Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Nấm tuyết

Nấm tuyết: Loài nấm có tác dụng dưỡng phế, bồi bổ cơ thể

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Nấm tuyết hay còn gọi là ngân nhĩ, tuyết nhĩ, bạch mộc nhĩ có màu trắng trong, dạng bản mỏng, lượn sóng. Ngân nhĩ có tác dụng trong việc trị chứng khô miệng, ho khan, ho có đờm, táo bón, sau khi ốm dậy bị suy nhượccơ thể, cao huyết áp, xơ cứng động mạch.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Nấm tuyết.

Tên khác: Ngân nhĩ, bạch mộc nhĩ, tuyết nhĩ, nấm ruột gà, ngân nhĩ.

Tên khoa học: Tremella fuciformis Berk. thuộc họ Tremellaceae (Ngân nhĩ).

Đặc điểm tự nhiên

Quả thể có màu trắng sắc trong, dạng bản mỏng có lượn sóng với các thùy mỏng, phân nhánh không theo quy luật. Các thùy lớn có thể đạt tới kích thước với chiều rộng khoảng 3 – 6cm và chiều dọc khoảng 2 – 3cm.

Khi soi sợi nấm dưới kính hiển vi sẽ thấy các vách mỏng có nhiều khóa nằm ở vách ngăn ngang với bề ngang sợi khoảng 2,5 – 3µm. Toàn bộ quả thể nằm ở dạng chất sợi keo. Túi bào tử hay còn gọi là đảm có dạng hình trứng hoặc hình cầu, không màu với kích thước khoảng 10 – 12 x 9,5 – 10,5µm; đường kính khoảng 4 – 6µm.

Mùa xuất hiện quả thể và bào tử không cố định mà rải rác theo mùa.

Nấm tuyết có màu trắng trong, dạng bản mỏng, lượn sóng
Nấm tuyết có màu trắng trong, dạng bản mỏng, lượn sóng

Phân bố, thu hái, chế biến

Trên thế giới thì chi Tremella Pers có tới vài chục loài. Ở Trung Quốc đã biết Có khoảng ba chục loài được biết ở Trung Quốc, theo Chen C. J., 1998 thì ở Đài Loan có tới 26 loài. Còn ở Việt Nam có khoảng bốn loài, loài mộc nhĩ trắng được nói đến ở trên phân bố rải rác ở các vùng Vĩnh Phúc (núi Tam Đảo), Hà Tây cũ (Ba Vì), Nghệ An (Pù Mát), Ninh Bình (Cúc Phương), Thừa Thiên Huế (Bạch Mã). Loài nấm này cũng xuất hiện ở cả các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, và ở một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Mộc nhĩ trắng là loại nấm hoại sinh, mọc trong khu rừng thường xanh ẩm, ở trên gỗ mục ở các loài cây lá rộng. Điều kiện sinh thái lý tưởng giúp loài nấm này sinh trưởng và phát triển tốt đó là môi trường ít ánh sáng trực xạ, ẩm ướt với nhiệt độ không khí dưới 20°C.

Đây cũng là một trong những loài nấm có quần thể nhỏ và hiếm gặp trong tự nhiên. Vì vậy đã có sự đề xuất đưa loài nấm ngân nhĩ này vào danh mục đỏ và sách đỏ của Việt Nam (Đoàn Văn Vệ, 2010).

Bộ phận sử dụng

Thể quả.

Thành phần hoá học

Theo sách “Trung dược đại từ điển” có ghi chép loài nấm tuyết trắng có chứa các nhóm chất thành phần hóa học như sau ergosterol (16,8%), ergosta – 7-en – 3β – ol (28,5%), tremelan I, phosphatidylglycerol, phosphatidylserin phosphatidylinositiol, phosphatidylethanolamin, phosphati – dylcholin, manosidase, N – acetyl – d – hexosaminidasa và các nguyên tố khoáng chất đa, vi lượng khác cần thiết cho cơ thể.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền thì ngân nhĩ có tính bình, vị ngọt có công dụng bổ dưỡng cơ thể, tăng tiết nước bọt, trợ tiêu hóa, dưỡng phế. Vì vậy ngân nhĩ dùng trong trường hợp chữa chứng khô miệng, ho khan, ho có đờm, táo bón, trị suy nhược cơ thể đối với người sau khi ốm dậy. Ngoài ra, ngân nhĩ còn được dùng trong trường hợp đối tượng bị xơ cứng động mạch, huyết áp cao.

Ngân nhĩ có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng phế, bồi bổ cơ thể.
Ngân nhĩ có vị ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng phế, bồi bổ cơ thể

Theo y học hiện đại

Tác dụng kích thích hệ miễn dịch

Theo Wang et al., 1983 đã chứng minh công dụng kích thích hệ miễn dịch của dịch chiết mộc nhĩ trắng đối kháng với sự ức chế miễn dịch do cyclosporin (Ma et al., 1992).

Tác dụng hạ cholesterol huyết

Có nghiên cứu đã chứng minh thành phần chất nhựa trong mộc nhĩ trắng có tác dụng trong việc hạ cholesterol huyết. Chất nhựa nằm trong nấm tuyết giúp liên kết với cholesterol và acid mật nằm trong ruột sau đó theo phân thải trừ ra ngoài. Điều này giúp làm giảm acid mật vào tuần hoàn và tái hấp thu cholesterol[Kee, 1999: 117].

Tác dụng hạ glucose huyết

Glucuronoxylomannan (GM) là một loại polysaccharid acid phân lập từ mộc nhĩ trắng. Người ta thấy rằng việc tiêm GM vào phúc mạc của chuột nhắt trắng bị đái tháo đường do streptozotocin (STZ) có tác dụng hạ glucose huyết.

Tác dụng hỗ trợ chống u

Nghiên cứu của Ukai et al., 1992 đã chỉ ra rằng các đại phân tử polysaccharid của mộc nhĩ trắng cũng có tác dụng chống u trên tế bào sarcoma 180 và mang thuốc trong hệ giải phóng thuốc.

Liều dùng & cách dùng

Mỗi ngày với liều dùng khoảng 3 - 10g dạng sắc lấy nước để uống. Để dễ cho việc dùng ngân nhĩ có thể thêm ít đường rồi uống hoặc xào ngân nhĩ với thịt để ăn.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa suy nhược sau khi ốm

Bài thuốc gồm có các nguyên liệu sau Mộc nhĩ trắng 6g, táo tàu 30g, mộc nhĩ Auricularia auricula 15g, linh chi 6g, thêm vài lát gừng. Nấu chín hỗn hợp nguyên liệu trên với 50 g thịt lợn nạc dùng ăn liềntrong ngày.

Bài thuốc chữa ăn không ngon, bệnh đường tiêu hóa, người mệt mỏi

Bài thuốc gồm có các nguyên liệu sau 10g nấm tuyết, 100g gạo tẻ, 50g đường phèn, 20 quả đại táo. Nấm tuyết sơ chế đem đi rửa sạch, cắt bỏ phần chân nấm, đại táo bỏ phần hạt. Sau đó ngân nhĩ và đại táo ninh với gạo thành cháo, bổ sung thêm đường phèn. Chia hỗn hợp cháo thành vài lần ăn trong ngày.

Bài thuốc chữa xơ vữa động mạch, tăng huyết áp

Bài thuốc gồm có các nguyên liệu sau 10g nấm tuyết kết hợp với 10g mộc nhĩ đen. Tất cả nguyên liệu nấm ngâm với nước ấm, rửa sạch. Sau đó đem nấm chưng cách thủy với đường phèn và nước. chia đều thành 2 phần bằng nhau và ăn hết trong ngày.

Bài thuốc bồi bổ cơ thể, nhuận phế

Bài thuốc gồm có các nguyên liệu sau 25g nấm tuyết với 15g tổ yến và lượng đường phèn đủ dùng tùy theo khẩu vị người ăn. Đem nấm và tổ yến ngâm cho trương nở rồi sau đó cho cách thủy với nước và đường phèn để ăn trong ngày.

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng ngân nhĩ:

  • Đối với các trường hợp người bị vấn đề về tiêu chảy, ho phong hàn, đờm thấp thì hạn chế không nên sử dụng ngân nhĩ.

Nguồn tham khảo