Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Loét dạ dày tá tràng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh loét dạ dày – tá tràng là một bệnh đã được biết từ lâu và khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Mặc dù đã có những tiến bộ lớn trong chẩn đoán và điều trị, nó vẫn là một vấn đề sức khỏe lớn bởi số lượng bệnh nhân nhiều, tính chất của bệnh là mạn tính và dễ tái phát, chi phí điều trị cao và có thể gây ra một số biến chứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Loét dạ dày - tá tràng là gì? 

Loét dạ dày - tá tràng là tình trạng niêm mạc bị tổn thương bề mặt vượt quá lớp cơ niêm mạc do tác động của dịch vị dạ dày. 

Mặc dù có nhiều nguyên nhân nhưng thực tế lâm sàng, bệnh loét dạ dày tá tràng có 3 nguyên nhân chính:

  • Loét do Helicobacter pylori là nguyên nhân chủ yếu gây loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp và mạn, ung thư dạ dày. Tỷ lệ nhiễm chung của người Việt Nam khoảng 70% và người ta thấy chỉ 1 – 2% số người bị nhiễm HP bị loét dạ dày tá tràng.
  • Các kháng viêm, giảm đau NSAIDs, AINS và aspirin.
  • Loét do stress thường gặp ở các bệnh nhân nằm cấp cứu như thở máy, bóng, chấn thương sọ não, nhiễm trùng huyết, viêm tụy cấp, suy gan, suy thận… với tỷ lệ từ 50 – 100%. Những bệnh nhân như vậy có tỷ lệ xuất huyết tiêu hóa đại thể dao động từ 10 – 20% và những biến chứng này làm nặng thêm bệnh chính, làm tăng thêm tỷ lệ tử vong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của loét dạ dày - tá tràng

Đau bụng chủ yếu ở vùng thượng vị là triệu chứng gần như là hằng định của bệnh này. Đau có thể từ mức độ khó chịu, âm ỉ đến dữ dội. Tùy thuộc vào vị trí ổ loét, tính chất đau có ít nhiều khác biệt:

  • Loét hành tá tràng thường xuất hiện lúc đói hoặc sau bữa ăn 2 - 3 giờ, đau trội lên về đêm, ăn vào hoặc sử dụng các thuốc trung hòa acid thì đỡ đau nhanh.
  • Loét dạ dày thường đau sau ăn trong khoảng vài chục phút đến vài giờ. Đáp ứng với bữa ăn và thuốc trung hòa acid cũng kém hơn so với loét hành tá tràng.
  • Đau âm ỉ, kéo dài hoặc thành cơn nhưng có tính chu kỳ và thành từng đợt. 
  • Có thể có các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chán ăn, cảm giác nóng rát, đầy bụng, sụt cân, ợ chua.

Biến chứng có thể gặp khi mắc loét dạ dày - tá tràng

Xuất huyết tiêu hóa trên là biến chứng thường gặp nhất.

Thủng hoặc dò ổ loét: gây viêm phúc mạc toàn bộ hoặc cục bộ.

Ung thư hóa: Hay gặp ở các ổ loét bờ cong nhỏ, môn vị hoặc tiền môn vị.

Hẹp môn vị: Thường gặp với các ổ loét hành tá tràng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến loét dạ dày - tá tràng

Nhiễm trùng: Helicobacter pylori, Herpes simplex virus – HSV, Cytomegalo virus – CMV, H.Heilmannii, lao, syphilis,….

Do thuốc: NSAIDs và aspirin; Corticosteroids (khi dùng chung với NSAIDs); Biphosphonat; Clopidogrel; Postassium chlorid; điều trị hóa chất (ví dụ 5 - fluouracil).

Loét do tự miễn.

Loét liên quan đến bệnh mạn tính hoặc suy đa tạng: Stress; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); xơ gan; suy thận; ghép tạng.

Các nguyên nhân khác: 

  • U bài tiết gastrin;
  • Tăng hoạt động của tế bào G ở hang vị;
  • Chiếu xạ;
  • Crohn, Sarcoidosis.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) loét dạ dày - tá tràng?

