Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách trị thói xấu trả treo của con

Ngày 26/05/2020
Kích thước chữ

Nếu bé nhà bạn thường xuyên “cãi tay đôi” với cha mẹ thì chúng ta đừng bỏ qua những biện pháp “đặc trị” được chuyên gia khuyên dưới đây.

Đã là bậc phụ huynh thì hầu như chúng ta đều ghét việc con cái cãi lại. Hơn nữa, cũng chẳng mấy dễ chịu khi mà con mình không nghe lời dạy bảo, thậm chí còn xem đó như lời thừa thãi. Nhà trị liệu hành vi trẻ em Katy Harris, điều hành Family SOS cho biết, lý do khiến bé cãi cha mẹ là bởi chúng còn nhỏ, có nhiều cảm xúc và chưa học được cách xử lý tốt (nhất là ngay lúc xảy ra sự việc). Nếu bé thường “trả treo” lại cha mẹ thì có lẽ đã đến lúc bạn nên hành động để kiểm soát tình hình.

Cách trị thói xấu trả treo của con 1Khi con cái thường xuyên trả treo lại thì bạn nên có biện pháp để kiểm soát tình hình

Xác định nguyên nhân

Nhà tâm lý học lâm sàng Vyda S Chai của Think Psychological Services gợi ý phụ huynh khi thấy bé cãi lại thường xuyên thì hãy tìm hiểu gốc rễ vấn đề, phân tích xem hành vi đó đến từ đâu. Cố gắng theo dõi xem hành vi nào đã “châm ngòi” khiến con phản ứng lại như thế. Có những thay đổi nào gần đây làm con tức giận, buồn bã hoặc thất vọng không?

Về mặt tình cảm thì có thể con bạn đang phải đối mặt với những sự kiện tiêu cực, chẳng hạn như căng thẳng trên trường, bắt nạt học đường… Thế nên những kích hoạt cảm xúc lúc này có thể khiến bé thực hiện hành vi cãi lại. Khi đã thành công tìm ra đâu là thứ châm ngòi cho thói quen này, bạn sẽ ở vào vị trí con và thấu hiểu hơn. Nếu được, phụ huynh cũng nên xử lý những vấn đề bé đang gặp phải để thay đổi phản ứng tiêu cực (cãi lại) này.

Bình tĩnh, thật sự bình tĩnh

Nếu bé đang thách thức kiên nhẫn của bạn thì phải thực sự bình tĩnh. Phản ứng tiêu cực chỉ làm bùng nổ cơn tức giận ở cả hai phía. Bác sĩ Chai lưu ý nếu bé trả lời bạn thách thức thì hãy đáp lại với những câu có trọng lượng như “chúng ta không nói chuyện theo cách đó”, hay “con cẩn thận lời nói được không”.

Nếu hành vi bé có xu hướng leo thang thì hãy bình tĩnh và kiên nhẫn đợi con tự điều chỉnh, nói chuyện bình thường hơn hẵng đáp lại. Thông qua đó, bạn chỉ hồi đáp bé khi mà trẻ giao tiếp tôn trọng, khi con mất bình tĩnh bạn sẽ không giao tiếp nữa.

Thấu hiểu cảm xúc con

Hãy lưu ý đến cảm xúc con khi mà con cãi lại. Bạn nên hồi đáp bằng những cụm từ như “Ba/mẹ biết con không thích làm cái này”, “Ba/mẹ hiểu con không thoải mái”… Nhờ đó bé sẽ biết được rằng cha mẹ luôn quan tâm đến trạng thái của mình.

Sau đó hãy gợi ý cách để con quản lý cảm giác thất vọng đó. Giải thích cho trẻ hiểu rằng tự do sẽ đến một khi nhiệm vụ hoàn thành. Hoặc giúp con hiểu tình huống nào mình có quyền lựa chọn cũng như tình huống nào phải điều khiển hành vi bản thân.

Cách trị thói xấu trả treo của con 2Hãy giúp con hiểu rằng có những tình huống mình phải điều khiển bản thân

Dạy bé cách tự điều chỉnh và quản lý cảm xúc

Phụ huynh nên dạy con quản lý sự thất vọng hoặc không hài lòng mà không cần dùng tới hành vi quát nạt, la hét. Như nhà tâm lý học Chai gợi ý, bạn có thể khuyến khích bé nói ra tâm trạng, cảm xúc buồn bực của mình mỗi khi con không vui và không để các cảm xúc tiêu cực đó bùng nổ.

Chẳng hạn hãy thực hành bằng cách đóng kịch hay múa rối, dùng chú gấu Teddy đồ chơi như một người thầy của bé. Với mỗi tình huống, khi bé trả lời hay, hãy khen ngợi và cho bé biết con rất đáng khen nếu cư xử như vậy.

Ngoài ra cũng đừng quên hướng dẫn con cách “tự nói chuyện” để bản thân vượt qua những khó khăn, thay vì phản ứng lại với cha mẹ. Chẳng hạn chia sẻ kinh nghiệm bản thân cha/mẹ khi phải hoàn thành việc mình không muốn làm, luôn tự động viên mình rằng “Cố lên, làm nhanh rồi sẽ được chơi” hoặc “Làm nhanh không lãng phí thời gian than thở nữa”.

Giúp con nhận thức rõ vấn đề này và thấu hiểu bức tranh lớn hơn

Nếu thời gian cho phép, phụ huynh hãy tận dụng cơ hội này để hiểu hơn về quan điểm của con trước một vấn đề. Sau khi khám phá ra nó, bạn nên khuyến khích bé suy nghĩ tìm được cách tốt hơn nhằm giải quyết tình huống mà bé gặp phải, hoặc giả sử đặt mình vào vị trí người khác xem liệu người đó sẽ nghĩ gì, làm gì.

Bà Katy Harris nói thêm, cha mẹ cần đặt câu hỏi để xem bé có hiểu lý do đằng sau quyết định của mình không, hướng dẫn của bố mẹ có hữu ích và bé có tán đồng hoặc thấy không thích hợp ở đâu không? Bé có thể dần nhìn ra một bức tranh toàn cảnh hơn, nhất là nhu cầu người khác hoặc thực tế nhu cầu bản thân trong mỗi tình huống.

Cách trị thói xấu trả treo của con 3Đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con cái

Giải thích và làm mẫu với cách cư xử phù hợp

Trước khi muốn bé nói năng cẩn thận thì chúng ta phải chú ý đến ngôn ngữ của mình. Chẳng lấy làm ngạc nhiên khi con bắt chước hành vi người thân xung quanh. Nếu cha mẹ có giọng điệu nổi nóng hoặc thiếu kiên nhẫn thì bé có thể bắt chước theo. Do đó phụ huynh cần tránh việc cãi nhau trước mặt con.

Thụy Anh

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin