Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trinh nữ hoàng cung là một loại dược liệu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Cây thuốc này được biết đến với nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe, đặc biệt là khả năng ức chế khối u. Hãy cùng tìm hiểu một số thông tin cơ bản về đặc điểm tự nhiên, công dụng và một số bài thuốc chứa vị thuốc này qua bài viết dưới đây.
Tên tiếng Việt: Trinh nữ hoàng cung.
Tên gọi khác: Tỏi lơi lá rộng, Tỏi Thái Lan, Náng lá rộng, Vạn châu lan.
Tên khoa học: Crinum latifolium L.
Chi Crinum, họ Amaryllidaceae, bộ Asparagales.
Trinh nữ hoàng cung là loại thực vật thân hành mọc thẳng đứng, có thể mọc rất nhiều củ con, có thể tác ra nhân giống. Rễ dạng củ, kích cỡ bằng củ hành tây, đường kính từ 10 - 15 cm, có các rễ con xung quanh.
Các bẹ lá mọc úp vào nhau tạo thành thân giả như thân hành, cao khoảng từ 10 - 15 cm. Các lá dài từ 50 - 90 cm, rộng từ 5 - 8 cm, hai bên mép lá gợn sóng, gốc lá phẳng có bẹ, đầu lá nhọn. Gân song song, mặt trên chính giữa lõm thành rãnh, mặt dưới có sống lá nổi rõ, ở đầu bẹ lá gần sát mặt đất có màu đỏ tía.
Trinh nữ hoàng cung nở hoa vào tháng 3 - 4, hoa mọc thành tán trên một nhánh dẹt dài từ 30 - 50 cm, mỗi cụm hoa gồm 6 đến 18 hoa hình ống. Cánh hoa màu trắng điểm màu tím đỏ hoặc hồng, cánh trắng nở xòe ra hai bên. Hoa có 6 phiến bằng nhau, khi nở đầu phiến xoăn lại, có nhị sáu và bầu hạ. Lá bắc rộng hình thìa, màu xanh lá dài khoảng 7cm. Quả có hình cầu, mùa quả từ tháng 8 - 9 hàng năm.
Phân bố: Trinh nữ hoàng cung là loại dược liệu có nguồn gốc từ Ấn Độ. Hiện nay loại dược liệu này được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Lào, Ấn Độ, miền nam Trung Quốc,... Tại Việt Nam, Trinh nữ hoàng cung phân bố chủ yếu ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu,...
Thu hái: Thân hành và lá cây Trinh nữ hoàng cung có thể thu hoạch vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Theo kinh nghiệm dân gian, vào khoảng tháng 4 và tháng 9 hàng năm là lúc mà cây chứa nhiều dược chất tốt nhất nên là thời điểm thích hợp để thu hái. Khi thu hái cần để lại 2 - 3 lá ngọn. Cây được 1 năm tuổi trở đi thì sau mỗi 2 tháng có thể thu hoạch lá một lần.
Chế biến: Sau khi thu hái, lá được rửa sạch để dùng tươi hoặc khô. Nếu muốn sử dụng lâu dài, lá được đem đi phơi trong râm hay sấy khô ở 40 - 50 độ C hoặc thái nhỏ rồi sao vàng. Sau khi phơi sấy, dược liệu có màu vàng nhạt, mùi thơm nhẹ. Cần bảo quản trong túi hút chân không hoặc hũ thủy tinh đóng kín để tránh mối mọt hay mất mùi làm chất lượng dược liệu giảm.
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt. Độ ẩm không quá 12%.
Lá của cây Crinum latifolium L.
Chiết xuất từ lá Trinh nữ hoàng cung có chứa carbohydrate, alkaloid, glycoside, saponin, phytosterol, phenol, tannin, flavonoid, protein và acid amin, chất béo và dầu cố định và chất nhầy. Dịch chiết của lá Trinh nữ hoàng cung chứa nhiều alkaloid ví dụ như crinamine, crinamidine, crinafoline và crina folidine. Các alkaloid này và các thành phần hóa học khác chịu trách nhiệm về hoạt động dược lý của cây thuốc này.
Hong HTH và cộng sự (2018) đã báo cáo ba loại alkaloid loại crinane mới, đó là 6-methoxyundulatine, 6-methoxycrinamidine và undulatine N-oxide, cùng với các hợp chất đã biết 6-hydroxyundulatine, 6-hydroxybuphanidrine, undulatine, crinamidine, ambelline, filifoline, augustamine, và perlolyrine, được phân lập từ lá Trinh nữ hoàng cung bằng cách sử dụng các phương pháp tách sắc ký khác nhau.
Ming-Xin Chen và cộng sự (2018) đã báo cáo bốn loại alkaloid mới và có hoạt tính sinh học từ Trinh nữ hoàng cung là 4,8-dimethoxy-cripowellin C, 4,8-dimethoxy-cripowellin D, 9-methoxy- cripowellin B, và 4-methoxy-8-hydroxycripowellin B, cùng với một alkaloid đã biết, cripowellin C được phân lập từ chiết xuất EtOH 95% của củ Trinh nữ hoàng cung.
Tính vị, quy kinh
Tính vị: Vị khổ (đắng), tính ôn.
Quy kinh: Thận, Bàng quang.
Công năng, chủ trị
Công năng: Lợi thủy, nhuyễn kiên, tán kết, tiêu ung, giải độc. Ôn bổ Thận dương, hóa khí hành thủy.
Chủ trị: Tiểu tiện bí gắt, anh lựu, loa lịch, u bướu. Lá tươi và thân hành dùng ngoài, hơ nóng, giã nhỏ xoa bóp vào chỗ sưng đau do sang chấn.
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Nghiên cứu của Pushpendra và cộng sự (2018) thực hiện khảo sát hoạt tính chống oxy hóa in vitro được xác định bằng sáu mô hình khác nhau, đó là hàm lượng phenolic tổng số và tổng hàm lượng flavonoid, xét nghiệm loại bỏ gốc DPPH, khả năng khử sắt, khả năng chống oxy hóa và xét nghiệm loại bỏ gốc hydroxyl.
Hoạt tính hỗ trợ điều trị đái tháo đường in vitro được đánh giá bằng xét nghiệm ức chế α-amylase dựa trên phương pháp iốt tinh bột và DNS. Kết quả cho thấy hàm lượng acid oleanolic, acid linoleic và lupeol được tìm thấy cao hơn ở các phần trên mặt đất lần lượt là 0,015%, 0,048% và 0,028%, trong khi ở chiết xuất rễ lần lượt là 0,006%, 0,027% và 0,025% trọng lượng khô.
Hoạt tính dọn gốc tự do được thực hiện bằng xét nghiệm DPPH, cho thấy giá trị IC50 là 410 ± 1,105 µg/ml ở rễ và 441,95 ± 1,788 ở các bộ phận trên mặt đất. Khả năng điều trị đái tháo đường in vitro của cả hai bộ phận được đánh giá bằng xét nghiệm màu iot của tinh bột và phương pháp DNS của mô hình ức chế alpha-amylase. Trong xét nghiệm 3,5 DNS, IC50 của dịch chiết từ các bộ phận trên mặt đất là 282,21 ± 2,151 µg/ml trong khi ở dịch chiết từ rễ là 193,33 ± 2,45µg/ml. Xét nghiệm tinh bột iod của phần thân C. latifolium cho giá trị IC50 là 340,81 ± 0,49 µg/ml và rễ C. latifolium là 74,64 ± 1,28 µg/ml.
Hoạt tính chống viêm
Nghiên cứu Abdur và cộng sự (2016) khảo sát hoạt động chống viêm của C. latifolium. Kết quả cho thấy các hoạt động chống viêm của chiết xuất trong metanol của C. latifolium tăng phụ thuộc vào nồng độ, trong khi nồng độ 10 mg/ml cho thấy sự ức chế đáng kể nhất là 16,21 và 20,23% tan máu tương ứng bằng dung dịch nhược trương và tan máu do nhiệt. Acetylsalicylic acid được sử dụng làm chất chuẩn trong việc ổn định màng. ASA (0,10 mg/mL) cho thấy khả năng ức chế tan máu lần lượt là 70,01% và 56,32% do dung dịch nhược trương và tan máu do nhiệt gây ra.
Hoạt tính ức chế vi khuẩn
Nghiên cứu Abdur và cộng sự (2016) cũng khảo sát hoạt động ức chế vi khuẩn của C. latifolium. Chiết xuất trong metanol của C. latifolium cho thấy hoạt động nhẹ chống lại vi khuẩn Gram dương Staphylococcus aureus. Mặt khác, nó cho thấy đặc tính kháng khuẩn tốt chống lại vi khuẩn Gram âm E. coli.
Hoạt tính diệt giun
Nghiên cứu của Aziz và cộng sự (2014) khảo sát hoạt tính diệt giun sán, hàm lượng phenolic tổng và độc tính tế bào của dịch chiết methanol của Trinh nữ hoàng cung. Kết quả cho thấy thời gian giun thuộc loài Pheretima posthuma bị tê liệt và chết thấp nhất đối với mẫu thử ở nồng độ cao nhất (50 mg/ml) lần lượt là 24 ± 0,45 phút và 46,4 ± 0,60 phút, tăng dần khi giảm nồng độ.
Mặt khác, albendazole được sử dụng làm tiêu chuẩn gây tê liệt và chết giun ở thời gian tương ứng là 56,2 ± 0,20 phút và 77,4 ± 0,24 phút; trong khi không thấy giun chết khi sử dụng nước cất làm đối chứng. Dịch chiết metanol có hàm lượng phenolic tổng thấp hơn (17,50 ± 2,64 mg/ml). Trong trường hợp đo độc tính tế bào, dịch chiết metanol thô cho kết quả dương tính (LC50 15,652 µg/ml) so với Vincristine sulphate chuẩn (0,839 µg/ml); trong đó chỉ ra rằng lá Trinh nữ hoàng cung có thể gây độc tế bào nhẹ.
Hoạt tính chống tăng sinh tế bào
Nghiên cứu của Thongphichai và cộng sự (2022) nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa và nghiên cứu hoạt động chống tăng sinh của dịch chiết ethanol của lá C. latifolium. Kết quả cho thấy hai alkaloid, lycorine (1) và 6α-hydroxybuphanidrine (2), được phân lập từ chiết xuất trong ethanol của C. latifolium. Phương pháp sắc ký lớp mỏng hiệu năng cao để định lượng (1) và (2) đã được phát triển và xác nhận về độ tuyến tính, độ chính xác và độ chính xác.
Chiết xuất lá C. latifolium chứa 0,279 ± 0,003% (1) và 0,232 ± 0,004% (2). Chiết xuất này có tác dụng mạnh hơn riêng (1) và (2) đối với sự tăng sinh tế bào WPMY-1 được xử lý bằng TGF-β. Nghiên cứu phối hợp thuốc cho thấy tác dụng hiệp đồng lớn nhất của (1) và (2) đạt được ở tỷ lệ 1:1. Kết quả của nghiên cứu này hỗ trợ hoạt động chống tăng sinh tế bào tuyến tiền liệt lành tính của C. latifolium. Ngoài ra, các alkaloid chính (1) và (2) có thể được sử dụng làm chất đánh dấu hoạt tính sinh học để chuẩn hóa chiết xuất C. latifolium.
Ngày dùng 4 g đến 10 g, dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài: Lượng thích hợp.
Bài thuốc dùng ngoài hỗ trị điều trị viêm phụ khoa
Cách 1: Lá Trinh nữ hoàng cung, Hạ khô thảo, rễ Ngưu tất, Hương phụ mỗi vị 20 g cho vào nồi sắc với 1 lít nước cho đến khi cô lại còn ½ lượng nước ban đầu. Chia thành 3 lần uống trong một ngày và không để qua đêm.
Cách 2: Trinh nữ hoàng cung, Liên diệp, Dứa dại, Ngải cứu tươi, Ích mẫu và Hương phụ mỗi vị 20g sắc với 1 lít nước cho đến khi cô lại còn ½ lượng nước ban đầu. Chia thành 3 lần uống trong một ngày và không để qua đêm.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị u xơ tử cung, rong kinh, thống kinh
Cách 1: Lá Trinh nữ hoàng cung, Hạ khô thảo mỗi vị 20 g, rễ Ngưu tất 12 g, Hoàng cầm 8 g, Hương phụ 6 g. Sắc thuốc rồi chia thành 3 phần đều nhau và uống trong ngày.
Cách 2: Lá trinh nữ hoàng cung 20 g, Trắc bá diệp sao đen 12 g, Hương phụ 6 g. Sắc thuốc rồi chia 3 phần đều nhau và uống trong ngày.
Bài thuốc hỗ trợ điều trị phì đại tuyến tiền liệt, rối loạn tiểu tiện ở người cao tuổi
Lá Trinh nữa hoàng cung 20 g sắc uống chia làm 2 - 3 lần trong ngày. Hoặc lá Trinh nữ hoàng cung 20 g, Xa tiền tử 12 g, Hương phụ 6 g, sắc nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang. Hoặc Huyết giác và lá Trinh nữ hoàng cung mỗi vị 20 g, rễ Ngưu tất nam 12 g, Ba kích (sao muối) 10 g, Hương phụ 6 g, sắc nước uống chia làm 2 - 3 lần trong ngày.
Trước khi sử dụng Trinh nữ hoàng cung làm thuốc, cần chú ý những điều sau: