Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Tim mạch/
  4. Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Dược sĩ Đại học Trần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Xơ vữa động mạch xảy ra khi mảng bám tích tụ trong động mạch, thu hẹp chúng và giảm lượng máu đến cơ quan. Điều này tăng rủi ro hình thành cục máu đông, gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Các mảng xơ vữa được hình thành do các mô, tế bào cơ trơn, chất béo, cholesterol… bám vào thành mạch gây tắc nghẽn. Cần luyện tập cho bản thân một lối sống lành mạnh cùng chế độ ăn hợp lý để phòng ngừa tình trạng xơ vữa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch (Atherosclerosis) là sự tích tụ chất béo, cholesterol và các chất khác trong và trên thành động mạch. Sự tích tụ này được gọi là mảng bám. Mảng bám có thể khiến động mạch bị thu hẹp, cản trở lưu lượng máu.

Mảng bám cũng có thể vỡ ra, dẫn đến cục máu đông. Không chỉ vậy, sự vỡ ra của các mảng xơ vữa này còn có thể gây ra cục máu đông, dẫn đến đột quỵ và nhiều bệnh lý khác.

Khi tế bào nội mạc trong lòng động mạch bị tổn thương, không tiết được prostacyclin, dẫn đến không bảo vệ thành mạch được. Lúc này, tiểu cầu kết tập ở vùng tổn thương, giải phóng yếu tố tăng trưởng để chữa lành mô cũng như kích thích tế bào cơ trơn đến và phát triển tại lớp nội mạc. Bên cạnh đó, các đại thực bào được hình thành từ các bạch cầu đơn nhân ở vị trí tổn thương sẽ thực bào các LDL – C tạo nên những tế bào bọt. Các tế bào bọt khi kết hợp với nhau tạo thành các vệt lipid chứa đầy chất béo, sẽ vỡ ra khi quá tải và hình thành các mảng xơ vữa.

Xơ vữa động mạch có thể xảy ra các động mạch lớn và trung bình như động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch não, động mạch chủ, động mạch các chi lớn và các nhánh. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch như bệnh mạch máu ngoại vi, gây nên các cơn đau tim và đột quỵ.

Triệu chứng xơ vữa động mạch

Những dấu hiệu và triệu chứng của xơ vữa động mạch

Bạn có thể không nhận thấy các triệu chứng cho tới khi động mạch gần như tắc nghẽn hoặc khi có các cơn đau tim, đột quỵ. Lúc đó, có thể thấy các triệu chứng sau:

  • Liên quan đến động mạch vành và cơn đau tim: Loạn nhịp tim, đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi.
  • Do ảnh hưởng đến não bộ: Tê yếu tay chân; lơ mơ, suy giảm nhận thức; không cử động được cơ mặt và cơ thể; mất thăng bằng; nhức đầu dữ dội; nhìn mờ.
  • Do ảnh hưởng đến tứ chi: Đau chân khi đi bộ, tê tay chân hoặc bất cứ nơi nào bị tắc nghẽn.
  • Vệt lipid: Là tổn thương đầu tiên có thể nhìn thấy rõ trong quá trình xơ vữa động mạch phát triển.
  • Vết thương chậm lành: Do giảm lưu thông máu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến các bệnh lý sau: Bệnh động mạch vành (CAD), bệnh động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi, phình mạch, suy thận.

xo-vua-dong-mach-1.png
Bệnh động mạch vành là biến chứng nguy hiểm và thường gặp của xơ vữa động mạch

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có các dấu hiệu như đau, tê tay chân hoặc không thoải mái trên tim mạch (đau ngực, khó thở…), bệnh nhân nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân xơ vữa động mạch

Nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch

  • Cholesterol máu cao (đặc biệt là LDL – cholesterol), dẫn đến sự lắng đọng thành các mảng lipid trong động mạch.
  • Cao huyết áp có thể dẫn đến viêm mạch qua trung gian angiotensin II. Angiotensin II kích thích các tế bào nội mô, tế bào cơ trơn mạch máu và đại thực bào sản xuất các chất trung gian gây xơ hóa (cytokine tiền viêm, anion superoxide, yếu tố tiền huyết khối, yếu tố tăng trưởng…).
  • Viêm (viêm khớp, bệnh lupus, bệnh vảy nến, viêm ruột…).
  • Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường làm sản sinh các gốc tự do làm tổn thương tế bào nội mạc và thúc đẩy xơ vữa động mạch.
  • Hút thuốc lá: Nicotin và các hóa chất độc hại khác trong thuốc lá ảnh hưởng xấu đến tế bào nội mô mạch máu, làm tăng tốc độ hình thành Plaque.
  • Bệnh thận mạn: Thúc đẩy sự phát triển xơ vữa.

Nguy cơ xơ vữa động mạch

Những ai có nguy cơ mắc phải xơ vữa động mạch?

Các đối tượng sau sẽ dễ bị xơ vữa động mạch:

  • Người có bệnh nền là rối loạn lipid máu, cao huyết áp, béo phì, đái tháo đường…;
  • Người ít vận động;
  • Người hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu;
  • Người thường xuyên bị stress, căng thẳng, trầm cảm lo âu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch, bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao càng dễ mắc phải xơ vữa động mạch;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm, xơ vữa động mạch;
  • Béo phì, béo bụng;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Không ăn trái cây, ăn nhiều chất béo bão hòa, uống nhiều rượu;
  • Ít vận động, không tập luyện thể dục thường xuyên;
  • Thường xuyên bị căng thẳng.
xo-vua-dong-mach-2.png
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch

Phương pháp chẩn đoán & điều trị xơ vữa động mạch

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xơ vữa động mạch

Bác sĩ tim mạch sẽ nghe tiếng tim để xem có các âm thanh bất thường nào không (tiếng rít khi máu chảy qua động mạch bị tắc nghẽn…). Khi có nghi ngờ xơ vữa động mạch, bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm:

  • Xét nghiệm máu để xác định nồng độ cholesterol trong máu, đặc biệt là LDL – C và triglyceride;
  • Xét nghiệm sự hiện diện của lipoprotein a, apoprotein B trong thành mạch, protein CRP (đặc trưng cho phản ứng viêm) trong máu;
  • Siêu âm Doppler để xem động mạch có bị tắc nghẽn không;
  • Đo chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI) để xem có bị tắc nghẽn động mạch các chi không;
  • Chụp MRI hoặc CT;
  • Chụp X quang ngực;
  • Đo điện tâm đồ;
  • Kiểm tra khả năng chịu đựng của cơ thể, nhịp tim, huyết áp sau khi tập thể dục.

Phương pháp điều trị hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Thay đổi lối sống:

  • Giảm lượng chất béo tiêu thụ và tập thể dục thường xuyên.

Dùng thuốc:

  • Thuốc hạ cholesterol: Statin, fibrate, nhựa gắn acid mật;
  • Thuốc hạ huyết áp: Thuốc ức chế men chuyển ACE, thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB), thuốc chẹn β;
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu (ngăn cục máu đông gây tắc nghẽn mạch): Aspirin, clopidogrel. Hoặc có thể sử dụng các thuốc chống đông máu như warfarin, heparin…

Xem thêm: Cần lưu ý gì khi dùng thuốc làm tan mảng xơ vữa động mạch?

Phẫu thuật:

  • Phẫu thuật bắc cầu mạch vành;
  • Điều trị tan huyết khối (thrombolysis);
  • Đặt stent nong mạch vành;
  • Phẫu thuật cắt mạch máu.
  • Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
xo-vua-dong-mach-3.png
Đặt Stent nong mạch vành giúp cải thiện lưu lượng máu trong lòng động mạch vành

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa xơ vữa động mạch

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xơ vữa động mạch

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Điều trị các tình trạng liên quan đến xơ vữa động mạch như tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường…
  • Thường xuyên tập thể dục để giúp cơ tim khỏe mạnh và tăng cường lưu thông máu. Nên có ít nhất 75 phút tập thể dục cường độ cao mỗi tuần hoặc 150 phút/tuần tập thể dục cường độ vừa phải.
  • Nên cai thuốc lá.
  • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Theo dõi huyết áp, lượng cholesterol máu và đường huyết định kỳ.
  • Bệnh nhân cần lạc quan vì tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Cần có 1 chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau củ quả, ngũ cốc, các loại đậu, các sản phẩm làm từ sữa ít béo, thịt gia cầm và cá (không ăn da), dầu thực vật.

Tránh các thức ăn và đồ uống nhiều đường (đồ uống có gas, kẹo…). Theo AHA, không nên sử dụng quá 100 calo đường/ngày ở phụ nữ và không quá 150 calo đường/ngày ở nam giới.

Tránh thức ăn có nhiều muối (nên dùng < 2300 mg natri/ngày, lý tưởng nhất là < 1500 mg natri/ngày).

Tránh các thực phẩm từ chất béo không lành mạnh (thức ăn nhanh, đồ nướng, đồ chiên rán nhiều dầu, thực phẩm đóng hộp…) và thay thế bằng chất béo không bão hòa (dầu oliu, bơ, các loại đậu...).

xo-vua-dong-mach-4.png
Chế độ ăn uống lành mạnh giúp hạn chế diễn tiến của xơ vữa động mạch

Xem thêm: Người bị xơ vữa động mạch nên ăn gì?

Phương pháp phòng ngừa xơ vữa động mạch hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Duy trì thói quen sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục nâng cao sức khỏe.
  • Tập bỏ những thói quen xấu có hại cho sức khỏe như hút thuốc…
  • Có chế độ ăn phù hợp, ít chất béo bão hòa, ít muối...

Kiểm tra nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn!

Càng lớn tuổi khả năng mắc phải bệnh tim mạch càng tăng cao. Hãy kiểm tra ngay qua 15 câu hỏi sau nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim mạch 10 năm tới của Quý khách để có hướng phòng ngừa phù hợp.

Hãy để Nhà thuốc Long Châu đồng hành trên Hành trình sức khỏe của bạn

Danh sách bệnh viện khám tim mạch uy tín

Bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. Vì vậy mà việc quản lý và bảo vệ sức khỏe tim mạch là vô cùng quan trọng. Vậy nên trong bài viết này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một số bệnh viện tim mạch uy tín hiện nay nhé!

Nguồn tham khảo
  1. Healthline: https://www.healthline.com/health/atherosclerosis
  2. Mayoclinic: https://www.mayoclinic.org/
  3. Webmd: https://www.webmd.com/heart-disease/what-is-atherosclerosis
  4. Johns Hopkins: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/atherosclerosis
  5. Msd manuals: https://www.msdmanuals.com/
  6. http://benhvien108.vn/cach-nhin-moi-ve-xo-vua-dong-mach.htm

Các bệnh liên quan

  1. Viêm động mạch takayasu

  2. Tim đập nhanh

  3. Tăng huyết áp

  4. Bướu tim

  5. Block nhĩ thất

  6. Giãn cơ tim

  7. Xuất huyết dưới nhện

  8. Phình động mạch não

  9. Sa van 2 lá

  10. Rối loạn nhịp tim

Câu hỏi thường gặp về bệnh xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch có nên ăn nhiều muối không?

Những đối tượng nào nên sàng lọc bệnh xơ vữa động mạch?

Người bị xơ vữa động mạch có nên tập luyện thể thao không?

Xơ vữa động mạch có dẫn đến đột quỵ không?

Liệu có phải là đặt Stent xong là đã chữa khỏi hẳn bệnh mạch vành?

Infographic về bệnh tim mạch

Xơ vữa động mạch và những hậu quả nghiêm trọng

Phương pháp điều trị xơ vữa động mạch

Thực trạng bệnh tim mạch ở Việt Nam

Video về bệnh tim mạch

Sau đặt stent động mạch vành có vận động mạnh được không?

Sử dụng thuốc điều trị bệnh tim mạch cần lưu ý gì?

Hút thuốc lá có tăng nguy cơ bị tim mạch không?

Khi nào cần đến bác sĩ kiểm tra tim mạch?

Bệnh tim mạch bao gồm những bệnh lý thường gặp nào?

Video Ngắn

Dinh dưỡng bệnh tim mùa nóng

Vận động cho bệnh tim mạch

Hỏi đáp (0 bình luận)