Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Quế chi: Vị thuốc lâu đời có tác dụng tán hàn giải cảm

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Quế chi là vị thuốc y học cổ truyền có lịch sử lâu đời và được sử dụng nhiều trong dân gian. Theo y học cổ truyền, vị thuốc giúp tán hàn giải cảm, khu phong chỉ thống. Chống chỉ định trong các trường hợp sốt, âm hư, dương vượng, phụ nữ mang thai cũng như các trường hợp chảy máu do huyết nhiệt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Quế chi.

Tên khác: Quế chi tiêm, Liễu quế.

Tên khoa học: Cinnamomum cassia Presl, thuộc họ Long não (Lauraceae).

Đặc điểm tự nhiên

Quế chi là vị thuốc y học cổ truyền được lấy từ cành con của cây quế. Cây cao từ 12-20m. Cành non hình 4 cạnh, trên mặt cành có nhiều lông ngắn và thưa.

Lá mọc so le, dài và cứng. Phiến lá dài 12-15cm, rộng 2.5-6cm, mặt trên bóng và nhẵn, mặt dưới lúc đầu có lông, có 3 gân.

Hoa màu trắng mọc thành chùm ở kẽ lá hay đầu cành.

Quả hạch hình trứng dài chừng 1cm, lúc đầu xanh lục, khi chín ngả màu nâu tím.

Quế chi 1
Cây Quế chi trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Quế chi phân bố ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Srilanka và các quốc gia khác.

Ở Việt Nam, cây Quế mọc ở rất nhiều nơi. Điển hình nhất vẫn là các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… Ngoài ra, ở các tỉnh khác như Quảng Nam, Khánh Hòa dược liệu cũng được tìm thấy.

Tại Trung Quốc chủ yếu được trồng ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Chỉ thu hoạch khi cây được 7 năm trở lên.

Bộ phận sử dụng

Cành non của cây quế được dùng làm vị thuốc với tên gọi Quế chi.

Quế chi 2
Cành non của cây Quế được dùng làm vị thuốc trong y học cổ truyền

Thành phần hoá học

Quế chị chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau, bao gồm tinh dầu, Diterpene, Sesquiterpene, Flavonoid, Polyphenol, Polisaccarit và các thành phần khác.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Quế chi theo Y học cổ truyền có vị cay ngọt, tính ôn và quy vào Tâm, Phế, Bàng quang. Có tác dụng phát hãn giải biểu, ôn kinh thông dương. Chủ trị chứng phong hàn biểu hư, phong hàn thấp tý, chứng phù tiểu tiện không thông lợi, hung tý tâm quý (đau ngực, hồi hộp), rối loạn kinh nguyệt, kinh bế, đau bụng kinh, chứng trưng hà.

Quế chi 3
Theo Đông y, Quế chi có thể chữa chứng cảm mạo phong hàn

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống viêm

Nghiên cứu của Hagenlocher và cộng sự năm 2015, đã phân tích tác dụng của Cinnamaldehyde là thành phần hoạt chất của Quế chi đối với việc kích hoạt tế bào mast. Họ phát hiện ra rằng Cinnamaldehyde làm giảm sự giải phóng β-hexosaminidase trong tế bào mast và tế bào RBL-2H3. Sự biểu hiện của LTC4, CXCL8, CCL2, CCL3 và CCL4 bị ức chế đáng kể trong tế bào mast bởi Cinnamaldehyde. Kết quả cho thấy Cinnamaldehyde là thành phần hoạt tính làm trung gian cho các đặc tính chống viêm và chống dị ứng của Quế chi.

Tác dụng kháng khuẩn

Nghiên cứu của Gu và cộng sự năm 2014, nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu Quế chi chống lại 6 loại vi khuẩn bao gồm Staphylococcus cremoris, Bacillus subtilis, E. coli, Aspergillus niger, Penicillium sp. và Saccharomyces cerevisiae. Họ phát hiện ra rằng tinh dầu có khả năng ức chế vi khuẩn, nấm mốc và nấm men. Hiệu quả kìm khuẩn bị ảnh hưởng bởi độ pH, với phạm vi pH tối ưu là 3-7. Tác dụng kìm khuẩn giảm khi tăng pH.

Quế chi 4
Chiết xuất từ quế chi có tác dụng kháng khuẩn

Tác dụng chống oxy hóa

Flavonoid từ Quế chi có tác dụng chống oxy hóa tốt. Nghiên cứu của Zeng và cộng sự năm 2017 đã nghiên cứu tác dụng và cơ chế dược lý của Flavonoid trên mô hình bệnh Parkinson được thiết lập bởi tổn thương do 6-hydroxydopamine (6-OHDA) gây ra đối với các tế bào PC12. Tỷ lệ sống sót của tế bào và hoạt tính superoxide dismutase tăng lên đáng kể (P < 0,05). Tỷ lệ apoptosis, tổn thương DNA, tỷ lệ Bax/Bcl-2, biểu hiện caspase-9 và hàm lượng malondialdehyde thấp hơn đáng kể. Những phát hiện này cho thấy rằng flavonoid của Quế chi bảo vệ ty thể bằng cách ức chế stress oxy hóa, do đó làm giảm tổn thương của 6-OHDA đối với tế bào PC12. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ được thực hiện ở cấp độ tế bào. Thuốc bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố sau khi vào cơ thể. Vì vậy, tốt nhất nên thử nghiệm trên mô hình động vật và xác minh kết quả ở cấp độ lâm sàng để tìm ra các loại thuốc an toàn và hiệu quả từ các dược liệu tự nhiên.

Tác dụng chống ung thư

Nghiên cứu Song và cộng sự năm 2014, các nhà khoa học đã cho Cinnamaldehyde vào dòng tế bào ung thư phổi A549 và nghiên cứu tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào. Họ phát hiện ra rằng các tế bào tạo ra không bào, sưng tấy và bong ra sau khi điều trị, cho thấy rằng Cinnamaldehyde có hoạt tính chống ung thư tốt và ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư phổi theo cách phụ thuộc vào liều lượng, với IC50 là 0,36 mg mL -1.

Quế chi 5
Chiết xuất Quế chi có tác dụng giúp chống lại các tế bào ung thư

Cải thiện chuyển hóa glucose và lipid

Nghiên cứu của Zheng và cộng sự năm 2017 đã nghiên cứu các cơ chế sinh học của Polyphenol trong Quế chi đối với quá trình chuyển hóa lipid của tế bào HepG2 ở cấp độ phân tử và phát hiện ra rằng Polyphenol làm giảm mức chất béo trung tính và điều hòa giảm protein liên kết với yếu tố điều hòa sterol-1 (SREBP-1), một yếu tố phiên mã quan trọng trong cơ thể. Nó cũng gây ra sự giảm đáng kể biểu hiện mRNA của các gen mục tiêu xuôi dòng tổng hợp axit béo (FAS) và stearoyl-CoA desaturase 1 (SCD1). Polyphenol trong Quế chi cũng làm giảm sự lắng đọng lipid trong tế bào gan bằng cách ức chế tổng hợp lipid de novo thông qua con đường SIRT1-AMPK-ACC.

Nghiên cứu của Lu và cộng sự năm 2011 phát hiện ra rằng Polyphenol trong Quế chi làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở chuột mắc bệnh tiểu đường kháng insulin nhưng không ảnh hưởng đến cân nặng. Cơ chế là vì Polyphenol đảo ngược tình trạng kháng insulin bằng cách giảm sản xuất glucose nội sinh trong tế bào và thúc đẩy việc sử dụng glucose trong tế bào.

Tác dụng bảo vệ thần kinh

Nghiên cứu của Panickar và cộng sự năm 2012 phát hiện ra rằng Procyanidin, Cinnamaldehyde và Coumarin được phân lập từ chiết xuất nước Quế chi đã ngăn chặn sự gia tăng viêm tế bào thần kinh đệm do thiếu glucose và oxy. Trimer 1 ức chế hàm lượng gốc tự do oxy và vận chuyển canxi để giảm viêm tế bào thần kinh trong tổn thương do thiếu máu cục bộ. Nó cũng ngăn chặn sự suy giảm hấp thu glutamate để giảm độc tính kích thích glutamate. Các tác giả kết luận rằng Quế chi có thể điều trị tổn thương do thiếu máu cục bộ và các bệnh thần kinh khác.

Quế chi 6
Chiết xuất từ Quế chi có tác dụng bảo vệ các tế bào thần kinh

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng khoảng 2 đến 12g trong ngày tùy tình trạng mỗi người mà tăng giảm liều.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa cảm mạo phong hàn biểu hư

Chuẩn bị: 8g Quế chi, 16g Bạch thược, 12g Sinh khương, 4g Cam thảo cùng 3 quả Đại táo.

Thực hiện: Các vị thuốc sắc lấy nước, bỏ bã, uống lúc nóng ngày 1 thang.

Bài thuốc trị u xơ tử cung

Chuẩn bị: 12g Quế chi, 12g Xích thược, 12g Đào nhân, 12g Hải tảo, 12g Miết giáp, 12g Mẫu lệ, 6g Hồng hoa, 6g Nga truật, 6g Nhũ hương, 6g Sơn lăng, 4g Một dược.

Thực hiện: Các vị thuốc trên nghiền thành bột mịn. Sau đó luyện làm viên hoàn. Mỗi lần lấy uống 12g cùng nước ấm, ngày dùng 2 - 3 lần.

Bài thuốc trị báng bụng, phù thũng, tiểu tiện không thông

Chuẩn bị: 4g Quế chi, 12g Trư linh, 12g Phục linh, 16g Trạch tả, 12g Bạch truật.

Thực hiện: Các vị thuốc trên nghiền thành bột mịn. Mỗi lần lấy 8-12g uống với nước sôi ấm hoặc làm thuốc sắn, dùng 2 - 3 lần/ngày.

Trị chứng phụ nữ đau bụng kinh do ứ huyết, thai chết lưu, bụng dưới có cục, tắt kinh

Chuẩn bị: 8g Quế chi, 8g Phục linh, Đơn bì 8g, Bạch thược 8g, Đào nhân 8g.

Thực hiện: Các vị thuốc tán mịn làm hoàn, mỗi ngày uống 8g với nước ấm.

Lưu ý

Mặc dù Quế chi thường được sử dụng trong Y học cổ truyền để điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, một số lưu ý khi sử dụng Quế chi như:

  • Tuân thủ theo chỉ định sử dụng của bác sĩ Y học cổ truyền trong việc sử dụng Quế chi để điều trị bệnh.
  • Chống chỉ định trong các trường hợp sốt, âm hư, dương vượng, cũng như các trường hợp chảy máu do huyết nhiệt.
  • Phụ nữ có thai không nên sử dụng.

Quế chi đã được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Nó được cho là có tác dụng phát hãn giải biểu, ôn kinh thông dương. Chiết xuất từ Quế chi cũng có thể có vai như một chất chống khối u, chống tiểu đường, chống nhiễm trùng và chất chống oxy hóa. Hầu hết các đặc tính này đã được xác nhận bằng các nghiên cứu dược lý cả trên mô hình động vật in vitro và in vivo cũng như các nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, việc sử dụng Quế chi nên tuân theo chỉ định, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh tương tác thuốc.

Quế chi 7
Tuân thủ theo chỉ định sử dụng của bác sĩ Y học cổ truyền trong việc sử dụng Quế chi để điều trị bệnh 
Nguồn tham khảo
  1. A review: the botany, ethnopharmacology, phytochemistry, pharmacology of Cinnamomi cortex: https://pubs.rsc.org/en/content/articlehtml/2021/ra/d1ra04965h
  2. Cinnamomi ramulus inhibits cancer cells growth by inducing G2/M arrest: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphar.2023.1121799/full
  3. Gui Zhi (Ramulus Cinnamomi): https://asante-academy.com/encyclopedia/gui-zhi/