Tuy nhiên, do đặc thù bệnh lý nên nhiều bệnh nhân có tâm lý né tránh, không chịu đi khám và điều trị suy giảm testosterone, khiến cho tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
Suy giảm testosterone có chữa được không?
Sự suy giảm nồng độ testosterone trong máu có thể dẫn tới hàng loạt hệ lụy cho cánh đàn ông, chẳng hạn như suy giảm khả năng tình dục, giảm sản xuất tinh trùng... Hiện nay, tỷ lệ nam bị suy giảm testosterone đang ngày càng trẻ hóa và trở thành nỗi lo âu không nhỏ đối với phái mạnh khi chưa rõ suy giảm testosterone có chữa được không?
Trên thực tế, đa phần bệnh nhân đến thăm khám bác sĩ khi mức độ testosterone giảm xuống khá thấp, gây không ít khó khăn cho quá trình chữa trị. Nguyên nhân là vì tâm lý lo lắng, cảm giác sợ khi phát hiện bệnh, e ngại mắc phải vấn đề nam khoa. Tuy nhiên, suy giảm testosterone hoàn toàn có thể chữa được bằng cách làm giảm các triệu chứng khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Chẩn đoán và phát hiện sớm hội chứng suy giảm testosterone
Thông thường, hội chứng suy giảm testosterone ở nam giới bắt đầu xuất hiện ở tuổi 30. Thế nhưng lúc này, các biểu hiện bệnh chưa thể hiện rõ ràng ra bên ngoài mà chỉ có lượng testosterone trong máu bắt đầu suy giảm dần theo thời gian.
Đến 40 tuổi, cánh đàn ông sẽ nhận thấy hiện tượng mãn dục do bị suy giảm testosterone xảy ra rõ ràng hơn. Khoảng thời gian sau 40 tuổi, nếu nam giới tự nhiên thấy xuất hiện dấu hiệu thần kinh căng thẳng, tâm trạng hay cáu gắt, mất ngủ, hiệu quả làm việc giảm sút, sức khỏe yếu đi, hay có những cơn mệt rã người thì rất có thể đó là triệu chứng nam giới bị suy giảm testosterone biểu hiện rõ ra bên ngoài.
Đến 40 tuổi phái mạnh sẽ nhận thấy hiện tượng mãn dục do bị suy giảm testosterone
Khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, đo huyết áp thấy trị số huyết áp tăng cao, xét nghiệm đường huyết thấy chỉ số đạt mức cao hơn bình thường, lượng mỡ máu cũng cao, nhịp tim đập nhanh hay nhịp không đều, cảm thấy hồi hộp thường xuyên thì nên nghĩ đến việc điều trị suy giảm testosterone.
Bên cạnh đó, sự nhiệt huyết trong quan hệ vợ chồng cũng dần sụt giảm, ham muốn tình dục thuở đầu vốn còn sung mãn nay trở nên mơ hồ không rõ rệt, khi “lâm trận” cũng thấy yếu đi, đôi lúc không thể đạt đỉnh thì đó là báo hiệu cần phải tìm cách điều trị suy giảm testosterone càng sớm càng tốt.
Hướng điều trị suy giảm testosterone
Khi tìm được nguyên nhân gây thiếu hụt testosterone cụ thể, việc điều trị sẽ tập trung để giải quyết nguyên nhân này. Trong trường hợp không thể xác định được rõ nguyên nhân, liệu pháp thay thế testosterone là lựa chọn điều trị phổ biến nhất.
Liệu pháp thay thế testosterone
Hiện nay để điều trị suy giảm testosterone ở nam giới, các bác sĩ sử dụng liệu pháp thay thế testosterone. Phương pháp này có cơ chế tác dụng giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống, không gây ra nhiều rủi ro và đã được kiểm chứng thử nghiệm qua các nghiên cứu lâm sàng và kết quả điều trị thực tế.
Trước khi thực hiện, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm như chức năng gan, chức năng thận, siêu âm tuyến tiền liệt để bác sĩ có thể chẩn đoán các vấn đề liên quan và sức khỏe tổng thể.
Trước khi điều trị, nam giới phải thực hiện các xét nghiệm để chuẩn đoán
Liệu pháp thay thế testosterone có nhiều dạng dùng phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân, bao gồm dạng gel, miếng dán, viên ngậm, dạng uống, dạng tiêm hay thậm chí là cấy dưới da.
Trong đó, điều trị suy giảm testosterone bằng phương pháp bổ sung testosterone dạng gel, dạng tiêm hiện đang được áp dụng phổ biến và mang lại hiệu quả tương đối cao. Liệu pháp thay thế testosterone giúp bệnh nhân giải quyết các triệu chứng do suy giảm testosterone, chẳng hạn như tác dụng giúp cải thiện ham muốn, tăng cường khả năng cương cứng, ổn định lại lượng cơ.
Tuy nhiên, không phải bất cứ nam giới nào bị suy giảm testosterone đều cần được điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone. Trên thực tế, điều trị bằng testosterone thay thế có khả năng dẫn đến một số rủi ro nhất định. Việc lựa chọn điều trị cần được bác sĩ chuyên về nam khoa và tiết niệu chỉ định tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân.
Mặt khác, bác sĩ có thể đề nghị nam giới điều trị suy giảm testosterone không dùng thuốc. Những thay đổi tích cực trong chế độ ăn uống, luyện tập thể dục, thói quen ngủ, hạn chế căng thẳng có thể giúp gia tăng nồng độ hormone testosterone và cũng mang lại hiệu quả khắc phục triệu chứng bệnh.
Bác sĩ sẽ có hướng chỉ định điều trị sau khi xét nghiệm.
Lưu ý khi điều trị liệu pháp thay thế testosterone
Trước khi bắt đầu liệu pháp thay thế testosterone, cần lưu ý với bệnh nhân rằng đây là một điều trị suốt đời. Việc bổ sung testosterone từ nguồn gốc bên ngoài có thể làm giảm lượng testosterone tự nhiên do cơ thể tiết ra. Ngoài ra, bổ sung testosterone ngoại sinh còn làm tăng độ cô đặc của máu vì vậy cần phải theo dõi thường xuyên trong quá trình điều trị.
Nam giới có ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú không nên điều trị liệu pháp này. Tương tự ở nhóm nam giới có vấn đề nghiêm trọng về đường tiết niệu, suy tim không kiểm soát tốt hay ngưng thở khi ngủ trầm trọng. Nam giới trên 40 tuổi trước khi bắt đầu liệu pháp nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Điều này có thể được thực hiện qua khám trực tràng và xét nghiệm máu (PSA).
Thanh Hoa
Nguồn Tham khảo: Tổng hợp