Đối tượng có nguy cơ dễ mắc phải loét dạ dày - tá tràng:

  • Người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Người thường xuyên sử dụng các loại thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) loét dạ dày - tá tràng

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như:

  • Thuốc lá làm tăng bài tiết acid dịch vị, giảm bài tiết kiềm ở tá tràng và tụy, nó làm các vết loét khó liền và tăng nguy cơ tái phát.
  • Rượu cũng làm tăng bài tiết acid và tổn thương hàng rào bảo vệ dạ dày.
  • Các căng thẳng về tâm lý (stress).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán loét dạ dày - tá tràng

Để chẩn đoán loét dạ dày – tá tràng, ngoài khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, bác sĩ cần làm thêm các phương pháp cận lâm sàng như sau:

  • Nội soi dạ dày làm phản ứng CLO test;
  • X-quang dạ dày;
  • Test hơi thở tìm HP;
  • Xét nghiệm tìm kháng nguyên vi khuẩn HP trong phân.

Phương pháp điều trị loét dạ dày - tá tràng hiệu quả

Các thuốc trung hòa acid dịch vị (Antacid): Có nhiều loại khác nhau, ưu điểm là pH dịch vị được nâng lên rất nhanh nên làm giảm đau rất nhanh. Phần lớn, trong số này nếu uống đúng cách còn có tác dụng bảo vệ tế bào. Nhược điểm chung là tác dụng ngắn, phải dùng nhiều lần trong ngày (thường là 7 lần), dùng lâu không có lợi. Hiện ít được sử dụng đơn độc trong điều trị loét dạ dày tá tràng.

Thuốc ức chế H2: Gồm 4 thuốc thông thường cimetidin, ranitidin, nizatidin và famotidin. Hiện thông dụng nhất là ranitidin.

  • Thuốc tranh chấp với histamin dẫn đến ức chế thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày.
  • Thuốc làm giảm cả bài tiết dịch vị cơ bản và dịch vị kích thích: Giảm 90% bài tiết dịch vị cơ bản, 50 – 70% bài tiết dịch vị 24h. Ưu điểm: Tác dụng nhanh, pH tăng rất rõ sau 1 giờ và đạt tác dụng tối đa ngay từ ngày đầu tiên, kiểm soát dịch vị ban đêm rất tốt.

Thuốc ức chế bơm proton gồm các thuốc omeprazol, pantoprazol, lansoprazol, rabeprazol, esomeprazol. Do ức chế enzym K+/H+ - ATPase nên chúng tác động vào khâu cuối của quá trình bài tiết acid dịch vị nên được coi là nhóm thuốc có khả năng cao nhất trong kiểm soát bài tiết acid dịch vị.

Sucralfat có tác dụng hấp thu pepsin và dịch mật, tăng bài tiết dịch nhày và cacbonate, tăng tổng hợp protaglandin nội sinh, tăng tưới máu niêm mạc dạ dày, giúp hồi phục lớp biểu mô bề mặt.

Các anticholinergic do tác dụng yếu nên ít được dùng.

Prostaglandin: Misoprostol là một prostaglandin E1 – hiện nay ít được dùng để điều trị loét.

Các thuốc kháng H.P:

  • Bismusth tác dụng trực tiếp lên vi khuẩn làm vi khuẩn bị ly giải nên làm giảm mật độ vi khuẩn trong dạ dày.
  • Các kháng sinh thường được dùng là amoxicillin, tetraxyclin, metronidazol, tinidazol, clarithromycin, fluoroquinolon và rifabutin.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loét dạ dày - tá tràng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Hạn chế dùng thuốc lá, rượu.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Nên tăng cường các thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, các thực phẩm giúp cho việc chữa lành các vết loét hoặc có khả năng giúp giảm tiết acid và các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất.Nên dùng hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong.
  • Tăng cường dùng trà xanh và trái cây tươi, rau quả; thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin A, B, D, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magie.

Phương pháp phòng ngừa loét dạ dày - tá tràng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Cân nhắc chuyển đổi thuốc giảm đau.
  • Kiểm soát căng thẳng.
  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế hoặc ngừng uống rượu.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Trĩ nội

  2. đau xương cụt

  3. Hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp

  4. Suy tim sung huyết

  5. Dị ứng thức ăn

  6. Suy nhược cơ thể

  7. Ung thư hạch

  8. Tiểu đường tuýp 2

  9. Suy dinh dưỡng bào thai

  10. Đau xương chậu