Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh dễ nhớ, dễ làm

Ngày 02/05/2022
Kích thước chữ

Vệ sinh miệng cho trẻ sơ sinh là điều rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe răng, miệng cho trẻ. Tuy nhiên, các mẹ cần nắm rõ những hướng dẫn rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đúng cách để tránh tổn thương vùng miệng còn non nớt của trẻ.

Trước khi rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh, các mẹ cần lưu ý về dụng cụ rơ lưỡi cho trẻ cũng như các thao tác rơ lưỡi đúng cách, hãy tham khảo hướng dẫn rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh trong bài viết sau để có được những thông tin bổ ích nhé.

Chuẩn bị dụng cụ rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh

Hướng dẫn rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh dễ nhớ, dễ làm 1 Que gạc rơ lưỡi được các mẹ hay dùng cho trẻ sơ sinh

Một trong các dụng cụ không thể thiếu khi rơ lưỡi cho trẻ đó chính là gạc rơ lưỡi. Mẹ nên chọn những loại gạc rơ lưỡi có thương hiệu uy tín trên thị trường và xuất xứ rõ ràng để sử dụng.

Để tiện lợi và tiết kiệm thời gian, mẹ có thể dùng loại gạc rơ miệng có tẩm dung dịch rỡ lưỡi có chứa các thành phần NaCl, NaHCO3, Xylitol… Một số gạc còn chứa dịch chiết xuất từ thành phần thiên nhiên như lá hẹ an toàn khi dùng cho trẻ nhỏ và có tác dụng chống nấm miệng, trị tưa lưỡi, viêm lợi nhằm bảo vệ sức khỏe răng miệng cho bé.

Bên cạnh đó, các mẹ có thể dùng gạc rơ lưỡi dạng que có thiết kế đầu dạng 3D lượn sóng vừa làm sạch khoang miệng vừa massage nướu, làm giảm bớt cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trong giai đoạn mọc răng.

Gạc rơ lưỡi đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh cần có các đặc điểm:

  • Chất liệu gạc an toàn cho trẻ sơ sinh: Mẹ nên chọn gạc làm từ sợi Polyester vì chất liệu này mềm mại nhưng dai, không bị mục trong môi trường ẩm, không gây tổn thương cho niêm mạc miệng trẻ, không vương sợi bông lại trong miệng trẻ hoặc bay trong không khí gây kích ứng đường hô hấp.
  • Thiết kế tiện dụng khi rơ lưỡi: Gạc được thiết kế dạng xỏ ngón để mẹ dễ thao tác trong quá trình rơ lưỡi. 

Hướng dẫn rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh đúng và hiệu quả

Trường hợp vệ sinh răng, miệng cho trẻ hàng ngày

Mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi làm vệ sinh miệng, lưỡi cho trẻ sơ sinh. Chuẩn bị sẵn nước ấm hoặc nước muối sinh lý hoặc dung dịch rơ lưỡi chuyên dụng cho trẻ sơ sinh.

Lấy gạc rơ lưỡi quấn xung quanh ngón tay hay dùng loại gạc xỏ ngón, nhúng gạc vào dung dịch rơ lưỡi.

Bế trẻ bằng một tay sao cho đầu trẻ nhô cao, ngang tầm với ngực mẹ. Ở tư thế này, trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu không quấy khóc.

Đặt ngón tay lên môi của trẻ để tách miệng con ra.

Đưa ngón tay có gạc vào trong miệng của trẻ để vệ sinh hai bên trong má, nướu và răng một cách nhẹ nhàng, sau đó chà nhẹ trên mặt lưỡi của trẻ.

Ở độ tuổi của trẻ sơ sinh, mẹ không nên sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride vì trẻ có thể nuốt kem đánh răng vào bụng.

Thực hiện quy trình vệ sinh răng miệng cho trẻ sơ sinh ít nhất 1 lần/ngày vào buổi sáng, khi trẻ đang đói.

Nếu bé không chịu rơ lưỡi, bạn có thể thu hút sự chú ý bằng âm thanh hoặc hình ảnh ngộ nghĩnh.

Trường hợp trẻ bị nhiễm nấm nhẹ

Hướng dẫn rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh dễ nhớ, dễ làm 2 Trẻ thường bị tưa lưỡi nếu không được vệ sinh răng miệng thường xuyên

Triệu chứng bệnh

Khi trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi hay nấm miệng ở mức độ nhẹ sẽ có biểu hiện sau:

  • Xuất hiện những đốm, mảng trắng sữa trên niêm mạc lưỡi, bám rất chắc, khó làm sạch, khi cạo sẽ gây trầy xước, thậm chí chảy máu nhẹ.
  • Lưỡi trẻ đau rát, sưng đỏ.
  • Miệng trẻ có mùi hôi do bị nhiễm nấm.

Trong trường hợp này, bác sĩ thường hướng dẫn cách rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng thuốc rơ lưỡi ở dạng dung dịch, có công dụng sát khuẩn, chống nấm như dung dịch rơ lưỡi Denicol, Wesser, Vinicol…

Hướng dẫn các bước rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng thuốc 

  • Bước 1: Chuẩn bị rơ lưỡi cho trẻ

Mẹ quấn gạc rơ lưỡi hay xỏ gạc vào ngón tay trỏ, sau đó thấm vào dung dịch thuốc.

Lưu ý: Nếu sử dụng gạc dạng miếng, mẹ cần quấn gạc thật chặt, tránh gây cộm, gây khó chịu cho trẻ trong quá trình rơ lưỡi.

  • Bước 2: Rơ lưỡi cho trẻ

Mẹ bế trẻ cố định bằng một tay, đặt đầu trẻ nhô cao, ngang ngực mẹ để hạn chế tình trạng nôn trớ. Mẹ đặt ngón tay vào môi dưới của trẻ cho trẻ mở miệng.

Để điều trị hiệu quả nấm lưỡi, ngoài rơ lưỡi mẹ cần rơ nướu cho trẻ để loại bỏ vi khuẩn trên nướu đồng thời hỗ trợ trong giai đoạn mọc răng.

Hướng dẫn 3 bước rơ nướu

  • Bước 1: Rơ hai bên nướu theo chuyển động tròn.
  • Bước 2: Rơ xung quanh hai bên má và vòm miệng, massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn.  
  • Bước 3: Rơ lưỡi nhẹ nhàng theo một chiều từ trong ra ngoài.

Lưu ý khi rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng thuốc

Mẹ chỉ nên dùng gạc một lần rồi bỏ, không được dùng lại để đảm bảo vệ sinh cho trẻ.

Không đưa ngón tay quá sâu vào cổ họng trẻ khi rơ lưỡi vì dễ gây nôn và trẻ dễ nuốt thuốc.

Sử dụng thuốc đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng thuốc. Nếu trẻ nuốt nhiều thuốc sẽ gặp một số triệu chứng như nôn mửa, đau đầu, sốt…, mẹ cần đưa ngay trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được xử lý.

Mẹ nên rơ lưỡi 2 lần 1 ngày vào buổi sáng và tối, sau khi bú ít nhất 30 phút để tránh bị nôn trớ khi rơ lưỡi. 

Trường hợp trẻ bị nhiễm nấm nặng

Hướng dẫn rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh dễ nhớ, dễ làm 3 Mẹ nên tham khảo hướng dẫn rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh để thao tác đúng cách

Trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi hay nhiễm nấm miệng nặng sẽ có biểu hiện: Đốm nấm lan rộng từ lưỡi sang niêm mạc của hai bên má, vòm miệng, môi, nướu, amidan… Nấm còn có thể lan rộng hơn đến cơ quan hô hấp như phổi, khí quản, phế quản,  thực quản, thanh quản... gây ảnh hưởng không tốt đến các cơ quan này.

Trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh Nystatin. Đây là dạng thuốc bôi có tác dụng ngay tại chỗ, cụ thể là lưỡi của trẻ, ít gây tác dụng phụ.

Dưới đây là các bước hướng dẫn rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng thuốc Nystatin:

  • Bước 1: Quấn gạc rơ lưỡi hay xỏ gạc dạng ống vào ngón tay trỏ.
  • Bước 2: Đặt trẻ nằm trên tay mẹ, đầu nhô cao.
  • Bước 3: Nhỏ 1-2 ml dung dịch Denicol vào gạc.
  • Bước 4: Chấm nhẹ thuốc trên vùng lưỡi đang nhiễm nấm theo thứ tự từ nướu, hai bên má, vòm miệng, lưỡi.

Lưu ý khi rơ lưỡi bằng thuốc cho trẻ bị nấm lưỡi nặng

Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, dùng đủ liều lượng, không được tự ý tăng giảm liều điều trị.

Không cho trẻ bú sau khi vừa rơ lưỡi. Tốt nhất là sau khi rơ lưỡi 20-30 phút để thuốc phát huy tác dụng và hạn chế tình trạng bé nuốt thuốc.

Mẹ lưu ý chỉ nên chấm nhẹ thuốc và không lau qua lại như khi rơ lưỡi bằng dung dịch rơ lưỡi.

Rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng thuốc sẽ có tác dụng điều trị nấm miệng, tưa lưỡi nhanh chóng. Tuy nhiên, mẹ cần chọn đúng loại gạc rơ lưỡi và thuốc an toàn cho trẻ nhỏ.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm