Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Olanzapine

Olanzapine: Thuốc an thần/ chống loạn thần

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Olanzapine (Olanzapin)

Loại thuốc

Thuốc an thần/Thuốc chống loạn thần.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén bao phim: 2,5 mg; 5 mg; 7,5 mg; 10 mg, 15 mg; 20 mg.
  • Viên nén phân tán: 5 mg; 10 mg; 15 mg; 20 mg.
  • Thuốc tiêm bắp (IM): 10 mg.
  • Viên nén: 2,5 mg; 5 mg; 7,5 mg; 20 mg.

Chỉ định

Tâm thần phân liệt, bệnh lưỡng cực: Đợt cấp hưng cảm hay hỗn hợp, bệnh lưỡng cực chu kỳ nhanh, kích động cấp do tâm thần phân liệt hoặc do bệnh lưỡng cực.

Đơn trị liệu tâm thần hưng cảm ở người lớn và trẻ em từ 12 – 18 tuổi (dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ).

Điều trị cơn kích động hoặc các rối loạn hành vi trong tâm thần phân liệt và tâm thần hưng cảm ở người lớn (dùng dạng tiêm bắp của olanzapine).

Dược lực học

Olanzapine là thuốc an thần và là dẫn chất của dibenzodiazepine, thuốc ít làm tăng tiết prolactin, ít gây loạn vận động muộn khi điều trị kéo dài đồng thời có hiệu quả trên cả các biểu hiện dương tính, âm tính và ức chế của tâm thần phân liệt. Cơ chế chống loạn thần có liên quan đến tính đối kháng ở các thụ thể serotonin typ 2 (5-HT2A, 5-HT2C), typ 3 (5-HT3), typ 6 (5-HT6) và dopamine ở hệ thần kinh trung ương. Olanzapine có tác dụng ức chế và làm giảm đáp ứng đối với thụ thể 5-HT2A, liên quan đến tác dụng chống hưng cảm của thuốc. Ngoài ra, olanzapine còn làm ổn định tính khí do một phần ức chế thụ thể D2 của dopamine. Olanzapine dùng tiêm bắp để điều trị cơn động kinh cấp một phần do tác dụng an thần hơn tác dụng gây ngủ.

Olanzapine còn có tác dụng đối kháng với các thụ thể muscarine (M1, M2, M3, M4 và M5) giúp giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp, nhưng xuất hiện tác dụng không mong muốn. Olanzapine cũng có tác dụng đối kháng thụ thể H1 của histamin và thụ thể alpha-1 adrenergic gây ngủ gà, hạ huyết áp tư thế.

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu nhanh qua đường uống và gần như hoàn toàn qua ống tiêu hóa. Sinh khả dụng đạt 60% do chuyển hóa lần đầu qua gan. Nồng độ đỉnh trong máu đạt khoảng 5 – 8 giờ.

Khi tiêm bắp, nồng độ trong máu đạt đỉnh sau khoảng 15 – 45 phút với nồng độ đạt gấp 5 lần so với khi uống.

Phân bố

Phân bố nhanh và nhiều vào các mô, trong đó có thần kinh trung ương. Thể tích phân bố khoảng 1000 ng/L. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương khoảng 93%, chủ yếu liên kết với albumin và acid alpha-1-glycoprotein. Olanzapine và chất chuyển hóa liên hợp glucuronide qua được nhau thai và sữa mẹ.

Chuyển hóa

Chuyển hóa ở gan thông qua CYP1A2 (chủ yếu), CYP2D6, sau đó được liên hợp với acid glucuronic. Hai chất chuyển hóa chính là 4’-N-demethyl olanzapine và 10-N-glucuronide không có hoạt tính.

Thải trừ

Thời gian bán thải (đường tiêm bắp và đường uống) khoảng 30 giờ (dao động từ 21 – 54 giờ). Olanzapin được đào thải qua nước tiểu (57%) và phân (30%), dưới dạng chất chuyển hóa, một phần nhỏ (7%) dưới dạng nguyên vẹn.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Không nên phối hợp olanzapine với:

  • Levomethadyl: Tăng độc tính trên tim (kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh, ngừng tim).
  • Metoclopramid: Tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng ngoại tháp, hội chứng an thần kinh ác tính.
  • Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: Rượu, các dẫn chất benzodiazepin làm tăng tác dụng hạ huyết áp tư thế của olanzapine.
  • Các thuốc ức chế CYP450 (cafein, cimetidin, erythromycin, ciprofloxacin, quinidin, một số thuốc chống trầm cảm như fluvoxamin) làm tăng nồng độ trong máu do đó có thể làm tăng tác dụng và độc tính của olanzapine.
  • Không nên dùng dopamin, adrenalin hoặc các thuốc tác động giống giao cảm khác trên thụ thể beta ở bệnh nhân đang điều trị bằng olanzapine, do có thể gây hạ huyết áp quá mức.
  • Các thuốc gây cảm ứng CYP450 (phenobarbital, carbamazepin, phenytoin, rifampicin, omeprazol, nicotin) làm giảm nồng độ olanzapine trong máu.
  • Tăng tác dụng của các thuốc kháng cholinergic. Tăng tác dụng hạ huyết áp của các thuốc điều trị tăng huyết áp.
  • Làm giảm tác dụng và độc tính của thuốc điều trị Parkinson.

Tương kỵ thuốc

Dung dịch tiêm bắp: Không được trộn lẫn với dung dịch chứa dẫn chất benzodiazepine do tạo kết tủa; không được trộn cùng bơm tiêm với dung dịch tiêm bắp chứa haloperidol do pH kiềm của dung dịch này sẽ phá hủy olanzapine.

Chống chỉ định

Phụ nữ cho con bú.

Quá mẫn với olanzapine.

Với đường tiêm bắp: Nhồi máu cơ tim cấp, đau thắt ngực không ổn định, hạ huyết áp hoặc chậm nhịp tim nặng, hội chứng suy nút xoang, mới được phẫu thuật tim mạch, bệnh nhân có nguy cơ glaucoma góc đóng.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Olanzapine

Người lớn

Tâm thần phân liệt:

  • Liều khởi đầu: 5 – 10 mg/lần/ngày. Liều có thể tăng khoảng 5 mg/ngày trong 5 – 7 ngày cho tới liều đích 10 mg/ngày.
  • Chỉnh liều sau 7 ngày, tăng hoặc giảm 5 mg/ngày cho tới liều tối đa 20 mg/ngày.
  • Liều duy trì: 10 – 20 mg/lần/ngày.
  • Bệnh nhân đáp ứng với olanzapine cần phải tiếp tục điều trị nhưng với liều thấp nhất có hiệu quả.
  • Bệnh nhân suy nhược, dễ hạ huyết áp, bệnh nhân chuyển hóa olanzapine chậm (phụ nữ không hút thuốc hoặc bệnh nhân trên 65 tuổi), liều khởi đầu khuyến cáo: 5 mg/ngày.

Bệnh lưỡng cực, điều trị đợt hưng cảm cấp hoặc hỗn hợp:

  • Đơn trị liệu: Liều khởi đầu 10 – 15 mg/lần/ngày. Liều dùng có thể tăng 5 mg/ngày cách nhau trên 24 giờ. Liều duy trì là 5 – 20 mg/ngày. Liều tối đa khuyến cáo là 20 mg/ngày.
  • Phối hợp trị liệu (với lithi hoặc valproat): Liều khởi đầu 10 mg/lần/ngày, liều dùng có thể từ 5 – 20 mg/ngày.

Điều trị đợt cấp hưng cảm (phối hợp cố định liều với fluoxetin):

  • Phối hợp trị liệu (với fluoxetin): Liều khởi đầu olanzapine 6 mg và fluoxetin 25 mg.

Cơn kích động cấp do tâm thần phân liệt hoặc do bệnh lưỡng cực (đợt hưng cảm):

  • Tiêm bắp liều khởi đầu 5 – 10 mg (thường là 10 mg), sau 2 giờ có thể thêm 5 – 10 mg nếu cần.

Trẻ em

Trẻ em < 13 tuổi: Chưa xác định được độ an toàn và hiệu quả.

Trẻ từ 13 - 17 tuổi:

Tâm thần phân liệt, bệnh lưỡng cực:

  • Liều khởi đầu: 2,5 – 5 mg/lần/ngày. Liều đích: 10 mg/ngày.
  • Có thể tăng hoặc giảm liều 2,5 mg hoặc 5 mg.
  • Liều tối đa: 20 mg/ngày.

Đối tượng khác

Người cao tuổi:

Liều khởi đầu: 2,5 – 5 mg, sau 2 giờ có thể thêm 2,5 – 5 mg nữa nếu cần. Không tiêm quá 3 lần trong 24 giờ và liều tối đa (đường tiêm và đường uống) không quá 20 mg/ngày. Liều tối đa tiêm bắp (3 liều 10 mg, cách nhau khoảng 2 – 4 giờ) có nguy cơ gây hạ huyết áp thế đứng. Tiêm bắp tối đa 3 ngày và phải chuyển sang dạng uống khi có thể.

Bệnh nhân suy thận: Không cần hiệu chỉnh liều.

Bệnh nhân suy gan: Cần hiệu chỉnh liều.

Cách dùng

Với dạng uống:

  • Đặt viên nén phân tán vào miệng (sau khi lấy thuốc ra khỏi vỉ thiếc) để được hòa tan bởi nước bọt sau đó nuốt với nước hoặc không cần dùng nước.
  • Nếu dùng nửa viên, nửa viên còn lại phải bỏ chứ không được để lại trong vỉ thiếc và không được sử dụng tiếp.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Ngủ gà, hội chứng ngoại tháp, mất ngủ, chóng mặt, rối loạn phát âm, sốt, ác mộng, sảng khoái, quên, hưng cảm; khó tiêu, táo bón, tăng cân, khô miệng, buồn nôn, nôn, tăng cảm giác thèm ăn; tăng ALT; yếu cơ, run, ngã (đặc biệt ở người cao tuổi); hạ huyết áp, nhịp nhanh, phù ngoại vi, đau ngực; bỏng rát trên da; đau tại vị trí tiêm (tiêm bắp); tăng cholesterol máu, tăng prolactin máu, tăng đường huyết, xuất huyết đường niệu, giảm thị lực, viêm kết mạc.

Ít gặp

Giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, nhịp chậm, kéo dài khoảng QT trên điện tâm đồ, tăng nhạy cảm với ánh sáng, động kinh.

Hiếm gặp

Viêm tụy, hội chứng an thần kinh ác tính (tăng thân nhiệt, co cứng cơ, thay đổi trạng thái tâm trí kèm theo rối loạn hệ thần kinh tự quản: Nhịp tim và huyết áp không ổn định).

Lưu ý

Lưu ý chung

Thận trọng trong các trường hợp sau:

  • Trẻ từ 12 đến 18 tuổi: Thuốc được chỉ định điều trị tâm thần phân liệt, phối hợp điều trị hưng cảm (với sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ). Trẻ có thể tăng cân và tăng lipid máu nhiều hơn so với người lớn.
  • Bệnh nhân cao tuổi có rối loạn tâm thần và sa sút trí tuệ: Tăng tỷ lệ tử vong do suy tim, đột tử hoặc nhiễm khuẩn (viêm phổi).
  • Bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt lành tính, glaucoma góc hẹp hoặc có tiền sử liệt ruột do tác dụng kháng cholinergic của thuốc.
  • Bệnh nhân làm việc thể lực nặng, mất nước, đang dùng thuốc kháng cholinergic khác do nguy cơ làm tăng thân nhiệt.
  • Bệnh nhân mắc bệnh tim, bệnh mạch não, bệnh lý có khả năng gây hạ huyết áp (mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp) do tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế kèm theo nhịp chậm, ngất và ngừng nút xoang.
  • Bệnh nhân đái tháo đường hoặc có đường huyết tăng (đường huyết đói từ 100 – 126 mg/dL) do nguy cơ gây tăng đường huyết và có thể không kiểm soát được kể cả khi đã ngừng thuốc.
  • Bệnh nhân cao tuổi, đặc biệt nữ giới do nguy cơ tăng rối loạn vận động muộn, cân nhắc ngừng thuốc.
  • Bệnh nhân có các triệu chứng suy giảm chức năng gan, cần theo dõi nồng độ transaminase định kỳ.
  • Bệnh nhân có tiền sử động kinh, chấn thương vùng đầu hoặc đang dùng thuốc có khả năng làm giảm ngưỡng động kinh do tác dụng co giật phụ thuộc vào liều khi dùng olanzapine.
  • Olanzapine có thể làm giảm tập trung và hoạt động vận động do tác dụng an thần của thuốc.
  • Không tiêm đồng thời olanzapine (IM) với các dẫn chất benzodiazepin. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng, cần theo dõi chặt chẽ nguy cơ an thần quá mức, ức chế hô hấp và tim.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Thiếu dữ liệu an toàn trên người nên chỉ sử dụng cho phụ nữ mang thai khi lợi ích cao hơn nguy cơ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Olanzapine được bài tiết vào sữa mẹ nên có thể gây ức chế thần kinh trung ương ở trẻ bú mẹ. Không dùng cho phụ nữ cho con bú hoặc ngừng cho con bú nếu dùng thuốc.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc vì olanzapine có thể gây buồn ngủ, chóng mặt.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Liều trên 200 mg có thể gây tử vong.

Triệu chứng: Kích động, nhịp tim nhanh, kháng cholinergic, đồng tử giãn, các triệu chứng ngoại tháp, co cứng cơ, tăng tiết nước bọt, suy giảm ý thức từ mức độ an thần cho đến hôn mê, ngừng tim và hô hấp, loạn nhịp (nhịp nhanh trên thất), hội chứng an thần kinh ác tính, ức chế hô hấp, động kinh, tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp (bao gồm cả hạ huyết áp tư thế đứng).

Cách xử lý khi quá liều

Không có thuốc giải độc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, chăm sóc hỗ trợ, duy trì đường truyền tĩnh mạch kèm theo dõi chặt chức năng tim mạch và dấu hiệu sinh tồn.

Có thể rửa dạ dày, uống than hoạt tính kèm sorbitol. Thông khí hỗ trợ và liệu pháp oxygen. Điều trị hạ huyết áp và suy tuần hoàn (truyền noradrenaline, phenylephrine, tránh dùng dopamine và adrenaline); kiểm soát loạn nhịp. Kéo dài khoảng QRS trên điện tâm đồ (truyền dung dịch bicarbonate). Hội chứng ngoại tháp cấp có thể được điều trị bằng các thuốc kháng cholinergic (như diphenhydramine, atropine). Sử dụng physostigmine hoặc benzodiazepine nếu có biểu hiện kích động nặng và lú lẫn ở bệnh nhân ngộ độc kháng cholinergic nặng kèm theo phức hợp QRS ngắn lại trên điện tâm đồ.

Quên liều và xử trí

Chưa có dữ liệu.

Nguồn tham khảo