Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cần sa và các hoạt chất: Tác dụng trong y tế

Ngày 30/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cần sa còn được gọi là cannabis hay marijuana, là một loại cây từ Trung Á, ngày nay được trồng ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo một số nghiên cứu, cần sa còn được xem là thuốc chữa bệnh. Các cannabinoid có trong thuốc có tác dụng điều trị bệnh hoặc cải thiện một số triệu chứng, tuy nhiên vẫn chưa có định nghĩa rõ ràng nào cho nhận định này.

Cần sa là gì?

Cần sa còn được gọi là cannabis hay marijuana, là một loại cây từ Trung Á, ngày nay được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Cây cần sa sản xuất ra một loại nhựa có chứa các hợp chất gọi là cannabinoids. Một số cannabinoids có tác dụng đến tâm thần (tác động lên não và làm thay đổi tâm trạng hoặc ý thức). Tại Hoa Kỳ, cần sa là một chất được kiểm soát vì có khả năng lạm dụng cao.

Cây cần sa sản xuất ra một loại nhựa có chứa các hợp chất gọi là cannabinoids

Cannabinoids là gì?

Cannabinoids là các hoạt chất trong cần sa có tác dụng dược lý trên toàn cơ thể, đặc biệt là tác động lên hệ thần kinh trung ương và hệ miễn dịch. Cannabinoids còn được gọi là phytocannabinoids. Cannabinoid có hoạt tính mạnh nhất trong cần sa là delta-9-THC. Một cannabinoid hoạt động khác là cannabidiol (CBD), có tác dụng giúp giảm đau và kháng viêm mà không gây cảm giác “phê thuốc” như delta-9-THC.

Cannabinoids có thể sử dụng trong việc điều trị các tác dụng phụ của ung thư và điều trị ung thư. Ngoài ra còn có một số tác dụng khác như kháng viêm, làm giảm sự phát triển của tế bào, ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu nuôi dưỡng khối u, hoạt tính chống vi-rút và giúp giảm co thắt cơ trong bệnh đa xơ cứng.

Cần sa được sử dụng như thế nào?

Cần sa có thể sử dụng bằng cách ăn (sản phẩm dạng bánh), uống (sản phẩm dạng trà thảo dược) hoặc hít. Khi ăn hoặc uống vào, thành phần có tác dụng chính trong cần sa (delta-9-THC) sẽ được chuyển hóa ở gan, tạo thành chất chuyển hóa có hoạt tính kích thích thần kinh mạnh hơn. Khi hút hoặc hít, các cannabinoids trong cần sa xâm nhập vào máu nhanh hơn tuy nhiên chất chuyển hóa có hoạt tính kích thích thần kinh được sản xuất ít hơn. Ngoài các dạng chế phẩm phổ biến như trên, hiện nay cần sa còn đang được nghiên cứu để bào chế ở dạng dịch chiết xịt dưới lưỡi.

Cần sa có thể sử dụng bằng cách ăn, uống hoặc hít

Các nghiên cứu về sử dụng cần sa trong y tế

Hiện nay đã có các nghiên cứu thử tác dụng của cannabinoids tiến hành ở quy mô phòng thí nghiệm và trên động vật. Tuy nhiên trong cơ sở dữ liệu trên PubMed được quản lý bởi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, không tìm thấy công trình nào đang nghiên cứu về việc sử dụng cần sa như một liệu pháp điều trị ung thư ở người. Chỉ có một vài nghiên cứu nhỏ sử dụng cần sa trong điều trị một số loại ung thư nhất định như:

  • Dùng Cannabidiol (CBD) đường uống để điều trị khối u rắn tái phát.
  • Dạng thuốc xịt kết hợp 2 cannabinoids (delta-9-THC và CBD) dùng phối hợp với temozolomide trong điều trị u não (glioblastoma đa dạng) tái phát.
  • Dùng Cannabidiol (CBD) đường uống để điều trị bệnh mảnh ghép chống lại ký chủ cấp tính ở những bệnh nhân đã trải qua cấy ghép tế bào gốc tạo máu allogeneic.

Hiện nay cần sa và các hoạt chất của nó đã được nghiên cứu sử dụng để kiểm soát tác dụng phụ của bệnh ung thư và liệu pháp điều trị ung thư. Cụ thể như sau:

Làm giảm buồn nôn và nôn

Dronabinol và nabilone là 2 loại thuốc chứa cannabinoid (Delta-9-THC) dùng đường uống được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food and Drug Administration – FDA) phê duyệt, dùng để điều trị buồn nôn và nôn do hóa trị ở những bệnh nhân không đáp ứng với liệu pháp điều trị chuẩn. Các thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng cả dronabinol và nabilone đều có tác dụng bằng hoặc tốt hơn các loại thuốc giảm buồn nôn và nôn khác. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa so sánh trực tiếp tác dụng chống nôn của cần sa hay cannabinoids với một số thuốc chống nôn thế hệ mới hiện hành.

Với cần sa dạng hít, đã có mười thử nghiệm nhỏ nghiên cứu cần sa dạng hít dùng để điều trị buồn nôn và nôn do hóa trị. Các nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu và các tác nhân hóa trị liệu khác nhau cho kết quả khác nhau.

Nabiximols là chế phẩm thuốc xịt được bào chế từ dịch chiết cần sa chứa delta-9-THC và cannabidiol (CBD), đã được sử dụng trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi và kiểm soát bằng giả dược ở Tây Ban Nha để điều trị chứng buồn nôn và nôn do hóa trị.

Việc sử dụng cần sa và các hoạt chất của nó để điều trị các triệu chứng như buồn nôn ở trẻ em ngày càng được nhiều người quan tâm, tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu liên quan. Hơn nữa, hiện nay Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) không chấp thuận sử dụng cần sa và các hoạt chất của nó cho trẻ em vì cho rằng nó có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của não.

Kích thích sự thèm ăn

Một thử nghiệm lâm sàng đã tiến hành so sánh tác dụng của delta-9-THC dạng uống (dronabinol) và thuốc chuẩn (megestrol) ở bệnh nhân ung thư tiến triển và mất cảm giác ngon miệng. Kết quả cho thấy delta-9-THC không giúp người bệnh tăng thèm ăn hay tăng cân so với thuốc chuẩn. Tuy nhiên, một thử nghiệm lâm sàng khác thực hiện trên bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS bị giảm cân cho thấy bệnh nhân dùng delta-9-THC có cảm giác ngon miệng hơn và ngừng giảm cân so với bệnh nhân dùng giả dược.

Hiện nay chưa có nghiên cứu nào được công bố về tác dụng cải thiện vị giác của cần sa dạng hít đối với bệnh nhân ung thư.

Giảm đau

Một nghiên cứu trên 21 bệnh nhân đau mãn tính cho thấy sử dụng hơi cần sa phối hợp với morphine làm giảm đau tốt hơn so với chỉ dùng morphine, trong khi dùng hơi cần sa với oxycodone không giúp giảm đau nhiều hơn. Cần có thêm các nghiên cứu khác để làm rõ hơn.

Thuốc chiết xuất từ cần sa theo nghiên cứu cho thấy giúp giảm đau trong ung thư

Có hai thử nghiệm lâm sàng nhỏ về delta-9-THC dùng đường uống cho thấy nó giúp giảm đau trong ung thư. Trong nghiên cứu đầu tiên, kết quả bệnh nhân giảm đau tốt, ít buồn nôn và ăn ngon miệng hơn. Trong nghiên cứu thứ hai, kết luận delta-9-THC có thể giúp giảm đau như codein. Một nghiên cứu quan sát khác cho thấy nabilone có tác dụng giảm đau do ung thư, cũng như giúp giảm buồn nôn và lo lắng. Tuy nhiên hiện nay cả dronabinol và nabilone đều không được FDA chấp thuận dùng để giảm đau.

Một nghiên cứu về dịch chiết cần sa dạng xịt dưới lưỡi cho thấy nó có tác dụng với bệnh nhân ung thư tiến triển mà dùng opioid mạnh cũng không giảm đau được. Trong một nghiên cứu khác, kết quả cho thấy bệnh nhân dùng thuốc xịt cannabinoid liều thấp kiểm soát cơn đau tốt hơn và ít mất ngủ hơn so với bệnh nhân dùng giả dược; dùng cannabinoid liều cao có thể gây tác dụng phụ; ở một số bệnh nhân chỉ cần dùng cannabinoid xịt liều thấp đã cho hiệu quả giảm đau tốt, không cần dùng cannabinoid xịt liều cao hay các thuốc giảm đau loại khác.

Giảm lo lắng và giúp ngủ ngon

Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng hít cần sa giúp cải thiện tâm trạng của bệnh nhân, giúp họ hạnh phúc hơn và giảm bớt lo lắng.

Tác dụng phụ và các rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng cần sa

Tác dụng phụ của cannabinoids bao gồm: Tăng nhịp tim, hạ huyết áp, giãn cơ, mắt đỏ, tiêu hóa chậm, chóng mặt, buồn ngủ, trầm cảm, ảo giác và hoang tưởng.

Cả cannabis và cannabinoids đều có thể gây nghiện. Các triệu chứng cai thuốc có thể gặp bao gồm: Dễ tức giận, khó ngủ, tăng động, nóng bừng, buồn nôn và chuột rút (hiếm khi xảy ra). Những triệu chứng này khá nhẹ so với hội chứng cai thuốc phiện và thường biến mất sau một vài ngày.

Tác dụng phụ của cannabinoids gồm ảo giác, hoang tưởng...

Các nghiên cứu về rủi ro từ việc sử dụng cần sa

Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc hút cần sa có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau, tuy nhiên cũng có một số nghiên cứu khác cho kết quả ngược lại.

Trong khói cần sa có chứa nhiều chất giống như khói thuốc lá nên vẫn có quan điểm cho rằng hút cần sa sẽ gây hại cho phổi. Một nghiên cứu đoàn hệ tiến hành ở đàn ông Châu Phi cho thấy nguy cơ ung thư phổi tăng ở những người hút cả thuốc lá và cần sa. Ngoài ra cũng có một nghiên cứu dân số học thực hiện trên bệnh nhân ung thư phổi cho thấy sử dụng cần sa liều thấp không làm tăng nguy cơ ung thư phổi hay các loại ung thư khác liên quan đến đường tiêu hóa trên.

Tỷ lệ ung thư tế bào mầm tinh hoàn (Testicular Germ Cell Tumors – TGCT) ở người sử dụng cần sa cũng được nghiên cứu vì sử dụng Cần sa trong một thời gian dài có thể gây hại đến hệ nội tiết và hệ sinh sản. Một nghiên cứu năm 1970 đã phỏng vấn hơn 49.000 người đàn ông Thụy Điển từ 19 đến 21 tuổi về tiền sử sử dụng cần sa tại thời điểm họ gia nhập quân đội và sau đó theo dõi họ tới 42 năm tuổi. Nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc sử dụng cần sa và ung thư tinh hoàn, nhưng đã phát hiện ra rằng việc sử dụng cần sa “nhiều” (hơn 50 lần trong đời) làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư tinh hoàn. Nghiên cứu còn hạn chế bởi cách thu thập dữ liệu và không lưu ý liệu ung thư tinh hoàn là loại seminoma hay loại nonseminoma. Cần thực hiện các nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn và theo dõi lâu hơn để tìm ra liệu có mối liên hệ giữa việc sử dụng cần sa và nguy cơ mắc bệnh ung thư tế bào mầm tinh hoàn hay không.

Trong một nghiên cứu sức khỏe nam giới tại California – Mỹ, thực hiện trên hơn 84.000 người tình nguyện để đánh giá tỷ lệ ung thư bàng quang ở người sử dụng cần sa và người không sử dụng. Qua hơn 16 năm theo dõi và điều chỉnh độ tuổi, chủng tộc/dân tộc và chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI), kết quả cho thấy tỷ lệ ung thư bàng quang ở người sử dụng cần sa thấp hơn 45% so với người không sử dụng cần sa.

Có thể thấy việc sử dụng cần sa trong y tế vẫn đang còn nhiều tranh cãi và cân nhắc giữa lợi và hại. Cần lưu ý hiện nay FDA không phê duyệt cần sa hay cannabinoids sử dụng làm thuốc điều trị bệnh ung thư hay điều trị các tác dụng phụ của liệu pháp ung thư. Tuy nhiên có hai cannabinoids (dronabinol và nabilone) được FDA chấp thuận dùng trong điều trị buồn nôn và nôn do hóa trị ở những bệnh nhân ung thư không đáp ứng với liệu pháp điều trị chuẩn.

Thủy Phan

Nguồn tham khảo: yhoccongdong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Dược liệu