Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Đuôi Chuột

Đuôi chuột: Thuốc tẩy giun dân dã dành cho trẻ em

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Đuôi chuột là một cây thuốc có nguồn gốc từ châu Mỹ nhiệt đới, được phát tán vào nước ta.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Đuôi chuột.

Tên khác: Điềm thông, Bôn bôn, Đũa bếp, Cỏ đuôi lươn, Mạch lạc, Hải tiên, Giả mã tiên.

Tên khoa học: Stachytarpheta jamaicensis (L.) Vahl. Đây là một loài thực vật có hoa trong họ Philydraceae.

Đặc điểm tự nhiên

Đây là một loại cây thảo sống nhiều năm, cao đến 2m. Thân có màu lục tím và có 4 cạnh.

Lá mọc đối có hình bầu dục, mép có răng, rộng 2 - 4 cm, dài 3 – 8 cm, cuống lá 2 – 5 cm. Cụm hoa mọc đứng ở ngọn cây dài 20 - 40 cm, trông như như cái đuôi chuột. Hoa được gắn trong một cái trục lõm; lá bắc của hoa cao 5 - 10 mm và mép có răng; đài hoa có 5 răng, tràng hoa màu lơ (có khi trắng) chia thành 2 môi, độ dài 8 – 10 mm; nhị thụt vào trong và bầu 2 ô. Quả nang có chiều cao 4 – 5 mm, mang đài tồn tại chứa 2 hạt.

Mùa hoa quả: Tháng 4 - 6.

Đuôi chuột
Cây Đuôi chuột

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây thuộc châu Mỹ nhiệt đới phân bố ở nước ta, thường mọc ở những bãi đất hoang, ven đường và quanh làng quê. Cây đuôi chuột là loại cây ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc từ hạt vào cuối mùa xuân ở vùng đất ẩm. Cây sinh trưởng nhanh, nhiều trái, sức nảy mầm của hạt mạnh. Nhiều nơi, cây đuôi chuột mọc gần như thuần túy, lấn át các vị thuốc khác. Cây đuôi chuột được coi là một loại cỏ dại ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng.

hoa đuôi chuột
Hoa Đuôi chuột

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của đuôi chuột là toàn cây thu hái quanh năm. Dược liệu được rửa sạch, cắt khúc rồi phơi khô.

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học bên trong cây là glucosidic. Lá và thân có tarphetamin, lá còn có dopamine là chất có tác dụng trị bệnh cao huyết áp. Rễ có tanin và acid chlorogenic.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Đuôi chuột có tính lạnh, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm.

Theo y học hiện đại

Trong thí nghiệm sàng lọc dược lý, dịch chiết thùy đuôi chuột được tiêm vào màng bụng có tác dụng giảm vận động, gây mất điều hòa, an thần, giảm đau, giảm sa mí mắt, mọc lông và hạ thân nhiệt. Cao etanol lá và thân tươi có tác dụng chống co thắt và giãn mạch. Chiết xuất ethyl acetate của lá làm chậm sự phát triển của ấu trùng muỗi Aedes aegypti và cũng có tác dụng chống lại Boophilus microplus.

Liều dùng & cách dùng

Thường dùng chữa:

  • Nhiễm trùng đường tiểu.
  • Đau gân cốt do bệnh thấp khớp.
  • Viêm kết mạc cấp và viêm hầu.
  • Lỵ, tiêu chảy.
  • Cảm lạnh và ho.
  • Dùng 15 – 30g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị mụn nhọt và viêm mủ da, chấn thương bầm dập.
  • Cây được dùng ở Brazil, dùng ngoài để trị loét có mủ, dùng trong giảm sốt và viêm thấp khớp. Ở Guyana dùng trị lỵ.
Đuôi chuột chữa cảm lạnh
Một trong những công dụng của Đuôi chuột là chữa cảm lạnh

Bài thuốc kinh nghiệm

Viêm hầu họng

Đuôi chuột tươi, giã nát, cho thêm đường, dùng ngậm rồi nuốt nước.

Mụn nhọt, viêm mủ da

Đuôi chuột 90g, bọ mắm 60g, ngưu tất 60g, giã chung và đắp ngoài da.

Chấn thương bầm dập

Cỏ cứt lợn và đuôi chuột, mỗi thứ một ít, giã chung rồi đắp.

Tẩy giun cho trẻ em

Dùng nước sắc rễ đuôi chuột, thêm nước ép lá (dịch lá) cho uống để trị giun.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây đuôi chuột:

  • Không nên dùng cho người có huyết áp thấp, đường huyết thấp và phụ nữ đang mang thai.

  • Dược liệu có vị hàn nên thận trọng khi dùng trong thời gian dài, đặc biệt là với người có thể hư hàn.

Đuôi chuột là loài cây đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Đuôi chuột có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo