Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả nhất

Ngày 28/09/2022
Kích thước chữ

Trong cuộc sống hàng ngày, chắc hẳn chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với rất nhiều loại cảm xúc. Do đó, nếu bạn không có kỹ năng kiểm soát cảm xúc thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bản thân và những người xung quanh.

Kiểm soát cảm xúc là một điều rất khó khăn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, bằng các các bài tập, thói quen rèn luyện hằng ngày thì kỹ năng này hoàn toàn có thể học được. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả nhất trong bài viết dưới đây nhé!

Cảm xúc là gì?

Cảm xúc có thể được hiểu là sự rung động, phản ứng của con người trước tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Tức là khi có một tác động ngoại cảnh nào đó diễn ra thì não bộ sẽ tiếp nhận và diễn đạt điều đó dưới dạng cảm xúc. Có thể chia cảm xúc ra thành hai loại chính là: Cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực.

Cảm xúc có liên quan chặt chẽ tới sự hoạt động của các hormone trong cơ thể. Chẳng hạn, khi não diễn đạt một vấn đề gì đó bổ ích, lý thú thì các loại hormone như serotonin, oxytocin và dopamine sẽ được giải phóng. Cảm xúc trong bạn lúc này sẽ bao gồm: Vui vẻ, hứng thú, hài lòng, hạnh phúc, hoặc là kích thích.

Còn nếu xuất hiện một mối đe dọa hoặc là một sự kiện nào đó không mong muốn thì các hormone gây căng thẳng như cortisol và adrenaline sẽ được tiết ra. Chúng khiến cho bạn có cảm giác buồn bã, lo lắng, sợ hãi, giận dữ,... 

Cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả nhất 1

Cảm xúc là phản ứng của con người trước những sự kiện xung quanh 

Lý do bạn cần kiểm soát cảm xúc

Cảm xúc gây nên ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với suy nghĩ. Có thể nói rằng đây chính là nền tảng của suy nghĩ. Do đó, việc kiểm soát cảm xúc, nhất là những cảm xúc tiêu cực có thể giúp bạn suy nghĩ và đưa ra những quyết định đúng đắn.

Thật vậy, não bộ thường biểu thị cảm xúc trước nhận thức, có nghĩa là cảm xúc sẽ xuất hiện trước suy nghĩ. Chúng không chỉ tác động mà còn thúc đẩy khiến chúng ta thực hiện những phản ứng hành vi ngay lập tức. Theo đó, việc quyết định ra sao có thể nói là phụ thuộc rất lớn vào cảm xúc.

Trên thực tế, việc học cách để kiểm soát cảm xúc tiêu cực khó hơn rất nhiều so với quản lý cảm xúc tích cực. Những cảm xúc tiêu cực bao gồm: Đau khổ, buồn bã, ghen tị, tức giận, căm ghét,... sẽ khiến cho bạn cảm thấy không thích người khác, thậm chí là không thích chính mình. Làm giảm bớt sự tự tin, lòng tự trọng cũng như là nhiệt huyết đối với cuộc sống.

Cảm xúc tiêu cực không được kiểm soát tốt có thể khiến bạn có những suy nghĩ và hành động không theo lý trí. Tình trạng này kéo dài càng lâu sẽ càng gây hại cho bản thân bạn cũng như mối quan hệ đối với mọi người xung quanh.

Do đó, việc kiểm soát cảm xúc, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực là vô cùng quan trọng.

Cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả nhất 2

Các hormone ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc 

Cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả nhất

Điều chỉnh bằng những hành động cơ thể

Ở những tình huống cấp thiết khi cảm xúc của bạn trở nên tiêu cực, việc cần làm chính là kiểm soát nó tức thời. Tức là đưa cảm xúc trở lại trạng thái cân bằng nhờ một số hành động cơ thể như:

  • Thả lỏng người: Quan sát cũng như cảm nhận cơ thể để tìm cách thả lỏng toàn thân. Bạn có thể mở từ từ lòng bàn tay, thả lỏng vai, buông căng cứng cơ chân,... Thả lỏng cơ bắp là biện pháp rất hữu hiệu để xoa dịu tâm trí, thư giãn và kiểm soát cảm xúc.
  • Hít thở sâu: Ngay khi nhận thấy cảm xúc vượt quá tầm kiểm soát, hơi thở loạn nhịp,... bạn hãy ngừng việc suy nghĩ và hít thở sâu để thư giãn tinh thần.

Cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả nhất 3

Hít thở sâu cũng là một cách giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn 

Kiểm soát cảm xúc bằng việc suy nghĩ tích cực

Để kiểm soát tốt cảm xúc thì bạn nên nhìn người khác bằng thái độ tích cực, tránh để những cảm xúc tiêu cực đang hiện diện kiểm soát hành vi của mình. Suy nghĩ về những ưu điểm, phẩm chất tốt của người đối diện để có suy nghĩ thoáng hơn với những hành động của họ. 

Kiểm soát cảm xúc bằng ngôn từ

Nhiều người có thói quen than vãn về những khó khăn, căng thẳng mà mình gặp phải. Tuy nhiên, bạn nên loại bỏ ngay thói quen này bởi nó có thể mang đến cảm xúc tiêu cực.

Thay vào đó là sử dụng những ngôn từ mang tính chất động viên, thúc đẩy tinh thần để có thể sống một cách tích cực hơn. Sử dụng những ngôn ngữ tích cực không chỉ giúp bạn kiểm soát cảm xúc của bản thân, mà còn giúp người khác cảm thấy dễ chịu hơn khi giao tiếp với bạn. 

Cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả nhất 4

Sử dụng những ngôn từ tích cực giúp kiểm soát cảm xúc tốt hơn 

Kiểm soát cảm xúc tiêu cực 

Bạn có thể loại bỏ những cảm xúc tiêu cực bằng cách dừng ngay việc đổ lỗi, phán xét về người khác. Can đảm nhìn nhận sai lầm mà mình mắc phải, không bào chữa cho lỗi lầm của bản thân. Làm gia tăng thêm cảm xúc tích cực bằng cách sử dụng thật nhiều lời khen.

Tự tin trong việc kiểm soát cảm xúc

Cảm xúc chính là bản năng nguyên thủy nhất của con người. Tuy nhiên, cảm xúc vẫn có thể kiểm soát được bởi lý trí. Do đó, những người thiếu tự tin có thể dễ bị rơi vào cảm xúc tiêu cực, từ đó dẫn đến bi quan, tức giận vô cớ. Trái lại, người tự tin có khả năng đương đầu với những khó khăn nên sẽ kiểm soát cảm xúc bản thân tốt hơn.

Có sự tự tin trong mọi tình huống giao tiếp, bạn sẽ không lo sợ bị ảnh hưởng bởi những lời đánh giá, phán xét của người khác, từ đó trở nên lạc quan hơn trong năng lượng và cảm xúc.

Sự tự tin có thể được rèn luyện bằng những điều sau đây:

  • Tự tin trong dáng vẻ và ngôn ngữ cơ thể.
  • Trong quá trình giao tiếp, không lảng tránh ánh mắt của người đối diện.
  • Thử thách bản thân ở những việc chưa từng làm, trong mọi tình huống, mọi lĩnh vực. Không lo sợ trước những điều mới lạ.
  • Vượt qua nỗi sợ thất bại, nghĩ đến thành công và những bài học có thể rút ra được khi làm bất cứ điều gì.

Cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả nhất 5

Tự tin sẽ giúp bạn lạc quan hơn trong cuộc sống 

Kiểm soát cảm xúc là một kỹ năng rất khó. Vì vậy, hãy rèn luyện bản thân từng ngày bằng những việc nhỏ nhất để có thể thành công hơn. Nếu cảm thấy việc này vẫn quá khó khăn, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của các bác sĩ và chuyên gia tâm lý.

Thảo My

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Chủ đề:Sống khoẻ