Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây Huyền sâm: Một dược liệu quý được sử dụng từ lâu đời

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Huyền sâm, hay còn gọi là hắc sâm, là một loại thảo dược quý có tác dụng trong việc tăng cường sức khỏe, giải độc, chỉ khát, lợi yết hầu, tả nhiệt và nhuận táo. Huyền sâm là dược liệu được sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đến âm hư và nội nhiệt trong cơ thể, như lao hạch, viêm amidan, viêm họng cấp và mãn tính, cũng như các vấn đề da như vết loét và ngứa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Huyền sâm.

Tên khác: Đại nguyên sâm, Huyền đài, Hắc sâm, Trục mã, Phức thảo, Huyền vũ tinh, Dã chi ma, Lăng tiêu thảo, Nguyên sâm.

Tên khoa học: Radix Scrophulariae Ningpoensis thuộc họ Mõm chó (Scrophulariaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Huyền sâm là một loài thực vật thân thảo sống lâu năm. Thân cây huyền sâm có hình dạng vuông và có chiều cao khoảng 1.7 - 2.3 mét. Cây có lá mọc đối xứng, với cuống lá dài. Một đặc trưng của lá huyền sâm là màu tím xanh, và phiến lá có hình dạng dài hình trứng với răng cưa ở mép lá.

Cây huyền sâm thường có hoa nở vào mùa hè. Hoa huyền sâm mọc thành chùy tròn, có hình dạng giống môi và có màu tím xám. Quả của cây có hình dạng hình trứng và thường xuất hiện dưới dạng cặp. Bên trong quả chứa nhiều hạt nhỏ có màu đen.

Rễ của cây huyền sâm phát triển mạnh mẽ và có kích thước lớn, thường dài khoảng 10 - 20 cm. Vỏ của rễ có màu vàng nhạt hoặc trắng, nhưng sau khi được chế biến, màu sắc thường chuyển sang màu nâu nhạt. Ruột bên trong rễ mềm dẻo và có màu đen, do đó có tên gọi là huyền sâm.

Huyền sâm 1
Cây huyền sâm trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây huyền sâm hiện nay đã có ở một số khu vực nước ta, trước đây có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Huyền sâm được sản xuất chủ yếu ở tỉnh Tứ Xuyên, nơi được gọi là "Xuyên huyền sâm" hoặc "Thổ huyền sâm". Cây thường được trồng vào đầu mùa hạ và thu hoạch vào mùa thu. Khu vực chính trồng huyền sâm ở Tứ Xuyên bao gồm Đạt Huyện, Ôn Giang, Vạn Huyện và Bồi Lăng. 

Ngoài ra, huyền sâm cũng được sản xuất ở tỉnh Triết Giang, đây được gọi là "Quảng huyền sâm". Cây thường được trồng vào đầu năm và thu hoạch vào cuối năm. Các khu vực chính của trồng huyền sâm ở Triết Giang bao gồm Đông Dương và Tiêu Cư. 

Loại huyền sâm này cũng được sản xuất ở các tỉnh khác như Sơn Đông, Hồ Bắc, Giang Tây, Thiểm Tây, Quý Châu, Cát Lâm và Liêu Ninh. Ngoài việc trồng trọt, cây huyền sâm cũng có thể được khai thác từ cây mọc hoang dại trong các tỉnh này. 

Trồng huyền sâm trong nước ta mới được thực hiện gần đây và có thể trồng ở cả đồng bằng và miền núi với hiệu suất cao và chất lượng tốt.

Rễ huyền sâm được thu hoạch thường vào tháng 10 - 11 hàng năm. Sau khi đào lấy rễ, chúng được rửa sạch và cắt bỏ các rễ con, sau đó được phân loại theo kích thước. Sau đó, có những phương pháp bào chế dược liệu như sau:

  • Phương pháp ủ và phơi khô: Rễ được rửa sạch, ủ cho mềm, sau đó cắt thành lát và phơi khô.
  • Phương pháp chín trên cỏ xác: Rễ được rửa sạch, sau đó lót lên cỏ xác và xếp lên trên. Sau đó, để cho rễ chín và sau đó phơi khô để sử dụng dần.
  • Bào chế thổ huyền sâm: Sau khi thu hoạch, rễ được rửa sạch với nước, sau đó được sấy khô một nửa. Sau đó, đặt dược liệu vào một đống trong khoảng 2 - 3 ngày và phủ kín bằng cỏ rạ, để ruột chuyển thành màu đen. Tiếp theo, dược liệu được sấy khô khoảng 9 phần, đặt vào một chảo và đảo cho đất cát và rễ củ rơi ra hết. Cuối cùng, dược liệu được phân loại và bảo quản để sử dụng dần.
  • Bào chế huyền sâm Triết Giang: Sau khi thu hoạch, rễ được phơi nắng ngay, nên sấy khô một nửa. Sau đó, đặt dược liệu vào một đống trong 2 - 3 ngày, tiếp theo phơi khô trong 40 ngày để dược liệu khô hoàn toàn.

Sau khi được bào chế, dược liệu huyền sâm có hình dạng trụ, dài khoảng 12 - 15 cm, rộng 25 mm. Bề ngoài của nó có màu nâu đất, bên trong có màu đen và có cấu trúc cứng dẻo. Dạng bột của huyền sâm có màu đen nhạt, mang hương vị mặn và ngọt.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng để làm thuốc của cây huyền sâm là rễ.

Cây Huyền sâm: Một dược liệu quý được sử dụng từ lâu đời 1
Vị thuốc Huyền sâm

Thành phần hoá học

Huyền sâm chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng. Dưới đây là một số thành phần chính được tìm thấy trong dược liệu huyền sâm:

  • Oleic acid và Stearic acid;
  • L-Asparagine;
  • Linoleic acid;
  • Harpagide, Ningpoenin và Harpagoside;
  • Asparagine;
  • Aucubin;
  • 6-O-Methylcatalpol.

Các thành phần hóa học này đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sinh học và tác dụng y tế của huyền sâm. Mỗi thành phần có thể có các tác động và lợi ích riêng của nó trong việc hỗ trợ sức khỏe và điều trị bệnh.

Cây Huyền sâm: Một dược liệu quý được sử dụng từ lâu đời 2
Thành phần hoá học có trong Huyền sâm mang lại nhiều tác dụng dược lý khác nhau

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, huyền sâm có vị mặn, đắng, lẫn ngọt, tính hàn hay mát, quy vào kinh Thận, Tỳ Vị và kinh Phế.

Theo Đông y, huyền sâm có công năng giúp dưỡng âm sinh tân, lợi yết hầu, giải độc, tả hoả, nhuận táo chỉ khát, hoạt trường và trừ phiền. Giúp chủ trị các chứng như táo bón, chảy máu cam, nóng trong xương, sưng đau họng, phát ban, đạo hãn, phù thũng, bạch hầu, ban sởi, lao hạch.

Cây Huyền sâm: Một dược liệu quý được sử dụng từ lâu đời 3
Huyền sâm chủ trị các chứng như âm hư sinh đạo hãn (đổ mồ hôi về đêm)

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống oxy hoá và chống viêm

Năm 2020, tác giả Jian'an Wang và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu về tác dụng chống viêm và chống oxy hóa của polysaccharides có trong huyền sâm. Nghiên cứu thực hiện chiết xuất polysaccharides từ huyền sâm theo quy trình chiết xuất có hỗ trợ bằng siêu âm. 

Chiết xuất huyền sâm được đánh giá hiệu quả chống oxy hoá qua tác dụng chống lại các gốc tự do hydroxyl, gốc DPPH và loại bỏ gốc tự do ABTS. Tác dụng chống viêm được kiểm tra trên mô hình chuột với kết quả cho thấy chiết xuất huyền sâm giúp giảm biểu hiệu mRNA và protein của interleukin-6 (IL-6) và yếu tố hoại tử khối u TNF-alpha. Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất polysaccharides của huyền sâm có hoạt động chống viêm và chống oxy hóa tiềm năng, từ đó có thể ứng dụng trong việc sử dụng huyền sâm trên lâm sàng.

