Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Chăm sóc cơ thể

Cách trị nghiến răng khi ngủ và những thông tin bạn cần biết

Thùy Linh

17/03/2025
Kích thước chữ

Nghiến răng khi ngủ là tình trạng rối loạn vận động trong giấc ngủ khá phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Không chỉ gây khó chịu cho người ngủ cùng, nghiến răng khi ngủ còn là biểu hiện của một số tình trạng sức khỏe tiêu cực. Vậy cách trị nghiến răng khi ngủ là gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Nghiến răng khi ngủ là một tật xấu thường gặp, tình trạng này diễn ra thường xuyên không chỉ gây mòn răng mà còn là một dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn đang trong trạng thái không tốt. Cách trị nghiến răng khi ngủ vẫn luôn là mối quan tâm của những người thường xuyên mắc phải tình trạng này. Hãy cùng tìm hiểu một số thông tin về chứng bệnh nghiến răng khi ngủ cũng như những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này qua bài viết sau đây nhé!

Nghiến răng khi ngủ là gì?

Nghiến răng là một thói quen xấu có khả năng gây quá tải hệ thống nhai. Chưa có dẫn chứng khoa học chính xác nào chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu gây nghiến răng khi ngủ. Tuy vậy, người mắc chứng nghiến răng khi ngủ thường có các trạng thái như stress, dị ứng, rối loạn khớp cắn và ngủ sai tư thế. Hiện nay, chưa có nhiều dữ liệu về nguyên nhân gây ra chứng bệnh này cũng như những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe. Do đó, người bệnh cần thăm khám và điều trị một cách thận trọng để có được những chỉ định điều trị đúng đắn nhất.

Nghiến răng là hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, siết chặt hoặc nghiến các răng vào nhau, tạo ra âm thanh ken két hoặc không. Nghiến răng không phục vụ mục đích của hệ thống nhai và tạo ra nguy cơ chấn thương khớp cắn. Khi khớp cắn bị tổn thương, các chức năng của cơ cũng bị ảnh hưởng, từ đó tác động lên khớp thái dương hàm. Bất kỳ sự thay đổi nào của khớp cắn đều có thể ảnh hưởng đến cả cơ và khớp. Sai khớp cắn là một trong những nguyên nhân thường thấy nhất gây ra tật nghiến răng khi ngủ.

cach-tri-nghien-rang-khi-ngu-nguyen-nhan-dan-den-tat-nghien-rang-khi-ngu-1.png
Nghiến răng là hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, siết chặt hoặc nghiến các răng vào nhau

Cách trị nghiến răng khi ngủ

Vậy cách trị nghiến răng khi ngủ là gì? Để tránh ảnh hưởng đến tình trạng răng miệng cũng như sức khỏe, người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp điều trị nghiến răng như sau:

Rèn luyện kiểm soát cảm xúc

Để tránh tình trạng nghiến răng xảy ra do tâm lý căng thẳng, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp giảm stress như: Thường xuyên tập thể dục, đi ngủ đúng giờ, tránh sử dụng các chất kích thích, thư giãn và điều trị rối loạn giấc ngủ.

Thay đổi thói quen vận động hàm

Để sửa thói quen vận động hàm sai cách, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của nha sĩ và các chuyên gia y tế. Điều chỉnh hàm là một quá trình tốn rất nhiều thời gian, do đó, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ để nhận được sự điều trị phù hợp.

Dùng thuốc

Uống thuốc không thật sự có tác dụng trong việc điều trị nghiến răng mà chỉ giúp làm giảm sự căng cơ quá mức do nghiến răng. Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc chống trầm cảm, lo âu trong thời gian ngắn để giúp kiểm soát tình trạng căng thẳng của người bệnh nhằm hạn chế thói quen nghiến răng khi ngủ.

Chỉnh nha

Việc can thiệp bằng các phương pháp điều trị nha khoa giúp bảo vệ răng, tránh các tác hại của việc nghiến răng khi ngủ. Tuy vậy, không thể chắc chắn rằng chỉnh nha là cách trị nghiến răng dứt điểm. Một trong những cách can thiệp nha khoa phổ biến là sử dụng máng chống nghiến để giúp bảo vệ răng khỏi bị mòn. Một số loại máng chống nghiến còn có tác dụng điều chỉnh thói quen vận động hàm và giúp hạn chế nghiến răng. Ngoài ra, việc điều chỉnh khớp cắn cũng hỗ trợ làm giảm tác động quá mức đến cơ nhai và răng.

Cách trị nghiến răng khi ngủ - Nguyên nhân dẫn đến tật nghiến răng khi ngủ 4
Chỉnh nha là một trong những cách trị nghiến răng phổ biến hiện nay

Nguyên nhân dẫn đến tật nghiến răng khi ngủ là gì?

Trước khi bước vào tìm hiểu về những cách trị nghiến răng khi ngủ, hãy cùng điểm qua một số nguyên nhân dẫn đến tật nghiến răng trong giấc ngủ nhé! Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này chưa được chứng minh rõ ràng, tuy vậy, người ta cho rằng tật nghiến răng khi ngủ có liên quan mật thiết đến một số yếu tố như sau:

Yếu tố tâm lý - xã hội

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các yếu tố tâm lý có ảnh hưởng khá đáng kể đến nhiều bệnh lý, trong đó có chứng bệnh nghiến răng khi ngủ. Tuy chưa có kết luận cụ thể nhưng những bằng chứng thực tế về vấn đề này vẫn đang ngày một gia tăng. Việc nghiến răng vào buổi tối khi đi ngủ có thể là cách cơ thể đáp lại với sự căng thẳng trong ngày của người bệnh. Stress đi kèm với sự kìm nén, lo âu có thể tác động đến hoạt động của não bộ. Điều này làm tăng kích thích thần kinh và dẫn đến các phản ứng của cơ thể như nghiến răng khi ngủ.

Yếu tố di truyền

Người có thành viên trong gia đình đã hoặc đang mắc chứng nghiến răng khi ngủ thường sẽ có nguy cơ cao cũng bị bệnh này. Một số nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền có một mức liên quan nhất định đối với sự phát triển của chứng nghiến răng. Khoảng 21-50% những người mắc chứng nghiến răng khi ngủ đều có thành viên trong gia đình cũng từng hoặc đang mắc phải tình trạng này.

Cách trị nghiến răng khi ngủ - Nguyên nhân dẫn đến tật nghiến răng khi ngủ 2
Nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền có liên quan đến sự phát triển của chứng nghiến răng

Chất kích thích và các loại thuốc

Một số loại thuốc và chất kích thích có tác dụng phụ là làm tăng nguy cơ mắc chứng nghiến răng. Chẳng hạn như thuốc chủ vận và đối kháng dopamine, thuốc chống trầm cảm ba vòng, rượu, cocain, các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc,...

Vấn đề răng miệng

Một yếu tố gây nghiến răng khi ngủ phổ biến là một răng hoặc một nhóm răng gây cản trở khớp cắn, gây khó khăn khi thực hiện cơ chế vận động nhai bình thường. Một ví dụ thường gặp là khi răng khôn hàm trên mất đi và răng khôn hàm dưới mọc chèn lên, khi cắn lại, hàm dưới cần đưa ra trước nhiều hơn để đóng hàm, khiến cho khớp cắn bị sai lệch.

Một số bệnh lý khác

Một số tình trạng bệnh lý sau đây cũng có thể góp phần gây ra hiện tượng nghiến răng khi ngủ:

  • Rối loạn dị ứng và tiêu hóa: Các yếu tố như nhiễm ký sinh trùng đường ruột, dị ứng thực phẩm hoặc các rối loạn tiêu hóa có thể liên quan đến nghiến răng, đặc biệt ở trẻ em, với mức độ nghiêm trọng cao hơn.
  • Rối loạn chuyển hóa và nội tiết: Những bất thường trong chuyển hóa dinh dưỡng, hệ nội tiết hoặc hệ tiết niệu được ghi nhận là các yếu tố phổ biến liên quan đến tình trạng nghiến răng ở trẻ nhỏ.
  • Thiếu vi chất dinh dưỡng: Sự thiếu hụt vitamin hoặc mất cân bằng enzyme trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh và cơ, từ đó thúc đẩy hành vi nghiến răng.
  • Các bệnh lý thần kinh trung ương: Nhiều rối loạn thần kinh có liên quan đến hiện tượng nghiến răng như: Hội chứng Down, bại não, động kinh, bệnh Huntington, viêm màng não do nhiễm khuẩn, bệnh Parkinson, hội chứng Leigh, hội chứng Rett, và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).

Bản năng

Một số nghiên cứu cho rằng thói quen nghiến răng thuộc về bản năng tập tính của các loài có vú, mục đích là để duy trì sự sắc bén của răng.

Thói quen nghề nghiệp

Một số nghề nghiệp đặc biệt có thể dẫn đến việc hình thành thói quen nghiến răng, chẳng hạn như nghệ sĩ violin cắn chặt răng lúc giữ đàn khi chơi, công nhân khuân vác cắn chặt răng khi gồng sức, nghệ sĩ xiếc dùng răng để cắn vào sợi dây và giữ người trên không,...

Cách trị nghiến răng khi ngủ - Nguyên nhân dẫn đến tật nghiến răng khi ngủ 3
Nghệ sĩ violin thường có thói quen cắn chặt răng lúc giữ đàn khi chơi

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách trị nghiến răng cũng như những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nghiến răng khi ngủ không phải là một chứng bệnh nguy hiểm, tuy vậy, thói quen nghiến răng cũng có thể tạo nên những tác hại nghiêm trọng đối với răng miệng. Hãy bảo vệ nụ cười của mình bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin