Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Tim mạch/
  4. Suy tim

Suy tim: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Dược sĩ Đại học Từ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Suy tim là tình trạng trong đó cơ tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi do lượng máu và oxy cung cấp cho cơ thể giảm sút. Với các triệu chứng dễ gây nhầm lẫn lúc ban đầu, dẫn đến bệnh nhân thường bỏ qua và không tìm đến tư vấn y tế kịp thời làm tăng nguy cơ chuyển biến xấu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung suy tim

Suy tim là một bệnh lý mạn tính và tiến triển, nơi cơ tim không còn đủ khả năng để bơm máu hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu cung cấp máu và oxy của cơ thể. Khi cơ tim yếu dần và không thể bơm đủ lượng máu cần thiết, điều này dẫn đến các hậu quả như khó thở và mệt mỏi, bởi các mô và cơ quan không nhận đủ oxy cần thiết để hoạt động bình thường.

Triệu chứng suy tim

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tim

Những triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân suy tim bao gồm:

  • Khó thở khi hoạt động hoặc khi nằm: Dịch tích tụ trong phổi làm giảm hiệu quả trao đổi khí, gây khó thở.
  • Khó thở khi thức dậy vào ban đêm: Tình trạng khó thở đột ngột khi nằm có thể buộc bệnh nhân phải thức dậy để tìm không khí.
  • Đau ngực: Cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng ngực, thường là dấu hiệu của tim không được cung cấp đủ máu.
  • Tim đập nhanh: Tim cố gắng bơm máu nhanh hơn bình thường để bù đắp cho khả năng bơm kém.
  • Phù nề ở cẳng chân, mắt cá chân, bàn chân: Dịch tích tụ trong các mô, làm cho chúng sưng lên.
  • Ho không dứt: Kèm theo ho khan hoặc ho có đờm, do dịch tích tụ ở phổi.
  • Cơn ho kéo dài kèm theo đờm và đốm máu: Ho do tích tụ dịch trong phổi, đôi khi có máu do phổi bị tổn thương.
  • Tăng cân nhanh do ứ dịch: Tích tụ dịch trong cơ thể làm tăng cân đột ngột.
  • Khó tập trung hoặc không tỉnh táo: Giảm lưu lượng máu đến não có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức.
  • Mệt mỏi khi hoạt động: Cơ thể mệt mỏi do các cơ không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng.
  • Ho khan: Có thể do dịch tích tụ ở phổi hoặc do cơ tim yếu không thể hiệu quả trong việc bơm máu.
  • Bụng chướng hoặc cứng: Dịch có thể tích tụ trong khoang bụng, gây cảm giác chướng và cứng.
  • Chán ăn: Suy tim có thể làm giảm cảm giác thèm ăn do trạng thái tổng thể yếu kém và tích tụ dịch.
  • Buồn nôn: Rối loạn tiêu hóa do dịch ứ đọng trong hệ tiêu hóa hoặc do cơ thể căng thẳng.
suy tim 5.jpg
Khó thở là 1 trong những triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân suy tim

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đến gặp bác sỹ để nhận được tư vấn y tế kịp thời nếu gặp các triệu chứng của suy tim dai dẳng hoặc nặng dần.

Nguyên nhân suy tim

Suy tim thường là kết quả của một số vấn đề ảnh hưởng đến tim cùng lúc.

Các bệnh có thể dẫn đến suy tim bao gồm:

  • Bệnh mạch vành: Các động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn bởi các chất béo (xơ vữa động mạch) - có thể gây đau thắt ngực hoặc gây đau tim.
  • Bệnh tăng huyết áp: Bệnh làm áp lực máu động mạch rất lớn, mà lực co bóp tim phải lớn hơn áp lực máu động mạch mới tống máu đi nuôi cơ thể, lâu dần tim hoạt động quá sức dẫn đến suy tim.
  • Bệnh cơ tim.
  • Bệnh van tim.
  • Bệnh tim bẩm sinh: Bệnh sẽ tiến triển thành suy tim rất nhanh nếu không được can thiệp phẫu thuật sớm.
  • Các nguyên nhân khác do: Loạn nhịp tim, nhiễm độc (rượu), tác dụng phụ của thuốc, đái tháo đường, thiếu máu, phụ nữ sau khi sinh,…
suy tim 6.jpg
Bệnh tăng huyết áp dẫn đến suy tim

Nguy cơ suy tim

Những ai có nguy cơ mắc phải suy tim?

Những bệnh nhân mắc các bệnh có khả năng dẫn đến suy tim như bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh mạch vành.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy tim

  • Nghiện rượu dẫn đến ngộ độc rượu;
  • Béo phì;
  • Phụ nữ sau sinh,…

Phương pháp chẩn đoán & điều trị suy tim

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy tim

Chẩn đoán dựa trên lâm sàng

Như khó thở khi gắng sức hoặc mệt mỏi, phù, nhịp nhanh, rales phổi, tiếng S3, tĩnh mạch cổ nổi thường gợi ý chẩn đoán suy tim, nhưng ít khi biểu hiện sớm. COPD hoặc viêm phổi tái phát nhiều đợt, hoặc béo phì và tuổi cao cũng có thể gây những triệu chứng tương tự.

Nghĩ nhiều tới chẩn đoán suy tim trên những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh van tim hoặc có tiếng thổi khi thăm khám tim, và cũng có thể nghĩ tới suy tim trên các đối tượng người cao tuổi hoặc mắc đái tháo đường.

