Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Thiên thảo

Thiên thảo: Loại cỏ có nhiều công dụng chữa bệnh

Tuyết Ly

09/04/2023
Kích thước chữ

Thiên thảo có tên khoa học là Anisomeles indica (L.) thuộc họ Hoa môi Lamiaceae, là một loại cây đã được sử dụng từ lâu trong Y học cổ truyền để điều trị nhiều bệnh, bao gồm khó tiêu, đau bụng, dị ứng, viêm nhiễm và viêm khớp dạng thấp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Thiên thảo.

Tên khác: Cỏ cứt lợn, sơn kiểm, phòng phong thảo, thổ hoắc hương, kiếm, san nga (Luang Prabang), Indian catmint (Anh).

Tên khoa học: Anisomeles indica (L.) O. Kize, Anisomeles ovata R. Br. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).

Thiên thảo: Loại cỏ có nhiều công dụng chữa bệnh 1.png
Thiên thảo trong tự nhiên

Đặc điểm tự nhiên

Thiên thảo là một loại cây thảo, sống lâu năm, cao khoảng từ 0.70 đến 1.20m. Thân vuông, mọc đứng, có nhiều lông nhất là ở ngọn và trên các cạnh. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài khoảng 7 đến 15cm, rộng khoảng 3 đến 6cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng, hai mặt đều có lông dày, cuống lá dài 1 - 5cm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành nhiều vòng rất sít nhau. Lá mọc ở cụm hoa giống với lá thường, lá bắc hình mác hẹp. Hoa không cuống, màu hồng hoặc đỏ tía, đài hình chuông có 5 răng đều, tràng có ống ngắn chia 2 môi, môi trên rộng chia 3 thuỳ, thuỳ giữa lớn hơn, môi dưới ngắn, nhị 4.

Quả bế gồm 4 quả hạch con, hình trứng dài và nhẵn.

Mùa hoa quả: Tháng 12 - 3.

Thiên thảo: Loại cỏ có nhiều công dụng chữa bệnh 2.png
Cụm hoa thiên thảo

Phân bố, thu hái, chế biến

Anisomeles ovata R. Br. là một chi nhỏ trong họ Lamiaceae, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Ở vùng Đông Nam Á, có khoảng 6 đến 7 loài, Ấn Độ có 4 loài. Ở Việt Nam mới chỉ có một loài là cỏ thiên thảo. Cây phân bố chủ yếu ở vùng núi và trung du, độ cao dưới 1000m.

Cỏ thiên thảo ưa ẩm và ưa sáng, thường mọc ở nương rẫy và thung lũng. Ở vùng Yên Bái, Tuyên Quang đôi khi cỏ thiên thảo mọc lẫn với ngô, đậu ở bãi sông. Cây con mọc từ hạt xuất hiện vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Đến mùa thu, đã có quả già và cây sắp tàn lụi. Cây ra hoa quả nhiều. Hạt phát tán gần và trồng được dễ dàng bằng hạt.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận có thể sử dụng được của cây thiên thảo là toàn cây.

Thành phần hoá học

Cỏ thiên thảo chứa các chất thuộc nhiều nhóm hoá học khác nhau:

  • Các chất terpen: Ovatodiolid; 4, 5-epioxyovatodiolid; acid anisomelic; acid 4, 7-oxycycloanisomelic; 4-methylen-5-hydroxyovatodiolid; acid 4-methylen-5-oxoanisomelic; isovatodiolid; betulin; glutinon; friedlin; glutinol; beta-amyrin.
  • Các flavonoid: Cosmosna, terniflorin, anisoflorin A; prunin-6’’-p-coumarat; prunin-3’’, 6’’ di-p-coumarat; apigenin-7-O-beta-D-(2’’, 6’’-di-O-p-coumaroyl)-glucosid; apigenin-O-beta-D (4’’, 6’’ di-O-p-coumaroyl)-glucosid; 5, 6-dimethyl-7, 3’, 4’-trihydroxyflavon; 5-hydroxy-6, 7, 3’, 4’-tetramethoxyflavon; 4, 5-dihydroxy-6, 7, 3’-trimethoxyflavon; 5, 7, 4’-trihydroxyflavon.
  • Các thành phần khác: Methyl-p-hydroxycinamat; beta-sitosterol-3-O-beta-D-glucosid; n-hexacosanol.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, cỏ thiên thảo có vị cay, đắng, tính hơi ấm, có tác dụng giải biểu, tiêu sưng, chống đau, tiêu tích trệ, khu phong.

Cỏ thiên thảo làm dễ tiêu, lợi trung tiện, hạ sốt, lợi tiểu, chữa đau bụng, đầy hơi, bụng chướng, nôn mửa, viêm dạ dày ruột, rối loạn tiết niệu, thấp khớp. Ngày 20 - 40g sắc uống. Rễ cây chữa rắn độc cắn.

Lá vò ra có mùi hôi, nhưng phụ nữ vẫn dùng cây có hoa nấu nước gội đầu.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, người ta dùng cỏ thiên thảo chữa cảm mạo, ho, viêm mũi mạn tính, kinh nguyệt quá nhiều, có thai nôn mửa, phong thấp đau cương, lở ngứa ngoài da.

Thiên thảo: Loại cỏ có nhiều công dụng chữa bệnh 3.png
Vị thuốc thiên thảo

Theo y học hiện đại

Chống vi khuẩn Helicobacter pylori

Helicobacter pylori là một loài vi khuẩn gram âm xâm nhập biểu mô dạ dày, gây viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày và u bạch huyết liên quan đến mô bạch huyết liên kết với niêm mạc (mucosa-associated lymphoid tissue - MALT). Các phương pháp điều trị Helicobacter pylori bằng kháng sinh đã làm gia tăng tỷ lệ kháng thuốc trên toàn thế giới. Ovatodiolide, là một thành phần tinh khiết được phân lập từ cỏ thiên thảo, đã được chứng minh là có hoạt tính diệt khuẩn chống lại Helicobacter pylori.

Trong một nghiên cứu vào năm 2019 của Hsiu-Man Lien và cộng sự, ovatodiolide đã ức chế sự phát triển của cả Helicobacter pylori chủng tham chiếu và các chủng phân lập đa kháng thuốc trên lâm sàng. Phân tích lắp ghép cho thấy ovatodiolide vừa khít với túi kỵ nước của protein ribosome, RpsB.

Hơn nữa, ovatodiolide ức chế sự phát triển của vi khuẩn bằng cách giảm mức độ RpsB, chất này đóng vai trò quan trọng trong quá trình dịch mã protein. Kết quả của nhóm tác giả đã chứng minh rằng ovatodiolide liên kết với protein ribosome và cản trở quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn.

Thiên thảo: Loại cỏ có nhiều công dụng chữa bệnh 4.png
Ovatodiolide trong thiên thảo có hoạt tính chống lại Helicobacter pylori

Ức chế hoá chất trung gian gây viêm và tăng sinh tế bào khối u

Các chất hoá học chiết xuất từ ​​nước và metanol của toàn bộ cây, lá, hoa và thân; các phần cloroform và n-butanol của dịch chiết methanol, từ cỏ thiên thảo đã được nghiên cứu về hoạt tính chống viêm của chúng trên các đại thực bào phúc mạc ở chuột. Ngoài ra, hoạt động ức chế tăng sinh tế bào khối u của các chất chiết xuất này cũng được đánh giá dựa trên một nhóm các dòng tế bào khối u như Colon 205, PC 3, HepG2 và MCF 7.

Điều trị bằng chiết xuất từ cỏ thiên thảo không làm giảm khả năng sống của tế bào ở bất kỳ liều lượng nào được sử dụng. Tuy nhiên, tất cả các chất chiết xuất đều ức chế đáng kể việc tăng cường sản xuất các gốc NO và các cytokine gây viêm (TNF-α và IL-12) do LPS/IFN-γ gây ra theo cách phụ thuộc vào liều lượng.

Hơn nữa, chiết xuất methanol của lá và hoa ngăn chặn đáng kể và phụ thuộc vào liều lượng các tế bào lách bị kích thích bởi mitogen ở giai đoạn G0/G1, ngoài ra còn có tác dụng ức chế tăng sinh tế bào chống lại Colon 205, MCF 7 và PC 3 vào 94, 82; 98, 71; tương ứng là 82, 98% ở nồng độ 200μg/mL.

Chống virus gây dịch tiêu chảy cấp ở lợn

Virus gây dịch tiêu chảy cấp ở lợn (Porcine epidemic diarrhea virus - PEDV) là một loại virus Corona RNA chuỗi đơn, có vỏ bọc, thuộc họ Coronaviridae. Kể từ lần đầu tiên được xác định ở Bỉ và Vương quốc Anh vào năm 1978, PEDV đã lan sang nhiều quốc gia trên toàn thế giới và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng trong ngành chăn nuôi lợn, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á.

PEDV gây nôn mửa, tiêu chảy và mất nước ở lợn dẫn đến bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao lên tới 100% ở heo con dưới 2 tuần tuổi. PEDV lần đầu tiên được xác định ở Việt Nam vào năm 2009 và đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng trong chăn nuôi lợn ở nhiều tỉnh thành. Mặc dù vaccin PEDV đã được sử dụng để kiểm soát bệnh nhưng PEDV vẫn là một bệnh đường tiêu hoá rất dễ lây lan và tàn phá ở các trang trại chăn nuôi lợn, gây thiệt hại kinh tế nặng nề.

Trong nghiên cứu vào năm 2021 của Trịnh Thị Bích Ngọc và cộng sự đã chứng minh hoạt tính kháng virus chống lại PEDV của ethanol và dịch chiết nước của 17 cây thuốc cổ truyền Việt Nam được đánh giá bằng cách sử dụng xét nghiệm dựa trên hiệu ứng tế bào học. Kết quả cho thấy 14 trong số 17 cây thuốc có thể ức chế tác dụng gây bệnh tế bào của PEDV. Trong đó có chiết xuất từ cỏ thiên thảo.

Thiên thảo: Loại cỏ có nhiều công dụng chữa bệnh 5.png
Thiên thảo có khả năng chống lại virus gây dịch tiêu chảy cấp ở lợn

Tăng tiết mật

Cho chuột lang uống hoạt chất trong cỏ thiên thảo với liều 250 - 750mg/kg, thấy lượng mật tăng lên rất rõ rệt. Hàm lượng nước và cặn khô trong mật không thay đổi so với trước, chứng tỏ thuốc có tác dụng kích thích tế bào gan sản xuất ra mật.

Công dụng khác

Dịch chiết methanol của cỏ thiên thảo thể hiện tác dụng giảm đau trong cả mô hình đau trung ương và ngoại biên.

Ngoài ra, nó còn cho thấy tác dụng chống trầm cảm và giảm lo âu với tác dụng phụ an thần thấp hơn trong nghiên cứu dược lý học thần kinh hiện nay.

Các tác dụng có hoạt tính sinh học quan sát được là đáng kể và phụ thuộc vào liều lượng. Kết quả phân tích nguyên tố và hàm lượng chất hữu cơ cho thấy sự hiện diện của nhiều loại nguyên tố thiết yếu và các hợp chất hữu cơ có hoạt tính sinh học có thể ảnh hưởng đến nhiều loại bệnh, chẳng hạn như như tiêu chảy.

Thiên thảo: Loại cỏ có nhiều công dụng chữa bệnh 6.png
Thiên thảo có tác dụng chống trầm cảm và giảm lo âu

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng 20 - 40g cỏ thiên thảo, sắc uống hoặc xông.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa ăn không tiêu, đau bụng đầy hơi, bụng chướng, đi ngoài phân sống

Cỏ thiên thảo 20g và nghệ đen 8g. Sắc uống.

Chữa cảm gió, cảm cúm, sốt gai rét, không ra mồ hôi, đau mình hoặc ngoài da mẩn ngứa

Cỏ thiên thảo 30 - 40g, thêm 3 lát gừng, nấu nước, xông cho ra mồ hôi, uống một bát, khi thuốc còn nóng.

Chữa thấp khớp, thân thể đau nhức

Thân cành cỏ thiên thảo và dây đau xương, mỗi vị 30g. Sắc uống mỗi ngày.

Thiên thảo: Loại cỏ có nhiều công dụng chữa bệnh 7.png
Vị thuốc thiên thảo dùng để chữa thấp khớp

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng thiên thảo:

  • Cỏ thiên thảo Anisomeles indica (L.) có tên tiếng Việt gần giống với cây thiến thảo Rubia cordiflolia, cây này thuộc họ Cà phê Rubiacae, nên tránh dùng nhầm.
  • Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi tự ý sử dụng vị thuốc này để chữa bệnh.
Nguồn tham khảo