Long Châu

Lo âu là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn lo âu là một tình trạng sức khỏe tâm thần. Sự lo lắng quá mức khiến bệnh nhân khó có thể sinh hoạt và làm việc bình thường. Các triệu chứng bao gồm cảm giác lo lắng, hoảng sợ và sợ hãi kèm theo đổ mồ hôi và tim đập nhanh. Điều trị chủ yếu bằng thuốc và liệu pháp hành vi nhận thức, thường cho kết quả tốt nhất khi kết hợp với nhau.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Lo âu là gì? 

Lo âu là một phần bình thường của cuộc sống. Tuy nhiên, những người bị rối loạn lo âu thường xuyên lo lắng và sợ hãi dữ dội, quá mức và dai dẳng hàng ngày. Thông thường, rối loạn lo âu gây ra các đợt lặp đi lặp lại cảm giác lo lắng dữ dội và sợ hãi hoặc kinh hoàng đột ngột lên đến đỉnh điểm trong vòng vài phút (cơn hoảng loạn).

Những cảm giác lo lắng và hoảng sợ này cản trở các hoạt động hàng ngày, khó kiểm soát, không tương xứng với mức độ nguy hiểm thực tế và có thể kéo dài. Các triệu chứng có thể bắt đầu trong thời thơ ấu hoặc những năm thiếu niên và tiếp tục đến tuổi trưởng thành.

Rối loạn lo âu bao gồm rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh xã hội), ám ảnh sợ hãi cụ thể và rối loạn lo âu phân ly. Bệnh nhân có thể mắc nhiều chứng rối loạn lo âu cùng lúc. Đôi khi lo lắng là hậu quả của một tình trạng bệnh lý cần điều trị.

Dù đang mắc phải dạng lo lắng nào cũng cần điều trị để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lo âu

Các dấu hiệu và triệu chứng lo âu phổ biến bao gồm:

  • Cảm thấy lo lắng, bồn chồn hoặc căng thẳng;

  • Có cảm giác nguy hiểm sắp xảy ra, hoảng sợ;

  • Tăng nhịp tim;

  • Thở nhanh (tăng thông khí);

  • Đổ mồ hôi;

  • Run;

  • Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi;

  • Khó tập trung hoặc suy nghĩ về bất cứ điều gì khác ngoài nỗi lo hiện tại;

  • Khó ngủ, mất ngủ;

  • Gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa (GI);

  • Gặp khó khăn trong việc kiểm soát lo lắng;

  • Có mong muốn tránh những thứ gây ra lo lắng.

Một số loại rối loạn lo âu có thể gặp:

Agoraphobia (ám ảnh sợ khoảng trống): Rối loạn lo âu gây sợ hãi và khiến bệnh nhân trốn tránh khỏi những nơi có không gian mở rộng hoặc các đám đông, phương tiện công cộng.

Rối loạn lo âu do một tình trạng bệnh lý bao gồm các triệu chứng lo lắng hoặc hoảng sợ dữ dội do một vấn đề sức khỏe thể chất trực tiếp gây ra.

Rối loạn lo âu tổng quát bao gồm lo âu kéo dài và quá mức, lo lắng về các hoạt động hoặc sự kiện - ngay cả những vấn đề bình thường. Sự lo lắng không phù hợp với hoàn cảnh thực tế, khó kiểm soát và ảnh hưởng đến cảm giác thể chất. Nó thường xảy ra cùng với các rối loạn lo âu hoặc trầm cảm khác.

Rối loạn hoảng sợ bao gồm các giai đoạn lặp đi lặp lại của cảm giác lo lắng dữ dội và sợ hãi hoặc kinh hoàng lên đến đỉnh điểm trong vòng vài phút (cơn hoảng loạn). Bệnh nhân có cảm giác sắp chết, khó thở, đau ngực hoặc tim đập nhanh. Những cơn hoảng sợ này có thể dẫn đến việc lo lắng về việc sẽ xảy ra lần nữa hoặc tránh những tình huống đã xảy ra.

Chứng im lặng có chọn lọc là tình trạng trẻ em thường xuyên không nói được trong một số tình huống nhất định, như ở trường học, ngay cả khi chúng có thể nói trong hoàn cảnh khác, như ở nhà với người thân trong gia đình. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động ở trường học, công việc và xã hội.

Rối loạn lo lắng vì xa cách là một chứng rối loạn thời thơ ấu, đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức đối với sự phát triển của trẻ và liên quan đến việc tách biệt khỏi cha mẹ hoặc những người có vai trò làm cha mẹ.

Rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh sợ xã hội) liên quan đến mức độ lo lắng, sợ hãi và né tránh các tình huống xã hội do cảm giác xấu hổ, tự ý thức và lo lắng về việc bị người khác đánh giá hoặc nhìn nhận tiêu cực.

Ám sợ chuyên biệt đặc trưng bởi sự lo lắng nghiêm trọng khi tiếp xúc với một đối tượng hoặc tình huống cụ thể và muốn tránh nó. Chứng ám ảnh gây ra các cuộc tấn công do hoảng sợ ở một số người.

