Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Thành phần khác/
  3. Paraffin

Paraffin: Thành phần giúp giữ ẩm, làm mềm da

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, paraffin được ứng dụng khá rộng rãi trong đời sống. Đây là chất được dùng phổ biến trong điều trị vật lý trị liệu, chữa táo bón. Ngoài ra, paraffin còn được dùng trong làm đẹp với tác dụng giữ ẩm, làm mềm da.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Paraffin là gì?

Paraffin (còn được gọi là parafin oil hay parafin), được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1828, chiết xuất từ dầu hỏa, thuộc nhóm các hydrocacbon dạng ankan.

Paraffin: Thành phần giúp giữ ẩm, làm mềm da1
Hiện nay, paraffin được ứng dụng khá rộng rãi trong đời sống

Parafin được tìm thấy chủ yếu trong dạng chất rắn dạng sáp màu trắng, không mùi, không vị, với điểm nóng chảy thông thường nằm trong khoảng 47 - 65 °C. Nó không hòa tan trong nước, nhưng hòa tan trong ête, benzen và một số este.

Parafin không bị thay đổi dưới tác động của nhiều thuốc thử hóa học phổ biến, nhưng rất dễ cháy.

Điều chế sản xuất paraffin

Sáp parafin có 2 loại phổ biến là sáp parafin được sản xuất từ dầu thô và sáp tổng hợp từ khí tự nhiên, khí hóa than và khí sinh học gọi là sáp parafin nhân tạo.

Paraffin là gì? Công dụng của paraffin trong đời sống.2
Mô hình sản xuất sáp parafin từ dầu thô

Cơ chế hoạt động của paraffin

Parafin có nhiệt dung cao, độ nóng chảy 55 - 60 độ C, nhiệt độ của khối paraffin nóng giảm rất chậm nên có thể truyền nhiệt cho cơ thể một lượng nhiệt lớn trong thời gian tương đối dài.

Nhiệt do parafin cung cấp là nhiệt ẩm, tức là khi ép miếng parafin nóng tiếp xúc với da sẽ kích thích tăng tiết mồ hôi, nhưng mồ hôi này vẫn còn đọng lại làm cho da luôn ẩm, mềm mại và tăng tính đàn hồi (các phương pháp nhiệt khác gây bốc hơi mồ hôi làm cho da khô và giòn).

Công dụng

Hiện tại, paraffin được sử dụng với nhiều mục đích đa dạng. Cùng điểm qua những công dụng nổi trội của nó:

  • Sản xuất, chế tạo các loại nến khác nhau.

  • Tạo một lớp phủ cho những loại giấy, vải sáp chuyên dụng với những đặc điểm riêng.

  • Tạo lớp phủ trên bề mặt của một số loại pho mát cứng. Nổi bật nhất trong số đó có thể kể tới pho mát Edam.

  • Tạo các mẫu trong nghiên cứu thuộc lĩnh vực mô học – sinh học.

  • Parafin cũng được biết đến là một chất đẩy rắn. Chúng được sử cho những loại tên lửa lai ghép.

  • Dùng để gắn xi cho các loại bình, lọ, chai với kích thước khác nhau.

  • Trong da liễu học, nó được dùng làm chất giữ ẩm, làm mềm.

  • Với các loại ván lướt sóng, parafin được dùng như một thành phần chuyên dùng, dành riêng.

  • Thành phần chủ yếu trong các loại sáp trượt.

  • Là một chất phụ gia thực phẩm.

  • Sử dụng như một chất làm bóng trên bề mặt thực phẩm.

  • Dùng trong pháp y nhằm phát hiện các hạt thuốc súng còn lại trong tay của người bắn sau khi sử dụng súng.

Liều dùng & cách dùng

Paraffin có ở nhiều dạng khác nhau như sáp, kem thoa da, lotion, dạng lỏng như thuốc uống hoặc dùng thụt tháo phân điều trị táo bón.

