Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

3 quan niệm sai lầm về vắc xin HPV

Thu Thủy

15/04/2025
Kích thước chữ

Nhiều người vẫn còn hiểu sai về vắc xin HPV, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 3 quan niệm sai lầm về vắc xin HPV để bạn có cái nhìn đúng đắn hơn về loại vắc xin này nhé!

Virus HPV là một trong những tác nhân gây ung thư phổ biến, đặc biệt là ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Vắc xin HPV ra đời như một giải pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến loại virus này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người hiểu chưa đúng về vắc xin HPV, dẫn đến sự chủ quan hoặc chần chừ trong việc tiêm phòng. Dưới đây là 3 quan niệm sai lầm về vắc xin HPV mà bạn nên biết để bảo vệ sức khỏe một cách chủ động và đầy đủ hơn, tham khảo ngay nhé!

Hiểu lầm 1: Vắc xin HPV chỉ dành cho nữ giới

Nhiều người vẫn nghĩ rằng, virus HPV chỉ gây ung thư cổ tử cung – một căn bệnh xảy ra ở phụ nữ nên việc tiêm vắc xin HPV chỉ cần thiết đối với nữ giới. Quan điểm này xuất phát từ việc truyền thông ban đầu chủ yếu tập trung vào lợi ích của vắc xin trong việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

3 quan niệm sai lầm về vắc xin HPV 1
Vắc xin HPV cần được tiêm chủng cho cả nam và nữ

Theo các chuyên gia y tế, HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến, có khả năng gây ra không chỉ ung thư cổ tử cung mà còn cả ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư miệng, vòm họng, amidan và đáy lưỡi. Những loại ung thư này hoàn toàn có thể xuất hiện ở nam giới. Đặc biệt, ung thư vòm họng và hậu môn đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng nam giới, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao.

Vì vậy, quan niệm rằng chỉ có phụ nữ mới cần tiêm vắc xin HPV là sai lầm. Việc tiêm chủng đầy đủ cho cả nam và nữ sẽ mang lại hiệu quả phòng ngừa cao hơn, góp phần kiểm soát sự lây lan của virus và giảm thiểu nguy cơ ung thư liên quan đến HPV trong toàn dân.

Hiểu lầm 2: Chỉ nên tiêm vắc xin HPV trước khi có quan hệ tình dục

Một số người cho rằng vắc xin HPV chỉ phát huy tác dụng khi được tiêm trước tuổi dậy thì, cụ thể là trước 12 tuổi và khi chưa từng quan hệ tình dục.

3 quan niệm sai lầm về vắc xin HPV 3
Vắc xin HPV vẫn mang lại hiệu quả ngay cả khi đã từng quan hệ tình dục

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc xin vẫn có hiệu quả ở cả những người lớn hơn, kể cả khi họ đã từng quan hệ tình dục. Mặc dù hiệu quả cao nhất đạt được khi tiêm trước khi có sự tiếp xúc với virus HPV, nhưng vắc xin vẫn có tác dụng phòng ngừa phần nào sau đó.

Hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị nên tiêm 2 liều cho trẻ em, cả nam và nữ trong độ tuổi từ 11 – 12 và khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất từ 6 – 12 tháng. Nếu chưa hoàn thành đúng liệu trình trong giai đoạn này, người trong độ tuổi từ 13 – 26 vẫn được khuyến khích tiêm ngừa. Ngoài ra, những người từ 27 đến 45 tuổi chưa tiêm cũng có thể cân nhắc tiêm phòng sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn.

Hiểu lầm 3: Đã tiêm vắc xin HPV thì không cần khám sàng lọc ung thư cổ tử cung

Nhiều người cho rằng sau khi tiêm vắc xin HPV thì không cần phải đi khám sàng lọc ung thư cổ tử cung nữa. Đây là một quan điểm sai lầm có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội phát hiện sớm bệnh lý.

3 quan niệm sai lầm về vắc xin HPV 2
Phụ nữ vẫn cần khám sàng lọc ung thư cổ tử cung sau khi tiêm vắc xin HPV

Trên thực tế, vắc xin HPV hiện nay chỉ có khả năng bảo vệ cơ thể trước một số chủng virus HPV nguy hiểm và phổ biến nhất, bao gồm HPV type 16 và 18 – là hai chủng có liên quan đến khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục chủng HPV khác có thể gây ra những biến đổi tế bào và phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện kịp thời.

Bên cạnh đó, hiệu quả bảo vệ của vắc xin còn phụ thuộc vào độ tuổi tiêm ngừa và thời điểm tiếp xúc với virus. Nếu người tiêm đã từng nhiễm HPV trước đó thì vắc xin không có khả năng loại bỏ virus đã tồn tại trong cơ thể. Do đó, việc tiêm vắc xin không đồng nghĩa với miễn nhiễm hoàn toàn.

Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ vẫn nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ ngay cả khi đã tiêm vắc xin HPV để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Việc hiểu đúng về vắc xin HPV là điều vô cùng quan trọng trong công cuộc phòng ngừa các bệnh nguy hiểm do virus này gây ra. 3 quan niệm sai lầm kể trên tuy phổ biến nhưng hoàn toàn có thể thay đổi nếu chúng ta tiếp cận thông tin y tế chính xác và khoa học. Chủ động tiêm phòng, kết hợp với khám sàng lọc định kỳ sẽ giúp mỗi người nâng cao khả năng phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Vaccine hpvHpv