Khoảng cách giữa 2 lần kích trứng là bao lâu? Kích trứng 2 chu kì liên tiếp được không?
Ngày 07/01/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Kích trứng là một bước quan trọng trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là trong thụ tinh ống nghiệm (IVF) và thụ tinh nhân tạo (IUI). Tuy nhiên, một câu hỏi phổ biến mà nhiều cặp vợ chồng mong con hay đặt ra là khoảng cách giữa 2 lần kích trứng là bao lâu?
Kích trứng là một phần không thể thiếu trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản.Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà các cặp vợ chồng điều trị vô sinh thường quan tâm là khoảng cách giữa 2 lần kích trứng. Thời gian này không phải cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Mục đích của việc kích trứng
Kích trứng là quy trình mà bác sĩ sử dụng thuốc tiêm hoặc uống để tạo ra số lượng trứng theo mong muốn. Số lượng trứng thu được có thể khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và nguyện vọng của gia đình.
Khi thực hiện phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI hoặc canh trứng, chỉ cần một nang trứng trội. Vì vậy, mục tiêu của việc kích trứng là để có được nang trứng trội với chất lượng tốt nhất phục vụ cho quá trình thụ tinh.
Quá trình kích trứng bắt đầu từ ngày thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt và kéo dài từ 10 đến 12 ngày, tùy vào từng bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc kích trứng uống, tiêm hoặc kết hợp cả hai. Trong suốt thời gian kích trứng, bệnh nhân sẽ được theo dõi sự phát triển của nang trứng thông qua siêu âm và xét nghiệm máu tại các lần tái khám.
Khi số lượng nang trứng đạt yêu cầu và niêm mạc tử cung dày đủ, bác sĩ sẽ tiêm một mũi HCG để kích thích trưởng thành của noãn. Khoảng 36 giờ sau khi tiêm HCG, thủ thuật chọc hút trứng sẽ được thực hiện trong quá trình IVF hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung với IUI. Vậy khoảng cách giữa 2 lần kích trứng là bao lâu?
Khoảng cách giữa 2 lần kích trứng bao lâu?
Nhiều người thường thắc mắc về khoảng cách giữa 2 lần kích trứng. Thực tế, thời gian giữa hai lần kích trứng không cố định và phụ thuộc vào sức khỏe cũng như tâm lý của bệnh nhân. Nếu trong chu kỳ trước số lượng trứng thu được không đạt yêu cầu nhưng tình trạng sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân ổn định, bác sĩ có thể lên kế hoạch thực hiện kích trứng vào chu kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, nếu qua quá trình thăm khám, bác sĩ nhận thấy sức khỏe của bệnh nhân chưa đảm bảo hoặc có các yếu tố tác động khác, bác sĩ sẽ quyết định hoãn kích trứng lần hai. Khi đó, bệnh nhân sẽ được khuyến nghị nghỉ ngơi trong một hoặc hai chu kỳ để cơ thể phục hồi, giúp sức khỏe ổn định và các yếu tố ảnh hưởng được kiểm soát. Sau khi tình trạng này được cải thiện, bác sĩ sẽ cân nhắc việc thực hiện kích trứng lần 2.
Kích trứng 2 chu kì liên tiếp được không?
Việc quyết định có thực hiện kích trứng 2 chu kì liên tiếp hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng sức khỏe của người phụ nữ, phản ứng của cơ thể đối với thuốc kích trứng, tình trạng nội tiết, dự trữ buồng trứng và các yếu tố khác mà bác sĩ đánh giá.
Để đảm bảo hiệu quả tối ưu và an toàn trong quá trình thực hiện IVF, trước khi bắt đầu kích trứng, bệnh nhân sẽ được thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá khả năng đáp ứng của cơ thể. Nếu bệnh nhân có phản ứng tốt với các yếu tố này, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện kích trứng lần 2 nhằm thu được nhiều nang trứng hơn, từ đó nâng cao cơ hội tạo phôi chất lượng.