Rối loạn lo âu do chất gây nghiện gây các triệu chứng lo lắng hoặc hoảng sợ dữ dội là kết quả trực tiếp của việc lạm dụng ma túy, dùng thuốc, tiếp xúc với một chất độc hại hoặc cai nghiện ma túy.

Rối loạn lo âu khác và rối loạn lo âu không xác định là các thuật ngữ chỉ chứng lo âu hoặc ám ảnh không đáp ứng các tiêu chí chính xác cho bất kỳ rối loạn lo âu nào khác nhưng gây đau khổ và phiền muộn đáng kể.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh lo âu 

Rối loạn lo âu không chỉ làm bệnh nhân lo lắng mà cũng có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng hơn các tình trạng tinh thần và thể chất khác, chẳng hạn như:

  • Trầm cảm (thường xảy ra với rối loạn lo âu) hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác;

  • Lạm dụng thuốc;

  • Khó ngủ (mất ngủ);

  • Các vấn đề về tiêu hóa;

  • Nhức đầu và đau mãn tính;

  • Cách ly xã hội;

  • Sự cố hoạt động ở trường học hoặc cơ quan;

  • Chất lượng cuộc sống kém;

  • Tự tử.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến lo âu

Nguyên nhân của rối loạn lo âu vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn. Những trải nghiệm trong cuộc sống như các biến cố đau buồn có thể kích hoạt chứng rối loạn lo âu ở những người vốn dễ bị lo âu. Các đặc điểm di truyền cũng có thể là một yếu tố.

Đối với một số người, lo lắng có thể liên quan đến một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Trong một số trường hợp, các dấu hiệu và triệu chứng lo lắng là những dấu hiệu đầu tiên của một bệnh lý. Nếu bác sĩ nghi ngờ sự lo lắng của bệnh nhân do bệnh lý, có thể yêu cầu xét nghiệm để tìm dấu hiệu của vấn đề.

Các bệnh lý có thể gây lo âu bao gồm:

  • Bệnh tim.

  • Bệnh tiểu đường.

  • Các vấn đề về tuyến giáp, chẳng hạn như cường giáp.

  • Rối loạn hô hấp, như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và hen suyễn.

  • Lạm dụng hoặc cai nghiện ma túy.

  • Cai rượu, thuốc chống lo âu (benzodiazepines) hoặc các loại thuốc khác.

  • Đau mãn tính hoặc hội chứng ruột kích thích.

  • Các khối u hiếm gặp tạo ra hormone catecholamine (adrenaline và non-adrenaline).

Đôi khi lo âu là tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Tình trạng rối loạn lo âu có thể do bệnh lý tiềm ẩn nếu bệnh nhân:

  • Không có bất kỳ người thân cùng huyết thống nào (như cha mẹ hoặc anh chị em ruột) mắc chứng rối loạn lo âu.

  • Không bị rối loạn lo âu khi còn nhỏ.

  • Không tránh những điều hoặc tình huống nhất định vì lo lắng.

  • Đột ngột xuất hiện cảm giác lo âu dường như không liên quan đến các biến cố trong cuộc sống và bệnh nhân không có tiền sử lo âu trước đây.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải lo âu?

Mọi đối tượng, bất kể giới tính hoặc tuổi tác, chủng tộc đều có nguy cơ bị rối loạn lo âu kéo dài.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lo âu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lo âu, bao gồm:

  • Tổn thương: Trẻ em từng bị lạm dụng, chấn thương hoặc tổn thương tâm lý có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn lo âu vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Người lớn trải qua một sự kiện đau buồn cũng có thể mắc chứng rối loạn lo âu.
  • Căng thẳng do bệnh tật: Tình trạng sức khỏe xấu hoặc mắc bệnh nghiêm trọng có thể gây ra lo lắng đáng kể về các vấn đề như điều trị và tương lai.
  • Căng thẳng tích tụ: Một biến cố lớn hoặc tích tụ của các tình huống căng thẳng nhỏ hơn trong cuộc sống có thể gây ra lo lắng quá mức, ví dụ: Thành viên trong gia đình qua đời, căng thẳng công việc hoặc lo lắng liên tục về tài chính.
  • Tính cách: Những người có một số loại tính cách dễ bị rối loạn lo âu hơn những người khác.
  • Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác: Những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần khác, như trầm cảm, thường cũng bị rối loạn lo âu.
  • Tiền sử gia đình: Rối loạn lo âu có thể xảy ra trong gia đình.
  • Ma túy hoặc rượu: Sử dụng ma túy hoặc rượu, lạm dụng hoặc cai nghiện có thể gây ra, làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lo âu

Đánh giá tâm lý bệnh nhân

Bác sĩ thảo luận với bệnh nhân về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi để giúp xác định chẩn đoán và kiểm tra các biến chứng liên quan. Rối loạn lo âu thường xảy ra cùng với các vấn đề sức khỏe tâm thần khác chẳng hạn như trầm cảm hoặc lạm dụng chất gây nghiện có thể khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn.

So sánh các triệu chứng với các tiêu chí trong DSM-5 (Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần), để chẩn đoán chứng rối loạn lo âu.

Tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn lo âu cũng giúp chẩn đoán vì một số bệnh nhân di truyền khuynh hướng mắc chứng rối loạn lo âu giống như người thân của họ cũng như tính nhạy cảm chung với các chứng rối loạn lo âu khác. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể mắc phải các rối loạn giống như người thân của họ thông qua các hành vi đã học được.

Phương pháp điều trị lo âu hiệu quả

Hai phương pháp điều trị rối loạn lo âu chính là trị liệu tâm lý và dùng thuốc. Trong quá trình điều trị, nên kết hợp hai phương pháp này để đạt hiệu quả tối đa. Có thể cần điều trị thử vài lần để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bệnh nhân.

Trị liệu tâm lý 

Còn được gọi là liệu pháp trò chuyện hoặc tư vấn tâm lý để giảm các triệu chứng lo lắng. 

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là hình thức trị liệu hiệu quả nhất cho chứng rối loạn lo âu. Nói chung là một phương pháp điều trị ngắn hạn, CBT tập trung vào việc dạy bệnh nhân các kỹ năng để cải thiện các triệu chứng và dần dần quay trở lại các hoạt động bệnh nhân đã tránh vì lo lắng.

CBT bao gồm liệu pháp tiếp xúc, trong đó bệnh nhân dần dần gặp phải đối tượng hoặc tình huống gây ra sự lo lắng để xây dựng niềm tin rằng có thể quản lý tình huống và các triệu chứng lo lắng.

Thuốc 

Một số loại thuốc được sử dụng để giúp giảm các triệu chứng, tùy thuộc vào loại rối loạn lo âu mắc phải và các vấn đề sức khỏe thể chất hoặc tâm thần khác đi kèm. 

Một số loại thuốc chống trầm cảm cũng được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lo âu.

Thuốc chống lo âu buspirone cũng có thể được kê đơn.

Trong một số trường hợp hạn chế, bác sĩ có thể kê các loại thuốc khác, như thuốc an thần benzodiazepine hoặc thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin - SSRI. Những loại thuốc này chỉ để giảm các triệu chứng lo âu trong thời gian ngắn và không được dùng lâu dài.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lo âu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Tiếp tục vận động và tập thể dục: Xây dựng một thói quen hoạt động thể chất hầu hết các ngày trong tuần. Tập thể dục là một cách giảm căng thẳng mạnh mẽ. Nó có thể cải thiện tâm trạng và giúp khỏe mạnh. Bắt đầu từ từ và tăng dần số lượng cũng như cường độ hoạt động.

  • Tránh rượu và thuốc kích thích vì những chất này có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng. Nếu không thể tự bỏ thuốc lá, cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

  • Bỏ thuốc lá và cắt giảm hoặc bỏ uống đồ uống có chứa caffeine: Cả nicotine và caffeine đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng.

  • Sử dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng và thư giãn như kỹ thuật hình dung, thiền và yoga.

  • Ưu tiên giấc ngủ, đảm bảo ngủ đủ giấc để cảm thấy được nghỉ ngơi. Nếu không ngủ ngon, hãy đến gặp bác sĩ.

  • Ăn uống lành mạnh, tập trung vào rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và cá có thể giúp giảm lo lắng, nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm.

  • Không tự ý sử dụng thuốc hoặc dược liệu có tác dụng an thần mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, xây dựng chế độ ăn hợp lý (có thể tham khảo ý kiến chuyên gia nếu cần).

  • Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, thịt cá, ngũ cốc.

  • Hạn chế dùng thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ, dễ gây dị ứng, thuốc lá, nước ngọt, rượu bia… 

Phương pháp phòng ngừa lo âu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thăm khám ngay khi có những triệu chứng rối loạn lo âu để nhận được sự trợ giúp và điều trị sớm. Lo âu, giống như nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần khác, có thể khó điều trị hơn nếu trì hoãn điều trị.

  • Tham gia vào các hoạt động yêu thích vì điều đó khiến bệnh nhân cảm thấy hài lòng về bản thân. Tăng cường tương tác xã hội và các mối quan hệ, điều này có thể làm giảm bớt tình trạng lo âu.

  • Tránh sử dụng rượu hoặc ma túy: Sử dụng rượu và ma túy có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng lo lắng. Nếu nghiện bất kỳ chất nào trong số này, việc bỏ thuốc có thể khiến bệnh nhân lo lắng. Vì vậy, nếu không thể tự bỏ thuốc lá, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/psychiatric-disorders/anxiety-and-stressor-related-disorders/overview-of-anxiety-disorders

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anxiety/diagnosis-treatment/drc-20350967

3. https://syt.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/6CWBO9WiZqsQ/content/roi-loan-lo-u-co-tu-het-khong-chua-khoi-hoan-toan-uoc-khong-

Các bệnh liên quan