Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Pentagastrin

Pentagastrin - Kích thích sự tiết axit dạ dày

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Pentagastrin

Loại thuốc

Thuốc hỗ trợ chẩn đoán

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch tiêm 250 mcg/ ml; lọ 1,1 ml, 5 ml

Chỉ định

Pentagastrin được chỉ định như một chất hỗ trợ chẩn đoán để đánh giá chức năng tiết acid dạ dày.

Kiểm tra tình trạng thiếu acid dịch vị (thiếu acid hydrochloric) ở những bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh thiếu máu ác tính, viêm teo dạ dày hoặc ung thư biểu mô dạ dày.

Xác định sự giảm sản xuất acid sau khi phẫu thuật loét dạ dày tá tràng, chẳng hạn như cắt bỏ thần kinh phế vị hoặc cắt bỏ dạ dày.

Hỗ trợ chẩn đoán trong xét nghiệm tăng tiết dịch vị ở những bệnh nhân nghi ngờ loét tá tràng hoặc sau phẫu thuật điều trị loét dạ dày và để chẩn đoán khối u trong hội chứng Zollinger – Ellison.

Dược lực học

Pentagastrin là một pentapeptid tổng hợp không có hoạt tính khi sử dụng đường uống tuy nhiên khi dùng đường tiêm, nó cho tác động như gastrin tự nhiên trong cơ thể người.

Cơ chế Pentagastrin kích thích tiết acid dạ dày, pepsin và yếu tố nội tại vẫn chưa được biết rõ; tuy nhiên, vì Pentagastrin là một chất tương tự của gastrin tự nhiên, người ta tin rằng nó kích thích các tế bào oxyntic của dạ dày tiết ra với công suất tối đa.

Pentagastrin kích thích tuyến tụy bài tiết, đặc biệt khi tiêm bắp với liều lượng lớn. Pentagastrin cũng làm tăng nhu động đường tiêu hóa do tác động trực tiếp lên cơ trơn đường ruột. Tuy nhiên, nó làm trì hoãn thời gian làm rỗng dạ dày có thể là do kích thích các cơn co thắt ở đoạn cuối của hang môn vị-dẫn đến làm tăng sự co bóp đẩy ngược trở lại dạ dày.

Ngoài ra, Pentagastrin còn làm tăng lưu lượng máu ở niêm mạc dạ dày, ức chế hấp thu nước và điện giải từ hồi tràng, đồng thời thúc đẩy bài tiết natri và clorua qua đường niệu. Pentagastrin gây co cơ trơn của cơ thắt thực quản dưới khi tiêm tĩnh mạch. Pentagastrin tạo ra sự gia tăng nhu động của ruột kết và trực tràng.

Pentagastrin kích thích bài tiết các enzym tuyến tụy nên được sử dụng như một chất hỗ trợ trong các xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến tụy. Pentagastrin cũng đã được thử sử dụng trong chẩn đoán ung thư biểu mô của tuyến giáp.

Động lực học

Hấp thu

Pentagastrin được hấp thu nhanh chóng sau khi tiêm. Thời gian để thuốc khởi phát tác dụng là sau 10 phút. Pentagastrin đạt được hiệu quả tác động tối đa 20 – 30 phút sau khi tiêm và tác động của nó kéo dài trong khoảng 60 – 80 phút.

Phân bố

Sau khi đưa vào cơ thể, Pentagastrin lưu hành trong máu và có thể tác động đến nhiều cơ quan khác nhau: Dạ dày tim, não, tuyến tụy, hệ gan-mật, …

Chuyển hóa

Chủ yếu tại gan.

Thải trừ

Thời gian bán rã của thuốc là dưới 10 phút.

Tương tác thuốc

Tương tác Pentagastrin với các thuốc khác

Thuốc kháng acid, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng thụ thể histamine H2 hoặc Omeprazole có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của Pentagastrin. Do đó cần tránh dùng chung các nhóm thuốc này.

Chống chỉ định

Pentagastrin chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Phụ nữ có thai
  • Người mắc bệnh mạch vành
  • Bệnh nhân bị hen suyễn nặng
  • Người có tiền sử gần đây bị chảy máu đường tiêu hóa
  • Bệnh nhân dị ứng với các thành phần của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Liều truyền tĩnh mạch dao động từ 0,1 đến 12 mcg (0,0001 đến 0,012 mg) cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi giờ.

Pentagastrin cũng có thể được sử dụng ở dạng tiêm dưới da để nghiên cứu chức năng dạ dày với liều 6 mcg (0,006 mg) cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Cách dùng

Pentagastrin dùng tiêm dưới da hoặc truyền tĩnh mạch. Dung dịch tiêm Pentagastrin cần được pha loãng với dung dịch natri clorid 0,9% trước khi truyền.

Tác dụng phụ

Hiếm gặp

Phản ứng quá mẫn.

Không xác định tần suất

Buồn nôn, đau bụng, đỏ bừng da, nhịp tim nhanh hoặc chậm, hạ huyết áp, nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt và thay đổi cảm giác ở các chi.

Một số báo cáo còn cho thấy Pentagastrin có thể gây ra tình trạng lo âu, bồn chồn và các cơn hoảng loạn.

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Các tình trạng bệnh lý như loét dạ dày tá tràng cấp tính, tắc nghẽn, vết loét sâu hoặc chảy máu có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của Pentagastrin.
  • Pentagastrin nên được sử dụng thận trọng cho bệnh nhân loét dạ dày - tá tràng cấp tính hoặc có các bệnh lý về tụy, gan, đường mật đang hoạt động.

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

  • Không có hướng dẫn cho phép sử dụng ở phụ nữ đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

  • Chưa có báo cáo.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Theo các dữ liệu hiện tại, độc tính của Pentagastrin có thể xuất hiện ở liều tiêm dưới da từ 5µg/kg trở lên (TDLO).

Cách xử lý khi quá liều Pentagastrin

Nếu bị quá liều và có những biểu hiện nghiêm trọng cần liên hệ hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Nếu trường hợp hít phải Pentagastrin, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến nơi không khí sạch, nếu ngưng thở, phải hô hấp nhân tạo đồng thời kêu gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Nếu trường hợp Pentagastrin gây ra phản ứng ở da sau tiếp xúc, nhanh chóng rửa bằng xa phòng và dưới vòi nước chảy ít nhất 15 phút. Tháo bỏ quần áo có chứa thuốc và liên hệ hỗ trợ y tế.

Nếu trường Pentagastrin gây ra phản ứng ở mắt: Rửa kỹ bằng nước muối sinh lý ít nhất 15 phút, khám chuyên khoa mắt ngay khi có thể.

Nếu trường hợp Pentagastrin gây ra phản ứng ở đường tiêu hóa: Súc miệng ngay, không cố gắng kích thích nôn. Liên hệ hỗ trợ y tế ngay khi có thể.

Quên liều và xử trí

Pentagastrin chỉ dùng dưới sự giám sát của nhân viên y tế để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán nên bạn không có khả năng quên liều khi sử dụng thuốc này. Nếu nghi ngờ có sự nhầm lẫn về liều lượng khi sử dụng thuốc, hãy báo ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.

Nguồn tham khảo