Paraffin là gì? Công dụng của paraffin trong đời sống.2
Ứng dụng của sáp Parafin hiện nay

Với sáp paraffin, cách sử dụng như sau:

  • Đắp paraffin: Đổ paraffin nóng chảy vào khay men dày khoảng 3cm, để cho nguội tự nhiên đến khi miếng paraffin đông mềm đều bên trong không còn lỏng, lúc này nhiệt độ miếng paraffin khoảng 43-45 °C nếu dùng không hết thì ủ trong chăn hay trong tủ nhiệt để điều trị sau. Khi dùng thì tách miếng paraffin trong khay ra đắp trực tiếp lên da vùng cần điều trị, lót một lớp nilon bên ngoài rồi phủ chăn ra ngoài để giữ nhiệt. Thời gian đắp mỗi lần 20 phút.

  • Nhúng paraffin: Thường dùng cho vùng như ngón tay, bàn tay, ngón chân, bàn chân nơi khó có thể đắp miếng paraffin. Đổ paraffin nóng chảy vào ca hoặc chậu, lần đầu nhúng nhanh bộ phận cần điều trị vào rồi rút ra ngay, khi đó một lớp paraffin mỏng bám vào da sẽ đông kết ngay và không gây bỏng, tiếp tục nhúng 3-4 lần nữa để lớp paraffin phủ ngoài dày lên như một khối, sau đó dùng khăn ủ khoảng từ 20-30 phút.

Với dạng kem, lotion, bạn thoa lên vùng da cần chăm sóc, sau đó xoa nhẹ nhàng ra xung quanh.

  • Điều trị triệu chứng táo bón ở người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên: Uống parafin lỏng 15-30ml một lần mỗi ngày, uống xa bữa ăn. Nếu uống vào buổi chiều, không nên đi ngủ trong vòng 2 giờ sau khi uống. Không nên dùng kéo dài quá 1 tuần. Nếu không có kết quả, không được vượt quá liều tối đa khuyến cáo.
  • Trẻ em từ 6-11 tuổi: 5-15ml một lần mỗi ngày hoặc chia từng liều nhỏ tối thiểu 5ml mỗi lần.

Parafin lỏng còn được dùng trong thành phần của một số các chế phẩm có chứa các thuốc nhuận tràng khác như cascara, magnesi hydroxyd.

Thụt tháo phân: Dùng liều 120ml cho người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên trong những trường hợp thật cần thiết.

Trẻ em 2-11 tuổi: Dùng liều 30-60ml.

Ứng dụng

Đối với sức khỏe – y tế

Sáp Parafin ứng dụng trong điều trị vật lý trị liệu

Sử dụng Parafin trong điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng trong điều trị thoái hóa khớp, cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa là phương pháp hiệu quả nhằm giảm các cơn đau, duy trì chức năng khớp, hạn chế hoặc làm chậm quá trình tổn thương khớp.

Trên thực tế, sáp paraffin được ứng dụng trong các trường hợp giảm đau, giảm co thắt cơ trong các chứng đau mãn tính như: Đau cột sống thắt lưng, đau vai gáy do thoái hoá, thoát vị đĩa đệm cột sống (thắt lưng, cổ), hội chứng vai tay, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, viêm quanh khớp vai, đau khớp (viêm khớp, thoái hoá khớp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp); cứng khớp do thoái hoá hoặc cơ khớp không còn linh hoạt…

Cụ thể, sáp paraffin được đun chảy, sau đó đổ ra khay một lớp có độ dày vừa phải. Khi lớp paraffin này bắt đầu đông mềm đều với nhiệt độ từ 43 – 500 độ C, lấy một lượng vừa đủ đắp trực tiếp lên vùng da cần điều trị. Ủ khăn để giữ ấm cho quá trình truyền nhiệt trong khoảng 15 – 20 phút.

Tuy nhiên, trong giai đoạn thao tác bạn cần chú ý, nếu nhiệt độ paraffin còn cao, khi đắp paraffin chảy lỏng có thể gây bỏng cho bệnh nhân hoặc trên bề mặt miếng paraffin có nước sẽ gây bỏng ở vị trí giọt nước. Đặc biệt chú ý khi điều trị vào vùng da bị giảm hoặc mất cảm giác hoặc vùng sẹo còn non dễ bị bỏng.

Paraffin lỏng có tác dụng làm trơn, nhuận tràng, mềm phân chống táo bón

Táo bón là vấn đề thường gặp. Mặc dù táo bón không phải là một bệnh lý gây tử vong nhưng nhiều phiền phức, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Paraffin là gì? Công dụng của paraffin trong đời sống.2
Paraffin dạng lỏng dùng trong điều trị chứng táo bón

Để giảm triệu chứng táo bón bạn cần bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất xơ (rau xanh, hoa quả tươi, cùng các loại hạt nguyên xơ, ngũ cốc, khoai lang. Duy trì thói quen uống đủ nước 2 – 2.5 lít sẽ giúp làm mềm phân, giảm ma sát giữa niêm mạc ống tiêu hóa với khối phân, khiến phân đẩy ra dễ dàng hơn.

Ngoài ra, để quá trình điều trị táo bón diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, người ta còn tìm thấy, paraffin lỏng có thể được dùng dưới dạng thuốc uống hoặc dùng để thụt tháo phân.

Đối với ngành làm đẹp

Người ta còn tìm thấy, protein và các loại vitamin có trong paraffin (dạng lỏng) cung cấp độ ẩm cho làn da giúp làn da săn chắc, trẻ hóa, mượt mà. Đồng thời, hợp chất được dùng làm tá dược cho thuốc mỡ điều trị các trường hợp da khô, bệnh vảy cá hoặc tăng sừng hóa.

Trong thời gian gần đây, những sản phẩm gia công như son môi, các dòng mỹ phẩm dưỡng da, kem chống nắng trang điểm,… từ thành phần paraffin cũng được khách hàng ưu ái và chọn lựa.

Ngoài ra, người ta còn sử dụng phương pháp paraffin wax. Với liệu pháp này sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của các tế bào. Một số chất khoáng được tìm thấy trong paraffin, chúng tăng cường hỗ trợ thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, làm giảm sưng cứng bắp chân (dân gian hay gọi đau cơ bắp đùi) đem lại bắp chân thon gọn.

Paraffin là gì? Công dụng của paraffin trong đời sống.5
Parafin trong ứng dụng làm đẹp

Đối với ngành thực phẩm

Trong ngành thực phẩm, người ta sử dụng hợp chất parafin để điều chế các chất phụ gia tạo bóng. Ngoài ra, Parafin còn được dùng để làm giấy, vải sáp, gắn xi cho chai lọ, ván trượt. Nó cũng được ứng dụng trong ngành pháp y để phát hiện thuốc súng.

Lưu ý

Khi sử dụng sáp paraffin để điều trị cần được sự chỉ định của bác sĩ. Bạn giữ paraffin luôn sạch sẽ và định kỳ lọc, đun sôi để tránh nhiễm khuẩn và chất bẩn gây dị ứng khi sử dụng. Lưu ý, paraffin là chất dễ cháy nên khi đun paraffin cần chú ý không được để paraffin tràn ra ngoài. Để tránh cháy, hỏa hoạn cần đun paraffin cách thủy và chú ý không để tràn paraffin ra khỏi nồi.

Parafin có thể gây ra các tình trạng nghiêm trọng (tác dụng phụ) bao gồm ngứa, nổi ban, mẩn đỏ, nóng da, đau hay viêm da và có thể ảnh hưởng tới thị giác người dùng.

Bên cạnh đó, dùng liên tục paraffin lỏng với lượng quá liều có thể gây chán ăn, và làm giảm sự hấp thu các vitamin tan trong mỡ (A, D, E, K) và một vài chất khác.

Theo những nghiên cứu gần đây, parafin khi đến một liều lượng nhất định có thể làm giảm khả năng hấp thu oxy của các tế bào. Nó có thể gây ra kích ứng và lão hóa sớm ở nhiều người.

Ngoài ra, khi bị hấp thụ vào cơ thể, chất này có thể gây ung thư, làm suy yếu các chức năng gan và gây suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sinh sản của người dùng.

  • Da bị nhiễm trùng, vết thương hở;

  • Các bệnh tuần hoàn ngoại biên;

  • Bệnh ngoài da, mất cảm giác;

  • Bệnh nhân già yếu, suy nhược, không chịu được nhiệt nóng.

Do vậy, việc sử dụng Parafin cần được điều tiết hợp lý hoặc có sự chỉ định, tư vấn của các bác sĩ.

Nguồn tham khảo

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/viec-u-nong-sap-paraffin-co-nguy-hiem-hay-gay-bong-da-khong/

http://benhvienydctdongnai.vn/Pages/DisplayFullDetail.aspx?tabid=11&infoid=54

http://www.thedermreview.com/liquid-paraffin/