Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Tỏi độc

Tỏi độc: Vị thuốc quý với công dụng tuyệt vời trong điều trị gout

Mỹ Tiên

09/04/2023
Kích thước chữ

Tỏi độc là vị thuốc có tên khoa học là Colchicum autumnale L. thuộc họ Hành tỏi Liliaceae. Đối với nền y học, tỏi độc nổi tiếng với khả năng bào chế ra colchicine, một loại thuốc được sử dụng rộng rãi để giảm các cơn đau trong điều trị bệnh gout (thống phong). Hiện nay các nghiên cứu đã chứng minh colchicine còn có tác dụng khác bao gồm cả chống ung thư. Tuy nhiên, tỏi độc được xếp vào nhóm thảo dược có độc nên khi dùng phải hết sức thận trọng. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tỏi độc có tên khoa học là Colichium autumnale L, thuộc họ Hành tỏi Liliaceae. Cây tỏi độc mặc dù không được trồng ở Việt Nam, nhưng lại là một loại cây thuốc quý được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới với nhiều công dụng chữa bệnh hiệu quả.

Tỏi độc 1
Cây tỏi độc trong tự nhiên

Đặc điểm tự nhiên

Cây tỏi độc là một loài thực vật thân cỏ lâu năm, có thân dưới đất là một dò lớn, mập, hình trụ, đường kính khoảng 2-3 cm, mọc sâu dưới đất, có màu trắng ngà, phủ đầy vảy nâu. Từ dò này, vào mùa thu, mọc lên một cán hoa cao khoảng 10-15 cm, mang 3-4 hoa màu tím hồng.

Lá của cây tỏi độc dài, to, đầu lá hơi nhọn hẹp. Khi quả chín, lá sẽ héo đi và trên mặt đất hầu như không còn dấu vết gì của cây. Đến mùa thu, cây sẽ mọc hoa và quả từ dò mới.

Hoa cây tỏi độc có hình ống, cao khoảng 10-15 cm. Phần ống phía trên hoa tạo thành hình chuông, có 6 cánh bầu dục, màu tím hồng nhạt. Hoa có 6 nhị, 3 nhị ngoài dài hơn 3 nhị phía trong. Nhụy gồm có 3 lá noãn kết hợp thành một bầu gồm 3 ngăn với kiểu đính phôi trung trụ.

Quả cây tỏi độc có 3 ngăn, thẳng đứng, dài khoảng 1,2-2 cm, rộng khoảng 1 cm. Quả chứa nhiều hạt, hạt phẳng dẹt, màu nâu nhạt, xù xì.

Tỏi độc 2
Quả của cây tỏi độc

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây tỏi độc là một loài cỏ mọc hoang ở vùng ôn đới lạnh của châu Âu, đặc biệt là ở các vùng Capcado (Nga), Romania, Hungary. Năm 1958, giáo sư Đỗ Tất Lợi đã thử di thực cây tỏi độc vào Việt Nam nhưng chưa thành công. Cây cũng được trồng lấy hoa làm cảnh. Ở Hungary và Rumani, cây tỏi độc được trồng trên quy mô lớn, hàng năm thu hoạch được 7-8 tấn hạt.

Thời điểm thu hoạch tỏi độc tốt nhất là vào tháng 8, trước khi lá héo, khi đã tích lũy được nhiều hoạt chất nhất. Khi thu hoạch, cần đào dò trước khi cây ra hoa và khi lá đã hoàn toàn héo. Nếu để lá héo thì sẽ khó tìm thấy cây. Do đó, người ta thường đào dò vào cuối tháng 7. Nếu chờ đến cuối thu, đầu xuân thì hoạt chất thu được sẽ kém hơn.

Dò tỏi độc có 2 cách dùng là dùng tươi hoặc qua chế biến. Dò tươi có tác dụng mạnh hơn. Để bào chế, cần hái bỏ thân mang hoa, cắt bỏ rễ và 2 lớp vỏ ngoài màu nâu nhạt. Dò có thể được phơi khô nguyên củ hoặc cắt thành từng khoanh ngang.

Hạt tỏi độc có thể thu hoạch vào tháng 9-10, khi quả chín, loại bỏ tạp chất rồi phơi khô. Hạt tròn đường kính khoảng 2mm, bề mặt nhiều nếp nhăn. Hạt có thành phần ổn định hơn, dễ phơi khô và bảo quản hơn.

Tỏi độc 3
Colchicin thường được chiết xuất từ hạt cây tỏi độc

Bộ phận sử dụng

Bộ phận thường sử dụng của cây tỏi độc là:

  • Dò tỏi độc phơi khô với tên khoa học là Tuber Colchici hay Bulbus Colchici.
  • Hạt tỏi độc phơi hay sấy khô với tên khoa học là Semen Colchici.

Theo quy ước quốc tế ở Bruxelles, hạt tỏi độc là thành phần được công nhận làm thuốc, còn dò thì không. Tuy nhiên, người ta vẫn dùng dò để chiết xuất colchicine, một hoạt chất có nhiều công dụng trong y học.

Thành phần hoá học

Cây tỏi độc có chứa nhiều hoạt chất, bao gồm:

  • Trong dò tỏi độc: Tinh bột, đường, tanin, nhựa, và colchicine. Tỷ lệ colchicine trong dò thường từ 0,1 - 0,35% và thay đổi theo mùa.
  • Trong hạt tỏi độc: Acid galic, dầu, đường, và colchicine. Tỷ lệ colchicine trong hạt từ 0,5 - 3%.

Một số chất khác như contramin, conchicozit glucozit...

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, tỏi độc có vị cay, tính ôn, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, sát trùng, chống viêm, chống co thắt, chống dị ứng, giảm đau.

Chủ trị: Thống phong (gout).

Tỏi độc 4
Tỏi đen là một loại thuốc quý để chữa bệnh thống phong (gout)

Theo y học hiện đại

Trong điều trị kháng viêm

Colchicine từ tỏi độc có tác dụng kháng viêm, giảm đau bằng cách ức chế sự sản xuất các chất trung gian gây viêm, bao gồm prostaglandin, leukotriene, cytokine. Colchicine là một thuốc kháng viêm không đặc hiệu, có tác dụng làm giảm sự di chuyển và chức năng của bạch cầu đa nhân. Điều này giúp ngăn chặn sự hình thành các phản ứng viêm. Tác dụng chống viêm của thuốc ở mức độ yếu.

Một nghiên cứu vào năm 2021 đã chứng minh được colchicine có thể ức chế sự lắp ráp và kích hoạt các dòng hồng cầu NLRP3 thông qua các cơ chế khác nhau để làm giảm hiệu quả sự biểu hiện của các yếu tố gây viêm, từ đó làm giảm tình trạng viêm. Colchicine là một loại thuốc chống viêm đóng vai trò quan trọng trong điều trị giảm đau trong viêm khớp gout cấp tính.

Tỏi độc 5
Colchicine là một loại thuốc chống viêm đóng vai trò quan trọng trong điều trị giảm đau trong viêm khớp gout cấp tính.

Trong điều trị bệnh gout

Colchicin, một hoạt chất được chiết xuất từ tỏi độc, được nghiên cứu có tác dụng ức chế sự di chuyển và thực bào của bạch cầu đa nhân. Điều này dẫn đến việc giảm sản xuất acid lactic tại ổ viêm, giúp duy trì pH bình thường, pH bình thường là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa sự kết tủa của tinh thể monosodium urate tại các mô ở khớp.

Tác dụng chính của colchicine trong bệnh gout cấp tính có liên quan đến ức chế trực tiếp sự di chuyển của các tế bào viêm bao gồm bạch cầu trung tính. Nó cũng có thể có tác dụng chống viêm trực tiếp bằng cách ức chế các tín hiệu viêm quan trọng (chủ yếu là IL-1, IL-6 và TNF).

Trong điều trị chống ung thư

Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy chiết xuất colchicine trong cây tỏi độc cho thấy tác dụng chống ung thư. Colchicine ức chế sự phát triển và tăng sinh cũng như ức chế sự di chuyển, xâm lấn và bám dính của các tế bào ung thư.

Mặc dù colchicine không được sử dụng lâm sàng để điều trị ung thư, nhưng nó có tác dụng chống tăng sinh ung thư thông qua việc ức chế sự hình thành vi ống bằng cách ngăn chặn chu kỳ tế bào ở pha G2/M và kích hoạt quá trình chết theo chu trình. Hiệu quả của colchicine hứa hẹn có thể được sử dụng làm hợp chất để tạo ra các loại thuốc chống ung thư tiềm năng trong tương lai.

Tỏi độc 6
Colchicine hứa hẹn là một các loại thuốc chống ung thư tiềm năng trong tương lai

Trong điều trị xơ vữa động mạch

Là một loại thuốc chống viêm cổ điển, colchicine đã được nghiên cứu rộng rãi trong nghiên cứu trị viêm khớp, nhưng không được nghiên cứu nhiều trong bệnh xơ vữa động mạch. Theo kết quả từ cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn COLCOT năm 2019, vị thế của colchicine trong nghiên cứu bệnh viêm tim mạch đã được chứng minh. Các số nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù colchicine không thể hạn chế hiệu quả sự phát triển của xơ vữa động mạch, nhưng nó có thể làm giảm viêm và làm giảm gánh nặng của mảng xơ vữa động mạch một cách hiệu quả, còn có tác dụng ổn định mảng bám và giảm nguy cơ vỡ mảng bám. Với liều lượng colchicine được kiểm soát tốt, độ an toàn của nó được theo dõi đúng cách và một phương thức sử dụng mới được phát triển, colchicine chắc chắn sẽ có một vị trí rất quan trọng trong việc điều trị các bệnh viêm tim mạch trong tương lai.

Liều dùng & cách dùng

Tỏi độc được sử dụng dưới dạng cồn hạt 1/10 với liều 1,5 gam mỗi lần, dùng tối đa 3 gam trong 24 giờ. Nếu dùng cao cồn nước thì sử dụng liều 0,05 gam mỗi lần, dùng tối đa 0,2 gam trong 24 giờ.

Liều chết trung bình là 0,03 mg/kg cân nặng, 1 centigam đã có thể gây hiện tượng ngộ độc, sự bài tiết chất độc của colchicin chậm do đó những người viêm thận hay suy thận không nên dùng.

Nên sử dụng dưới hướng dẫn của bác sĩ thay vì tự sử dụng.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa thống phong (gout)

Từ hơn 200 năm trước đây, cây tỏi độc được nhân dân Đức dùng chữa bệnh thống phong (gout).

Colchicine với liều 2mg một lần, 4mg trong 24 giờ giúp làm giảm cơn đau trong đợt cấp gout và hạ sốt.

Lưu ý

Tỏi độc là một loại cây thuốc có độc tính cao, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng. Một số lưu ý khi sử dụng cây tỏi độc:

  • Không dùng tỏi độc cho người suy gan, suy thận, suy tim.
  • Dùng quá lâu có thể gây ngộ độc, chỉ nên dùng trong 4 – 5 thì nghỉ 2 – 3 ngày rồi tiếp tục. Trong trường hợp bị ngộ độc tỏi độc, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
  • Không sử dụng tỏi độc cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú;
  • Tác dụng phụ có thể gặp như nôn mửa, đau bụng đi cầu lỏng. Khi thấy có hiện tượng tiêu lỏng thì ngưng thuốc ngay;
  • Dùng đúng liều lượng và sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Đây là thuốc độc, phải bảo quản theo chế độ thuốc độc bảng A.

Tỏi độc là một loài cây thuốc có nguồn gốc từ vùng ôn đới. Từ dò hạt của cây này người ta chiết xuất được colchicin, một hoạt chất có tác dụng điều trị viêm khớp do bệnh gout. Tuy nhiên, cây thuốc và hoạt chất colchicin đều có thể gây ngộ độc, rất nguy hiểm. Do đó, không nên tự ý sử dụng tỏi độc để điều trị bệnh. Việc sử dụng tỏi độc nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ giúp đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.

Tỏi độc 7
Đau bụng đi cầu lỏng là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng colchicine
Nguồn tham khảo