Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Theo tài liệu của Tổ chức y tế thế giới, các dược điển và hệ thống y học cổ truyền dùng quả nha đảm tử điều trị lỵ amip và sốt rét; và theo y học dân gian thì nha đảm tử được dùng làm thuốc đắp trị nhọt, bệnh nấm da, giun tóc, giun đũa, sán dây,…
Tên Tiếng Việt: Cây sầu đâu cứt chuột, Cứt dê, Sầu đâu rừng, Xoan rừng, Khổ sâm nam, Chù mển, Khổ luyện tử, San đực, Hạt khổ, Ích bờ bê (Ba Na), Nha đảm tử.
Tên nước ngoài: Kosan (Anh).
Tên khoa học: Brucea javanica (L.) Merr. thuộc Họ Thanh thất – Simaroubaceae.
Tên đồng nghĩa: Brucea sumatrana Roxb.
Nha đảm tử là cây nhỏ, mọc thành bụi, cao từ 2 – 3 m. Thân cây mềm, lúc non có lông, sau nhẵn và có màu nâu nhạt. Lá nha đảm tử là lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 5 – 11 lá chét mọc đối. Phiến lá chét dài từ 5 – 10 cm, rộng 2 – 4,5 cm. Lá hình trứng, gốc tròn, đầu nhọn, mép có khía răng thô tù. Hai mặt lá có lông mềm, nhất là ở mặt dưới, cuống lá dài và có lông.
Hoa nhỏ, đơn tính, khác gốc, mọc thành chùm xim. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, dài 15 – 25 cm. Lá bắc nhỏ, dễ rụng. Đài hoa có 4 răng, hình mác; tràng hoa có 4 cánh thuôn, có lông tuyến ở đầu, hoa đực có 4 nhị, nhụy tiêu giảm; hoa cái có 4 nhị rất ngắn. Bầu hoa có 4 lá noãn rời, đầu uốn cong, mỗi ô chứa 1 noãn.
Quả hạch, hình bầu dục, khi chín màu đen. Hạt hình trứng dẹt, màu nâu đen, vị rất đắng.
Mùa ra hoa từ tháng 3 đến tháng 8, mùa quả từ tháng 4 đến tháng 9.
Chi Brucea J. F. Mill. có 3 loài ở Việt Nam, trong đó có 2 loài được dùng làm thuốc là xoan rừng (B. javanica (L.) Merr.) và mạy téc (B. mollis Wallich ex Kurz). Nha đảm tử mọc rải rác trong rừng còi, ven rừng, ở độ cao đến 500m. Cây phân bố từ vùng Nam Á, Ấn Độ, Sri Lanka sang phía đông là Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đến Australia.
Tại Việt Nam, cây phân bố rải rác khắp các tỉnh thuộc vùng trung du, núi thấp (dưới 600 m) và cả ở đồng bằng, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Kiên Giang. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất đồi khô cằn cũng như loại đất cát ở các truông gai ven biển. Nha đảm tử thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng, tái sinh tự nhiên tốt từ hạt. Khi cây bị chặt phá, phần còn lại vẫn có khả năng sinh cây chồi.
Bộ phận dùng của cây là quả, thường gọi là Nha đảm tử (Fructus Bruceae), là những quả già được phơi khô, màu đen, vỏ nhăn nheo. Người dân thường thu hái quả chín vào mùa hè đến mùa thu, loại bỏ vỏ và tạp chất phơi hay sấy khô. Khi dùng thì giã nát ép vào giấy bản cho bớt dầu rồi mới chế biến thuốc để uống.
Hạt cây chứa các chất brucein A, B, C, D, E, F, G, H, brusatol, bruceoside A, B, brucamarin, acid brucedic và nhiều dầu béo. Quả nha đảm tử chứa albumin độc, brutoxin, alcaloid (brucamarin), dầu béo (20 – 23%), trong đó có acid oleic, triglycerid, acid béo 26C, acid brucetic, ngoài ra còn có tinh dầu, saponin.
Thành phần chính của tinh dầu từ lá nha đảm tử là các hợp chất: Germacren D, α-amorphen và α-humulen.
Theo đông y, nha đảm tử có vị đắng, tính hàn, hơi có độc, vào kinh đại trường, có tác dụng sát trùng, chặn lỵ, tiêu độc, trừ sốt rét và làm mòn thịt thừa.
Trị lỵ amip, sốt rét, trùng roi, giun đũa, chống ung thư
Các hợp chất quassinoid phân lập từ quả nha đảm tử có tác dụng trị lỵ amip, sốt rét và chống ung thư. Hoạt chất bruceantin có tác dụng kháng amip, chống sốt rét và ung thư; hoạt tính chống sốt rét không chỉ đơn thuần do tác động độc hại tế bào.
Các quassinoid: Bruceolid, bruceantin và bruceantinol có hoạt tính ức chế đối với bệnh bạch cầu lympho và carcinom phổi. Các bruceosid A và B có độc tính gây chết khi cho chuột nhắt trắng cao methanol nha đảm tử. Bruceosid C có hoạt tính độc hại tế bào mạnh chống các dòng tế bào khối u KB, A – 549, RPMI và TE – 671. Các bruceosid D, E và F có hoạt tính độc hại tế bào chọn lọc trong bệnh bạch cầu và một số dòng tế bào ở phổi, ruột kết, hệ thần kinh trung ương, u hắc sắc tố và ung thư buồng trứng. Các quassinoid khác của nha đảm tử có tác dụng độc hại tế bào, có khả năng dùng điều trị ung thư gồm brusatol và các yadanziosid A.
Các tác dụng khác:
Lá nha đảm tử dùng đắp trị lách to, vảy cám (da), bệnh nấm da, nhọt và rết cắn.
Nước sắc lá trị đau bụng, ho và ngộ độc.
Ở Australia, người dân dùng nha đảm tử rừng trị đau răng.
Theo tài liệu của Tổ chức y tế thế giới, nha đảm tử dùng làm thuốc trị giun tóc, giun đũa, sán dây, vẩy cám ở da, rết cắn, trĩ, lách to.
Hạt và dầu hạt trị hột cơm và chai chân tay.
Quả nha đảm tử điều trị bệnh do Trichomonas, hột cơm và mụn cóc.
Cách dùng để trị lỵ amip: Dùng 10 – 15 hạt chia 3 lần trong ngày, dùng liên tục 3 – 4 ngày tới 1 tuần lễ. Lấy long nhãn bao lại, hoặc đặt vào capsule mà nuốt hoặc có thể ép hết dầu, tán bột làm viên, người lớn uống mỗi lần 1g, ngày uống 2 – 3 g.
Cách dùng trị sốt rét: Dùng 3 – 6 g nha đảm tử dưới dạng thuốc sắc hoặc bột, chia làm 3 lần uống sau bữa ăn, trong 4 – 5 ngày.
Cách dùng chữa ghẻ hay trĩ ngoại: Lá nha đảm tử nấu nước tắm hay giã nhỏ dùng ngoài có thể chữa ghẻ hoặc trĩ ngoại.
Cách dùng chữa sốt rét: Rễ nha đảm tử phối hợp với rễ na và lá cây ngâu rừng sắc uống.
Chữa lỵ cấp tính:
Bài thuốc 1: Quả nha đảm tử 20 g, hoàng liên gai 20 g, hạt dưa hấu 20 g, bồ kết 20 g, hạt cau 20 g, đại hoàng 20 g. Đem các dược liệu trên tán thành bột, uống mỗi ngày, chia làm 2 lần.
Bài thuốc 2: Quả nha đảm tử 100 g, hoàng liên gai 100 g, binh lang 100 g, trần bì 100 g, ngô thù 100 g, anh túc xác 20 g. Đem các dược liệu trên tán thành bột, làm viên, mỗi ngày uống 20 g, chia làm 2 lần.
Chữa lỵ mạn tính:
Bài thuốc 1: Quả nha đảm tử, sáp ong, bách thảo sương tán nhỏ làm viên, ngày uống 10 g, chia làm hai lần/ngày.
Bài thuốc 2: Sáp ong 50 g, quả nha đảm tử 100 g, buồng cau rũ (để làm áo). Tán bột thành viên, ngày uống 10 g, chia làm 2 lần/ngày.
Chữa viêm túi mật, viêm đường dẫn mật, sỏi túi mật, sỏi đường dẫn mật:
Quả nha đảm tử 6 g, kim tiền thảo 40 g, nhân trần 40 g, sài hồ 16 g, mã đề 16 g, chi tử 12 g, chỉ xác 8 g, uất kim 8 g, đại hoàng 4 g. Sắc uống ngày một thang.
Nha đảm tử có độc, nếu uống quá liều có thể gây đau bụng, nôn mửa, chán ăn, người mệt. Không dùng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, người suy nhược toàn thân, tỳ vị hư hàn không nên dùng.
Nếu muốn giảm độc tính thì khi dùng nhân hạt phải giã nát, ép vào giấy bản để loại bỏ dầu rồi mới uống, khỏi bị nôn.