Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm xương là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm xương là tình trạng viêm và phá hủy xương do vi khuẩn (nguyên nhân chủ yếu), virus hoặc vi nấm gây ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau và yếu cục bộ với các triệu chứng cơ năng thể trạng (trong viêm tủy xương cấp tính) hoặc không có các triệu chứng cơ năng (trong viêm tủy xương mãn tính). Chẩn đoán thông qua hình ảnh học và nuôi cấy vi khuẩn. Điều trị bằng thuốc kháng sinh và đôi khi cũng cần phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm xương là gì? 

Viêm xương là tình trạng nhiễm trùng ở xương do vi khuẩn (chủ yếu), virus hoặc vi nấm gây ra. Vi khuẩn có thể đến xương bằng cách đi qua đường máu hoặc lây lan từ các mô lân cận. Nhiễm trùng cũng có thể bắt đầu trong chính xương nếu chấn thương làm cho xương tiếp xúc với vi khuẩn.

Những người hút thuốc và những người có bệnh lý mãn tính, như đái tháo đường hoặc suy thận, có nhiều nguy cơ bị viêm xương hơn. Những người bị đái tháo đường có thể bị viêm xương ở bàn chân nếu họ bị loét chân.

Mặc dù từng được coi là không thể chữa khỏi, nhưng hiện nay bệnh viêm tủy xương có thể được điều trị thành công.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xương

Viêm xương cấp tính: Bệnh nhân thường bị sụt cân, mệt mỏi, sốt, sưng tấy, ban đỏ và đau tại nơi bị viêm.

Viêm xương cột sống: Gây đau lưng khu trú và đau kèm theo co thắt cơ đốt sống không đáp ứng với điều trị bảo tồn. Bệnh tiến triển nặng hơn có thể gây chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh, với các biểu hiện đau thấu xương và yếu hoặc tê liệt tứ chi. Bệnh nhân thường bất tỉnh.

Viêm xương mãn tính: Đau nhức xương từng đợt (vài tháng đến nhiều năm), yếu và chảy dịch xoang.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm xương

Chết xương (hoại tử xương): Nhiễm trùng trong xương gây cản trở lưu thông máu trong xương, dẫn đến xương chết. Những khu vực xương đã chết cần được phẫu thuật cắt bỏ để kháng sinh phát huy tác dụng.

Viêm khớp nhiễm trùng: Đôi khi, nhiễm trùng trong xương có thể lan sang khớp gần đó.

Suy giảm khả năng tăng trưởng: Sự phát triển bình thường của xương hoặc khớp ở trẻ em có thể bị ảnh hưởng nếu viêm tủy xương xảy ra ở những vùng mềm hơn, được gọi là mảng tăng trưởng, ở một trong hai đầu của xương dài của cánh tay và chân.

Ung thư da: Nếu tình trạng viêm tủy xương dẫn đến loét hở chảy mủ, thì vùng da xung quanh có nguy cơ cao bị ung thư tế bào vảy.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm xương

Vi khuẩn lây lan từ mô bị viêm nhiễm lân cận hoặc vết thương hở

Khoảng 80% trường hợp viêm xương do đa vi khuẩn lây lan từ mô bị nhiễm trùng lân cận hoặc vết thương hở gây ra. Staphylococcus aureus (bao gồm cả chủng nhạy cảm với methicillin và kháng methicillin) hiện diện ở ≥ 50% bệnh nhân; các vi khuẩn thường gặp khác như liên cầu khuẩn, vi khuẩn đường ruột gram âm và vi khuẩn kỵ khí.

Viêm xương do nguyên nhân này thường gặp ở bàn chân (trong bệnh đái tháo đường hoặc bệnh mạch máu ngoại vi), tại các xương bị tổn thương do chấn thương, phẫu thuật hoặc xạ trị và ở các xương tiếp giáp với vết loét do tì đè, như hông và xương cùng. Nhiễm trùng xoang, nướu hoặc răng có thể lan đến hộp sọ.

