Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Tích dương

Tích dương: Vị thuốc lâu đời có tác dụng trong điều trị bệnh lý vô sinh

09/04/2023
Kích thước chữ

Tích dương là vị thuốc y học cổ truyền có lịch sử lâu đời và được sử dụng nhiều trong dân gian. Theo y học cổ truyền, vị thuốc giúp điều trị liệt dương, xuất tinh sớm, vô sinh, đau lưng mỏi gối. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Tích dương.

Tên khác: Địa mao cầu.

Tên khoa học: Caulis Cynomorii – Herba Cynomorii, thuộc họ Tích dương (Cynomoriaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Tích dương là loại cây thân thảo sống ký sinh lâu năm. Thân ngầm dày và ngắn, có nhiều nốt sần và rễ hút nước. Thân cây hình trụ, màu đỏ tím sẫm, cao 20 đến 100 cm, đường kính khoảng 3 đến 6 cm, phần lớn vùi trong cát, gốc dày.

Lá có vảy hình bầu dục, hình tam giác hoặc hình trứng, dài 0,5 đến 1 cm, rộng dưới 1 cm và có đỉnh nhọn.

Cụm hoa có đầu ngọn, hình que và thuôn dài, dài 5 đến 15 cm, đường kính 2,5 đến 6 cm, hoa dày đặc, lá bắc có vảy, hoa không đồng nhất, màu tím sẫm, có mùi thơm. Hoa lưỡng tính thường nở trước hoa đực, mỗi hoa có 1 nhị và 1 nhụy, nhị hoa nằm ở giữa bầu nhụy.

Hạt nhỏ, hình cầu, có vỏ cứng sẫm màu.

Tích dương 1
Tích dương trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Thời kỳ ra hoa là từ tháng 6 đến tháng 7. Cây mọc ở những vùng khô cằn, nhiều cát và thường ký sinh trên rễ các loại gai trắng. Phân bố ở Tân Cương, Cam Túc, Thanh Hải, Nội Mông, Ninh Hạ và những nơi khác.  

Bộ phận sử dụng

Phần thân thịt của cây Tích dương là bộ phận thường được sử dụng làm thuốc. Thu hoạch vào mùa hè, loại bỏ các chùm hoa. Rửa sạch, làm ẩm, cắt thành lát mỏng và phơi khô. Bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.

Tích dương sau khi chế biến để làm vị thuốc y học cổ truyền có hình trụ phẳng, hơi cong, dài 5 đến 15 cm và đường kính 1,5 đến 5 cm. Bề mặt có màu nâu hoặc rám nắng, thô ráp, có các rãnh dọc rõ ràng và vết lõm không đều, còn sót lại một số vảy hình tam giác màu nâu đen. Mùi nhẹ và vị ngọt nhưng se.

Tích dương 2
Phần thân thịt của cây Tích dương là bộ phận thường được sử dụng làm thuốc

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học chính gồm có anthocyanin, saponin triterpene và tannin. Phân lập các thành phần hóa học có trong Tích dương thu được 11 hợp chất và được xác định là: naringenin, naringenin-4′-O-β- pyranose glucose, isoquercetin, catechin, epicatechin, acetyl axit ursolic, glucose, axit ursolic, β-sitosterol, axit palmitic và daucosterol.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tích dương theo Y học cổ truyền có vị ngọt, tính ôn và quy vào Can, Thận, Đại trường. Có tác dụng ôn thận, tráng dương, cường gân cốt, nhuận trường, ích tinh điền tủy. Chủ trị các chứng: Liệt dương, xuất tinh sớm, đau lưng mỏi gối, táo bón, suy nhược, ớn lạnh, đau nhức chân tay, kinh nguyệt không đều, tử cung tiết dịch âm đạo lạnh, vô sinh nữ, vô sinh nam, mất ngủ, hay quên, rụng tóc và bạc sớm.

Tích dương 3
Theo Đông y, Tích dương có thể chữa các bệnh lý nam khoa

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống lão hóa

Nghiên cứu đã chứng minh Tích dương có thể tăng cường hoạt động của superoxide effutase (SOD) trong huyết thanh chuột và ty thể, đồng thời có thể loại bỏ các gốc tự do ở chuột một cách hiệu quả. Ngoài ra, Tích dương còn có thể làm tăng hoạt động của lipid peroxidase, từ đó có tác dụng chống lão hóa.

Tích dương 4
Chiết xuất từ Tích dương có tác dụng chống lại quá trình lão hóa

Tác dụng tăng cường hệ miễn dịch

Nghiên cứu chứng minh rằng, Tích dương có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của động vật. Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng nó có tác dụng thúc đẩy đáng kể khả năng miễn dịch dịch thể ở chuột và cơ chế của nó có thể liên quan đến sự gia tăng các hạch bạch huyết ở lá lách. Số lượng bạch cầu trung tính ban đầu giảm sau đó tăng lên, từ đó tăng cường chức năng phòng vệ của cơ thể.

