Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Tên thuốc gốc (Hoạt chất)
Capreomycin.
Loại thuốc
Kháng sinh; thuốc chống lao.
Dạng thuốc và hàm lượng
Bột pha tiêm capreomycin sulfat tương đương với 1g capreomycin base.
Capreomycin là một kháng sinh polypeptid, chiết xuất từ Streptomyces capreolus, có tác dụng kìm khuẩn. In vitro và in vivo, thuốc có tác dụng đối với Mycobacterium tuberculosis, M.bovis, M. kansasii và M. avium. Ở nồng độ cao, thuốc còn có tác dụng đối với một số vi khuẩn Gram dương và Gram âm. Thuốc ức chế sự chuyển đoạn peptidyl-tRNA và khởi động quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn.
Hay gặp kháng chéo giữa capreomycin với viomycin. Có sự kháng chéo một phần giữa capreomycin và kanamycin hoặc neomycin. Không có bằng chứng về kháng chéo giữa capreomycin và các thuốc chống lao khác hiện có.
Sự kháng thuốc phát triển thường do điều trị không thích hợp hoặc không đầy đủ (liều quá thấp, thời gian điều trị quá ngắn, thuốc phối hợp quá ít, hoặc có thời gian không dùng thuốc).
Capreomycin là một trong những thuốc chống lao hang hai thuộc nhóm 2 (thuốc chống lao dạng tiêm), được dùng để điều trị bệnh lao kháng thuốc và bao giờ cũng dùng cùng với những thuốc chống lao khác. Chỉ dùng capreomycin khi điều trị bằng những thuốc chống lao hàng đầu không có hiệu quả hoặc bị chống chỉ định.
Capreomycin hấp thu kém qua đường tiêu hóa, do đó phải tiêm bắp. Nồng độ đỉnh huyết thanh đạt được ở thời điểm từ 1 đến 2 giờ sau khi tiêm bắp.
Cho đến nay, chưa có thông tin về sự phân bố của capreomycin trong mô và các dịch cơ thể, cũng như thuốc có qua được nhau thai hoặc sữa mẹ hay không. Capreomycin chỉ thấm vào dịch não tủy khi màng não bị viêm
Nửa đời thải trừ của capreomycin ở người có chức năng thận bình thường từ 4 đến 6 giờ. Ở bệnh nhân có rối loạn chức năng thận, nồng độ thuốc trong huyết tương cao hơn và nửa đời thải trừ kéo dài hơn.
Capreomycin được bài tiết trong nước tiểu chủ yếu dưới dạng không đổi. Một lượng nhỏ thuốc có thể được bài tiết qua mật.
Hạ kali máu, hạ canxi máu, hạ kali máu và rối loạn điện giải giống như hội chứng Bartter đã được báo cáo xảy ra ở những bệnh nhân bị nhiễm độc capreomycin. Liều gây chết trung bình dưới da (LD 50 ) ở chuột là 514 mg/kg.
Tránh phối hợp hoặc dùng Capreomycin kế tiếp với aminoglycosid, colistin, polymycin B và vancomycin vì có thể làm tăng tác dụng độc hại với thính giác và thận.
Tăng tác dụng/độc tính: Khi dùng cùng với aminoglycosid, colistimethat, các thuốc phong bế thần kinh cơ, polymyxin B làm tăng độc hại với thận, thính giác và tăng tác dụng phong bế thần kinh cơ.
Người lớn
Để điều trị bệnh lao, capreomycin luôn được phối hợp với những thuốc chống lao khác, dùng liều hàng ngày từ 15 đến 20 mg/kg, hoặc đến 1g (capreomycin base), 1 lần trong ngày, trong 60 đến 120 ngày; sau đó dùng liều 1g, tiêm 2 hoặc 3 lần 1 tuần.
Người suy thận
Người lớn suy giảm chức năng thận cần giảm liều như sau:
Độ thanh thải creatinin (ml/phút) |
Liều hàng ngày (capreomycin base) |
Liều cách nhật |
> 110 110 100 80 60 50 |
Liều thường dùng 13,9 mg/kg 12,7 mg/kg 10,4 mg/kg 8,2 mg/kg 7,0 mg/kg |
14 mg/kg /48 giờ |
40 30 20 10 0 |
5,9 mg/kg 4,7 mg/kg 3,6 mg/kg 2,4 mg/kg 1,3 mg/kg |
11,7 mg/kg/48 giờ 9,5 mg/kg/48 giờ hoặc 14,4 mg/kg/72 giờ 7,2 mg/kg/48 giờ hoặc 10,7mg/kg/72 giờ 4,9 mg/kg/48 giờ hoặc 7,3 mg/kg/72 giờ 2,6 mg/kg/48 giờ hoặc 3,9 mg/kg/72 giờ |
Trẻ em
Liều dùng Capreomycin đối với trẻ em dưới 15 tuổi hoặc cân nặng ≤ 40kg: liều 15-30 mg/kg/ngày (tối đa 1 g/ngày) x 1 lần mỗi ngày hoặc 2 lần mỗi tuần
Liều dùng đối với trẻ em từ 15 tuổi trở lên: liều 15 mg/kg/ ngày (tối đa 1 g/ngày) x 5-7 lần mỗi tuần, trong 2-4 tháng đầu hoặc cho đến khi kết quả cấy vi sinh được cải thiện.
Sau đó có thể giảm liều lượng xuống còn 15 mg / kg mỗi ngày (tối đa 1g), dùng 2 hoặc 3 lần mỗi tuần, tùy thuộc vào hiệu quả của các loại thuốc khác trong phác đồ.
Đối tượng khác
Người cao tuổi: Tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận và giảm thính lực, do đó nên sử dụng liều ở giới hạn thấp của phạm vi liều. Người > 59 tuổi: 10 mg/kg (tối đa 750 mg/ngày) liều hàng ngày giai đoạn tấn công và 2-3 lần/tuần giai đoạn duy trì.
Suy gan: Chưa có thông tin, sử dụng thận trọng.
Có thể dùng capreomycin tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.
Tiêm bắp: Hòa tan lọ 1g capreomycin sulfat trong 2 ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9%, để khoảng 2-3 phút trước khi tiêm để thuốc tan hoàn toàn; dùng capreomycin sulfat đã pha tiêm bắp sâu vào một khối cơ to, vì mũi tiêm nông có thể gây đau nhiều hơn và gây áp xe vô khuẩn.
Truyền tĩnh mạch: Hoà tan capreomycin trong 100 ml dung dịch tiêm natri clorid 0,9% và truyền tĩnh mạch chậm trong 60 phút
Độc tính với thận thường hồi phục sau khi ngừng thuốc, hiếm khi xảy ra tử vong. Những bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân rối loạn chức năng thận, hoặc mất nước, hoặc dùng đồng thời với thuốc khác độc với thận sẽ tăng nguy cơ hoại tử ống thận cấp khi điều trị bằng capreomycin.
Độc hại với tai: mất thính giác, điếc, ù tai có thể hồi phục hoặc không hồi phục sau khi ngừng thuốc... Các triệu chứng: chóng mặt, ù tai, hoa mắt và mất khả năng cảm nhận âm sắc cao đã được ghi nhận khi dùng Capreomycin cho những bệnh nhân có chức năng thận bất thường hoặc mất nước và những bệnh nhân đang dùng thuốc có độc tính trên thính giác.
Tăng bạch cầu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ái toan mức độ nhẹ.
Quá mẫn (ban dát sần, mày đay, sốt), chóng mặt.
Giảm kali huyết, calci huyết, magnesi huyết.
Đau, cứng và chảy máu ở nơi tiêm.
Chưa rõ capreomycin có qua nhau thai hay không. Chỉ sử dụng capreomycin cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết và cân nhắc lợi ích đối với người mẹ trội hơn nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi. Nên tránh dùng capreomycin trong thời kỳ mang thai vì có nguy cơ gây độc với thận và thính giác của thai nhi.
Không biết rõ capreomycin có phân bố trong sữa người hay không. Nhà sản xuất khuyến cáo chỉ định rất thận trọng với người mẹ đang cho con bú.
Thuốc được sử dụng tại cơ sở y tế và được theo dõi trong quá trình điều trị.
Quá liều và độc tính
Quá liều có thể biểu hiện dưới dạng các tác dụng có hại của thuốc, nhưng trầm trọng hơn, chủ yếu là tác dụng độc hại với thận và thính giác như: Ù tai, chóng mặt, thở nông hoặc thở yếu, thiểu niệu hoặc vô niệu
Giảm kali huyết, giảm calci huyết, giảm magnesi huyết và rối loạn điện giải, giống như hội chứng Bartter đã xảy ra khi quá liều capreomycin.
Vì capreomycin kém được hấp thu qua đường tiêu hóa, không có khả năng bị ngộ độc cấp sau khi uống liều lớn thuốc
Cách xử lý khi quá liều Capreomycin
Điều trị quá liều capreomycin bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ: Bảo vệ đường dẫn khí, thông khí hỗ trợ và truyền dịch, theo dõi tỉ mỉ các dấu hiệu sống, các khí trong máu, các chất điện giải trong huyết thanh và duy trì ở mức có thể chấp nhận.
Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ cân bằng nước, điện giải và độ thanh thải creatinin
Thẩm phân máu có thể làm tăng thải trừ capreomycin khỏi cơ thể, đặc biệt ở người có chức năng thận suy giảm.
Người bệnh có chức năng thận bình thường cần được cung cấp nước để duy trì lượng nước tiểu 3 - 5 ml/kg/giờ.