Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Senna pods

Cây Phan Tả Diệp: Loại cây có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cây Phan Tả Diệp là loại cây mọc hoang và được trồng nhiều ở các nước nhiệt đới châu Phi hay Ấn Độ (tây bắc và nam). Cây thường dùng để chữa trị: Bệnh táo bón, làm thông đại tiện, các trường hợp bị ứ trệ vùng bụng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Phan tả diệp

Tên khác: Senna pods; tiêm diệp; senna hoang dã; cây locust; aden senna

Tên khoa học: Cassia senna L., Cassia angustifolia Vahl, Senna alexandrina Mill

Họ: Caesalpiniaceae (Vang).

senna pods
Hoa Phan tả diệp có màu vàng rất bắt mắt

Đặc điểm tự nhiên

Phan Tả Diệp là loại cây bụi, nhỏ, cao khoảng 1 m. Lá dạng kép lông chim, chẵn, thường gồm 5 đến 8 đôi, cuống lá ngắn, phiến lá hơi không đối xứng.

Hoa màu vàng mọc dạng chùm ở các kẽ lá, gồm 6 đến 14 hoa. Hoa có 10 nhị, với 3 nhị phía trên nhỏ, bất thụ; 4 nhị ở giữa lớn và 3 nhị ở dưới cong.

Quả đậu có hình túi, dài từ 4 đến 6 cm, rộng từ 1 đến 17 cm, có lông trắng mềm trên quả khi còn nhỏ, về già sẽ rụng đi, quả có 4 đến 7 hạt.

Mùa ra hoa từ tháng 9 đến tháng 12, mùa ra quả khoảng tháng 3 năm sau.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây Phan Tả Diệp là loại cây bụi, mọc hoang và được trồng nhiều ở các nước nhiệt đới châu Phi hay Ấn Độ (tây bắc và nam).

Lá đem phơi khô, loại sạch tạp chất, sàng sạch cọng cuống là có thể sử dụng.

quả cây senna pods
Quả cây Phan Tả Diệp sau khi phơi khô

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng: Lá, quả.

Thành phần hoá học

Phan tả diệp có chứa antraglucozit với tỷ lệ 1% đến 1,5% trong đó khoảng hơn 90% ở dạng kết hợp.

Thành phần chủ yếu các antraglucozit bao gồm: Sennozid A và sennozid B (dihydro direin anthron glucozit). Ngoài ra, còn có aloe.emođin tự do và rein, kaempferola C10H6O2(OH)4 và izoramnetin.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Phan tả diệp có vị ngọt, đắng, tính hàn, quy vào kinh đại tràng.

Cây dùng với mục đích: Tiêu tích trệ; thông đại tiện; chữa ăn uống khó tiêu, bụng ngực đầy trướng; trị táo bón.

Theo y học hiện đại

Phan tả diệp có chất gây tẩy xổ là antraglucoseside mà chủ yếu là sennoside.

Tuỳ theo liều dùng mà Phan tả diệp có tác dụng gây nhuận tràng (phân mềm sau khi uống từ 5 đến 7 giờ) hoặc tẩy mạnh (phân lỏng và gây đau bụng). Nếu liều mạnh hơn thì có thể gây đau bụng dữ dội và nôn mửa 3 đến 4 giờ. Tác dụng tẩy xổ kéo dài từ 1 đến 2 ngày, sau đó sẽ không bị táo bón lại.

Nước ngâm của lá có công dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.

Liều dùng & cách dùng

Dùng chữa ăn uống khó tiêu, bụng ngực đầy trướng, táo bón: Ngày dùng 1 g đến 2 g.

Dùng nhuận tràng: Liều 3 g đến 4 g, tẩy mạnh với liều 5 g đến 7 g.

Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc pha.

phan ta diep 4
Trà Phan Tả Diệp

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa tắc ruột

Trước tiên, truyền dịch sau đó dùng ống xông dạ dày hạ áp hút dịch và thức ăn trong dạ dày, rồi bơm nước Phan Tả Diệp.

Thụt ruột sau 2 đến 4 giờ dùng thuốc.

Liều dùng đối với người lớn: Uống 15 đến 30 g.

Chữa táo bón

Liều từ 3 g đến 6 g, tăng đến 10g nếu bệnh nặng, dùng nước sôi sắc hãm uống.

Thường phối hợp với các vị thuốc khác để tăng tác dụng trị bệnh:

  • Phan tả diệp 6 g, Chỉ thực 6 g cùng với Hậu phác 9 g đem sắc uống: trị táo bón có nhiệt tích.

  • Phan tả diệp 4 g đến 6 g, Đại hoàng 9 g, Trần bì 4 g, Hoàng liên 3 g, Đinh hương và Sinh khương mỗi vị 3 g đem sắc uống: Trị táo bón với triệu chứng đầy chướng bụng, khó đi cầu.

Trị rối loạn tiêu hóa

Phan Tả Diệp 2 g, Tân lang và Đại hoàng mỗi vị 3 g, Sơn tra 10 g đem sắc uống.

Phục hồi chức năng ruột sau phẫu thuật

Liều 4 g, đem hãm nước sôi uống.

Lưu ý

Thận trọng khi dùng với người thể hư và phụ nữ có thai.

Antraglucozit bài tiết qua nước tiểu và sữa mẹ. Trẻ bú mẹ có thể bị tiêu chảy khi mẹ dùng Phan tả diệp.

Dùng quá liều có thể gây đau bụng, buồn nôn.

Bệnh nhân táo bón do co thắt đại tràng hoặc viêm đại tràng không được sử dụng.

Nguồn tham khảo