Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em là căn bệnh phổ biến, nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Phòng bệnh hơn là chữa bệnh, vì vậy bố mẹ nên biết các phương pháp phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu cho bé con nhà mình.
Nhiễm khuẩn tiết niệu thường khiến trẻ bị đau đớn khi đi nhẹ, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn hoặc sốt cao. Không những vậy, bệnh có thể tiến triển nặng và gây ra các tình trạng nguy hiểm khác như nhiễm trùng máu, suy thận,... Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết cách phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em hiệu quả các bố mẹ nhé!
Trẻ em là đối tượng có khả năng mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu cao. Đây là căn bệnh đứng thứ 3 về độ thường gặp ở trẻ nhỏ chỉ sau nhiễm khuẩn đường hô hấp và nhiễm khuẩn tiêu hóa. Nguyên nhân là bởi các bé có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, khả năng chống lại những tác nhân gây bệnh còn yếu. Đồng thời, trẻ nhỏ cũng chưa hình thành được thói quen vệ sinh đúng cách sau khi đi vệ sinh nên nguy cơ các loại vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu và gây bệnh cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu cũng dễ xảy ra hơn với các nhóm trẻ em dưới đây:
Lỗ tiểu của bé gái nằm ngay trước hậu môn nên nếu sau khi đi vệ sinh, bé lau ngược từ sau ra trước thì khả năng vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo sẽ rất cao. Ngoài ra, do cấu tạo niệu đạo của bé gái ngắn hơn so với bé trai nên nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cũng cao hơn. Vì vậy, mẹ nên hướng dẫn bé vệ sinh vùng kín đúng cách, lau từ trước ra sau nhé!
Mẹ nên hướng dẫn bé vệ sinh vùng kín đúng cách
Tình trạng bao quy đầu bị hẹp sẽ làm nước tiểu ứ đọng lại, tại điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn gây hại, từ đó gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bên cạnh đó, có nhiều phụ huynh cũng chưa thực sự để tâm đến việc vệ sinh vùng kín cho bé trai nên không phát hiện ra dấu hiệu bất thường này.
Những dị tật bẩm sinh như giãn đài bể thận niệu quản, chít hẹp niệu đạo, chít hẹp niệu quản, niệu quản đôi,... cũng là nguyên nhân khiến một số trẻ bị mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Phần lớn các trường hợp này bệnh sẽ tái phát rất nhiều lần. Vì thế trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật can thiệp để loại bỏ hoặc khắc phục các dị tật này.
Hệ miễn dịch ở trẻ em vốn dĩ chưa phát triển đầy đủ như người trưởng thành nên nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đã cao hơn các đối tượng khác. Nếu các bé còn gặp phải những căn bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch như suy hô hấp, suy dinh dưỡng, bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa,...
Suy giảm hệ miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Trẻ em ở vùng nông thôn thường phải sinh hoạt với nguồn nước không đảm bảo, điều kiện vệ sinh kém nên nguy cơ vi khuẩn từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào đường tiết niệu để gây bệnh là rất cao. Hơn nữa, một số cha mẹ vùng nông thôn thường ít quan tâm đến việc vệ sinh cá nhân của trẻ nên tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn tiết niệu của nhóm trẻ này cũng cao hơn.
Rất nhiều trẻ có thói quen nhịn tiểu, việc này sẽ làm nước tiểu ứ đọng, tạo môi trường cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi. Ngoài ra, nếu trẻ không bổ sung đủ nước trong ngày, lượng nước tiểu bài tiết ra bên ngoài giảm nên tỷ lệ vi khuẩn còn lại trong cơ thể cũng cao hơn.
Phụ huynh nhắc nhở trẻ uống đủ nước mỗi ngày
Bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ, vì vậy phụ huynh cần phải lưu ý đến các biện pháp phòng tránh để bảo vệ bé con nhà mình.
Giữ vùng kín luôn được sạch sẽ là điều quan trọng nhất cần thực hiện để loại bỏ các tác nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Phụ huynh phải sát khuẩn tay trước khi giúp bé làm sạch vùng kín, đặc biệt với các bé gái, phải vệ sinh từ trước ra sau để tránh cho vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào lỗ tiểu và gây bệnh.
Với trẻ sơ sinh, bố mẹ cần phải thay bỉm, lau khô thường xuyên cho bé vì các bé không kiểm soát được việc đại tiểu tiện. Giữ bỉm lâu sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn xâm nhập. Bên cạnh đó, trong quá trình thay bỉm, phụ huynh cũng cần để ý xem trong bỉm bé có xuất hiện cặn trắng hay dịch nhiễm khuẩn hay không.
Thay bỉm, lau khô thường xuyên cho trẻ sơ sinh
Nước đóng vai trò rất quan trọng đối với sự hoạt động của hệ bài tiết. Vì vậy, phụ huynh cần tạo thói quen uống nhiều nước cho trẻ, bổ sung các loại rau củ quả chứa nhiều nước để phòng bệnh, tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần nhắc nhở trẻ đi tiểu ngay khi mắc, không nhịn tiểu.
Các triệu chứng của nhiễm khuẩn tiết niệu thường không quá rõ ràng nên bị phụ huynh bỏ qua. Nếu nhận thấy trẻ thường hay quấy khóc, la đau khi đi tiểu, sốt hoặc rối loạn tiêu hóa, chán ăn,... thì hãy đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe các bé nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Vì vậy, bố mẹ hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của bé con nhà mình bằng các biện pháp phòng bệnh mà Nhà thuốc Long Châu gợi ý ở trên nhé!
Hoàng Trang
Nguồn tổng hợp