1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới? Cách giảm đau an toàn cho mẹ

Thế Khải

04/07/2025
Kích thước chữ

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới còn tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, nhưng thường xuất hiện từ tuần thứ 4 đến tuần 6 của thai kỳ. Liệu những cơn đau nhẹ âm ỉ như vậy có đáng lo không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ để an tâm hơn trong giai đoạn đầu nhé.

Ở những tuần đầu thai kỳ, cảm giác đau bụng dưới thường khiến nhiều mẹ bầu hoang mang, nhất là khi chưa biết rõ nguyên nhân. Vậy có thai bao lâu thì đau bụng dưới, hiện tượng này có đáng lo ngại không và nên làm gì để cảm thấy dễ chịu hơn? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, cách nhận biết đâu là dấu hiệu cần đi khám. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu để yên tâm hơn trong hành trình làm mẹ nhé!

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới?

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới thường phụ thuộc vào cơ địa từng người, nhưng phần lớn sẽ xảy ra phổ biến từ 4 đến 6 tuần đầu của thai kỳ. Khi thai đang bám vào lớp niêm mạc tử cung, bạn có thể cảm nhận những cơn đau bụng dưới nhẹ. Cảm giác này thường âm ỉ, kéo dài trong vài giờ hoặc lâu hơn một chút, đôi khi có thể xuất hiện nhói nhẹ ở một bên hoặc vùng bụng dưới trung tâm.

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới? Cách giảm đau an toàn cho mẹ 1
Có thai bao lâu thì đau bụng dưới? Đây là giai đoạn mẹ bầu nên lưu tâm

Đáng chú ý, những cơn đau này không quá dữ dội và thường khiến bạn liên tưởng đến cảm giác đau bụng kinh. Vì thế nhiều bạn dễ nhầm lẫn và nghĩ rằng mình sắp đến kỳ kinh nguyệt như bình thường. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng có trải nghiệm giống nhau. Có người thì cảm thấy rất rõ sự khác biệt khi bụng dưới hơi căng, khó chịu hoặc tức nặng nhẹ nhẹ. Trong khi đó, cũng có không ít người hoàn toàn không cảm thấy bất kỳ dấu hiệu gì rõ ràng, và chỉ phát hiện mình mang thai khi que thử hiện 2 vạch.

Điều này là hoàn toàn bình thường và không phải là dấu hiệu cho thấy thai yếu hay thai mạnh. Mỗi người có cơ địa khác nhau, độ nhạy cảm với hormone khi mang thai cũng không giống nhau. Vậy nên, nếu bạn không cảm thấy đau bụng dưới sau khi có thai cũng đừng vội lo lắng nhé. Việc không có triệu chứng rõ ràng không đồng nghĩa với việc thai nhi không phát triển tốt.

Tại sao phụ nữ bị đau bụng dưới khi mang thai?

Cơn đau bụng dưới trong giai đoạn đầu thai kỳ là một hiện tượng khá phổ biến và chủ yếu là do những thay đổi sinh lý bên trong cơ thể mẹ. Một số nguyên nhân điển hình bao gồm:

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới? Cách giảm đau an toàn cho mẹ 2
80% phụ nữ mang thai đều trải qua tình trạng râm ran ở bụng dưới
  • Thay đổi hormone: Sự gia tăng của hormone progesterone trong giai đoạn đầu mang thai khiến tử cung trở nên “nhạy cảm” hơn. Hormone này giúp giữ cho thai nhi phát triển ổn định, nhưng đồng thời cũng khiến cơ bụng dưới có cảm giác căng tức nhẹ.
  • Thai đang làm tổ trong tử cung: Khi trứng đã thụ tinh di chuyển và bám vào thành tử cung, quá trình làm tổ có thể gây ra một chút khó chịu ở vùng bụng dưới. Một số trường hợp còn thấy có máu báo thai màu hồng nhạt hoặc nâu, đi kèm cơn đau nhẹ.
  • Tử cung bắt đầu giãn: Ngay từ những tuần đầu tiên, tử cung đã bắt đầu thay đổi kích thước để tạo không gian cho thai phát triển. Sự căng giãn này khiến các dây chằng bị kéo giãn, gây cảm giác đau nhẹ ở bụng dưới hoặc hai bên hông.

Đau bụng dưới khi mang thai thường kèm triệu chứng gì?

Ngoài cảm giác âm ỉ hoặc thỉnh thoảng nhói nhẹ ở bụng dưới, bạn có thể cảm nhận thêm một vài triệu chứng dễ nhận biết khác như sau:

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới? Cách giảm đau an toàn cho mẹ 3
Đau bụng thường đi kèm theo nhiều triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn,...
  • Mệt mỏi bất thường: Ngay cả khi không làm gì nhiều, nhiều người vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi rã rời, chỉ muốn nghỉ ngơi. Đây là phản ứng thường gặp đầu thai kỳ khi cơ thể bắt đầu dồn năng lượng nuôi phôi thai và hormone progesterone tăng cao gây cảm giác uể oải.
  • Ngực căng tức và đau nhẹ: Cùng với sự thay đổi nội tiết, vùng ngực của mẹ bầu cũng trở nên căng tức, mềm hơn và cảm giác đau nhói nhẹ có thể xuất hiện khi chạm vào, đặc biệt là ở vùng đầu ti. Cảm giác này thường xuất hiện chỉ vài ngày sau khi phôi làm tổ.
  • Buồn nôn hoặc buồn ngủ liên tục: Không phải ai trong giai đoạn này cũng bị nghén, nhưng nếu đi kèm với đau bụng dưới, cảm giác nôn nao, chán ăn, thèm ngủ bất thường cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phản ứng với hormone thai kỳ.
  • Ra máu báo thai: Khi phôi bám vào thành tử cung, một lượng nhỏ niêm mạc có thể bong ra gây hiện tượng ra máu báo thai vài giọt nhỏ màu hồng nhạt, nâu hoặc nâu đỏ, kéo dài từ vài giờ đến một ngày. Nếu hiện tượng này đi kèm với cơn đau lâm râm bụng dưới, thì có thể là tín hiệu cho thấy thai đã vào tổ ổn định và đang bắt đầu phát triển.
  • Cảm xúc thất thường: Nhiều mẹ bầu trong giai đoạn đầu mang thai trở nên nhạy cảm hơn hẳn bình thường, dễ xúc động, dễ khóc, cáu kỉnh hoặc thậm chí lo lắng không rõ lý do.

Qua đó cho thấy, việc hiểu rõ có thai bao lâu thì đau bụng dưới và các triệu chứng đi kèm sẽ giúp bạn không nhầm lẫn các triệu chứng sinh lý bình thường với dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, đặc biệt trong giai đoạn đầu.

Đau bụng dưới khi mang thai có nguy hiểm không?

Trong phần lớn trường hợp, đau bụng dưới khi mới mang thai là hiện tượng sinh lý bình thường và không đáng lo ngại. Cơ thể bạn lúc này đang trải qua rất nhiều thay đổi để thích nghi với việc mang thai: hormone tăng, tử cung giãn nở, phôi thai làm tổ.... Tất cả những điều này có thể khiến mẹ bầu cảm thấy lâm râm, hơi nhói hoặc căng tức nhẹ ở bụng dưới.

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới? Cách giảm đau an toàn cho mẹ 4
Cần đến khám bác sĩ ngay nếu có biểu hiện đau bụng dữ dội

Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài liên tục, ngày càng dữ dội, kèm theo các dấu hiệu bất thường như:

  • Ra máu tươi nhiều, máu đỏ thẫm.
  • Đau bụng trên từng cơn, không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
  • Choáng váng, buồn nôn nhiều, ngất xỉu.
  • Sốt cao, ớn lạnh, ra dịch âm đạo bất thường.

Thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bất thường trong thai kỳ như dọa sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc viêm nhiễm phụ khoa. Khi đó, mẹ không nên chủ quan mà cần đi khám càng sớm càng tốt để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

Cách để giảm đau bụng dưới khi thai làm tổ

Khi bị đau bụng nhẹ, bạn có thể thử một số cách đơn giản tại nhà để cảm thấy dễ chịu hơn:

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới? Cách giảm đau an toàn cho mẹ 5
Mẹ bầu nên chú ý nhiều đến chế độ ăn uống và giữ tinh thần thoải mái
  • Chườm ấm nhẹ vùng bụng: Sử dụng một chiếc khăn ấm hoặc túi chườm nhỏ đặt lên bụng dưới trong vài phút sẽ giúp giảm co thắt nhẹ và làm dịu cảm giác đau. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không nên dùng nước quá nóng và chỉ nên chườm ngoài quần áo, không đặt trực tiếp lên da.
  • Nằm nghỉ nhiều hơn: Hãy dành thời gian nằm nghỉ nếu thấy mỏi hoặc đau bụng dưới. Nằm nghiêng về bên trái có thể giúp máu lưu thông tốt hơn đến tử cung, đồng thời giảm áp lực lên bụng. Nếu đang làm việc, mẹ bầu nên tranh thủ ngồi xuống, thả lỏng toàn thân và hít thở sâu để giảm cảm giác căng tức.
  • Uống đủ nước, ăn uống nhẹ nhàng: Tránh đồ cay nóng, ăn nhiều rau xanh và uống đủ nước để giảm áp lực lên bụng.
  • Giữ tinh thần thư giãn: Cảm xúc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cảm giác cơ thể. Vì vậy, hãy giữ cho mình một tinh thần thật nhẹ nhàng, thư giãn và tránh lo lắng quá mức. Bạn có thể nghe nhạc nhẹ, đọc sách, hoặc trò chuyện với người thân để thấy yên tâm hơn trong giai đoạn nhạy cảm này.

Khi nào thì cần phải đi khám?

Dưới đây là những thời điểm mẹ bầu có thể đi khám càng sớm càng tốt khi có những biểu hiện sau:

Có thai bao lâu thì đau bụng dưới? Cách giảm đau an toàn cho mẹ 6
Thăm khám bác sĩ thường xuyên để kiểm tra tình trạng thai nhi
  • Đau bụng dữ dội kéo dài không thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi.
  • Ra máu nhiều bất thường, máu đỏ tươi kèm theo đau bụng.
  • Không phát hiện tim thai sau 7 đến 8 tuần.
  • Tiền sử sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc khó có thai.
  • Có các triệu chứng kèm sốt, choáng, đau đầu, buồn nôn kéo dài.

Dù dấu hiệu có nhỏ đến đâu, chỉ cần mẹ cảm thấy không yên tâm, hãy mạnh dạn đi khám. Phát hiện sớm luôn là cách tốt nhất để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và bé trong suốt hành trình thai nghén.

Trong bài viết trên chúng tôi đã giải đáp cho bạn đọc câu hỏi có thai bao lâu thì đau bụng dưới cùng một số các thông tin cần thiết khác. Mong rằng đã mang đến cho mẹ bầu những thông tin cần thiết để phần nào yên tâm và thoải mái hơn trong quá trình mang thai.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin