Long Châu

Mạch nha: Vị thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa hiệu quả

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mạch nha là hạt lúa mạch mọc mầm, sau đó sấy khô ở nhiệt độ dưới 60oC. Vị thuốc này có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn có thành phần là tinh bột, dùng bồi bổ cho người ăn uống khó tiêu, không muốn ăn hoặc dùng điều trị các bệnh phù do thiếu vitamin.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Mạch nha.

Tên khác: Mầm mạch, lúa mạch, mầm lúa.

Tên khoa học: Fructus Herdei germinatus.

Đặc điểm tự nhiên

Mạch nha là hạt lúa mạch Hordeum sativum Jess. var. vulgare Hack hoặc một loài Hordeum khác thuộc họ lúa (Poaceae) mọc mầm, rồi sấy khô ở nhiệt độ dưới độ dưới 600C. 

Ở Việt Nam, mạch nha là dùng hạt thóc tẻ Oryza sativa L. var. utilissima nảy mầm rồi phơi khô.

Mạch nha có dạng hình thoi, màu vàng nhạt, trên lưng có mày bao quanh với 5 đường gân và râu dài đã gãy rụng, dài 8 – 12 mm, đường kính 3 – 4 mm. Phần bụng mạch nha có lớp mày hoa bao bọc, bóc bỏ lớp mày hoa này sẽ thấy có một rãnh dọc, phần dưới mọc ra mầm non dài 0,5 cm dài dạng mũi mác, mạch nha có mọc vài sợi rễ nhỏ. Chất cứng, bề mặt gãy màu trắng có tinh bột. Không mùi, vị hơi ngọt.

Phân bố, thu hái, chế biến

Đãi thóc tẻ hay thóc nếp sạch đất cát, ngâm nước cho đủ ẩm trong 2 đến 3 giờ, vớt ra, bỏ vào rá, đậy kín, sau đó ủ kín (có thể dùng mảnh chiếu gói lại hoặc để vào thùng đậy mảnh chiếu lên), thỉnh thoảng tưới nước để giữ ẩm đều, sau khi vài hạt thóc nảy mầm dài độ 0,5cm và thấy xuất hiện một số mầm bắt đầu xanh thì lấy ra phơi nắng cho khô, sảy hết trấu, để nguyên dùng dần hoặc tán nhỏ.

Mạch nha có thể chế biến thành cao mạch nha cần tán bột mạch nha, chiết suất bằng nước ở nhiệt độ 60oC và cô đặc ở nhiệt độ thấp dưới 600C. 

Ngoài ra, mạch nha còn chế biến thành kẹo mạch nha, đem trộn mầm thóc đã phơi khô tán nhỏ vào cơm nếp hoặc cháo gạo nếp (tỷ lệ mầm thóc và gạo nếp thường dùng là: 2/10) ở nhiệt độ 60 – 700C trong vòng 6 – 12 giờ. Sau khi men đã tác dụng, lọc bỏ bã, sau đó cô đặc lại cho tới khi độ ẩm còn 8%, đây là độ ẩm có thể bảo quản tốt nhất. Lưu ý sau khi ủ cần lọc bỏ bã ngay, sau lọc cần cô đặc ngay vì nếu nhiệt độ xuống dưới 60 – 700C kẹo sẽ bị chua.

Mạch nha
Mạch nha

Bộ phận sử dụng

Hạt lúa mạch nảy mầm, rồi sấy khô ở nhiệt độ dưới độ dưới 600C. 

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học của mạch nha bao gồm tinh bột, chất béo, protein, đường mantose, vitamin B, C, lexitin.

Thành phần hóa học của kẹo mạch nha là glucose, sacarose, acid lactic, acid phosphoric, calci, protein.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Mạch nha có vị cam, tính bình, phân bố vào các kinh tỳ, vị dùng trong kiện tỳ tiêu thực, tiêu sưng thông sữa, chủ trị thực tích bụng đầy trướng, ăn kém, tiêu hóa kèm, làm mất sữa vú sưng đau do sữa ứ lại, vú tức đau khi căng sữa. 

Theo y học cổ truyền, kẹo mạch nha có tác dụng bổ trung, ích khí, hỗ trợ dạ dày, nhuận phế và giải độc được chất độc của ô đầu (phụ tử). Ngoài ra, kẹo mạch nha còn dùng chữa những chứng do trung hư dẫn đến đau bụng, phế khô dẫn đến ho, cơ thể suy nhược.

Suy nhược cơ thể
Suy nhược cơ thể

Theo y học hiện đại

Mạch nha chứa các chất có thể hấp thu ngay, và các enzym tiêu hóa, do đó giúp cho quá trình tiêu hóa các thức ăn có tinh bột và sử dụng hiệu quả cho người ăn uống kém tiêu, người không muốn ăn. 

Mạch nha còn chứa các vitamin B, C, do đó còn được sử dụng để chữa các bệnh phù do thiếu vitamin.

Kẹo mạch nha ngoài tính chất bổ vì thành phần là các loại đường được hấp thu trực tiếp, đây còn là một tác nhân nhũ hóa rất mạnh.

Kẹo mạch nha
Kẹo mạch nha

 

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng 12 – 13 g dưới dạng nước pha hay cao mạch nha.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chế biến kẹo dầu cá

Cao mạch nha 900 g, trộn đều với 100 g dầu cá. Mỗi lần dùng 4 - 30 g, ngày 3 lần.

Bài thuốc làm mất sữa

Liều 60 g, dạng thuốc sắc.

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng mạch nha:

Không dùng cho phụ nữ có thai, hoặc đang thời kỳ cho con bú.

Nguồn tham khảo

1) Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi, trang 357-358.

2) https://tracuuduoclieu.vn/mach-nha.html

3) Dược điển Việt Nam 5, trang 1242-1243.