Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tỳ giải: Vị thuốc chữa đau nhức và có tác dụng lợi tiểu

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tỳ giải là rễ củ của cây Tỳ giải, có tên khoa học là (Dioscorea tokogo Makino.), thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae). Tỳ giải là vị thuốc được sử dụng từ lâu với công dụng lợi thấp, trị các bệnh đau mỏi lưng gối do phong thấp hay các chứng tiểu đục, mụn nhọt do thấp nhiệt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Tỳ giải.

Tên khác: Xuyên tỳ giải, Phấn tỳ giải, Củ kim cang, Bạt kế.

Tên khoa học: Dioscorea tokogo Makino., thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Tỳ giải là cây leo sống lâu năm, có rễ phình thành củ, mặt ngoài củ có màu vàng nâu, ở trong màu trắng vàng, cứng. Thân cây Tỳ giải nhỏ, gầy, lá cây mọc so le, có hình trái tim, đầu lá nhọn và có cuống dài. Mỗi lá có từ 7 đến 11 gân lá, các lá kèm biến thành tua cuống. Hoa Tỳ giải có màu xanh nhạt, đơn tính khác gốc, mọc thành bông. Thường sẽ ra hoa vào mùa hạ và thu, quả Tỳ giải nhỏ và có rìa như cánh.

Phân bố, thu hái, chế biến

Chưa có dữ liệu về phân bố cây Tỳ giải ở Việt Nam. Trên thế giới, cây Tỳ giải phân bố ở miền Nam Trung Quốc đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại Trung Quốc, Tỳ giải phân bố ở Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông.

Cây Tỳ giải có thể thu hái quanh năm, tuy nhiên chủ yếu được thu hái vào mùa đông.

Bào chế củ Tỳ giải bằng cách ngâm củ với nước vo gạo qua đêm sau đó rửa sạch. Tiếp theo ủ mềm rồi thái hoặc bào mỏng và phơi khô. Sau đó có thể bảo quản để sử dụng nơi khô ráo, tránh mối mọt.

Tỳ giải: Vị thuốc chữa đau nhức và có tác dụng lợi tiểu 1
Cây Tỳ giải

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của cây Tỳ giải là rễ củ.

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học trong cây Tỳ giải được xác định bao gồm các saponin steroid như:

  • Yonogenin;
  • Kogagenin;
  • Tokorogenin;
  • Igagenin;
  • Isodiotigenin;
  • Protodioscin;
  • Dioscin;
  • Gracillin.
Tỳ giải: Vị thuốc chữa đau nhức và có tác dụng lợi tiểu 2
Thành phần hóa học trong cây Tỳ giải được xác định bao gồm các saponin steroid như dioscin

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, vị thuốc Tỳ giải có vị đắng, tính bình, quy vào ba kinh Can, Vị, Thận.

Vị thuốc Tỳ giải theo Y học cổ truyền có tác dụng lợi thấp trừ phong, phân thanh khứ trọc (chữa các chứng nước tiểu đục, làm trong nước tiểu).

Thông thường, Tỳ giải giúp chủ trị các chứng tý thuộc phong thấp nhiệt, đau mỏi lưng, đau nặng gối. Tỳ giải còn giúp trị các chứng tiểu nhắt, tiểu đục, đàn ông bị bạch trọc (tiểu trắng đục), đàn bà bị bạch đới (ra chất nhầy trắng).

Tỳ giải: Vị thuốc chữa đau nhức và có tác dụng lợi tiểu 3
Tỳ giải với tác dụng lợi tiểu, giúp chữa các chứng tiểu rắt, tiểu đục

Theo y học hiện đại

Trong hiệu quả ức chế tế bào ung thư bạch cầu

Một nghiên cứu đã phân lập thành phần protodioscin ở rễ củ cây Tỳ giải tại Nhật Bản đã cho thấy công dụng chống tăng sinh các tế bào bạch cầu HL-60. Protodioscin được biết đến như một saponin có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, giảm mỡ máu xấu (LDL). Trong nghiên cứu này, protodioscin chiết xuất từ cây Tỳ giải cho thấy tác dụng chống tăng sinh mạnh mẽ các tế bào HL-60, liên quan đến cách bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Tuy nhiên, có sự khác nhau về hàm lượng của protodioscin của các cây Tỳ giải ở khu vực khác nhau.

Trong điều trị tăng acid uric máu

Dioscin là một saponin có nhiều hoạt tính dược lý khác nhau, trong đó có tác dụng hạ acid uric máu. Dioscin là một thành phần được chiết xuất từ nhiều loại thực vật khác nhau, trong đó có cây Tỳ giải. Một nghiên cứu về tác dụng chống tăng acid uric máu của chiết xuất cây Tỳ giải đã được thực hiện. Nghiên cứu này tiến hành trên mô hình chuột tăng acid uric máu, được sử dụng chiết xuất cây Tỳ giải. Kết quả cho thấy chiết xuất tỳ giải giúp giảm acid uric máu ở chuột, giúp thải acid uric qua nước tiểu chuột.

Trong điều trị bảo vệ gan

Dioscin, một thành phần trong cây Tỳ giải, đã được chứng minh có thể ngăn chặn sự kích hoạt và quá trình lão hóa, chết theo chương trình của các tế bào hình sao ở gan. Đây là các tế bào có liên quan mật thiết đến bệnh xơ gan. Dioscin còn giúp giảm căng thẳng oxy hóa và giảm tình trạng xơ gan. Đối với các tổn thương gan cấp tính, dioscin được chứng minh có thể làm giảm các tổn thương gan cấp tính thông qua việc ức chế quá trình apoptosis, hoạt tử, stress oxy hóa và quá trình viêm. Ngoài ra, dioscin còn giúp chống lại hoạt động của virus như virus viêm gan B.

Tỳ giải: Vị thuốc chữa đau nhức và có tác dụng lợi tiểu 4
Dioscin là thành phần có tác dụng bảo vệ gan

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng của Tỳ giải có thể từ 4 đến 20g, tùy thuộc và thể trạng và tình trạng bệnh của mỗi ngày. Có thể dùng đơn độc hoặc dùng theo các bài thuốc. Ví dụ một bài thuốc nổi tiếng có vị thuốc Tỳ giải là bài Tỳ giải phân thanh ẩm.

Tỳ giải: Vị thuốc chữa đau nhức và có tác dụng lợi tiểu 5
Vị thuốc Tỳ giải

Bài thuốc kinh nghiệm

Điều trị các chứng tiểu rắt, tiểu đục do thấp nhiệt

Chuẩn bị: 16g Tỳ giải, 12g Ô dược, 12g Thạch xương bồ, 12g Anh khoa khố, 8g Cam thảo.

Thực hiện: Sắc thang thuốc với nước, mỗi ngày một thang, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Trị tiểu mót, tiểu đục

Chuẩn bị: Lấy một lượng bằng nhau các vị thuốc Tỳ giải, Anh hoa khoa, Bàng kỳ, Thạch xương bồ.

Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán thành bột, bảo quản trong hũ kín, mỗi lần dùng 8 đến 12g bột sắc với 3 ly nước rồi thêm 1g muối và uống khi còn nóng.

Tỳ giải: Vị thuốc chữa đau nhức và có tác dụng lợi tiểu 6
Bài thuốc kinh nghiệm chứa Tỳ giải giúp trị chứng tiểu mót, tiểu đục

Đau mỏi hai chân, ngứa da do thấp nhiệt

Chuẩn bị: 14g Tỳ giải, 14g Đương quy, 14g Ngưu tất, 12g Hà thủ ô, 12g Tra tử, 12g Đỗ trọng, 12g Xô thơm, 4g Cam thảo.

Thực hiện: Đem thang thuốc sắc với 5 chén nước, nước cạn còn khoảng 2 chén thì ngưng, mỗi ngày sắc 1 thang chia ra uống 3 lần.

Điều trị mụn nhọt, rỉ dịch do thấp nhiệt

Chuẩn bị: 20g Tỳ giải, 12g Bạch tiễn bì, 12g Uy linh tiên, 16g Kim ngân, 16g Ké đầu ngựa, 32g Thổ phục linh, 6g Cam thảo.

Thực hiện: Mỗi ngày sắc uống 1 thang thuốc.

Trị đau nhức mình mẩy, phong thấp

Chuẩn bị: 12g Tỳ giải, 12g Sơn khương, 16g Đan sâm, 12g Cỏ xước, 8g Hắc phụ, 8g Chỉ xác.

Thực hiện: Đem các vị thuốc trên tán thành bột rồi trộn đều với mật ong, vo thành viên, mỗi lần uống 12g chung với rượu ấm.

Điều trị sỏi đường niệu và nước tiểu cặn lắng

Chuẩn bị: Tỳ giải 12g, Cây vảy rồng 12g, Ngưu tất nam 12g, Ý dĩ 12g, Ô dược 12g.

Thực hiện: Mỗi ngày sắc một thang thuốc cùng với nước, chia làm 2 đến 3 lần uống trong ngày.

Trị tiểu buốt rắt, viêm đường tiết niệu, đau mỏi lưng do thấp nhiệt

Chuẩn bị: Tỳ giải 12g, Ngưu tất 12g, Thuỷ đề 12g, Nghiệt bì 12g, Phục linh 12g, Hoài sơn 16g, Địa hoàng 20g, Huyết quỷ 14g.

Thực hiện: Sắc uống 1 thang thuốc mỗi ngày.

Chữa chứng tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu tiện không kiểm soát

Chuẩn bị: Tỳ giải, Phục linh, Mộc miên, Cây ruột già, Hoàng kỳ, Lông cu li, Anh hoa khố, Đại vân, Lộc nhung, Thỏ ty tử.

Thực hiện: Đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn rồi trộn chung với rượu hồ. Sau đó đem vo thành viên kích thước bằng nhau, cỡ bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng khoảng 30 viên uống cùng với rượu ấm.

Điều trị chứng đau thần kinh tọa

Chuẩn bị: Tỳ giải, Tư tiên, Lông cu li, Hà thủ ô, Bạch linh, Thiên hùng, Mã đề nước với lượng các vị thuốc bằng nhau.

Thực hiện: Tán các vị thuốc thành bột mịn, mỗi ngày dùng một lượng bột 8g hoà chung với nước cơm rồi uống.

Điều trị đau nhức xương khớp, đau nhức đầu, nhọt độc

Chuẩn bị: Tỳ giải 20g, Bách chiểu 2.4g, Cam thảo 2g, Xuyên quy 2.4g, Hà thủ ô 20g, Nghiệt bì 2.4g, Hồ ma 2.4g, Hồng hoa 1.2g, Bạch hành 20g, Khương hoạt 1.8g, Hồi thảo 20g, Quy bản 6g, Mã kế 2.4g, Thạch xương bồ 2.4g, Mộc thông 2.4g, Xuyên tiêu 1.8g.

Thực hiện: Đem thang thuốc sắc nước đặc hoặc có thể hoà chung với ít rượu uống. Có thể uống sau bữa ăn hoặc uống lúc bụng đói tuỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng vị thuốc Tỳ giải:

  • Người có chứng âm hư mà không có thấp nhiệt thì cấm dùng.
  • Người có Thận hư dẫn đến đau lưng không nên dùng.

Tỳ giải là một vị thuốc được sử dụng nhiều trong nhiều bài thuốc khác nhau. Trên thực tế, không nên tự ý sử dụng một vị thuốc đơn lẻ mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền, vì các vị thuốc thường được phối hợp trong bài thuốc và mỗi bài thuốc sẽ điều trị các bệnh lý khác nhau. Do đó, các bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi muốn sử dụng thuốc để điều trị bệnh cho bản thân.

Mặc dù Tỳ giải là một vị thuốc lành tính được sử dụng từ lâu đời, ở các nước như Trung Quốc hay Nhật Bản, Tỳ giải có thể được sử dụng như thực phẩm thông thường. Tuy nhiên, cũng có các báo cáo về độc tính của Tỳ giải đã được ghi nhận. Một báo cáo ca tại Hàn Quốc vào năm 2019 về việc một người đàn ông đã tự sử dụng củ Tỳ giải sống nấu với nước sôi để uống. Kết quả dẫn đến hạ canxi máu, suy cận giáp và thiếu vitamin D. Có thể thấy việc chế biến không đúng cách và sử dụng trên các bệnh lý không phù hợp có thể dẫn đến các tác dụng không mong muốn.

Tỳ giải: Vị thuốc chữa đau nhức và có tác dụng lợi tiểu 7
Việc tự ý sử dụng Tỳ giải có thể dẫn đến các tác dụng không mong muốn
Nguồn tham khảo
  1. Cây tỳ giải: https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/cay-ty-giai
  2. Tỳ giải: Vị thuốc lợi tiểu, chữa đau nhức xương khớp: https://suckhoedoisong.vn/ty-giai-vi-thuoc-loi-tieu-chua-dau-nhuc-xuong-khop-169211127215228376.htm
  3. Đông dược học thiết yếu, 1995, Nhà xuất bản Mũi Cà mau, Trung ương Hội Y học cổ truyền Việt Nam.
  4. Tỳ Giải: https://duoclieuvietnam.vn/thuoc-bac/ty-giai/
  5. Protodioscin, Isolated from the Rhizome of Dioscorea tokoro Collected in Northern Japan is the Major Antiproliferative Compound to HL-60 Leukemic Cells: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5396219/
  6. Studies on the Steroidal Components of Domestic Plants. XVII. The Structure of Yonogenin, a New Steroidal Sapogenin from Dioscorea Tokoro MAKINO.: https://www.jstage.jst.go.jp/article/cpb1958/6/5/6_5_532/_article/-char/ja/
  7. Effect of Dioscorea tokoro Makino extract on hyperuricemia in mice: https://www.ajol.info/index.php/tjpr/article/view/145185
  8. Recent Advances in the Pharmacological Activities of Dioscin: https://www.hindawi.com/journals/bmri/2019/5763602/
  9. Symptomatic Hypocalcemia Associated with Dioscorea tokoro Toxicity: https://koreascience.kr/article/JAKO201919059190347.page