Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Choline là chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với sức khỏe. Mặc dù cơ thể có khả năng tự sản xuất choline nhưng không đủ cho nhu cầu nên chúng ta phải bổ sung choline từ chế độ ăn hàng ngày.
Choline là một hợp chất hữu cơ tan trong nước, có dạng hợp chất phosphatidycholine nên được tìm thấy trong những thực phẩm chứa chất béo. Choline không phải vitamin hay khoáng chất nhưng có liên quan đến các vitamin khác, cụ thể là folate và phức hợp vitamin B.
Trong cơ thể, choline là một vi chất thiết yếu cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể (hệ thống thần kinh, nội tiết, tiêu hóa và sinh sản,...), đặc biệt là chức năng não cũng như giữ cho sự trao đổi chất hoạt động bình thường.
Choline được sử dụng để tạo ra DNA, hỗ trợ tín hiệu thần kinh và giải độc. Nó cũng giúp dẫn truyền thần kinh và điều khiển cơ bắp. Giữ vai trò quan trọng như vậy nên việc thiếu hụt choline sẽ gây ảnh hưởng cho sức khỏe toàn diện. Dấu hiệu để một người nhận biết cơ thể đang có sự thiếu hụt choline bao gồm:
Mệt mỏi, mức năng lượng thấp;
Mất trí nhớ;
Suy giảm nhận thức;
Năng suất học tập kém;
Đau cơ;
Tổn thương thần kinh;
Thay đổi tâm trạng.
Cơ thể chúng ta có thể tự sản xuất choline nhưng là không đủ, thậm chí nhiều người đã bổ sung choline trong chế độ ăn bằng các nguồn thực phẩm giàu choline, tuy nhiên hàm lượng vẫn không đủ đáp ứng khuyến cáo hàng ngày. Điều này xuất phát từ việc một số choline không dễ dàng được hấp thụ. Do đó, ngoài thực phẩm, chúng ta có thể bổ sung choline qua các chế phẩm thực phẩm chức năng chứa choline.
Hiện vẫn chưa có con số chính xác cho biết nên dùng bao nhiêu choline mỗi ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia hầu hết đều đồng ý với số lượng dưới đây là đủ để tạo ra lợi ích tối ưu mà không gây hại:
Trẻ sơ sinh: 125–150mg;
Trẻ em tuổi từ 1-8: 150–250mg;
Thiếu niên tuổi từ 8-13: 250–375mg;
Nữ giới trên 14 tuổi: 425–550mg;
Nam giới trên 14 tuổi: 550mg;
Phụ nữ có thai: 450–550mg;
Phụ nữ đang cho con bú: 550mg.
Những loại thực phẩm sau đây cung cấp hàm lượng choline cao nhất, đồng thời còn có nhiều chất dinh dưỡng khác: Gan bò, cá hồi, đậu gà, đậu hạt, đậu xanh, đậu nành, trứng, thịt bò, gà tây, ức gà, súp lơ, sữa dê, cải Brussels…
Một số báo cáo cho thấy, choline trong thực phẩm khó được cơ thể hấp thu ngay cả khi ăn chế độ thực phẩm đa dạng. Một số người dù đã tích cực bổ sung choline qua thực phẩm nhưng cơ thể vẫn bị thiếu choline, nhất là với người bị tổn thương gan, uống nhiều rượu bia hay béo phì, đái tháo đường.
Lúc này, bạn có thể choline bằng thực phẩm chức năng sẽ giúp cơ thể bạn dễ dàng hấp thu choline hơn.
Choline là chất dinh dưỡng thiết yếu, cần thiết cho các hoạt động của cơ thể và sức khỏe của con người. Cụ thể như sau:
Nhờ choline, cơ thể hấp thụ chất béo để tạo ra màng tế bào và cấu trúc tế bào. Việc thiếu hụt choline sẽ khiến các tế bào không giữ được đúng cấu trúc của chúng và truyền tín hiệu đến các bộ phận khác của cơ thể.
Cùng với folate, choline là chất dinh dưỡng quan trọng tham gia vào quá trình methyl hóa để cơ thể dùng tạo thành vật liệu di truyền giúp xây dựng mọi cơ quan.
Choline đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của thần kinh, bao gồm hỗ trợ tín hiệu thần kinh và duy trì màng tế bào não.
Bên cạnh đó, choline còn góp phần trong sự phát triển và tăng trưởng của não bộ. Cụ thể, choline giúp cải thiện khả năng dẫn truyền của dây thần kinh, hỗ trợ tính toàn vẹn cấu trúc của chúng và bảo vệ màng tế bào thần kinh.
Phụ nữ đang mang thai và cho con bú được khuyến cáo nên bổ sung choline ngay từ sớm để giúp thai nhi phát triển trí não toàn diện.
Một trong những công dụng mà choline mang lại đó chính là giúp duy trì và tăng cường chức năng gan. Choline tham gia vào quá trình chuyển hóa và vận chuyển chất béo để tạo ra các hợp chất giúp vận chuyển cholesterol từ gan, ngăn chặn tình trạng tích tụ trigycerid và cholesterol trong gan.
Choline có khả năng giữ cho bộ nhớ ổn định khi tuổi tác ngày càng cao. Choline cũng đóng vai trò trong việc bảo tồn trí nhớ, ngăn ngừa mất trí nhớ và các dấu hiệu suy giảm nhận thức khác.
Nhiều bệnh nhân Alzheimer sử dụng thuốc dùng để điều trị bệnh này theo cơ chế bắt chước tác dụng của choline làm tăng tác dụng của chất dẫn truyền thần kinh.
Choline giúp cải thiện năng lượng nhờ công dụng của nó đối với sự trao đổi chất và dẫn truyền thần kinh trong não, giúp tạo ra thời gian phản ứng nhanh hơn, xử lý tình huống tốt hơn.
Bổ sung choline đầy đủ sẽ cải thiện mức năng lượng, tâm trạng, chu kỳ giấc ngủ... Mắt khác, choline cũng chứng minh hiệu quả trong hoạt động thần kinh cơ bắp, ngăn ngừa mệt mỏi, đau nhức cơ bắp sau tập luyện.
Choline hỗ trợ chuyển đổi homocysteine, ngăn cản tích lũy quá nhiều chất béo trong cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ bị đau tim/đột quỵ. Homocysteine càng cao, nguy cơ bệnh tim mạch càng nhiều.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, choline có thể giúp giảm làm cholesterol máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Choline trong sữa mẹ đóng vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh và sự phát triển của trẻ nhỏ. Chính vì thế, trong sữa công thức luôn có mặt của chất này. Choline góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền tảng cấu trúc của não, cấu tạo nên hệ thống thần kinh cho trẻ nhỏ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Ngoài ra, chất này còn giúp làm giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh (NTDs) ở trẻ.
Để trí não và hệ thần kinh của bé phát triển toàn diện, mẹ bầu cần bổ sung choline từ sớm. Không những vậy, dây thần kinh, tim mạch, chức năng não và sự phát triển các tế bào thai nhi có hoàn thiện hay không cũng nhờ vào sự góp mặt của choline.
Có hai cách bổ sung choline cho cơ thể:
Bổ sung thông qua thực phẩm: Gan bò, cá hồi, đậu gà, đậu hạt, đậu xanh, đậu nành, trứng, thịt bò, gà tây, ức gà, súp lơ, sữa dê, cải Brussels… là những thực phẩm chứa nhiều choline.
Bổ sung bằng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, lưu ý bạn nên chọn một sản phẩm thực phẩm chức năng được làm từ các nguồn thực phẩm nguyên chất và có chất lượng cao.
Vì choline là vi chất thiết yếu cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể nên từ lâu nó đã được ứng dụng vào trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Choline là một chất dinh dưỡng an toàn và gần như không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, việc bổ sung choline phải đúng cách, đúng liều lượng mới mang lại hiệu quả. Nếu tiêu thụ quá nhiều, choline ngược lại còn trở nên độc hại.
Lạm dụng choline, bạn có thể gặp các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, huyết áp cao, nhiều mồ hôi.
Do đó, với các chế phẩm bổ sung choline, bạn phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Trường hợp có bệnh mãn tính hoặc sử dụng thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ để đảm bảo an toàn.
https://vienyhocungdung.vn/tim-hieu-ve-chat-dinh-duong-choline-20160713101937447.htm
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/nhung-dieu-can-biet-ve-choline