Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Viêm não Nhật Bản có di truyền không là thắc mắc của rất nhiều người khi gia đình có người nhiễm bệnh.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ em mắc bệnh viêm não, trong đó bệnh viêm não Nhật Bản chiếm đến 30 - 40% số ca mắc bệnh. Viêm não Nhật Bản là bệnh rất nguy hiểm do muỗi truyền virus gây bệnh. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng phát triển mạnh vào mùa nắng nóng, khi thời tiết phù hợp với điều kiện hoạt động của muỗi truyền bệnh. Do bệnh có tính chất rất nguy hiểm nên nhiều người thường đặt câu hỏi rằng liệu viêm não Nhật Bản có di truyền không? Hãy cùng tìm lời giải đáp trong bài viết sau đây.
Viêm não Nhật Bản có di truyền không là nỗi ưu tư của gia đình có người mắc bệnh.
Viêm não Nhật Bản có di truyền không là câu hỏi rất nhiều người đặt ra khi chẳng may trong gia đình có người thân mắc bệnh. Rất may là bệnh không có yếu tố di truyền, nhưng rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch lớn. Nguyên nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản là do muỗi nhiễm virus rồi đốt người. Bắt đầu từ các ổ chứa virus mà chim, lợn là vật chủ gây bệnh chính. Muỗi hút máu của chim, lợn có chứa virus và sau đó đốt người sẽ truyền virus sang người. Đây là con đường duy nhất khiến bệnh viêm não Nhật Bản được lây nhiễm. Cho tới nay vẫn chưa thấy có sự lây truyền virus từ người sang người mà không có vật trung gian truyền bệnh.
Theo các nghiên cứ về đặc điểm dịch tễ học bệnh viêm não Nhật Bản, sau khi bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản, chim, lợn không mắc bệnh, nhưng nguy hiểm ở chỗ nó trở thành nguồn duy trì virus trong thiên nhiên, là ổ chứa quan trọng cho muỗi đưa virus viêm não Nhật Bản lây sang người. Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh, nhưng chủ yếu vẫn là loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus. Loài muỗi này thường sống ở ruộng lúa nước và tờ mờ tối sẽ bay đến nơi có người và súc vật sinh sống để hút máu. Mùa Hè mưa nhiều, nhiệt độ và độ ẩm tăng cao là thời điểm thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển và tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng. Đỉnh cao dịch bệnh là vào tháng 6, 7, 8. Từ tháng 10 trở đi, mật độ muỗi giảm đi và dịch kết thúc.
Muỗi là nguyên nhân lây truyền virus viêm não Nhật Bản.
Bệnh viêm não Nhật Bản mặc dù không di truyền nhưng là bệnh rất nặng, bệnh gây tổn thương trực tiếp tại hệ thần kinh trung ương và lan tỏa nhiều nơi, bệnh có thể để lại di chứng thần kinh đặc biệt nặng nề. Có đến 70 - 80% trẻ bị viêm não Nhật Bản mang những di chứng thần kinh - tâm thần như bại não, động kinh, đần độn, liệt, không nói, không nghe, phát triển chậm về thể chất, chậm hiểu. Các di chứng thần kinh thường gây tàn tật, mất khả năng lao động, để lại hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội.
Việc phòng bệnh sẽ là giải pháp tối ưu để giải quyết căn bệnh nguy hiểm này.
Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất hiện nay chính là tiêm vắc xin theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế. Ngoài ra, nếu không may trẻ mắc bệnh, việc đưa trẻ đến bệnh viện và được xử trí kịp thời sẽ giảm thiểu được hết mức các di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, nếu không thì khả năng tàn phế hoặc chịu các tổn thương thể chất suốt đời là điều không thể tránh khỏi.
Bảo Hân