Tích dương 5
Chiết xuất từ Tích dương có tăng cường hệ thống miễn dịch

Tác dụng nhuận tràng

Các ion vô cơ có trong Tích dương có thể tăng cường đáng kể nhu động ruột và rút ngắn thời gian đại tiện của chuột. Hàm lượng muối vô cơ hòa tan khoảng 7% và lượng lớn các ion vô cơ có trong dung dịch nước có thể tạo thành thuốc nhuận tràng như magiê sunfat, lưu huỳnh, natri photphat, natri photphat… Nhờ các thành phần này mà Tích dương có tác dụng nhuận tràng

Tác dụng điều trị vô sinh

Các nhà nghiên cứu tin rằng Tích dương có thể kích thích tình dục, nhưng Tích dương chưa qua chế biến có thể làm giảm đáng kể chức năng tinh hoàn. Tuy nhiên, sau khi được xử lý bằng muối sẽ có tác dụng thúc đẩy đáng kể chức năng của tinh hoàn, mào tinh và bao quy đầu ở chuột.

Sau khi sử dụng dịch chiết từ Tích dương, số lượng và tỷ lệ sống sót của tinh trùng trong mào tinh hoàn của chuột trưởng thành tăng lên đáng kể, tốc độ di chuyển của tinh trùng được nâng cao. Đây là một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị vô sinh nam.

Tích dương 6
Chiết xuất từ Tích dương có tác dụng điều trị vô sinh nam

Tác dụng chống viêm và chống khối u

Nghiên cứu chứng minh rằng, chiết xuất Axit oleic và axit palmitic trong Tích dương có tác dụng chống khối u và chống viêm. Ngoài ra, người ta còn phát hiện Tích dương có tác dụng chống loét dạ dày, chống kết tập tiểu cầu, chống HIV protease, chống phiên mã và chống ung thư.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng khoảng 5 - 15g trong ngày tùy tình trạng mỗi người mà tăng giảm liều. Có thể làm thuốc sắc hoặc ngâm rượu.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa liệt dương

Chuẩn bị: 10g Tích dương và 10g Nhục thung dung.

Thực hiện: Cho hai vị thuốc vào nước sắc lấy nước đặc, thêm mật ong tinh luyện với lượng tương đương, trộn đều, đun sôi với nhau và thu lấy thuốc mỡ. Mỗi lần uống từ 1 đến 2 thìa.

Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp

Chuẩn bị: 5g Tích dương, hạt óc chó 5g, 10g gạo.

Thực hiện: Sắc Tích dương trong nước để chiết lấy nước cốt, nghiền hạt óc chó và nấu với gạo thành cháo. Sau đó cho nước sắc Tích dương đã chiết trước đó vào nấu chung.

Bài thuốc xuất tinh sớm

Chuẩn bị: Tích dương 5g, Cam thảo 5g.

Thực hiện: Sắc lấy nước, thêm thịt cừu, thịt gà vào nấu chung. Khi chín thêm muối, bột ngọt, hành lá cắt nhỏ, gừng băm vào, nêm nếm vừa miệng rồi ăn.

Bài thuốc chữa tinh trùng yếu

Chuẩn bị: 9g Tích dương, 6 thận cừu, 15g Nhàu, 10g Dâm dương hoắc, 6g gừng, một lượng muối tinh và rượu gạo vừa đủ.

Thực hiện: Thận cừu rửa sạch, loại bỏ màng và tuyến. Rửa sạch Nhàu, Tích dương, Dâm dương hoắc và gừng, cho vào nồi cùng với thận cừu, thêm một lượng nước thích hợp, đun sôi trên lửa lớn. Sau đó đun nhỏ lửa trong 2 giờ, thêm muối tinh và rượu gạo cho vừa ăn.

Lưu ý

Mặc dù Tích dương thường được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý. Tích dương là vị thuốc không có độc, tuy nhiên nếu dùng nhiều có thể có một số tác dụng phụ không mong muốn. Cần có một số lưu ý khi sử dụng Tích dương như:

  • Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ Y học cổ truyền trong việc sử dụng Tích dương để điều trị bệnh.
  • Phụ nữ có thai có thể sử dụng nhưng vẫn phải được theo dõi bởi bác sĩ Y học cổ truyền.
  • Không dùng cho người âm hư hỏa vượng với các biểu hiện như gò má đỏ, tâm phiền bứt rứt, người khô khát, lòng bàn tay chân nóng.

Tích dương đã được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Nó được cho là có tác dụng ôn thận tráng dương, cường gân cốt, ích tinh điền tủy, nhuận trường. Chỉ định lâm sàng của Tích dương bao gồm: Liệt dương, xuất tinh sớm, táo bón, đi tiểu thường xuyên, tiểu ra máu và nhỏ giọt không ngừng, đau nhức thắt lưng và đầu gối, mệt mỏi, suy nhược, ớn lạnh, đau nhức chân tay, kinh nguyệt không đều, tử cung tiết dịch âm đạo lạnh, vô sinh nữ, vô sinh nam, mất ngủ hay quên, rụng tóc, bạc sớm, loét dạ dày...

Nghiên cứu y học mới nhất đã phát hiện ra rằng Tích dương có thể thúc đẩy quá trình tái tạo và trao đổi chất tế bào của con người, tăng cường điều hòa miễn dịch và có tác dụng chống ung thư, chống vi-rút và chống lão hóa rõ rệt. Trong những năm gần đây, Tích dương đã được sử dụng để điều trị phì đại và tăng sản tuyến tiền liệt, hen suyễn và xuất tinh sớm và đã đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng Tích dương nên tuân theo chỉ định, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh tương tác thuốc.

Tích dương 7
Tuân thủ theo chỉ định sử dụng của bác sĩ Y học cổ truyền trong việc sử dụng Tích dương để điều trị bệnh
Nguồn tham khảo