Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Cách tư duy ngược là gì? Ưu và nhược điểm của phương pháp này?

Ngày 14/10/2024
Kích thước chữ

Tư duy ngược đang là một xu hướng được nhiều người dùng để rèn luyện và phát triển bản thân. Với ưu điểm là không đi theo lối mòn, quy tắc cũ, cách tư duy ngược đặt bạn vào các tình huống khác biệt, từ đó khai thác tiềm năng, cơ hội mà bạn chưa nhận ra.

Phương pháp tư duy ngược là một kỹ năng quan trọng, giúp bạn tìm ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả để giải quyết những vấn đề khó khăn mà tư duy thông thường không đáp ứng được. Hãy tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu cách tư duy ngược là gì, những ưu và nhược điểm cũng như cách rèn luyện phương pháp này.

Tư duy ngược là như thế nào?

Tư duy ngược (Reverse brainstorming) là một phương pháp tư duy sáng tạo được thực hiện bằng cách lật ngược vấn đề và tìm ra những cách để làm cho nó tệ đi, sau đó lại đảo ngược vấn đề để tìm ra những giải pháp tốt hơn.

Thay vì tập trung tìm cách giải quyết vấn đề hay tìm cách đạt được mục tiêu, bạn lại tìm cách ngăn chặn hoặc làm trầm trọng hơn vấn đề đó. Với cách tư duy ngược, bạn không đặt câu hỏi “Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?”, mà thay vào đó lại hỏi “Làm thế nào để khiến vấn đề này tồi tệ hơn?”. Với cách này, tư duy ngược giúp khai thác những ý tưởng mà cách tư duy thông thường không làm được do bị giới hạn bởi những giả định, quy tắc hay kinh nghiệm trước đó. Tư duy ngược xác định những trở ngại, lỗ hổng, rủi ro tiềm ẩn trong cách tiếp cận hiện tại, từ đó biến chúng thành những giải pháp tích cực.

Cách tư duy ngược là gì? Làm sao để rèn luyện trong kinh doanh? 1
Cách tư duy ngược là lật ngược vấn đề, làm vấn đề trở nên tệ hơn để tìm ra ý tưởng sáng tạo

Ưu và nhược điểm của tư duy ngược

Tư duy ngược không phải là phương cách duy nhất để thúc đẩy sự sáng tạo. Nhưng đây là một cách lý tưởng để khai thác những cảm xúc tiêu cực, sự thất vọng và tức giận như một công cụ để giải quyết vấn đề một cách tích cực. Cách tư duy ngược có nhiều lợi ích nhưng bên cạnh đó cũng có phần hạn chế.

Ưu điểm

  • Có thể khiến một cuộc thảo luận tiêu cực thành một buổi nói chuyện động não tích cực.
  • Có thể làm giảm sự căng thẳng và thất vọng vì không giải quyết được vấn đề.
  • Khiến buổi thảo luận thú vị và sáng tạo.
  • Khiến những người tham gia buổi thảo luận không còn thờ ơ mà tích cực tham gia. Cách này hiệu quả đặc biệt khi việc động não thông thường khiến mọi người cảm thấy nhàm chán hoặc bị áp lực.
  • Giúp nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau thay vì chỉ nhìn một chiều, một lối mòn.
  • Tạo ra cách giải quyết vấn đề đột phá, sáng tạo, thoát khỏi khuôn khổ cũ.
  • Phù hợp với thời đại công nghệ số.
  • Khi áp dụng tư duy ngược, bạn cũng rèn luyện được tư duy logic và khả năng phân tích vấn đề.

Nhược điểm

  • Nếu áp dụng tư duy ngược không hợp lý, không phù hợp với hoàn cảnh có thể dẫn đến hệ quả ngược.
  • Trước khi đảo ngược vấn đề, bạn sẽ mất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, phân tích vấn đề.
  • Nếu chỉ nhìn ở góc độ tiêu cực để đảo ngược vấn đề, có khả năng dẫn đến hệ quả tiêu cực.
  • Khi cố gắng nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh trái ngược, có thể gây áp lực, căng thẳng.
  • Không phù hợp với những người có tư duy cứng nhắc, thiếu sự sáng tạo.
Cách tư duy ngược là gì? Làm sao để rèn luyện trong kinh doanh? 2
Tư duy ngược có thể khiến một cuộc thảo luận tiêu cực thành một buổi nói chuyện động não tích cực

Khi nào nên dùng cách tư duy ngược?

Khi tư duy thông thường không hiệu quả hoặc không đạt được điều mong muốn thì bạn áp dụng cách tư duy ngược. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa tìm được lý do nào giải thích tại sao chúng ta không sử dụng cách tư duy ngược ngay từ đầu. Nhìn chung, khi bạn gặp các trường hợp sau đây thì hãy tư duy ngược:

  • Những thành viên trong nhóm đều cạn ý tưởng: Dù những người trong nhóm đều đã chia sẻ những ý tưởng của mình và không còn ý tưởng nào khác nhưng vẫn chưa tìm được cách giải quyết vấn đề.
  • Những người tham gia không nhiệt tình và không động não khiến quá trình giải quyết vấn đề trở nên khó khăn: Trong trường hợp này, dùng cách khai thác những cảm giác tiêu cực và thất vọng của mọi người có thể khơi dậy năng lượng và sự nhiệt tình của họ đồng thời khám phá ra những cơ hội để cải thiện.
  • Những người tham gia quá quen thuộc với quy trình cũ đến mức họ không thể đưa ra ý tưởng nào thay thế: Với cách tư duy ngược, một số suy nghĩ đột phá gây ngạc nhiên hoặc những khám phá bất ngờ có thể xuất hiện, tạo ra sự khác biệt tích cực.

Cách tư duy ngược hiệu quả

Vậy làm thế nào để áp dụng cách tư duy ngược? Hãy thực hiện 5 bước sau đây:

Bước 1: Xác định vấn đề 

Đầu tiên cần xác định rõ vấn đề cần giải quyết gồm những yếu tố nào. Khi nhận diện chính xác vấn đề, bạn sẽ áp dụng tư duy ngược đúng cách và hiệu quả hơn.

Bước 2: Dùng câu hỏi đảo ngược vấn đề 

Bạn đảo ngược vấn đề bằng cách đặt những câu hỏi như:

  • Làm sao để tạo ra vấn đề này?
  • Vấn đề xuất hiện như thế nào?
  • Làm cách nào để khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn?

Với những câu hỏi này, bạn sẽ nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, từ đó mở rộng cách giải quyết.

Bước 3: Liệt kê các ý tưởng

Sau khi đảo ngược vấn đề bằng câu hỏi, bạn dựa trên đó để tìm và liệt kê tất cả những ý tưởng, các cách tiếp cận. Lưu ý rằng chất lượng của ý tưởng không quan trọng, liệt kê càng nhiều ý tưởng sẽ càng tạo ra nguồn ý tưởng phong phú để lựa chọn sau này.

Bước 4: Biến các ý tưởng thành giải pháp cụ thể

Bạn chuyển các ý tưởng đã liệt kê ở bước 3 thành những giải pháp cụ thể bằng cách:

  • Loại bỏ các ý tưởng không khả thi, không phù hợp.
  • Kết hợp các ý tưởng giống nhau thành một giải pháp hoàn chỉnh.
  • Xem xét tính khả thi và hiệu quả.
  • Chọn giải pháp tối ưu nhất.
Cách tư duy ngược là gì? Làm sao để rèn luyện trong kinh doanh? 3
Liệt kê các ý tưởng và biến chúng thành các giải pháp cụ thể

Bước 5: Đánh giá hiệu quả

Sau cùng, bạn cần đánh giá lại giải pháp tốt nhất bạn vừa chọn có thực sự hiệu quả hay không bằng cách:

  • Xem xét ưu và nhược điểm của giải pháp, có thể so sánh với các phương án khác.
  • Thử nghiệm giải pháp ở quy mô nhỏ.
  • Thu thập ý kiến phản hồi từ người khác.
  • Đánh giá giải pháp có giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề hay không.

Cách rèn luyện tư duy ngược

Bạn có thể rèn luyện cách tư duy ngược bằng các cách sau: 

  • Tập thói quen đặt câu hỏi ngược: Bạn hãy tập thói quen đảo ngược mọi vấn đề với những câu hỏi như "Làm thế nào để..." nhằm kích thích tư duy ngược.
  • Học hỏi phương pháp tư duy ngược từ việc đọc sách, nghiên cứu về các doanh nhân, nhà khoa học,... áp dụng thành công tư duy ngược.
  • Thực hành: Để rèn luyện kỹ năng này, bạn hãy áp dụng tư duy ngược vào những tình huống thực tế trong cuộc sống và trong công việc.
  • Hình thành nhóm: Bạn có thể lập nhóm những người cùng sở thích về tư duy ngược để học hỏi và phát triển kỹ năng với nhau.
  • Tham gia các khóa học về tư duy ngược: Bạn cần rèn luyện và nâng cao kỹ năng này một cách bài bản bằng cách tham gia các khóa học về tư duy sáng tạo, tư duy ngược,... 
Cách tư duy ngược là gì? Làm sao để rèn luyện trong kinh doanh? 4
Lập nhóm những người cùng sở thích về tư duy ngược để học hỏi và phát triển kỹ năng với nhau

Tóm lại, cách tư duy ngược giúp bạn tìm ra những ý tưởng sáng tạo để giải quyết những vấn đề khó khăn mà cách tư duy thông thường không thể thực hiện được. Hãy rèn luyện và áp dụng tư duy ngược để có những góc nhìn mới mẻ và cách giải quyết sáng tạo cho các vấn đề trong công việc và cuộc sống. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin