Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hạ canxi máu là gì? Tác hại của hạ canxi máu đối với sức khỏe?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Canxi rất quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Đây là chất dẫn truyền điện thế và thần kinh, tốt cho cơ bắp và giúp xương luôn chắc khỏe. Hạ canxi máu tùy mức độ sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến cơ thể. Do đó, cần điều trị sớm nhất có thể khi phát hiện hạ canxi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hạ canxi máu là gì? 

Đây là tình trạng khi nồng độ canxi huyết thanh giảm xuống dưới 8,8 mg/dl (< 2,2 mmol/l) trong khi nồng độ protein huyết tương bình thường, hoặc khi nồng độ canxi ion hóa huyết thanh < 4,7 mg/dl (< 1,17 mmol/l).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hạ canxi máu

Hạ canxi máu thường không có triệu chứng. Các biểu hiện lâm sàng chính của hạ canxi máu là do điện thế màng tế bào bị rối loạn, dẫn đến kích thích thần kinh cơ:

  • Thường gặp co cơ ở lưng và các chi.

  • Cảm giác châm chích ở các chi.

  • Hạ canxi máu mạn tính có thể gây bệnh não nhẹ và lan tỏa, mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, giảm trí nhớ. Ngoài ra còn có thể thấy da khô và có vảy, móng dễ gãy, tóc thô. Đôi khi xảy ra đục thủy tinh thể và không thể đảo ngược bằng cách điều chỉnh lượng canxi huyết thanh.

  • Hạ huyết áp.

  • Thỉnh thoảng gây phù đĩa thị.

  • Hạ canxi máu nặng (nồng độ canxi huyết thanh < 7 mg/dl) có thể gây tăng phản xạ, tetani (rối loạn cảm giác môi, lưỡi, ngón tay và bàn chân; co thắt cơ, có thể kéo dài và gây đau; đau nhức cơ; co cơ mặt), co thắt thanh quản, co giật toàn thân.

  • Nhiễm Candida thỉnh thoảng thấy khi hạ kali máu nhưng thường xảy ra ở bệnh nhân suy tuyến cận giáp vô căn.

Có thể xác định tetani tiềm ẩn dựa vào dấu hiệu Chvostek và Trousseau

Dấu Chvostek là co giật không tự chủ của các cơ mặt khi gõ nhẹ lên dây thần kinh mặt, phía trước ống tai ngoài. Nó xuất hiện ≤ 10% người khỏe mạnh, ở hầu hết những người hạ canxi máu cấp nhưng thường không có ở người hạ canxi máu mạn tính.

Tác động của hạ canxi máu đối với sức khỏe 

Hạ canxi máu nặng có thể ảnh hưởng đến ECG, kéo dài khoảng QT, ST và gây nên các thay đổi trong quá trình tái cực (sóng T dẹt hoặc đảo ngược). Do đó, bệnh nhân bị hạ canxi máu nặng có thể loạn nhịp tim hoặc block tim.

Hạ canxi máu gây ảnh hưởng đến thần kinh – cơ, gây loãng xương.

Biến chứng có thể gặp khi hạ canxi máu

Co giật, loạn nhịp tim, suy tim sung huyết, các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh (sa sút trí tuệ…), đục thủy tinh thể, sỏi thận, suy thận.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị hạ canxi máu sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hạ canxi máu

Suy tuyến cận giáp

Đây là tình trạng do thiếu hụt hormone cận giáp (PTH), có thể xảy ra trong các rối loạn tự miễn, sau khi cắt bỏ tuyến giáp hoặc tổn thương nhiều tuyến cận giáp. Bệnh nhân suy tuyến cận giáp có dấu hiệu hạ canxi máu và tăng phosphate máu, thường gây ra các cơn tetany mạn tính.

Các biểu hiện của hạ canxi máu thường bắt đầu sau phẫu thuật khoảng 24 – 48 giờ nhưng cũng có thể xảy ra sau vài tháng, vài năm. Hạ canxi máu sẽ nặng hơn sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến cận giáp nếu có các yếu tố nguy cơ: Tăng canxi máu nặng trước phẫu thuật, cắt bỏ u tuyến lớn, phosphatase kiềm tăng cao, bệnh thận mạn.

Ngoài ra, bệnh suy tuyến cận giáp vô căn, hội chứng DiGeorge, hội chứng suy đa tuyến tự miễn, suy tuyến cận giáp tự miễn liên quan tới nấm Candida niêm mạc, suy tuyến cận giáp vô căn liên kết NST lặn X cũng sẽ dẫn đến hạ canxi máu.

Giả suy tuyến cận giáp

Trường hợp này không phải do thiếu hụt hormone mà do cơ quan đích kháng lại PTH. 

Giả suy tuyến cận giáp type Ia (loạn dưỡng xương di truyền) do protein Gs – alpha1 đột biến, kích thích phức hợp cyclase adenylyl (GNAS1), làm suy giảm đáp ứng phosphaturic thận. Bệnh nhân thường bị hạ canxi máu, tăng phosphat máu, thấp, mặt tròn, khuyết tật về trí tuệ, vôi hóa các xương đốt ngón tay chân, suy giáp nhẹ và bất thường nội tiết khác. 

Giả suy tuyến cận giáp type Ib ít phổ biến hơn với triệu chứng là hạ canxi máu, tăng phosphate máu, cường tuyến cận giáp thứ phát nhưng không có các bất thường liên quan khác.

Giả suy tuyến cận giáp type II ít phổ biến hơn type I. Ở trường hợp này, PTH ngoại sinh làm tăng cAMP niệu nhưng không làm tăng canxi máu hoặc phosphate niệu.

Thiếu hụt và phụ thuộc Vitamin D

Thiếu vitamin D có thể dẫn đến hạ canxi máu, hạ phosphate máu nặng, yếu cơ, đau và biến dạng xương điển hình.

Bệnh thận

Bệnh ống thận có thể gây hạ canxi máu nặng do mất canxi qua thận và làm giảm chuyển hóa vitamin D sang dạng hoạt động 1,25 (OH)2D.

Nguyên nhân khác

Nồng độ magie trong huyết thanh giảm < 1,0 mg/dl (< 0,5 mmol/l): Có thể gây thiếu hụt PTH tương đối và cơ quan đích kháng PTH. Lượng magie đủ sẽ làm tăng nồng độ PTH và cải thiện sự bảo tồn canxi của thận.

Viêm tụy cấp: Làm giải phóng các sản phẩm phân hủy mỡ rồi gắn với canxi.

Giảm protein máu: Giảm một phần protein gắn với canxi huyết thanh. Hạ canxi máu do giảm protein vận chuyển thì không có triệu chứng vì canxi ion hóa không thay đổi (hạ canxi máu giả tạo).

Hội chứng đói xương: Hạ canxi máu và hạ phosphate máu dai dẳng sau phẫu thuật cắt tuyến cận giáp, ghép thận hoặc điều trị bằng thuốc cường tuyến cận giáp trung bình đến nặng, người có nồng độ canxi máu bị phụ thuộc nhiều bởi quá trình chu chuyển xương do tăng PTH.

Sốc nhiễm khuẩn: Gây ức chế phóng thích PTH và giảm chuyển đổi 25 (OH)D thành 1,25 (OH)2D.

Tăng phosphat máu: Do thuốc: Thuốc chống co giật (phenytoin, phenobarbital), rifampin, thuốc làm thay đổi chuyển hóa vitamin D, thuốc điều trị tăng canxi máu.

Truyền > 10 đơn vị máu chống đông bằng citrat và sử dụng các thuốc phóng xạ cản quang có chứa EDTA: Làm giảm nồng độ canxi ion hóa sinh học trong khi nồng độ canxi huyết thanh không đổi.

Truyền tĩnh mạch gadolinium: Gây thấp giả tạo nồng độ canxi.

Tập thể dục cường độ cao.

Đái tháo đường thai kỳ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hạ canxi máu?

  • Người thiếu hụt vitamin D hoặc magie.
  • Người có bệnh còi xương phụ thuộc vitamin D.
  • Người có các yếu tố nguy cơ như: Tiền sử rối loạn tiêu hóa, viêm tụy, suy thận, suy gan, rối loạn lo âu.
  • Trẻ sơ sinh có mẹ bị đái tháo đường.

Yếu tố làm tăng nguy cơ hạ canxi máu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ hạ canxi máu, bao gồm:

  • Tuổi tác (người cao tuổi bị giảm khả năng tổng hợp vitamin D qua da).
  • Người sống ở vĩ độ cao hoặc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hạ canxi máu

Có thể chẩn đoán bằng nồng độ calci huyết thanh < 8,8 mg/dl (< 2,20 mmol/l). Vì protein huyết tương thấp có thể làm giảm canxi toàn phần, nhưng không làm giảm canxi ion hóa nên người ta thường ước tính canxi huyết thanh và canxi ion hóa dựa trên nồng độ albumin.

Định lượng trực tiếp nồng độ canxi ion hóa ở dạng hoạt tính sinh học (< 4,7 mg/dl là thấp).

Đôi khi xét nghiệm thêm nồng độ magie, PTH, phosphate, phosphatase kiềm, vitamin D trong máu và nồng độ cAMP, phosphate niệu.

Nếu nghi ngờ thiếu vitamin D, có thể chụp X quang để phát hiện bất thường điển hình trên xương nếu loãng xương hoặc còi xương.

Không bắt buộc xét nghiệm ECG khi đánh giá hạ canxi máu đơn độc.

Phương pháp điều trị hạ canxi máu hiệu quả

Tùy thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Cơn tetani

Tiêm tĩnh mạch 10 ml dung dịch canxi gluconate 10% trong 10 phút, đáp ứng nhanh nhưng có thể kéo dài chỉ trong vài giờ. Do đó, có thể cần tiêm lặp lại hoặc tiêm truyền liên tục 20 – 30 ml canxi gluconate 10% pha trong 1lit dextrose 5% trong 12 – 24 giờ tiếp theo. Ở bệnh nhân dùng digoxin, nên truyền chậm, theo dõi ECG liên tục và chỉnh liều do truyền canxi rất nguy hiểm ở đối tượng này.

Khi tetani do hạ magie máu, nó có thể đáp ứng tạm thời khi dùng canxi hoặc kali nhưng chỉ khỏi hẳn khi bổ sung của magie (dung dịch muối magie 10% đường tĩnh mạch và uống magie gluconate 500 – 1000 mg/l).

Triệu chứng suy tuyến cận giáp thoáng qua

Trong suy tuyến cận giáp thoáng qua sau phẫu thuật cắt tuyến giáp, dùng 1 – 2 g canxi đường uống/ngày dưới dạng canxi gluconat (90 mg canxi nguyên tố/1g) hoặc canxi cacbonat (400 mg canxi nguyên tố/1g).

Hạ canxi máu có thể đặc biệt nặng và kéo dài sau khi cắt 1 phần tuyến cận giáp, đặc biệt ở bệnh nhân bệnh thận mạn hoặc ở bệnh nhân có khối u lớn đã được cắt bỏ. Sử dụng canxi nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài sau phẫu thuật; bổ sung canxi 1g/ngày (111 ml canxi gluconat) trong 5 – 10 ngày trước khi uống canxi và vitamin D. Tăng phosphatase kiềm huyết ở những bệnh nhân này có thể là một dấu hiệu của sự hấp thu nhanh canxi vào xương. Nhu cầu lượng canxi lớn thường không giảm đến khi nồng độ alkaline phosphatase bắt đầu giảm.

Hạ canxi máu mạn tính

Dùng 1 – 2 g canxi đường uống/ngày (canxi gluconate, canxi carbonate…) và thỉnh thoảng bổ sung vitamin D. 

Ở bệnh nhân không bị suy thận, dùng vitamin D đường uống (cholecalciferol 800 IU 1 lần/ngày) kết hợp cung cấp đủ canxi và phosphate trong khẩu phần ăn hoặc thực phẩm chức năng.

Ở bệnh nhân suy thận, sử dụng calcitriol hoặc đồng phân 1,25 (OH)2D khác vì những thuốc này không chuyển hóa từ thận. Bệnh nhân suy tuyến cận giáp khó chuyển hóa cholecalciferol thành dạng hoạt động và cũng cần calcitriol 0,5 – 2 μg uống 1 lần/ngày. Bổ sung canxi đường uống đơn độc trường hợp giả suy tuyến cận giáp, calcitriol 1 – 3 μg/ngày.

Các đồng phân vitamin D bao gồm dihydrotachysterol (đường uống 0,8 – 2,4 lần/ngày trong vài ngày, sau đó là 0,2 – 1,0 mg/lần/ngày) và calcidiol (4000 – 6000 IU lần/tuần). Dùng các đồng phân vitamin D (đặc biệt là calcidiol) cho tác dụng lâu hơn, có thể biến chứng do độc tố vitamin D, tăng canxi máu triệu chứng nặng. Theo dõi nồng độ canxi huyết thanh hàng tuần ở lần đầu và sau đó từ 1 – 3 tháng khi nồng độ canxi ổn định. Liều duy trì calcitriol, dihydrotachysterol thường giảm theo thời gian.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hạ canxi máu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Luyện tập thể dục thể thao, nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sáng sớm để cơ thể hấp thu vitamin D.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung canxi, magie đầy đủ từ các thực phẩm hàng ngày.

Phương pháp phòng ngừa hạ canxi máu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Bổ sung đủ dinh dưỡng trong ăn uống hàng ngày.
  • Thường xuyên luyện tập thể thao, vận động ngoài trời.
Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-n%E1%BB%99i-ti%E1%BA%BFt-v%C3%A0-chuy%E1%BB%83n-h%C3%B3a/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-%C4%91i%E1%BB%87n-gi%E1%BA%A3i/h%E1%BA%A1-canxi-m%C3%A1u?query=h%E1%BA%A1%20canxi%20m%C3%A1u
  2. Healthline: https://www.healthline.com/health/hypocalcemia#symptoms
  3. Webmd: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-hypocalcemia

Các bệnh liên quan

  1. Xuất huyết giảm tiểu cầu

  2. Chảy máu

  3. Thiếu máu thiếu sắt

  4. Thiếu máu beta thalassaemia

  5. Bệnh Kienbock

  6. Bệnh Thalassemia

  7. Thiếu máu cục bộ đường mật

  8. Sarcoid

  9. Nhồi máu phổi

  10. Thiếu máu thiếu vitamin