Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tác dụng phụ của hóa trị ung thư là gì? Làm thế nào để kiểm soát?

Ngày 23/12/2024
Kích thước chữ

Tác dụng phụ của hóa trị ung thư có thể gây khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, bằng các biện pháp kiểm soát phù hợp, bạn có thể giảm thiểu được những tác động tiêu cực này. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cách quản lý những tác dụng phụ này để có một quá trình điều trị tích cực hơn.

Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc ngừng sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả đối với nhiều loại ung thư, nhưng nó cũng kéo theo nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Những tác dụng phụ này có thể thay đổi từ mệt mỏi đến các vấn đề về hệ tiêu hóa, tóc, da và sức đề kháng.

Tại sao hóa trị lại gây ra tác dụng phụ?

Các loại thuốc sử dụng hóa trị liệu ung thư hầu hết là những chất gây độc tế bào, tác động trực tiếp đến các quá trình sinh học của tế bào, đặc biệt là trong quá trình phân chia và phát triển. Các loại thuốc này mặc dù rất hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng lại có nhược điểm rất lớn đó là không phân biệt được sự khác nhau giữa tế bào ung thư và tế bào thông thường. Tức là chúng có khả năng tấn công cả những tế bào khỏe mạnh khác.

Khi các tế bào khỏe mạnh bị tác động bởi thuốc hóa trị, chúng cũng sẽ bị tổn thương hoặc chết đi, gây ra một loạt các tác dụng phụ khác nhau. Các tế bào có nguy cơ bị tổn thương cao nhất bao gồm:

  • Tế bào da và nang tóc;
  • Các tế bào niêm mạc trong miệng, ở hệ tiêu hóa và hệ sinh sản;
  • Các tế bào tạo máu trong tủy xương (tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu).

Ngày nay, tính đặc hiệu của các thuốc hóa trị đã và đang tiếp tục được cải thiện nhưng mức độ ảnh hưởng của tác dụng phụ này vẫn còn rất lớn. Các tác dụng phụ của hóa trị ung thư có thể thay đổi tùy theo loại thuốc sử dụng, liều lượng và thời gian điều trị và sẽ biểu hiện khác nhau đối với mỗi bệnh nhân khác nhau.

Mặc dù không ai có thể dự đoán chính xác bạn sẽ gặp phải tác dụng phụ nào, hoặc mức độ nghiêm trọng của chúng, nhưng việc hiểu rõ về các tác dụng phụ tiềm ẩn và có biện pháp kiểm soát sẽ giúp bạn đối mặt với quá trình điều trị hóa trị một cách nhẹ nhàng hơn.

Điều tích cực đó là trong khi các tế bào ung thư bị tấn công sẽ chết đi hoàn toàn thì các tế bào bình thường vẫn có khả năng tự phục hồi. Hầu hết bệnh nhân đều trải qua hóa trị nhiều đợt để cơ thể có đủ thời gian hồi phục. Việc tạo điều kiện cho cơ thể phục hồi sau mỗi đợt hóa trị sẽ giúp bạn kiểm soát các tác dụng phụ hiệu quả hơn.

Làm thế nào để kiểm soát tác dụng phụ của hóa trị ung thư trong quá trình điều trị? 1
Hóa trị ảnh hưởng cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh

Tác dụng phụ phổ biến của hóa trị là gì?

Hóa trị ung thư gây ra một loạt các tác dụng phụ, từ những triệu chứng nhẹ đến nghiêm trọng. Mức độ và vị trí chúng xảy ra phụ thuộc vào loại tế bào khỏe mạnh mà hóa trị liệu làm tổn thương. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến bệnh nhân có thể gặp phải:

  • Mệt mỏi: Tình trạng này không chỉ là cảm giác buồn ngủ, mà là sự kiệt sức kéo dài không thể hồi lại bằng cách ngủ đủ giấc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
  • Rụng tóc khi hóa trị: Tóc thường bắt đầu rụng trong vòng ba tuần đầu tiên sau khi bắt đầu hóa trị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài mà còn tác động đến tâm lý bệnh nhân.
  • Da nhạy cảm: Hóa trị có thể gây kích ứng da, phát ban, bao gồm hội chứng tay chân, phổ biến trong quá trình hóa trị. Hóa trị cũng có thể khiến bạn dễ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
  • Buồn nôn và nôn: Chế độ điều trị hóa trị có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến cảm giác buồn nôn và nôn. Những triệu chứng này có thể gây mất nước và suy dinh dưỡng nếu không được kiểm soát đúng cách.
  • Vấn đề về hệ tiêu hóa: Bệnh nhân hóa trị có thể gặp các vấn đề như táo bón, tiêu chảy hoặc đau bụng do hóa trị ảnh hưởng đến tế bào đường tiêu hóa.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Hóa trị làm suy yếu tủy xương, nơi sản sinh ra các tế bào máu. Điều này làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể, khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn.
  • Các vấn đề về miệng: Hóa trị có thể làm giảm khả năng tạo nước bọt, gây khô miệng, đau và viêm loét miệng, hoặc viêm họng, gây khó khăn khi ăn uống và mất cảm giác thèm ăn.
  • Các tác dụng phụ khác: Dễ bị bầm tím và chảy máu, vấn đề tiết niệu, bệnh lý thần kinh ngoại biên, suy giảm trí nhớ, các vấn đề về sinh sản,...
Làm thế nào để kiểm soát tác dụng phụ của hóa trị ung thư trong quá trình điều trị? 2
Tác dụng phụ của hóa trị ung thư thường ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của bệnh nhân

Một số tác dụng phụ của hóa trị chẳng hạn như nôn, buồn nôn có thể xảy ngay sau vài ngày khi bắt đầu điều trị. Thông thường, chúng trở nên tồi tệ hơn ngay sau khi hóa trị và dần cải thiện trước khi điều trị đợt tiếp theo. Một điều cần lưu ý đó là việc có hoặc không có tác dụng phụ không thể được coi là dấu hiệu thể hiện hiệu quả của phương pháp điều trị của bạn.

Các biện pháp kiểm soát tác dụng phụ của hóa trị ung thư

Mặc dù tác dụng phụ của hóa trị ung thư là không thể tránh khỏi, nhưng có rất nhiều biện pháp giúp bệnh nhân kiểm soát và giảm thiểu những triệu chứng này, giúp duy trì chất lượng cuộc sống trong suốt quá trình điều trị.

Kiểm soát mệt mỏi

Mệt mỏi do hóa trị là một vấn đề lớn, nhưng nó có thể được cải thiện bằng cách điều chỉnh chế độ sinh hoạt. Các bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ hoặc yoga, giúp cải thiện sức bền và giảm mệt mỏi.

Điều chỉnh tình trạng rụng tóc

Nếu tóc dài, có thể cắt ngắn trước khi điều trị, gội đầu nhẹ nhàng, không nên gội thường xuyên và bảo vệ da đầu khỏi tác động của ánh nắng mặt trời bằng cách đội mũ hoặc khăn mềm khi ra ngoài.

Kiểm soát tình trạng nôn, buồn nôn và các vấn đề tiêu hóa

Sử dụng thuốc chống nôn, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp như chia nhỏ bữa ăn, nên ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và giàu protein, tránh ăn ngay trước hoặc ngay sau điều trị và tránh các thực phẩm chứa nhiều chất béo hoặc có mùi mạnh.

Làm thế nào để kiểm soát tác dụng phụ của hóa trị ung thư trong quá trình điều trị? 3
Chăm sóc đúng cách giúp kiểm soát tác dụng phụ hóa trị

Chăm sóc miệng

Để giảm thiểu các vấn đề về miệng như khô miệng do hóa trị, viêm loét và nấm miệng, bệnh nhân cần duy trì vệ sinh răng miệng cẩn thận, sử dụng nước súc miệng không cồn và uống đủ nước.

Bảo vệ da dễ bị tổn thương

Dùng các sản phẩm chăm sóc da nhẹ nhàng, tránh các sản phẩm có cồn hoặc hương liệu. Bảo vệ da khỏi tác động của nhiệt độ cao hoặc thấp, tránh ánh nắng mạnh. Mặc quần áo thoải mái và mềm mại.

Giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng

Hóa trị làm suy yếu hệ miễn dịch, do đó bệnh nhân cần chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và tránh xa các môi trường có khả năng gây nhiễm khuẩn. Ngoài ra, việc tiêm phòng các vắc-xin được khuyến cáo cũng rất quan trọng để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng.

Ngoài những biện pháp này, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, thảo luận với bác sĩ để tìm hiểu các biện pháp an toàn, phù hợp với bản thân mình. Điều quan trọng là phải cho bác sĩ và những người chăm sóc sức khỏe của mình biết về bất kỳ tác dụng phụ nào mà bạn đang gặp phải, vì họ có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị của bạn hoặc kê đơn thuốc bổ sung để giảm hoặc có thể loại bỏ tác động của tác dụng phụ của hóa trị đối với chất lượng cuộc sống của bạn.

Làm thế nào để kiểm soát tác dụng phụ của hóa trị ung thư trong quá trình điều trị? 4
Trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ để điều chỉnh điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về tác dụng phụ của hóa trị ung thư và cách quản lý chúng một cách hiệu quả. Đối mặt với hành trình hóa trị không dễ dàng, nhưng sự chuẩn bị, kiến thức và thái độ tích cực sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn các tác dụng phụ, đồng thời tăng cường chất lượng cuộc sống trong suốt quá trình điều trị. Chúng tôi mong bạn luôn giữ được niềm tin và động lực để vượt qua thử thách, hướng tới sức khỏe và bình an. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin