Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm tụy là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tụy (Acute Pancreatitis) là thuật ngữ mô tả tình trạng tuyến tụy của bạn bị viêm. Thông thường là viêm phù nề, hoại tử xuất huyết hay hoại tử mỡ. Viêm tụy là một căn bệnh không hiếm gặp, có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, nếu để tình trạng viêm tụy kéo dài, sẽ có những biến chứng nguy hiểm tới tụy cũng như những bộ phận khác của cơ thể. Vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng viêm tùy và điều trị như thế nào?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tụy là gì? 

Viêm tụy là tình trạng tụy của bạn bị viêm. Tuyến tụy là một tuyến lớn nằm sau dạ dày, gần ruột non, vừa có chức năng nội tiết vừa có chức năng ngoại tiết. Tuyến tụy giải phóng enzyme amylase, trypsin, chymotrypsin vào ruột non để giúp tiêu hóa các protein, mỡ, tinh bột trong thức ăn. Ngoài ra, tuyến tụy còn giúp cơ thể điều chỉnh lượng glucose bằng cách tiết hormone insulin khi đường huyết cao và tiết hormone glucagon khi đường huyết thấp.

Viêm tùy thường có 2 loại là viêm tụy cấp và viêm tụy mạn:

  • Viêm tụy cấp: Là tình trạng tuyến tụy bị viêm, sưng một cách đột ngột. Đây là một tình trạng nguy hiểm. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, viêm tụy cấp tính có thể để lại nhiều biến chứng hoặc thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
  • Viêm tụy mạn: Là tình trạng tuyến tụy bị viêm và tổn thương kéo dài dẫn tới chức năng của tụy bị giảm dần. Viêm tụy mạn thường xảy ra sau một đợt viêm tụy cấp. Nếu không kịp thời điều trị, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cũng như ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh. Ngoài ra, những người nghiện rượu cũng có thể là nguyên nhân gây nên viêm tụy mạn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tụy

Hầu hết những người bị viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính thường bị đau bụng ở vùng thượng vị. Một số người bị viêm tụy mạn tính có thể cho thấy tình trạng viêm trên các bản chụp chẩn đoán hình ảnh, nhưng họ có thể không có triệu chứng nào khác.

Các triệu chứng viêm tụy cấp:

  • Cơn đau bắt đầu từ từ hoặc đột ngột ở vùng bụng trên hoặc lan ra sau lưng;
  • Cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng và kéo dài vài ngày;
  • Sốt;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Bụng chướng hoặc sưng lên, đau khi chạm vào;
  • Nhịp tim nhanh.

Các triệu chứng viêm tụy mãn tính:

  • Đau ở bụng trên hoặc đôi khi sẽ không cảm thấy đau, đôi khi có thể lan ra sau lưng;
  • Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn nhất là khẩu phần ăn có thực phẩm giàu chất béo;
  • Tiêu chảy;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Sụt cân;
  • Những người bị viêm tụy mãn tính cũng có thể bị tăng tiết mỡ, phân có chất béo và có mùi hôi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm tụy

Viêm tụy là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Ung thư tuyến tụy;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Nhiễm trùng tuyến tụy;
  • U giả nang;
  • Nhiễm trùng.

Những biến chứng này rất hiếm, nhưng xảy ra phổ biến hơn ở những người bị viêm tụy mãn tính.

Khi nào cần gặp bác sĩ ?

Viêm tụy là một căn bệnh phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Khi được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu để tình trạng bệnh kéo dài sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm hoặc có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy khi bạn nhận thấy cơ thể có bất cứ triệu chứng nào kể trên, hãy tới gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm tụy

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tụy, trong đó nguyên nhân chính là do uống rượu nhiều và sỏi mật. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây viêm tụy như là:

  • Hút thuốc lá;
  • Ung thư tuyến tụy;
  • Chấn thương vùng bụng;
  • Phẫu thuật ổ bụng;
  • Xơ nang;
  • Nồng độ canxi trong máu cao;
  • Chất béo trung tính trong máu cao (triglyceride tăng);
  • Nhiễm trùng;
  • Một số loại thuốc;
  • Tiền sử gia đình có người bị viêm tụy;
  • Nội soi ngược dòng, dùng trong điều trị bệnh sỏi mật.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm tụy?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị viêm tụy.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm tụy

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tụy: 

  • Yếu tố di truyền;
  • Lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…;
  • Chấn thương vùng bụng;
  • Tăng canxi hoặc triglyceride trong máu;
  • Chấn thương vùng bụng;
  • Béo phì.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tụy

Nếu bạn thấy một số dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị bệnh viêm tụy. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng đang gặp phải, kiểm tra thăm khám lâm sàng. 

Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác xem bạn có bị viêm tụy không bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra chức năng tuyến tụy để xem tuyến tụy của bạn có sản sinh ra lượng enzym tiêu hóa phù hợp hay không;
  • Xét nghiệm chất béo trong phân: Xác định hàm lượng chất béo trong phân;
  • Siêu âm bụng hoặc nội soi (EUS): Kiểm tra tình trạng viêm của tụy;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kiểm tra những tình trạng bất thường ở tuyến tụy và túi mật;
  • Vi tính cắt lớp (CT scan):  Đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh;
  • Sinh thiết: Lấy một phần mô nhỏ trong tuyến tụy để tiến hành kiểm tra.
  • Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị viêm tụy hiệu quả

Khi bạn bị viêm tụy, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhập viện để điều trị và theo dõi tình hình bệnh. Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị tình trạng viêm của bạn cho tới khi tình trạng viêm ổn định và được kiểm soát bác sĩ sẽ tiến hành điều trị những nguyên nhân gây ra viêm tụy.

Điều trị tình trạng viêm tụy: 

  • Nhịn ăn: Chế độ ăn kiêng ít chất béo hoặc nhịn ăn. Bạn cần phải nhịn ăn một vài ngày để tuyến tụy của bạn có thể phục hồi. Trong trường hợp này, bạn sẽ nhận được dinh dưỡng qua dịch truyền. Khi tình trạng viêm được kiểm soát, bạn có thể ăn uống một số thức ăn lỏng và nhạt, sau đó bạn có thể ăn uống trở lại bình thường sau một thời gian.
  • Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể kê một số thuốc giảm đau nếu cơn đau xảy ra dữ dội.
  • Thuốc truyền tĩnh mạch (IV): Bạn sẽ được truyền dung dịch điện giải qua tĩnh mạch trong trường hợp bạn bị mất nước nhiều do nôn mửa hoặc ổ bụng bị tràn dịch.

Nếu tuyến tụy của bạn bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc kháng sinh.

Điều trị nguyên nhân gây ra viêm tụy:

  • Phẫu thuật tụy;
  • Can thiệp lấy sỏi đường mật;
  • Phẫu thuật tụy;
  • Cai rượu.

Đối với trường hợp viêm tụy mạn tính, tùy thuộc vào tình trạng bệnh sẽ có các phương pháp bổ sung sau:

  • Kiểm soát cơn đau;
  • Phẫu thuật;
  • Bổ sung các enzyme để cải thiện tiêu hóa;
  • Thay đổi chế độ ăn uống.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tụy

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước, bổ sung đủ 2,5 lít nước mỗi ngày;
  • Chọn một chế độ ăn uống phù hợp, ít chất béo;
  • Bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein không mỡ.

Phương pháp phòng ngừa Viêm tụy hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Cai rượu, bia;
  • Bỏ thuốc lá;
  • Duy trì cân nặng vừa phải, giảm cân khi cần thiết;
  • Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp, hạn chế thực phẩm giàu chất béo;
  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ và tránh đường có thể giúp bạn ngăn ngừa sỏi mật, nguyên nhân chính gây viêm tụy cấp;
  • Tập thể dục thường xuyên, để tinh thần thoải mái như thiền, yoga,…
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/pancreatitis#takeaway
  2. https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-pancreatitis
  3. https://medlineplus.gov/pancreatitis.html

Các bệnh liên quan

  1. Tắc mật

  2. Viêm gan E

  3. Co thắt tâm vị

  4. Nhiễm vi khuẩn Salmonella

  5. Viêm đại tràng

  6. Thoát vị thành bụng

  7. Khó tiêu

  8. Viêm niêm mạc trực tràng

  9. Ợ nóng

  10. Hôn mê gan