Một nghiên cứu khác của tác giả Huo và cộng sự năm 2019 cũng cho thấy hoạt động chống viêm của chiết xuất huyền sâm. Nghiên cứu này cho thấy hai hợp chất mới được phân lập từ huyền sâm và cho thấy chiết xuất huyền sâm có tác dụng chống viêm trong việc ngăn chặn sản xuất nitric oxide trong các tế bào BV2 do lipopolysaccharide gây ra.

Cây Huyền sâm: Một dược liệu quý được sử dụng từ lâu đời 4
Chiết xuất polysaccharides có trong huyền sâm giúp chống lại các gốc tự do giúp chống oxy hoá 

Trong điều trị thiếu máu não cục bộ

Đột quỵ thiếu máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở người trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm các chiến lược điều trị hiệu quả ngày càng thu hút sự chú ý. Quá trình thiếu máu não cục bộ dẫn đến sự dư thừa của các gốc tự do, được cho là nhân tố quan trọng trong quá trình thiếu máu cục bộ. 

Bên cạnh đó, ngày nay các nghiên cứu về chiết xuất polysaccharides được phân lập từ thuốc Y học cổ truyền cho thấy được hiệu quả trong việc chống lại gốc tự do và quá trình stress oxy hóa. Do đó, tác giả Shuwei Ma và cộng sự năm 2019 đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả bảo vệ của chiết xuất polysaccharides từ huyền sâm với tổn thương thiếu máu não cục bộ trên mô hình chuột. Kết quả cho thấy, chiết xuất polysaccharides từ huyền sâm giúp giảm các khiếm khuyết thần kinh, giảm thể tích nhồi máu não ở mô hình chuột thiếu máu não cục bộ.

Tác dụng ức chế tế bào ung thư

Một nghiên cứu của Xiao Shen và cộng sự vào năm 2012 đã cho thấy chiết xuất của huyền sâm có tác dụng gây chết tế bào theo chu trình, ức chế tăng sinh ở các tế bào ung thư và giúp chống viêm. Hiệu quả được xem là thông qua việc ảnh hưởng đến con đường MAPK và ức chế con đường NF-κB của chiết xuất huyền sâm.

Một nghiên cứu khác vào năm 2017 của tác giả Aeyung Kim và cộng sự cũng cho thấy hiệu quả gây ra chết tế bào theo chu trình apoptosis ở các tế bào ung thư ác tính của công thức thảo dược gồm huyền sâm và mạn kinh tử.

Liều dùng & cách dùng

Huyền sâm có thể được dùng dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay ngâm rượu. Liều dùng khuyến cáo có thể từ 10 đến 12 g mỗi ngày, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng và chỉ định của bác sĩ Y học cổ truyền. Ngoài ra, huyền sâm còn được sử dụng dưới dạng thuốc thoa ngoài da trong một số trường hợp.

Cây Huyền sâm: Một dược liệu quý được sử dụng từ lâu đời 5
Huyền sâm được sử dụng phổ biến dưới dạng thuốc sắc theo thang

Bài thuốc kinh nghiệm

Hỗ trợ điều trị bệnh lao

Chuẩn bị: Huyền sâm 480g, Mật ong 480g, Cam tùng 180g.

Thực hiện: Tán bột tất cả các dược liệu, hoà hỗn hợp với mật rồi bỏ vào hũ kín, đem chôn ủ dưới đất trong 10 ngày. Sau đó lấy lên và tiếp tục luyện với mật, ủ kín tiếp trong vòng 5 ngày và lấy ra đốt cháy cho người bệnh ngửi.

Giúp làm sáng mắt

Chuẩn bị: Huyền sâm, Cúc hoa, Câu kỷ tử, Bạch tật lê, Sài hồ, Địa hoàng.

Thực hiện: Đem tất cả các vị thuốc trên sắc uống, mỗi ngày uống 1 thang.

Giúp điều trị suy nhược cơ thể do lao, sốt, ăn uống kém

Chuẩn bị: Huyền sâm 20g, Sơn dược 40g, Kê nội kim 8g, Ngưu bàng tử 12g, Bạch truật 12g.

Thực hiện: Đem thang thuốc sắc với nước uống.

Cây Huyền sâm: Một dược liệu quý được sử dụng từ lâu đời 6
Bài thuốc theo kinh nghiệm có chứa huyền sâm giúp trị suy nhược cơ thể do lao

Giúp trị nhiệt tích ở tam tiêu

Chuẩn bị: Huyền sâm 40g, Hoàng liên 40g, Đại hoàng 40g.

Thực hiện: Lấy tất cả các vị thuốc đem tán thành bột, hoà với mật ong thành viên cỡ bằng hạt ngô đồng. Uống mỗi lần từ 30 - 40 viên.

Điều trị cổ họng sưng

Chuẩn bị: Huyền sâm 40g (nửa sống và nửa sao), Thử niêm tử 40g.

Thực hiện: Tán bột các vị thuốc và đem uống.

Điều trị bạch hầu

Chuẩn bị: Huyền sâm 20g, Mạch môn 12g, Bạch thược 16g, Bối mẫu 8g, Sinh địa 16g, Đơn bì 12g, Cam thảo 4g, Bạc hà 2g.

Thực hiện: Mỗi ngày đem 1 thang thuốc sắc với nước uống.

Điều trị phát ban và cổ họng sưng

Chuẩn bị: Huyền sâm 16g, Cam thảo 8g, Thăng ma 12g.

Thực hiện: Mỗi ngày sắc 1 thang thuốc với nước, sắc 2 lần, mỗi lần còn khoảng 1 chén thuốc, sau đó trộn lại và chia làm 2 lần uống trong ngày.

Lưu ý

Huyền sâm không nên được sử dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Không dùng cho người có tình trạng Tỳ hư, Tỳ vị yếu, tiêu chảy, âm hư kèm tiêu chảy, và âm hư không có nhiệt.
  • Huyền sâm không được kết hợp với Sơn thù, Can khương, Đại táo, Hoàng kỳ và Lê lô.
  • Dược liệu này có thể gây ra một số tác dụng phụ như nôn mửa, tiêu chảy, giảm nhịp tim, chán ăn, buồn nôn, và các tác dụng không mong muốn khác.
  • Tránh sử dụng huyền sâm cùng lúc với thuốc trị tiểu đường, thuốc ức chế beta và thuốc chống loạn nhịp.
Cây Huyền sâm: Một dược liệu quý được sử dụng từ lâu đời 7
Không dùng Huyền sâm trong các trường hợp Tỳ Vị yếu hoặc tiêu chảy 

Để đảm bảo an toàn và tránh các tác dụng phụ khi sử dụng huyền sâm, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học cổ truyền trước khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu này.

Nguồn tham khảo
  1. Polysaccharides of Scrophularia ningpoensis Hemsl.: Extraction, Antioxidant, and Anti-Inflammatory Evaluation: https://www.hindawi.com/journals/ecam/2020/8899762/
  2. Chemical characterization of polysaccharides isolated from scrophularia ningpoensis and its protective effect on the cerebral ischemia/reperfusin injury in rat model: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0141813019326601
  3. Effects of Scrophularia ningpoensis Hemsl. on Inhibition of Proliferation, Apoptosis Induction and NF-κB Signaling of Immortalized and Cancer Cell Lines: https://www.mdpi.com/1424-8247/5/2/189
  4. SRVF, a novel herbal formula including Scrophulariae Radix and Viticis Fructus, disrupts focal adhesion and causes detachment-induced apoptosis in malignant cancer cells: https://www.nature.com/articles/s41598-017-12934-y
  5. Two new compounds from the roots of Scrophularia ningpoensis and their anti-inflammatory activities: https://www.tandfonline.com/doi/10.1080/10286020.2018.1513919