Răng bị mọc lẫy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hàm răng sau khi trưởng thành nên cần được xử lý sớm. Vậy để giải đáp vấn đề có nên nhổ răng mọc lẫy hay không, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân và tác hại của răng mọc lẫy
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng mọc lẫy ở trẻ em là:
-
Di truyền: Trẻ có thể được di truyền từ những người thân trong gia đình. Khi bố mẹ hoặc ông bà gặp phải tình trạng răng mọc lẫy, chen chúc nhau thì khả năng cao là trẻ cũng sẽ gặp phải.
-
Răng sữa tồn tại quá lâu ở trên cung hàm và không được nhổ đúng thời điểm dẫn đến răng trưởng thành sẽ mọc lên, không có không gian nên thường lệch vào trong hoặc ra ngoài.
-
Chiều dài của cung hàm quá hẹp dẫn đến không đủ chỗ cho các răng sắp xếp đều đặn, dẫn đến tình trạng mọc lẫy, răng mọc lệch lạc ra ngoài cung hàm.
-
Các thói quen xấu như mút ngón tay, cắn bút, bú bình cũng có thể là nguyên nhân làm cho răng vĩnh viễn bị mọc lẫy vào trong và ra ngoài.
Ngoài ra, trẻ em cũng rất dễ gặp phải các chấn thương như ngã, va đập gây ra lực mạnh, tác động lên xương hàm. Điều này có thể ảnh hưởng mầm răng vĩnh viễn, khiến răng mọc lệch.
Các hậu quả mà răng bị mọc lẫy gây ra là:
-
Thẩm mỹ và tâm lý: Độ tuổi thay răng cũng là lúc trẻ đến tuổi đi học và tiếp xúc với bạn bè, thầy cô. Nếu răng mọc bị lẫy sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt, từ đó khiến các bé tự ti và khó khăn trong việc giao tiếp hàng ngày.
-
Về chức năng ăn nhai: Răng mọc lẫy sẽ làm giảm chức năng ăn nhai và gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Ngoài ra, những chiếc răng mọc lệch, chen chúc sẽ tạo ra cơ hội đọng lại các mảnh vụn thức ăn thức ăn, từ đó khiến người bệnh khó vệ sinh răng miệng dẫn đến tăng nguy cơ viêm nướu và sâu răng.
Các thói quen xấu như mút ngón tay cũng có thể là nguyên nhân làm cho răng bị mọc lẫy
Răng mọc lẫy phải làm sao để phòng tránh?
Răng mọc lẫy là tình trạng rất phổ biến với các bạn nhỏ. Tuy nhiên nếu bố mẹ quan tâm đến sức khỏe răng miệng của các bé thì tình trạng răng mọc lẫy có thể phòng tránh được. Sau đây là một số cách để có hàm răng mọc đều đẹp:
-
Xác định thời điểm trẻ thay răng: Các bạn nhỏ thường bắt đầu thay chiếc răng đầu tiên vào lúc 6 tuổi và quá trình này có thể sẽ kéo dài đến năm 12 tuổi. Những chiếc răng cửa của hàm dưới sẽ thay đầu tiên và sau đó là đến răng cửa hàm trên rồi tới các răng hàm bên trong.
-
Khám nha sĩ định kỳ: Khi trẻ em bước vào độ tuổi thay răng thì phụ huynh nên cho trẻ đi khám răng miệng định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần. Việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi và đánh giá tình trạng thay răng của trẻ, từ đó có thể lựa chọn nhổ những chiếc răng sữa chuẩn bị rụng để các răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí.
-
Quan tâm và theo dõi sức khỏe răng miệng của con trẻ thường xuyên: Khi đã hiểu biết rõ về độ tuổi và thứ tự thay răng sữa thì bố mẹ cũng cần theo dõi thường xuyên theo dõi tình trạng mọc răng của con. Nếu thấy một răng có dấu hiệu sắp gãy thì phải nhắc trẻ dùng ngón tay tác động lực nhẹ nhàng và thường xuyên để những chiếc răng này có đủ độ lung lay cần thiết, giúp cho việc nhổ răng sữa dễ dàng hơn.
Khi răng đã đủ độ lung lay để nhổ, phụ huynh có thể tự nhổ răng giúp con hoặc đưa trẻ đến nha sĩ. Việc đến phòng khám và nhổ răng sẽ giúp bác sĩ xác định tổng quan về tình trạng răng miệng, từ đó sẽ có tư vấn hợp lý để giải quyết các vấn đề răng miệng có thể gặp phải trong tương lai.
Có nên nhổ răng mọc lẫy cho con là lo lắng của nhiều ba mẹ
Có nên nhổ răng mọc lẫy hay không?
Tùy vào mức độ mọc lẫy và tình trạng răng miệng trên cung hàm mà bác sĩ sẽ quyết định có đưa các răng trở lại đúng vị trí được hay không. Một số các can thiệp có thể áp dụng để các bé có hàm răng đều đẹp là:
-
Nhắc trẻ thực hiện động tác đẩy lưỡi để giúp răng trở lại được đúng vị trí. Hành động này rất dễ. Bố mẹ hướng dẫn con của mình dùng đầu lưỡi đẩy vào phần thân chiếc răng mọc lệch nhiều lần một cách thường xuyên, mọi người sẽ thấy nó có tác dụng cực kỳ hiệu quả. Tuy nhiên, thói quen đẩy lưỡi quá mức và kéo dài có thể xuất hiện tình trạng răng hô. Vì vậy, phụ huynh cần phải giám sát trẻ thường xuyên cho đến khi chiếc răng đã nằm ngay ngắn trên cung hàm thì yêu cầu không được đẩy lưỡi nữa.
-
Trong trường hợp răng không thể về đúng vị trí bằng cách đẩy lưỡi thì bác sĩ có thể lựa chọn can thiệp bằng dụng cụ chỉnh nha ở giai đoạn sớm. Phương pháp này đơn giản là làm nong hàm, giúp cung hàm của trẻ rộng ra để răng mọc lên đúng vị trí mong muốn. Đây là việc rất quan trọng nếu như cách dùng lưỡi đẩy răng thất bại. Nếu không tiến hành can thiệp kịp thời thì có thể khiến xương hàm trên phát triển kém đồng thời xương hàm dưới hô ra, dẫn đến rối loạn khớp cắn và tác động lớn đến thẩm mỹ, cụ thể là gương mặt móm rất khó để khắc phục.
-
Nếu sau tuổi 12 mà vẫn còn tình trạng răng mọc lẫy và chen chúc trên cung hàm của trẻ thì phụ huynh nên đưa trẻ đi niềng răng sớm. Nếu để qua giai đoạn này thì răng sữa sẽ được thay hết nên các răng mọc lệch không thể tự về đúng vị trí được mà cần phải can thiệp chỉnh nha sớm để sắp xếp các răng đều đặn, giúp trẻ có hàm răng chắc khỏe và nụ cười đẹp tự nhiên. Trong chỉnh nha có thể sử dụng khí cụ nong hàm và dùng mắc cài gắn lên răng giúp di chuyển răng. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, đợi bé trưởng thành rồi mới chỉnh nha. Tuy nhiên đây là một suy nghĩ sai lầm, nếu trẻ càng lớn thì việc chỉnh răng càng khó khăn hơn.
Tùy vào mức độ mọc lẫy và tình trạng răng trên cung hàm của trẻ mà nha sĩ sẽ quyết định có đưa các răng trở lại đúng vị trí hay không. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến con trẻ nhiều hơn, nếu thấy tình trạng răng của con mọc lẫy cần sớm đưa trẻ đi gặp bác sĩ đồng thời đi khám đúng định kỳ để giúp con có hàm răng đều, chắc khỏe và trắng sáng hơn.
Niềng răng cho trẻ cũng là phương pháp điều chỉnh răng mọc lẫy
Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm kiến thức về răng mọc lẫy và từ đó giải đáp được thắc mắc có nên nhổ răng mọc lẫy hay không. Bố mẹ hãy quan tâm đến sức khỏe răng miệng của con nhiều hơn để trẻ có được hàm răng đều và đẹp. Chúc mọi người luôn khỏe mạnh và đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhập thêm kiến thức nhé.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp