiền bột, mỗi lần uống 4g, ngày 3 lần, uống với mật ong trước khi ăn.

Trị ung thư thũng độc (nhọt độc sưng đau) 

Quả Cối xay (cả hạt) 1 quả, nghiền bột, hãm nước sôi uống. Dùng thêm lá cối xay tươi với mật hoặc đường đỏ giã đắp chỗ đau.

Trị hầu nga (viêm amidan) 

Rễ Cối xay tươi 140g sắc uống; hoặc gia cỏ xước, rẻ quạt (củ) cùng giã vắt nước hòa đồng tiện uống.

Lưu ý

Bởi tác dụng nhuận tràng và lợi tiểu nên những người có tình trạng sức khỏe sau không nên dùng cây Cối xay:

  • Thận hư tiểu nhiều trong ngày, nước tiểu trong, dài.

  • Đại tiện phân lỏng nát, tiêu chảy

  • Phụ nữ mang thai.

Cối xay là loài cây mọc tự nhiên và trồng ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Cối xay có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo
  1. Dược điển Việt Nam V - chuyên luận Cối xay.
  2. Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi)
  3. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/coi-xay.html
  4. Viện Dược liệu: http://vienduoclieu.org.vn/tttv/danh-muc-cay-thuoc/cay-thuoc/Abutilon_indicum_1611
  5. Sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - tập 1+2 "

Các sản phẩm có thành phần Cối xay

  1. Siro Datadu Kingphar hỗ trợ hạn chế đau đầu, sốt, ho (4 vỉ x 5 ống x 10ml)

  2. Viên uống Kim Thính Á Âu hỗ trợ tăng cường sức khỏe thính giác (2 lọ x 90 viên)