Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ghẻ phỏng là bệnh gì? Có chữa được không?

Ngày 19/06/2023
Kích thước chữ

Bệnh ghẻ phỏng là bệnh da liễu ngày một phổ biến và có khả năng lây nhiễm cao nên cần cẩn trọng để tránh mắc bệnh. Để tìm hiểu kỹ hơn ghẻ phỏng là bệnh gì, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Nhận biết triệu chứng bị ghẻ phỏng từ sớm sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ điều trị, hạn chế lây nhiễm sang những vùng da xung quanh, đồng thời tránh nguy cơ tái nhiễm. Vậy ghẻ phỏng có trị được không, trị bằng cách nào? Tất cả sẽ được giải đáp ngay sau đây.

Bệnh ghẻ phỏng là gì?

Ghẻ phỏng là bệnh nhiễm trùng da phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ, lây lan nhanh và dễ tái phát. Bệnh có thể lây từ da bị bệnh sang da lành và từ người bệnh sang người khỏe mạnh trong thời gian ngắn, thường lây qua việc dùng chung đồ dùng cá nhân, tiếp xúc trực tiếp ở khoảng cách gần,... Trong thời gian ngắn từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, những nốt ghẻ phỏng có thể lây lan đến những vùng da xung quanh.

Ghẻ phỏng là bệnh gì? Có chữa được không? 1
Ghẻ phỏng là bệnh lý làm da nổi nhiều mụn nước li ti thành mảng

Đối tượng của bệnh ghẻ phỏng rất rộng, người lớn tuổi và trẻ nhỏ đều có nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc gần hoặc sống chung, dùng chung đồ với người bị bệnh. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là những nốt mụn nhỏ li ti trên da. Những nốt mụn này thường mọc thành mảng và phồng rộp, bên trong có dịch, thoạt nhìn giống như những nốt mụn nước do phỏng nhưng thực chất không phải vậy.

Nguyên nhân gây bệnh ghẻ phỏng

Bệnh lý da liễu ghẻ phỏng có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, tác nhân trực tiếp gây bệnh là do một loại vi khuẩn hình cầu xâm nhập vào da và gây bệnh. Nguyên nhân gây ghẻ phỏng và ghẻ nước khác nhau, đây cũng là 2 bệnh lý khác nhau. Ghẻ nước là do ký sinh trùng còn ghẻ phỏng là do tác động của vi khuẩn hình cầu. Tuy nhiên triệu chứng nổi mụn nước của 2 bệnh này tương đối giống nhau, dễ khiến nhiều người nhầm lẫn.

Loại vi khuẩn hình cầu này có khả năng xâm nhập vào da thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc những trường hợp như:

  • Tiếp xúc với môi trường đất có chứa vi khuẩn: Người để móng tay dài, không vệ sinh thường xuyên khi gãi, chạm vào da và để lại trên da những vết trầy xước rất nhỏ. Đây chính là cơ hội để vi khuẩn hình cầu xâm nhập và sinh sôi, phát triển mạnh mẽ gây ghẻ phỏng.
  • Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều vi khuẩn: Một trong những tác nhân khiến bạn nhiễm khuẩn cầu là tiếp xúc thường xuyên với môi trường có chứa nhiều vi khuẩn, môi trường ô nhiễm, khói bụi,... Điển hình có thể kể đến như nhà ở chật hẹp lâu không vệ sinh, nhà trường, nhà trẻ, khu quân đội, nơi dân cư đông đúc,...
  • Tiếp xúc với người bệnh: Nguy cơ bị ghẻ phỏng của bạn sẽ tăng rất cao khi bạn có tiếp xúc trực tiếp, nói chuyện,... với người đang bị ghẻ phỏng. Quan hệ tình dục, da chạm da,... với bệnh nhân ghẻ phỏng dễ làm lây lan bệnh.
  • Vệ sinh cơ thể kém: Không thường xuyên tắm rửa sạch sẽ, không cắt tỉa móng tay, vệ sinh da không sạch,... cũng làm tăng khả năng nhiễm vi khuẩn hình cầu gây bệnh. 
Ghẻ phỏng là bệnh gì? Có chữa được không? 2
Không vệ sinh cơ thể thường xuyên làm tăng nguy cơ bị ghẻ phỏng

Triệu chứng khi bị ghẻ phỏng

Muốn điều trị ghẻ phỏng một cách có hiệu quả cao và kịp thời, điều đầu tiên bạn cần lưu ý là nhận biết dấu hiệu của bệnh. Những triệu chứng gây ghẻ phỏng phổ biến gồm có:

  • Vùng da nhiễm bệnh xuất hiện những vết sưng đỏ, có thể viêm nhẹ, ngứa ngáy.
  • Trên nền da bị trầy xước, có vết đỏ sẽ xuất hiện những nốt mụn nước kích thước nhỏ, mọc thành mảng và ngày càng lan rộng ra xung quanh. Chất dịch bên trong nốt mụn nước thường có màu trắng đục.
  • Khi nốt mụn nước bị vỡ, chỗ bị mụn nước sẽ khô lại nhanh chóng tạo thành những vảy cứng màu vàng nhạt trên bề mặt da.
  • Chất dịch trong mụn nước có chứa rất nhiều vi khuẩn nên nếu vỡ ra, dính vào vùng da lành sẽ làm bệnh lây lan rất nhanh trong thời gian ngắn, khó kiểm soát.

Ngoài những triệu chứng đặc trưng khi bị ghẻ phỏng nêu trên, người bệnh còn có thể xuất hiện cảm giác ngứa ngáy thường xuyên rất khó chịu, dẫn đến phản ứng gãi, cọ xát làm những nốt mụn nước này vỡ ra và lan rộng hơn trên da. Tuy ghẻ phỏng không phải bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ làn da, tạo cảm giác tự ti cho người bệnh và nếu không điều trị sớm có thể tạo thành tổn thương vĩnh viễn, sẹo, thâm trên da.

Bệnh ghẻ phỏng có chữa được không? Chữa bằng cách nào?

Cách trị ghẻ phỏng như thế nào cũng là thắc mắc phổ biến khi đề cập đến căn bệnh này. Các bác sĩ da liễu cho biết, bệnh ghẻ phỏng có thể chữa được và tỷ lệ điều trị thành công, không để lại di chứng, hạn chế tái phát càng cao khi phát hiện và điều trị bệnh từ sớm. Dưới đây là những cách chữa ghẻ phỏng được dùng phổ biến hiện nay.

Điều trị ghẻ phỏng bằng thuốc

Phương pháp chữa ghẻ phỏng bằng thuốc Tây y là lựa chọn hàng đầu của nhiều bác sĩ và công dụng nhanh chóng, trị đúng bệnh, chặn đứng nguy cơ lây lan của bệnh. Một số loại thuốc dùng khi điều trị ghẻ phỏng gồm:

  • Thuốc D.E.P: Loại thuốc này được sử dụng cho hầu hết các dạng bệnh ghẻ, bao gồm cả ghẻ phỏng và ghẻ nước. Thuốc D.E.P là dạng thuốc bôi dùng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên và người lớn, có công dụng giảm ngứa, hạn chế vi khuẩn tiếp tục phát triển, giảm triệu chứng sưng tấy.
  • Thuốc Benzyl Benzoat 3%: Thuốc Benzyl Benzoat là thuốc chữa ghẻ phỏng có độ an toàn khá cao, công dụng điều trị bệnh cũng tốt nên được dùng trong nhiều trường hợp bệnh nhân ghẻ phỏng.
  • Thuốc bôi Eurax 10%: Bệnh nhân bị ghẻ phỏng được kê đơn thuốc bôi Eurax 10% để chống ngứa, hạn chế gãi hoặc cọ xát trên da, diệt khuẩn và điều trị ghẻ phỏng hiệu quả.
Ghẻ phỏng là bệnh gì? Có chữa được không? 3
Điều trị ghẻ phỏng hiệu quả cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Chăm sóc và điều trị ghẻ phỏng tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng thuốc uống, thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh ghẻ phỏng còn cần quan tâm đến chế độ chăm sóc, cách trị ghẻ tại nhà, tránh lây lan và tái nhiễm bệnh sau này.

  • Cách ly với người nhà và những người xung quanh để tránh làm lây nhiễm bệnh sang người lành.
  • Ngâm mình hoặc tắm bằng nước ấm sẽ giảm cảm giác ngứa trên da, giảm sưng tấy.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân, không giặt chung, phơi chung quần áo với người trong gia đình.
  • Không cào, gãi, cọ xát vùng da có mụn nước để tránh làm mụn vỡ ra lây lan bệnh.
  • Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng dịu nhẹ, mặc quần áo sạch sẽ, không mặc quần áo ẩm ướt.
  • Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, quét dọn, hút bụi thường xuyên.

Trên đây là tất tần tật những thông tin cơ bản về bệnh ghẻ phỏng mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc, hy vọng có thể giúp ích cho bạn. Ngay khi phát hiệu triệu chứng bệnh ghẻ phỏng hoặc nghi nhiễm, bạn cần cách ly với mọi người và đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm