Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh gút (Gout): Một dạng viêm khớp gây đau và sưng khớp dữ dội

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Gút (Gout) là một loại bệnh lý viêm khớp xảy với biểu hiện như sưng đau khớp dữ dội một cách đột ngột vào ban đêm, kéo dài từ 3 - 10 ngày. Cơn gút cấp sau đó sẽ hết và bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng giữa những cơn gút cấp. Tuy nhiên, nếu không điều trị, gút sẽ tái phát lại sau vài tháng hoặc vài năm. Biến chứng của gút gây xói mòn và phá huỷ khớp, làm tổn thương các cơ quan khác như tim mạch, thận (gây sỏi thận)...

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Gút là bệnh gì? 

Gút (Gout) là một loại bệnh lý viêm khớp xảy ra khi cơ thể có quá nhiều axit uric trong máu và chúng kết tinh tạo thành các tinh thể sắc nhọn ở một hoặc nhiều khớp của bạn. Lúc đó sẽ xuất hiện tình trạng gọi là cơn gút cấp đi kèm với tình trạng sưng đau dữ dội đột ngột ở khớp. Cơn gút cấp thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày nhưng 36 giờ đầu tiên thường là đau nhất. Sau đợt đầu tiên, một số người có thể sẽ không tái phát lại cơn gút trong ít nhất vài tháng hoặc có thể vài năm. Ngoài ra, giữa các đợt gút cấp thì bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng nào.

Khớp thường gặp nhất trong bệnh gút là ở ngón chân cái nhưng ở một số người thì tinh thể axit uric cũng có thể xuất hiện ở các khớp đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay, cổ tay hoặc khuỷu tay.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút hầu như luôn xảy ra một cách đột ngột và thường xảy ra vào ban đêm, bao gồm:

Đau khớp dữ dội: Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu tiên.

Đau kéo dài: Sau khi cơn đau dữ dội nhất xảy ra, bạn vẫn có thể cảm giác khó chịu, đau nhức ở khớp kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. 

Viêm và sưng tấy.

Giới hạn vận động: Khi bệnh gút tiến triển nặng hơn có thể ảnh hưởng đển hoạt động bình thường của khớp. 

Tác động của gút đối với sức khỏe

Ngoài những triệu chứng ảnh hưởng đến hệ thống khớp trong cơ thể, axit uric dư thừa cũng có thể làm tổn thương thận, mạch máu và các cơ quan khác, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như bệnh thận, bệnh tim mạch cũng như bệnh tiểu đường, trầm cảm và chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh gút

Gút tái phát: nếu không điều trị, gút sẽ tái phát lại sau vài tháng hoặc vài năm. Mỗi lần tái phát thì thời gian lặp lại 1 đợt gút cấp mới sẽ ngắn hơn đợt trước. Nếu không được điều trị, bệnh gút có thể gây xói mòn và phá hủy khớp.

Nốt tô-phi (tophi): Gút không được điều trị sẽ dẫn đến việc lắng đọng lâu dài các tinh thể uric dưới da tạo thành các nốt sần gọi là tophi. Tophi có thể xuất hiện ở một số vùng cơ thể chẳng hạn như ngón tay, bàn tay, bàn chân, khuỷu tay hoặc gân Achilles dọc theo mặt sau của mắt cá chân của bạn. Hạt tophi thường không gây đau đớn, nhưng chúng có thể sưng và đau trong các đợt gút cấp. Ngoài ra chúng sẽ góp phần làm huỷ hoại và biến dạng khớp nhiều hơn.

Sỏi thận: Các tinh thể urat có thể tích tụ trong đường tiết niệu của những người bị bệnh gút, gây ra sỏi thận.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh gút

Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng quá mức nồng độ acid uric trong máu và cơ thể tạo ra axit uric khi phân hủy purin - một chất được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể và thường được hấp thu quá mức từ bên ngoài qua các bữa ăn. Purines được tìm thấy nhiều trong một số loại thực phẩm bao gồm thịt đỏ và thịt nội tạng, chẳng hạn như gan. Hải sản giàu purin bao gồm cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi và cá ngừ. Đồ uống có cồn, đặc biệt là bia và đồ uống có đường trái cây (fructose) làm tăng nồng độ axit uric.

Thông thường, axit uric hòa tan trong máu và đi qua thận vào nước tiểu. Tuy nhiên khi cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric hoặc khả năng bài tiết acid uric của thận bị suy giảm thì axit uric có thể tích tụ trong máu, tạo thành các tinh thể urat sắc nhọn và lắng đọng ở các khớp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh gút?

Tỉ lệ nam mắc gút cao gấp 3 lần phụ nữ và thường xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi. Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh gút hơn sau khi mãn kinh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải gút

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc gút, bao gồm:

  • Tình trạng thừa cân, béo phì;

  • Uống rượu, bia thường xuyên, ăn nhiều thịt đỏ và hải sản có chứa nhiều purin;

  • Tiền sử gia đình có người bệnh gút;

  • Sử dụng 1 số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, aspirin, thuốc chẹn thụ thể beta, thuốc ức chế men chuyển.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh gút

Chẩn đoán có thể dựa vào triệu chứng than phiền của bệnh nhân và sự xuất hiện tình trạng sưng đau khớp biểu hiện bên ngoài. Một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán bao gồm:

  • Chọc hút dịch khớp: Dùng kim để hút dịch viêm từ khớp bị ảnh hưởng và kiểm tra dưới kính hiển vi để quản sát các tinh thể urat.

  • Xét nghiệm máu: Đo nồng độ acid uric trong máu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu có thể bị sai lệch. Một số người có nồng độ axit uric cao nhưng không bao giờ bị bệnh gút. Bên cạnh đó, một số người có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gút nhưng không có nồng độ axit uric bất thường trong máu của họ.

  • Chụp X-quang: loại trừ các bệnh lý khác gây sưng đau khớp.

  • Siêu âm khớp: Có thể giúp phát hiện tinh thể urate trong khớp hoặc trong nốt tophi.

Phương pháp điều trị gút hiệu quả

Có hai loại thuốc điều trị gút và tập trung vào hai vấn đề khác nhau:

  • Loại đầu tiên giúp giảm viêm và đau do các cơn gút cấp bao gồm: Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc kháng viêm corticosteroid, Colchicine.

  • Loại thứ hai giúp ngăn ngừa biến chứng bệnh gút bằng cách hạ thấp lượng axit uric trong máu và ngăn ngừa tái phát cơn gút cấp: Allopurinol, febuxostat, probenecid.

Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị bạn cần thay đổi lối sống để giúp kiểm soát các triệu chứng và giảm nguy cơ bị các cơn gút trong tương lai. Ví dụ như: 

  • Giảm lượng rượu uống vào;

  • Giảm cân, nếu bạn thừa cân;

  • Bỏ thuốc lá nếu có hút thuốc.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh gút

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa gút hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Chọn các loại đồ uống lành mạnh, hạn chế đồ uống có cồn và nước trái cây có chứa fructose. Thay vào đó, hãy uống nhiều đồ uống không cồn, đặc biệt là nước tinh khiết.

  • Tránh thức ăn có nhiều purin như thịt đỏ và các loại thịt nội tạng, chẳng hạn như gan, hải sản giàu purin bao gồm cá cơm, cá mòi, trai, sò điệp, cá hồi và cá ngừ. Các sản phẩm sữa ít béo có thể là nguồn cung cấp protein tốt hơn cho những người bị bệnh gút.

  • Tập thể dục thường xuyên và giảm cân. Giữ cơ thể ở mức cân nặng hợp lý giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gút. Các môn thể thao đơn giản như đi bộ, đi xe đạp và bơi lội - những hoạt động giúp cải thiện chức năng các khớp của bạn.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/
  2. https://www.arthritis.org/
  3. https://www.healthline.com/
  4. https://www.webmd.com/

Các bệnh liên quan