Xét nghiệm cận lâm sàng

X-quang ngực: Các triệu chứng suy tim trên phim chụp XQ bao gồm: Bóng tim to, tràn dịch màng phổi, tràn dịch rãnh liên thùy, đường Kerley B. Chụp XQ cũng giúp gợi ý các chẩn đoán phân biệt khác (như COPD, viêm phổi, xơ hóa phổi nguyên phát, ung thư phổi).

Điện tâm đồ (ECG): Không giúp chẩn đoán xác định, nhưng nếu điện tâm đồ bất thường, nhất là khi có các dấu hiệu nhồi máu cơ tim cũ, tăng gánh thất trái, block nhánh trái, hoặc rối loạn nhịp như rung nhĩ nhanh, càng nên nghĩ nhiều đến chẩn đoán suy tim, đồng thời, có thể giúp xác định căn nguyên gây suy tim. Trong suy tim, điện tâm đồ ít khi bình thường.

Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm tim, chụp xạ hình, chụp MRI.

Xét nghiệm máu: Nồng độ BNP huyết thanh thường tăng cao trong trường hợp suy tim, dùng để chẩn đoán phân biệt khó thở do suy tim hay do nguyên nhân khác.

Các xét nghiệm khác: Siêu âm ngực, chụp mạch vành,…

Phương pháp điều trị suy tim hiệu quả

Mục tiêu điều trị

Mục tiêu ngắn hạn: Giảm thiểu triệu chứng suy tim; làm chậm tiến triển của suy giảm chức năng tim; tránh hạ kali máu, rối loạn chức năng thận và hạ huyết áp triệu chứng; hạn chế cơ chế bù trừ thần kinh.

Mục tiêu dài hạn: Điều chỉnh huyết áp, ngăn ngừa nhồi máu cơ tim và vữa xơ động mạch; cải thiện chức năng tim, giảm tỷ lệ nhập viện, tử suất và bệnh suất; cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống.

Phương pháp điều trị bao gồm

Điều trị không dùng thuốc:

Thay đổi chế độ ăn và lối sống, tăng chất lượng sống như bỏ thuốc lá, giảm cân nếu béo phì, kiểm soát tăng huyết áp, kiểm soát đái tháo đường, hạn chế rượu tối đa, bỏ rượu nếu bị bệnh cơ tim do rượu, giảm ăn muối tuỳ theo mức độ suy tim (dưới 2g muối/ngày nếu suy tim nặng).

Hạn chế nước khi suy tim mức độ nặng, kiểm tra cân nặng mỗi ngày.

Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức. Trong các đợt tiến triển, bệnh nhân nên được nghỉ ngơi, tránh gắng sức.

Tiêm phòng cúm và vắc xin phòng phế cầu mỗi 5 năm.

Kiểm tra ion đồ và can thiệp điều trị khi cần.

Kiểm soát bệnh tuyến giáp (do bệnh nhược giáp có thể bị che dấu bởi triệu chứng suy tim, cường giáp làm nặng thêm suy tim tâm thu).

Tầm soát và điều trị trầm cảm.

Điều trị bằng thuốc, tuỳ theo mức độ suy tim mà bác sĩ cân nhắc lựa chọn thuốc điều trị cho phù hợp, các nhóm thuốc điều trị suy tim bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEI)/Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB);
  • Thuốc beta-blocker;
  • Thuốc lợi tiểu;
  • Thuốc đối kháng aldosteron;
  • Ivabradin;
  • ARNI (angiotensin receptor neprilysin inhibitor);
  • Digoxin;
  • Hydralazine và isosorbide dinitrat.

Can thiệp bằng phẫu thuật:

  • Đôi khi cần sử dụng các thiết bị điều trị (như cấy máy khử rung, máy tái đồng bộ tim, hỗ trợ tuần hoàn cơ học).
  • Đôi khi có chỉ định ghép tim.
suy tim 7.jpg
Đôi khi cần phẫu thuật ghép tim cho bệnh nhân

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa suy tim

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy tim

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Tập luyện thể dục nhẹ nhàng, vừa sức.
  • Điều chỉnh lối sống: Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, giảm cân nếu béo phì.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
  • Vật lý trị liệu phục hồi chức năng để phục hồi tổn thương não bộ sau đột quỵ.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Giảm ăn muối và các thực phẩm giàu natri (dưới 2g/ngày nếu suy tim nặng).
  • Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ và vitamin.

Phương pháp phòng ngừa suy tim hiệu quả

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây suy tim như: Bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường,…

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế chất béo, không ăn quá mặn,…

Duy trì lối sống khoa học: Thường xuyên tập thể dục, kiểm soát cân nặng, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia,…

suy tim 8.jpeg
Thường xuyên tập thể dục là phương pháp phòng ngừa bệnh suy tim hiệu quả
Nguồn tham khảo
  1. Sách học Dược lý học Tập 2, Khoa Dược, Bộ môn Dược lý - Đại học Y Dược Tp.HCM

  2. Sử dụng thuốc trong điều trị suy tim, TS. Bùi Thị Hương Quỳnh, Khoa Dược, Bộ môn Dược lâm sàng – Đại học Y Dược Tp.HCM

  3. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh động mạch chủ

  2. Cơn đau thắt ngực

  3. Ung thư tim

  4. Còn ống động mạch

  5. Bệnh van tim

  6. Phù bạch huyết

  7. Trụy tim

  8. Huyết áp thấp

  9. Hẹp van hai lá

  10. Nhồi máu cơ tim

Hỏi đáp (0 bình luận)