Vi khuẩn lây lan qua đường máu

Viêm xương lây qua đường máu thường do một loài vi khuẩn. Ở trẻ em, vi khuẩn gram dương là phổ biến nhất, thường ảnh hưởng đến xương chày, xương đùi hoặc xương cánh tay. Ở người lớn, viêm tủy xương lan tỏa theo đường máu thường ảnh hưởng đến xương cột sống. Các yếu tố nguy cơ ở người lớn gồm tuổi già, suy nhược, chạy thận nhân tạo, bệnh hồng cầu hình liềm và tiêm chích ma túy. Các vi khuẩn lây nhiễm phổ biến bao gồm:

Người lớn tuổi, suy nhược hoặc đang chạy thận nhân tạo: Staphylococcus aureus (thường gặp là S. aureus kháng methicillin - MRSA) và vi khuẩn gram âm đường ruột;

Người tiêm chích ma túy: S. aureus, Pseudomonas aeruginosa và các loài Serratia;

Bệnh nhân bị bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh gan hoặc suy giảm miễn dịch: Các loài Salmonella.

Nấm và vi khuẩn Mycobacteria có thể gây viêm tủy xương chảy máu, thường gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc ở những vùng lưu hành bệnh nhiễm nấm Histoplasmosis, Blastomycosis, hoặc Coccidioidomycosis. Các đốt sống thường là nơi bị viêm nhiễm nhất.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm xương?

Người cao tuổi có nguy cơ mắc viêm xương cao hơn các đối tượng khác do khả năng chống lại nhiễm trùng của xương suy giảm theo tuổi tác.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm xương

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm xương, bao gồm:

Chấn thương hoặc phẫu thuật chỉnh hình gần đây 

Gãy xương nghiêm trọng hoặc vết thương sâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào xương hoặc mô lân cận của bạn. Vết thương sâu, như vết cắn của động vật hoặc đinh đâm xuyên qua giày, cũng có thể là con đường lây nhiễm.

Phẫu thuật chỉnh xương bị gãy hoặc thay thế các khớp bị mòn cũng có thể vô tình mở ra một con đường cho vi khuẩn xâm nhập vào xương. Các bộ phận cấy ghép là một yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng.

Rối loạn tuần hoàn

Khi các mạch máu bị hư hỏng hoặc tắc nghẽn, cơ thể gặp khó khăn trong việc đưa các tế bào miễn dịch đến nơi cần để ngăn chặn nhiễm trùng nhỏ phát triển. Tổn thương bắt đầu như một vết cắt nhỏ có thể tiến triển thành một vết loét sâu, khiến mô sâu và xương bị nhiễm trùng.

Các bệnh làm suy giảm lưu thông máu bao gồm:

Bệnh đái tháo đường kiểm soát kém;

Bệnh mạch máu ngoại vi, thường liên quan đến hút thuốc;

Bệnh hồng cầu hình liềm;

Bệnh nhân dùng thuốc qua đường truyền tĩnh mạch hoặc đặt ống thông như ống máy lọc máu, ống thông tiểu, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm.

Các tình trạng làm suy giảm hệ thống miễn dịch

Nếu hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng bởi bệnh lý hoặc thuốc, bệnh nhân có nhiều nguy cơ bị viêm xương hơn. Các yếu tố có thể ức chế hệ thống miễn dịch bao gồm:

Điều trị ung thư;

Bệnh đái tháo đường kiểm soát kém;

Dùng corticosteroid hoặc thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u.

Sử dụng ma túy

Những người tiêm chích ma túy có khả năng cao bị viêm tủy xương hơn vì có thể sử dụng kim không vô trùng và ít sát khuẩn da trước khi tiêm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm xương

Viêm xương cấp tính: Nghi ngờ khi bệnh nhân bị đau xương ngoại biên cục bộ, sốt và khó chịu hoặc đau đốt sống cục bộ dai dẳng, đặc biệt là người có các yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn huyết gần đây.

Viêm xương mãn tính: Nghi ngờ khi bệnh nhân bị đau xương cục bộ dai dẳng, đặc biệt nếu họ có các yếu tố nguy cơ.

Xét nghiệm máu:

Chỉ định xét nghiệm công thức máu toàn bộ và tốc độ lắng hồng cầu (ESR) hoặc protein phản ứng C. Tăng bạch cầu, tăng ESR và protein phản ứng C hỗ trợ chẩn đoán viêm xương.

Tuy nhiên, ESR và protein phản ứng C có thể tăng cao trong các tình trạng viêm khác, như viêm khớp dạng thấp, hoặc bình thường trong nhiễm trùng không gây đau. Vì vậy, kết quả của các xét nghiệm này phải được xem xét dựa vào kết quả khám sức khỏe và hình ảnh học.

Hình ảnh học:

Chụp X quang: Phát hiện bất thường trên hình ảnh X quang sau 2 - 4 tuần, cho thấy màng xương bị nâng lên, phá hủy xương, sưng mô mềm và các đốt sống, giảm chiều cao thân đốt sống hoặc thu hẹp không gian đĩa đệm bị nhiễm trùng lân cận, phá hủy các tấm cuối ở trên và bên dưới đĩa.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể tạo ra hình ảnh đặc biệt chi tiết về xương và các mô mềm bao quanh chúng, được chỉ định khi hình ảnh X quang không rõ hoặc bệnh nhân có triệu chứng cấp tính.

Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT kết hợp các hình ảnh X quang được chụp từ nhiều góc độ khác nhau, tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết về các cấu trúc bên trong cơ thể. Chụp CT thường chỉ được thực hiện nếu bệnh nhân không thể chụp MRI.

Sinh thiết xương

Sinh thiết xương và nuôi cấy để xác định loài vi khuẩn gây viêm xương. Từ đó, bác sĩ chọn loại kháng sinh hiệu quả đối với loại nhiễm trùng đó.

Phương pháp điều trị viêm xương hiệu quả

Thuốc kháng sinh

Sau khi nuôi cấy vi khuẩn để xác định tác nhân gây bệnh, bác sĩ chỉ định kháng sinh phù hợp với từng trường hợp.

Viêm xương cấp tính

Điều trị ban đầu bằng penicillin bán tổng hợp kháng penicillinase: 

Nafcillin hoặc oxacillin 2 g IV mỗi 4 giờ;

Hoặc Vancomycin 1 g IV mỗi 12 giờ (khi MRSA phổ biến trong cộng đồng); 

Và Cephalosporin thế hệ thứ 3 hoặc thứ 4 (ceftazidime 2 g IV mỗi 8 giờ hoặc cefepime 2 g IV mỗi 12 giờ).

Viêm tủy xương mãn tính 

Nhiễm khuẩn lây lan từ mô mềm lân cận, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường, điều trị theo kinh nghiệm bằng kháng sinh có hiệu quả đồng thời trên vi khuẩn kỵ khí bên cạnh vi khuẩn gram dương và gram âm. 

Ampicillin/ sulbactam 3 g IV mỗi 6 giờ; 

Hoặc Piperacillin/ tazobactam 3,375 g IV mỗi 6 giờ;

Thêm Vancomycin 1 g IV mỗi 12 giờ khi nhiễm trùng nặng hoặc MRSA phổ biến. 

Phải dùng kháng sinh đường tiêm trong vòng 4 - 8 tuần và điều chỉnh cho phù hợp với kết quả của các mẫu cấy thích hợp.

Phẫu thuật

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, phẫu thuật viêm xương có thể bao gồm một hoặc nhiều bước sau:

Làm khô khu vực bị nhiễm trùng: Mở rộng khu vực xung quanh xương bị nhiễm trùng và dẫn lưu mủ hoặc chất lỏng tích tụ.

Loại bỏ xương và mô bị bệnh: Loại bỏ càng nhiều xương bị bệnh càng tốt cùng một phần nhỏ xương bình thường để đảm bảo toàn bộ khu vực bị nhiễm trùng đã được xử lý. Mô xung quanh có dấu hiệu nhiễm trùng cũng có thể được loại bỏ.

Khôi phục lưu lượng máu đến xương: Lấp đầy chỗ trống do thủ thuật cắt xương bằng một mảnh xương hoặc mô khác, chẳng hạn như da hoặc cơ, từ một bộ phận khác của cơ thể. Đôi khi có thể dùng chất độn tạm thời được đặt trong túi cho đến khi bệnh nhân đủ khỏe mạnh để ghép xương hoặc ghép mô. Việc ghép giúp cơ thể sửa chữa các mạch máu bị hư hỏng và hình thành xương mới.

Loại bỏ bất kỳ vật thể lạ nào: Trong một số trường hợp, các vật thể như đĩa phẫu thuật hoặc đinh vít được đặt trong một cuộc phẫu thuật trước đó, phải được lấy ra.

Cắt cụt chi: Phương án cuối cùng, bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ phần chi bị ảnh hưởng để ngăn nhiễm trùng lây lan thêm.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm xương

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Bỏ hút thuốc có thể giúp tăng tốc độ lành bệnh. 

Kiểm soát các bệnh lý mãn tính nào đang mắc phải, chẳng hạn như kiểm soát lượng đường trong máu nếu mắc đái tháo đường...

Vận động nhẹ nhàng và thường xuyên để cải thiện khả năng vận động của xương cũng như tăng cường sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

Thực phẩm có chứa một lượng đáng kể vitamin A, C và E, selen và kẽm có thể hữu ích trong việc điều trị viêm xương. Ngoài ra, probiotics - acidophilus và bifidobacteria - cũng có thể có lợi. 

Tránh sử dụng rượu bia và tăng tiêu thụ trái cây và rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt và cá là những chiến lược ăn kiêng chung quan trọng để điều trị bệnh.

Rau bina có thể là một thực phẩm có lợi trong việc điều trị viêm xương, do hàm lượng vitamin A, C, E và K, mangan, folate, magne, sắt, calci và kali khá cao.

Phương pháp phòng ngừa viêm xương hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Luôn cẩn thận để tránh bị vết cắt, vết xước hoặc vết cắn của động vật, những nơi dễ dàng xâm nhập vi trùng vào cơ thể, đặc biệt là các bệnh nhân đang mắc bệnh lý mãn tính hoặc suy giảm hệ miễn dịch. 

Nếu bị thương nhẹ, cần làm sạch khu vực tổn thương ngay lập tức và băng bó bằng gạc sạch. 

Kiểm tra vết thương thường xuyên để phát hiện kịp thời dấu hiệu nhiễm trùng.

Bệnh nhân có mang bộ phận cấy ghép như răng giả, khớp giả... cần hiểu rõ nguy cơ, biết các dấu hiệu nhiễm trùng và phải liên hệ ngay với bác sĩ khi những triệu chứng nhiễm trùng vừa khởi phát.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/musculoskeletal-and-connective-tissue-disorders/infections-of-joints-and-bones/osteomyelitis

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteomyelitis/symptoms-causes/syc-20375913

3. https://emedicine.medscape.com/article/1348767-overview

Các bệnh liên quan

  1. Co rút Dupuytren

  2. Sai khớp

  3. Đau xương khớp

  4. Viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ

  5. Viêm khớp vảy nến

  6. Viêm đa rễ dây thần kinh

  7. viêm khớp cấp

  8. Viêm khớp dạng thấp

  9. đau lưng trên

  10. Khô khớp