Tuy nhiên, trước khi quyết định kích trứng 2 chu kì liên tiếp, cần kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo cơ thể đủ điều kiện thực hiện. Kỹ thuật kích thích buồng trứng là một phần quan trọng trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại như IVF. Đối với hầu hết bệnh nhân thực hiện IVF, việc kích trứng là cần thiết để đạt số lượng nang noãn phù hợp. Trong một số trường hợp đặc biệt như những người có chỉ số AMH thấp hoặc bị suy buồng trứng, bác sĩ có thể chỉ định kích trứng 2 chu kì liên tiếp.
Cần lưu ý gì để cơ thể hồi phục cho chu kỳ kích trứng tiếp theo?
Quá trình kích trứng có thể gây ra một số tác dụng phụ và ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, vì vậy việc phục hồi sau mỗi chu kỳ kích trứng rất quan trọng để cơ thể trở lại trạng thái tốt nhất
Về sinh hoạt
Người bệnh có thể tiếp tục công việc và sinh hoạt như bình thường nhưng cần tránh làm việc quá sức hoặc tham gia các hoạt động nặng nhọc. Nên di chuyển nhẹ nhàng và hạn chế quan hệ vợ chồng quá thường xuyên, tránh các hoạt động tình dục mạnh để giảm nguy cơ xoắn buồng trứng và vỡ nang buồng trứng. Cần hạn cho đến khi có kinh trở lại sau chọc hút noãn. Đồng thời, ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ để cơ thể tái tạo năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch.
Về chế độ ăn uống
Nên uống đủ nước, ít nhất 2 lít mỗi ngày và bổ sung thêm các loại nước ép trái cây tươi để cung cấp vitamin và khoáng chất. Nên bổ sung vào chế độ ăn những thực phẩm có lợi cho buồng trứng như cá, trứng, thịt bò, quả mọng, rau xanh đậm, sản phẩm từ đậu nành và các loại hạt. Lựa chọn thực phẩm tươi sạch, không chứa chất bảo quản để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn và các chất kích thích để bảo vệ sức khỏe.
Về lịch hẹn tái khám
Bệnh nhân cần tuân thủ đúng lịch tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi quá trình phục hồi và can thiệp sớm nếu có dấu hiệu bất thường. Điều này góp phần hạn chế nguy cơ tác động đến chất lượng trứng và sức khỏe của bệnh nhân.
Làm thụ tinh nhân tạo IVF lần 2 bao lâu sau khi thất bại?
Trong những trường hợp thực hiện IVF thất bại, nếu còn phôi trữ đông, lần làm IVF sau sẽ đơn giản hơn vì không cần trải qua các bước kích trứng và chọc hút trứng. Thay vào đó, chỉ cần rã đông phôi và thực hiện chuyển phôi sau khi chuẩn bị niêm mạc tử cung. Tuy nhiên, nếu không còn phôi trữ đông, quy trình IVF phải được bắt đầu lại từ giai đoạn kích thích buồng trứng.
Khoảng cách giữa hai lần IVF: Nếu tình trạng sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân đảm bảo, lần IVF thứ hai có thể tiến hành ngay sau một chu kỳ kinh nguyệt kể từ lần đầu. Trước mỗi lần thực hiện, bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng sức khỏe của bệnh nhân. Với những trường hợp chưa đáp ứng đủ điều kiện, cần điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan trước khi tiếp tục thực hiện IVF.
Đối với phụ nữ trên 35 tuổi: Khả năng sinh sản suy giảm rõ rệt do số lượng và chất lượng trứng giảm mạnh. Vì vậy, khi thất bại IVF, việc tiến hành lại ngay nếu đủ điều kiện là cần thiết để tăng khả năng thành công, tránh trì hoãn quá lâu sẽ làm giảm cơ hội mang thai.
Việc xác định khoảng cách giữa 2 lần kích trứng là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị vô sinh và hiếm muộn. Hãy luôn tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ, duy trì lối sống lành mạnh và thường xuyên tái khám để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.