Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Biến chứng sau tiêm chủng: Những điều cần biết

Ngày 24/09/2024
Kích thước chữ

Tiêm chủng đã chứng minh được sự hiệu quả vượt trội trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ phương pháp y tế nào, tiêm chủng cũng có thể đi kèm với những rủi ro và biến chứng không mong muốn. Trong khi phần lớn các phản ứng sau tiêm chủng đều nhẹ và tự khỏi, việc nhận thức và hiểu biết về các biến chứng sau tiêm chủng tiềm ẩn là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các biến chứng sau tiêm chủng, từ những triệu chứng nhẹ cho đến các biến chứng nghiêm trọng, cùng với các phương pháp quản lý và phòng ngừa rủi ro. Hãy theo dõi bài viết để hiểu rõ hơn về cách bảo vệ sức khỏe sau tiêm chủng bạn nhé!

Tiêm chủng là gì? Ý nghĩa của tiêm chủng

Tiêm chủng là một phương pháp nhằm kích thích hệ miễn dịch của cơ thể để tạo ra kháng thể chống lại các loại vi khuẩn hoặc kháng nguyên. Bằng cách đưa vắc-xin vào cơ thể người chưa từng nhiễm bệnh giúp cơ thể chuẩn bị sẵn sàng để chống lại các vi sinh vật gây bệnh trước khi chúng tấn công. Hiện tại, có khoảng 30 loại bệnh truyền nhiễm có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ vào vắc-xin.

Mặc dù tiêm chủng được coi là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên bản thân có cũng gây ra phản ứng không mong muốn cho cơ thể. Các phản ứng này, thường được gọi là biến chứng sau tiêm chủng, bao gồm những rủi ro có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

bien-chung-sau-tiem-chung-nhung-dieu-can-biet 1
Tiêm chủng là biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm hiệu quả

Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng sau khi tiêm vắc-xin

Biến chứng sau tiêm chủng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, liên quan đến chính vắc-xin hoặc các vấn đề trong quá trình tiêm chủng, cụ thể:

  • Phản ứng của vắc-xin có thể xảy ra khi cơ thể từng cá thể phản ứng với các thành phần có trong vắc-xin, như muối nhôm, kháng sinh, hoặc chất bảo quản, mặc dù vắc-xin được sản xuất và bảo quản đúng tiêu chuẩn.
  • Phản ứng thông thường, như đau tại chỗ tiêm và sốt, là phần của đáp ứng miễn dịch sau tiêm.
  • Phản ứng liên quan đến chất lượng vắc-xin, mặc dù rất hiếm gặp, có thể do vấn đề trong quá trình sản xuất vắc-xin.
  • Những sai sót trong quá trình tiêm chủng, như bỏ qua việc phân loại bệnh nhân, bảo quản hoặc vận chuyển vắc-xin không đúng cách hay thực hiện kỹ thuật tiêm không chính xác.
  • Lo âu khi tiêm chủng có thể gây ra các triệu chứng như ngất xỉu, nhức đầu và chóng mặt, đôi khi bị nhầm lẫn với dị ứng.
  • Phản ứng trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra khi các bệnh lý sẵn có ở trẻ, chẳng hạn như bệnh nhiễm trùng hoặc vấn đề về thần kinh, có thể bị nhầm lẫn.
  • Trong một số trường hợp, phản ứng sau tiêm không thể xác định rõ nguyên nhân.
bien-chung-sau-tiem-chung-nhung-dieu-can-biet 2
Biến chứng sau khi tiêm chủng có thể do đáp ứng của cơ thể với vắc-xin

Các biến chứng sau tiêm chủng có thể xảy ra

Mặc dù nguy cơ gây phản ứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng sau tiêm chủng là rất thấp so với lợi ích to lớn của vắc-xin, nhưng tùy thuộc vào cơ địa, các bệnh lý tiềm ẩn, hoặc những nguyên nhân khác, phản ứng sau tiêm có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, người được tiêm chủng và những người chăm sóc cần phải chú ý thực hiện các hướng dẫn sau tiêm một cách nghiêm túc, phản ứng nhanh chóng khi cần thiết.

Sốt cao không hạ

Một trong những dấu hiệu nguy hiểm là sốt cao trên 39°C không hạ nhiệt. Trong trường hợp này, cần đảm bảo cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho người bệnh. Đối với trẻ em, có thể dùng thuốc hạ sốt Acetaminophen. Nếu sốt cao không giảm sau 1 - 2 giờ, có thể bổ sung Ibuprofen, với điều kiện không có tiền sử chống chỉ định với thuốc này. 

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được lau mát với nước ấm. Nếu tình trạng sốt tiếp tục không đáp ứng với thuốc, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám và cấp cứu kịp thời.

Trẻ sau khi tiêm vắc-xin khóc thét dai dẳng

Biểu hiện này thường gặp ở trẻ em từ 3 - 6 tháng tuổi sau khi tiêm chủng và chúng thường dịu đi sau 1 ngày. Tuy nhiên, nếu trẻ quấy khóc hoặc khóc thét dai dẳng hơn 3 giờ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám kịp thời.

bien-chung-sau-tiem-chung-nhung-dieu-can-biet 3
Trẻ khóc dai dẳng hơn 3 giờ sau khi tiêm vắc-xin cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám

Co giật

Co giật là một dấu hiệu nguy hiểm khác cần lưu ý. Khi xuất hiện dấu hiệu co giật, người bệnh cần được điều trị hỗ trợ hô hấp và có thể sử dụng thuốc chống co giật như Diazepam theo chỉ định của bác sĩ.

Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng nghiêm trọng và có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng. Đây là phản ứng dị ứng nghiêm trọng với kháng nguyên, có thể xảy ra ngay sau khi tiêm hoặc sau vài phút, trong một số trường hợp có thể xuất hiện muộn hơn từ 30 phút đến 24 giờ sau tiêm. 

Biểu hiện của sốc phản vệ có thể bao gồm nổi mề đay, kích thích, tụt huyết áp, cảm giác nghẹn ở cổ họng, co thắt thanh quản gây khó thở, mạch đập nhanh và yếu, buồn nôn, tiêu chảy, choáng váng, hôn mê, thậm chí co giật. Trường hợp nặng cần được hồi sức tim phổi (CPR) và các xử trí cấp cứu ngay lập tức.

Phản ứng quá mẫn cấp tính sau khi tiêm chủng

Phản ứng quá mẫn cấp tính thường xảy ra trong vòng 2 giờ sau tiêm và có thể bao gồm thở khò khè, phù nề thanh quản, phát ban, phù nề toàn thân. Phản ứng này cần được xử trí khẩn trương giống như sốc phản vệ, bao gồm việc cung cấp oxy và điều trị thích hợp.

Ngoài những dấu hiệu nguy hiểm nêu trên, người bệnh cũng cần chú ý đến các dấu hiệu khác như nhiễm khuẩn huyết, giảm trương lực, giảm phản ứng, hội chứng sốc nhiễm độc, áp xe tại vị trí tiêm. Những dấu hiệu này cần được xử trí kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng và bảo vệ sức khỏe người tiêm chủng.

bien-chung-sau-tiem-chung-nhung-dieu-can-biet 4
Phát ban sau khi tiêm chủng là dấu hiệu nguy hiểm cần được điều trị kịp thời

Những lưu ý sau khi tiêm chủng để nhằm hạn chế biến chứng

Theo Thông tư 34/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, phản ứng sau tiêm chủng là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể đang đáp ứng miễn dịch đối với các vắc-xin. Bộ Y tế khuyến cáo rằng sau tiêm chủng, người được tiêm nên ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi sức khỏe và các phản ứng cục bộ tại vị trí tiêm như đau, đỏ, sưng, ngứa và các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc, sốt dưới 39°C. Những phản ứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi sau 1 - 2 ngày mà không cần điều trị.

Sau khi về nhà, cần theo dõi các chỉ số nhịp thở, nhiệt độ cơ thể, trạng thái tinh thần, thói quen hằng ngày, các dấu hiệu tại vị trí tiêm và toàn thân. Nếu xuất hiện dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, sốt cao kèm co giật, khóc kéo dài, tím tái hoặc ngưng thở, cần đưa ngay người được tiêm đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Tiêm chủng là phương pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh tật. Việc nhận thức về các biến chứng sau tiêm chủng có thể xảy ra sau tiêm rất quan trọng. Với sự chú ý và chăm sóc đúng cách, chúng ta có thể tận dụng tốt nhất lợi ích của tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin