Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Cách sử dụng và bảo quản miếng dán hạ sốt cho trẻ

Ngày 23/01/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, rất nhiều mẹ bỉm sữa có thói quen dùng miếng dán hạ sốt cho con khi trẻ bị sốt sau tiêm phòng, sốt siêu vi hay do nhiều nguyên nhân khác. Tuy nhiên, liệu bạn đã biết cách dùng sản phẩm này đúng và đủ quy trình hay chưa? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cách sử dụng và bảo quản miếng dán hạ sốt trẻ em tốt nhất. Cùng tìm hiểu nhé!

Miếng dán hạ sốt cho trẻ là sản phẩm quen thuộc trong tủ thuốc của nhiều gia đình. Khi trẻ bị sốt, có thể dùng miếng dán hạ sốt dán lên trán, cho bé mặc quần áo mỏng, thấm hút mồ hôi tốt để giúp trẻ dễ chịu và nhanh chóng hạ sốt hơn.

Miếng dán hạ sốt cho trẻ hoạt động theo cơ chế nào?

Miếng dán hạ sốt cho trẻ có tác dụng tản nhiệt với thành phần chủ yếu thường là hydrogel thân nước. Đây là các polyme dạng chuỗi dù không tan trong nước nhưng có khả năng hút nước ở vùng da được dán miếng hạ sốt. 

Miếng dán hạ sốt hoạt động trên cơ chế hấp thụ nhiệt và tản nhiệt ở vùng những vùng da được dán (trán, nách, bẹn) ra bên ngoài môi trường bằng phương pháp chênh lệch nhiệt độ. Khi vừa dán lên sẽ tạo cảm giác mát lạnh, giúp trẻ nhanh chóng dễ chịu hơn. Thời gian làm mát của miếng dán hạ sốt có thể kéo dài từ 3 - 10 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, một số sản phẩm dán hạ sốt còn được bổ sung thêm tinh dầu bạc hà. Điều này giúp vùng da dán miếng hạ sốt hạ nhiệt nhanh hơn khi tinh dầu bốc hơi. 

Cách sử dụng và bảo quản miếng dán hạ sốt cho trẻ

Miếng dán hạ sốt hoạt động trên cơ chế hấp thụ và tản nhiệt

Cách sử dụng miếng dán hạ sốt hiệu quả cho trẻ

Cách dùng miếng hạ sốt cho trẻ chuẩn nhất hiện nay gồm các bước sau:

Lựa chọn miếng dán hạ sốt chất lượng cho trẻ

Để lựa chọn miếng dán hạ sốt chất lượng cho con yêu, bố mẹ hãy chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng đến từ các thương hiệu uy tín. Đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả hạ sốt cho trẻ đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ kích ứng da do miếng dán hạ sốt để lại.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại miếng dán hạ sốt có thể dùng được cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tiêu biểu phải kể đến miếng dán hạ sốt Lion Hiepita For Baby - một trong những sản phẩm được tin dùng nhất hiện nay với nhiều đặc điểm nổi bật như:

  • Sản phẩm hạ sốt này cung cấp giải pháp giảm cơn sốt khó chịu cho trẻ bằng cách tận dụng sự hấp thụ nhiệt của nước.
  • Ngoài Hydrogel thân nước, sản phẩm này còn chứa 80% độ ẩm, không chứa thuốc, có rất nhiều hạt làm mát tròn như những giọt nước nằm bên trong lớp gel màu xanh đem đến công dụng hạ sốt tốt hơn.
  • Các thành phần của Lion Hiepita for baby đều an toàn tuyệt đối, không chứa hương liệu và chất màu nên rất phù hợp cho trẻ từ 0 - 2 tuổi.

Cách sử dụng và bảo quản miếng dán hạ sốt cho trẻ

Miếng dán hạ sốt Lion Hiepita For Baby rất an toàn cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi

Bóc và dán miếng dán hạ sốt

Bạn có thể bóc vỏ miếng dán hạ sốt theo mẫu bóc hướng dẫn hoặc bóc một đường cách bìa ngoài từ 1,5 - 2 cm. Tiếp đó, hãy bóc lớp vỏ nilon dán phía bên trên lớp gel dính của miếng dán hạ sốt rồi dán cho trẻ. 

Để phát huy tối đa tác dụng của miếng dán các mẹ cần lưu ý đến vị trí dán miếng dán hạ sốt. Thông thường, miếng dán hạ sốt thường được dán ở vùng trán của trẻ, tuy nhiên khu vực này thường có ít mạch máu đi qua. Do đó, để tăng hiệu quả của miếng dán, hãy lựa chọn các vị trí có nhiều mạch máu lớn như: Nách, bẹn… Đây đều là những vị trí đắc địa có công dụng hạ sốt nhanh khi lau hay chườm cho bé.

Lưu ý khi dán miếng dán hạ sốt cho bé:

  • Không nên dán miếng dán hạ sốt vào lưng vì việc trẻ nằm thường xuyên khi ốm dễ khiến miếng dán bị bong ra.
  • Không dán miếng dán hạ sốt vào lòng bàn vì điều này sẽ gây khó chịu và làm cho bé khó di chuyển.
  • Không dán miếng dán hạ sốt vào chỗ tiêm vì đây là vết thương hở. Việc này sẽ tránh gây kích ứng vùng bị tiêm.

Cách sử dụng và bảo quản miếng dán hạ sốt cho trẻ

Cần chú ý vị trí dán miếng hạ sốt để tránh ảnh hưởng đến trẻ

Lưu ý thời gian dán miếng dán hạ sốt cho bé

Miếng dán hạ sốt để qua đêm được không? Nên dán miếng dán hạ sốt cho trẻ trong bao lâu? Là những câu hỏi thường gặp của các mẹ khi dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ.

Theo ý kiến của chuyên gia, thời gian dán miếng dán cho trẻ phụ thuộc tình trạng sốt của trẻ cũng như từng loại miếng dán hạ sốt. Thời gian dán có thể từ 2 - 3 giờ hoặc 3 - 4 giờ tùy sản phẩm miếng dán bạn chọn. Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì để dùng sản phẩm hạ sốt này cho con đúng thời điểm và hợp lý nhất.

Thời gian tác dụng của miếng dán hạ sốt cho trẻ sơ sinh thường không kéo dài. Do đó, khi sản phẩm này cho bé vào ban đêm, để phòng tránh hiện tượng trẻ sốt cao trở lại khi miếng dán hết tác dụng các bậc phụ huynh hãy lưu ý kiểm tra thân nhiệt bé thường xuyên.

Bảo quản miếng dán hạ sốt

Để đảm bảo chất lượng tốt nhất của miếng dán hạ sốt, nên để miếng dán hạ sốt tránh ánh nắng trực tiếp và bảo quản ở nhiệt độ dưới 30 °C. Bên cạnh đó, độ ẩm thích hợp nhất để kéo dài thời gian sử dụng của miếng dán hạ sốt cho trẻ là dưới 70%.

Bạn có thể bảo quản miếng dán hạ sốt cho trẻ trong ngăn mát tủ lạnh nhưng tuyệt đối không được đặt ở ngăn đông. Nếu miếng dán hạ sốt được để ở ngăn mát tủ lạnh, cần đưa miếng dán về nhiệt độ phòng 10 -15 phút trước khi sử dụng cho bé.

Cách sử dụng và bảo quản miếng dán hạ sốt cho trẻ

Thực hiện cách bảo quản miếng hạ sốt cho trẻ để tối ưu thời gian sử dụng

Miếng dán hạ sốt rất dễ sử dụng và bảo quản, tuy nhiên các mẹ nên chọn mua sản phẩm chất lượng từ các thương hiệu có tên tuổi, được ưa chuộng. Đặc biệt, để hạn chế tối đa việc mua phải miếng dán hạ sốt hàng giả hoặc kém chất lượng, các mẹ nên quan sát kĩ tên và hình ảnh trên bao bì của sản phẩm trước khi chọn mua và sử dụng cho bé nhé.

Minh QA

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin