Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. So đũa

So đũa: Loại thực vật trong các bữa ăn gia đình lại mang nhiều tác dụng dược lý

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

So đũa là loài thực vật khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt được trồng nhiều ở miền Nam. So đũa có thể được sử dụng toàn cây với nhiều công dụng khác nhau như làm thuốc, trồng làm cảnh và dùng làm thực phẩm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: So đũa

Tên khác: Su đũa; điền thanh hoa lớn

Tên khoa học: Sesbania grandiflora Pers.

Họ: Fabaceae (Đậu)

Đặc điểm tự nhiên

So đũa là cây thân gỗ, cao khoảng 8 – 10 cm. Cây mọc rất nhanh. Lá cây dạng lá kép lông chim chẵn, dài 15 – 30 cm và có thể mang tới 30 đôi lá chét. Các lá chét có hình bầu dục với chiều dài chừng 25 mm, rộng 8 – 10 mm. Các lá chét ở ngọn có xu hướng mỏng hơn lá chét ở giữa.

Hoa so đũa khá to, mọc thành chùm, có màu trắng hoặc đỏ hồng. Trong tự nhiên thường thấy hoa trắng nhiều hơn hoa đỏ. Quả so đũa thẳng, không chia đốt, thuôn lại ở 2 đầu và dài khoảng 30 – 35cm. Bên trong quả có nhiều hạt dẹt màu nâu, hình bầu dục.

so-dua-2
Hoa so đũa

Phân bố, thu hái, chế biến

So đũa phát triển tốt ở các nước khí hậu nhiệt đới. Có thể tìm thấy so đũa ở các nước Châu Á như Lào, Campuchia… Ở Việt Nam, so đũa mọc và được trồng nhiều ở miền Nam để làm cảnh hoặc dùng làm thực phẩm.

Người ta thường dùng so đũa tươi. Hoa được hái khi vừa nở, các bộ phận còn lại có thể thu hái quanh năm. Tuy nhiên, vẫn có thể phơi khô rồi sử dụng, không cần chế biến cầu kỳ phức tạp.

Bộ phận sử dụng

Vỏ cây, rễ, lá, hoa.

Thành phần hoá học

Vỏ cây chứa gôm nhựa, agathin (màu đỏ), xanthoagathin (màu vàng), basorin, tannin.

Hoa, lá, quả non so đũa chứa nhiều đường.

Hoa so đũa có vitamin C 0,1%, vitamin B1 và B2, protein, acid amin, sắt, canxi…

Lá so đũa chứa các vitamin B1, B2, B3, vitamin A, vitamin C, sắt, canxi, phospho, iod, pectin, saponin, grandiflorol và nhiều protein khác (phenylalanin, tryptophan, valin, histidin, isoleucin, leucin, arginin, cystin, lysin, methionin)

Trong hạt so đũa có carbohydrate toàn phần, protein thô và chất béo. Trong đó, vỏ hạt chiếm 20% khối lượng hạt (chứa phần lớn là carbohydrate, pentosan, đường khử, sucrose, chất béo).

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Vỏ cây so đũa có vị đắng, hơi chát, mang tác dụng kích thích tiêu hóa, nhuận tràng, lưu thông khí huyết. Do vậy, vỏ so đũa được sử dụng để trợ tiêu hóa, tăng cảm giác ngon miệng, dùng làm thuốc bổ, điều trị tiêu chảy, viêm ruột, viêm họng, viêm miệng, nhức răng…

Hạt và quả so đũa giúp tăng cường sức khỏe, trị thiếu máu, đau đầu, cảm cúm…

Hoa so đũa vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng trị đau đầu, cảm cúm, nhiễm giun sán…

Theo y học hiện đại

Nước ép từ lá so đũa có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, giúp hỗ trợ điều trị sỏi thận. In vivo, lá so đũa còn có hiệu quả bảo vệ gan khỏi thuốc gây độc gan (erythromycin) nhờ chiết xuất ethanolic.

In vivo, hoa và lá so đũa có công dụng chống ung thư biểu mô cổ trướng Ehrlich.

so dua 5
Nước ép từ lá so đũa có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa

Liều dùng & cách dùng

So đũa có thể dùng tươi hoặc dưới dạng giã nhuyễn, thuốc sắc hay ngâm rượu.

Bài thuốc kinh nghiệm

Thuốc bổ giúp trợ tiêu hóa, ngon miệng; chữa viêm ruột, kiết lỵ, tiêu chảy

Dùng 5 – 10 g vỏ so đũa mỗi ngày, sắc hoặc ngâm rượu uống.

Chữa cảm cúm

Giã nát hoa/lá so đũa, vắt lấy nước dùng nhỏ mũi.

Dùng hoa/lá so đũa non nấu canh ăn.

Thuốc bổ

Thái mỏng 100 g vỏ so đũa rồi ngâm với 1 lit rượu 40° trong vòng 15 – 30 ngày. Uống 15 – 30 ml rượu mỗi ngày trước khi ăn.

Thanh nhiệt, sát khuẩn; chữa đau răng, viêm miệng

Nhai 1 ít vỏ cây so đũa, ngậm với muối trong 5 – 10 phút rồi nhổ bỏ.

Đau nhức xương khớp, sưng tấy, bong gân

Dùng bột rễ cây so đũa hòa với nước rồi chà xát lên khớp bị sưng.

Giã nát lá so đũa, đắp bã lên nơi bị bong gân hoặc lấy nước bôi lên vết bầm.

Chữa lang ben

Rửa sạch, để ráo lá so đũa rồi chà xát lá lên vùng da bị lang ben, 30 phút sau rửa sạch lại với nước. Dùng bài thuốc 2 lần/ngày đến khi hết hẳn lang ben.

Làm thuốc tẩy giun

Phơi khô hoa so đũa, sắc uống 10 – 30 g mỗi ngày.

Chữa ho

Giã nát 6 – 18 g rễ so đũa tươi/ngày, hòa với nước rồi dùng nước đó uống. Nếu ho có đờm thì cho thêm ít mật ong rồi uống.

so dua 4
So đũa có nhiều công dụng chữa bệnh

Lưu ý

Không dùng liều cao nước sắc vỏ cây so đũa do có thể gây nôn.

Nên bỏ phần quả non phía trong cánh hoa để không gây đắng khi dùng nấu ăn.

Nguồn tham khảo