Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khí hư khi mang thai có màu gì?

Ngày 31/05/2022
Kích thước chữ

Màu sắc của khí hư trong thời gian thai kỳ thường có nhiều thay đổi và đây là yếu tố cần thiết để phản ánh tình trạng sức khỏe của mẹ bầu trong thời gian mang thai. Vì vậy, hiểu rõ khí hư khi mang thai có màu gì và liên quan như thế nào đến cơ thể người mẹ là điều vô cùng quan trọng, giúp chị em giảm bớt lo lắng cũng như phát hiện sớm những tình trạng bất thường.

Khí hư thường ra nhiều trong thời gian mang thai với tính chất và màu sắc rất đa dạng. Bà bầu cần biết được đặc điểm của từng loại khí hư để có biện pháp đối phó thích hợp, kịp thời.

Khí hư khi mang thai có màu gì? 

Trong suốt thời gian mang thai, nồng độ hormone progesterone trong cơ thể có sự thay đổi, khiến cho khí hư ra nhiều hơn bình thường. Thực tế, khí hư ra nhiều không phải là dấu hiệu tiêu cực của sức khỏe mà đây lại là cơ chế giúp cơ thể ngăn ngừa những bệnh nhiễm trùng truyền từ âm đạo sang tử cung trong thai kỳ.

Khí hư bình thường khi mang thai sẽ có màu trắng trong, trắng sữa, hơi ngả vàng, có thể nhầy sệt như lòng trắng trứng, độ dính cao hơn bình thường, ít khi có mùi hôi hoặc nếu có thì mùi cũng rất nhẹ. Khí hư này sẽ không làm mẹ bầu cảm thấy ngứa ngáy khó chịu hay gây ra bất cứ triệu chứng bất thường nào khác. 

Khí hư ra nhiều có thể là dấu hiệu của việc mang thai sớm vì sau khi thụ thai 1-2 tuần, dịch âm đạo bắt đầu thay đổi. Tam cá nguyệt thứ 3 là thời điểm khí hư ra nhiều nhất. Khí hư cũng ra nhiều vào tháng cuối vì thai tăng kích thước sẽ chèn ép lên vùng xương chậu của người mẹ. Khí hư tháng cuối có thể loãng như nước do rò rỉ nước ối hoặc nếu khí hư đặc dính, lẫn vệt máu hồng thì đây là dấu hiệu bong nút nhầy tử cung, em bé sắp được sinh ra.

Khí hư khi mang thai có màu gì là dấu hiệu của bệnh lý? 1
Khí hư bình thường khi mang thai sẽ có màu trắng trong, trắng sữa

Màu sắc bất thường của khí hư cần cảnh giác

Ngoài những màu sắc kể trên, khí hư khi mang thai còn có những màu sắc và tính chất khác, biểu thị cho sự bất thường của tình trạng sức khỏe:

Khí hư màu trắng vón cục

Mẹ bầu nếu xuất hiện khí hư đặc sệt, vón cục có màu trắng giống như phô mai thì đây có thể là cảnh báo của bệnh nhiễm trùng nấm men. Đây là tình trạng phổ biến mà chị em hay gặp phải trong thai kỳ. Ngoài triệu chứng khí hư có màu trắng, vón cục, người bệnh có thể bị ngứa ngáy vùng kín, đau buốt khi đi tiểu hoặc quan hệ. 

Khí hư khi mang thai có màu gì là dấu hiệu của bệnh lý? 2
Hình ảnh khí hư khi mang thai có màu trắng và vón cục

Hình ảnh khí hư màu vàng hoặc xanh

Khí hư màu vàng hoặc màu xanh xuất hiện trong thai kỳ có thể là dấu hiệu của những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như trichomonas hoặc chlamydia. Khi gặp phải tình trạng khí hư như thế này, bà bầu còn có thể bị kích ứng ở cơ quan sinh dục, nổi mẩn đỏ và gây ngứa ngáy. 

Tuy nhiên cũng có trường hợp không hình thành thêm một triệu chứng nào khác. Theo các chuyên gia, nếu gặp phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thời gian mang thai, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe thai phụ.

Khí hư khi mang thai có màu gì là dấu hiệu của bệnh lý? 3
Khí hư màu vàng là dấu hiệu của những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục

Khí hư xám đục, quánh như keo

Khí hư khi mang thai còn có màu xám đục, dạng quánh như keo, nếu để lâu thì khô cứng lại. Đây là triệu chứng thường gặp khi âm đạo bị viêm nhiễm do vi khuẩn, đặc biệt nếu dịch vùng kín có mùi tanh nồng sau khi quan hệ tình dục. Viêm âm đạo có thể xuất phát từ nguyên nhân mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo. Quá trình thụt rửa quá sâu, sử dụng lực mạnh hoặc quan hệ tình dục thường xuyên có thể là những yếu tố nguy cơ khiến âm đạo bị viêm khi mang thai.

Khí hư có màu nâu hoặc hồng

Bà bầu ra khí hư màu nâu hoặc màu hồng khi mang thai có thể là tình huống sinh lý bình thường nếu xảy ra vào tháng đầu tiên của quá trình mang thai hoặc ngày gần chuyển dạ. Lý do bởi vì giai đoạn đầu của thai kỳ, màu nâu có thể là máu báo thai còn ở tháng cuối trước khi sinh, màu hồng là do bong nút nhầy tử cung, dấu hiệu sắp sinh.

Tuy nhiên, có vài trường hợp, khí hư màu hồng, nâu cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng như nhiễm trùng âm đạo, thai lưu, sảy thai,... đặc biệt nếu thấy xuất hiện khí hư màu nâu đen, bà bầu cần phải đi khám ngay. 

Khí hư có lẫn máu

Tình trạng khí hư ra nhiều kèm theo máu khi đang mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, nhất là khi nó xuất hiện cùng các cục máu đông hoặc hiện tượng đau bụng dữ dội. Đây có thể là cảnh báo của sảy thai sớm hoặc thai ngoài tử cung. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến việc khí hư có lẫn máu như nhiễm trùng, sinh non…

Chăm sóc cơ thể khi khí hư ra nhiều trong thời gian mang thai

Khí hư ra nhiều khi mang thai nếu có những màu sắc và tính chất bình thường thì không đáng lo. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng nên biết cách chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm:

  • Chọn quần áo rộng rãi, thoải mái. Sử dụng quần lót vừa vặn, làm bằng cotton, tránh sử dụng quần áo quá chật hoặc bó sát.
  • Lau khô vùng kín sau khi đi vệ sinh, tắm, bơi lội hoặc vận động mạnh đổ nhiều mồ hôi.
  • Không thụt rửa vào quá sâu bên trong âm đạo, sử dụng lực nhẹ nhàng để không làm tổn thương da ở khu vực này. 
  • Dùng những sản phẩm vệ sinh cá nhân như xà phòng, dung dịch vệ sinh phụ nữ, giấy vệ sinh,... lành tính, an toàn, không mùi, dịu nhẹ.
  • Phát hiện khí hư có màu, mùi hay các tính chất bất thường nào thì nên đi khám ngay. 
Khí hư khi mang thai có màu gì là dấu hiệu của bệnh lý? 4
Dùng những sản phẩm vệ sinh cá nhân lành tính, không mùi, dịu nhẹ

Khí hư thường ra nhiều khi mang thai và có những màu sắc, tính chất khác nhau tùy thuộc vào từng thời điểm trong thai kỳ. Mẹ bầu cần biết được đâu là tình trạng sinh lý bình thường và đâu là dấu hiệu bệnh lý để có biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân và sự an toàn của thai nhi một cách tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm