Nguyên nhân gây ra bệnh viêm não Nhật Bản là do muỗi chích gia cầm và gia súc bị nhiễm vi rút rồi truyền qua con người. Bệnh có nguy cơ để lại biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Hãy tìm hiểu ngay những cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản để bảo vệ bản thân và gia đình.
1. Nguyên nhân của bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản do virus thuộc nhóm flavivirus gây ra, có thể ảnh hưởng đến cả người và động vật. Virus này truyền từ động vật sang người khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt. Lợn và chim hoang dã là những loài mang mầm bệnh chính của virus viêm não Nhật Bản. Muỗi bị nhiễm virus sau khi hút máu từ động vật hoặc chim bị bệnh.
Muỗi mang virus viêm não Nhật Bản rồi lây nhiễm cho con người
Muỗi mang virus viêm não Nhật Bản thường ở các vùng nông thôn, đặc biệt là nơi có ruộng lúa hoặc đầm lầy. Ngoài ra, muỗi mang mầm bệnh cũng đã được tìm thấy ở các khu vực thành thị. Chúng thường hoạt động giữa hoàng hôn và lúc mặt trời mọc. Bệnh viêm não Nhật Bản không thể lây từ người sang người.
2. Chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản
Để chẩn đoán viêm não Nhật Bản, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của bệnh nhân, làm xét nghiệm viêm não Nhật Bản, nơi họ sinh sống và tất cả các nơi họ đã đến thăm. Điều này có thể giúp xác định khả năng mắc bệnh.
Nếu bác sĩ nghi ngờ có khả năng bị viêm não, bệnh nhân sẽ trải qua các cuộc kiểm tra như chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) cho não.
Bệnh nhân viêm não Nhật Bản có triệu chứng như thế nào?
3. Cách phòng bệnh viêm não nhật bản
Theo PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu, nói về cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản, cần tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh, nguy hiểm của muỗi và vai trò của bọ gậy (loăng quăng). Đồng thời phổ biến các biện pháp diệt bọ gậy và diệt muỗi trưởng thành bằng mọi hình thức.
Những địa phương có nguy cao mắc bệnh hoặc đang có bệnh viêm não Nhật Bản, cần áp dụng các biện pháp dùng hóa chất diệt muỗi như phun, tẩm màn và dùng hương xua, diệt muỗi. Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp rất hữu hiệu nhưng cần tiến hành đồng bộ cho tất cả các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố, không được bỏ sót bất kỳ một gia đình nào để không còn nơi trú ẩn của muỗi. Khi nằm nghỉ hay ngủ, cần nằm màn tránh muỗi (ngay cả ban ngày).
Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản
Tiêm chủng vắc-xin viêm não Nhật Bản dịch vụ hay địa phương là biện pháp tốt nhất để đề phòng mắc bệnh. Chính vì vậy, cần cho trẻ em và người lớn chưa có miễn dịch với bệnh viêm não Nhật Bản đến trung tâm y tế dự phòng để tiêm vắc-xin. Cụ thể, đối với trẻ dưới 5 tuổi: mũi một, tiêm lúc trẻ đủ 1 tuổi; mũi 2, sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3, sau mũi 2 là 1 năm. Về sau, cứ khoảng 3-4 năm tiêm nhắc lại 1 lần nữa cho tới khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với những trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc-xin thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản. Khoảng cách các mũi cũng tương tự như trên.
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nặng, có thể tử vong hoặc biến chứng nặng. Vì vậy, việc phòng tránh bệnh trở nên rất quan trọng. Hiện nay, cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu là tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản. Những người du lịch có thời gian lưu trú ở nông thôn hơn 1 tháng hoặc trên 12 tháng ở thành phố có dịch cần được tiêm phòng.
Thanh Hiền