Bế trẻ sơ sinh không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt với các ông bố vụng về lần đầu lên chức. Trẻ sơ sinh chưa thể giao tiếp bằng ngôn ngữ nên tiếng khóc chính là cách để bé báo cho người xung quanh biết “con đang khó chịu, con không thích cách bế này”. Đặc biệt, mỗi thời điểm bé lại thích một tư thế bế khác nhau. Vì thế, để chọn được cách bế trẻ sơ sinh không khóc chuẩn nhất, trước tiên hãy cùng Nhà thuốc Long Châu “đọc vị” tiếng khóc của bé theo hướng dẫn dưới đây.
Giải mã tiếng khóc của con là chìa khóa để chăm sóc bé dễ dàng
Học cách “giải mã” tiếng khóc của trẻ
Phiên dịch tiếng khóc của trẻ không đơn giản nhưng mẹ hoàn toàn có thể hiểu bé hơn nếu nắm được những trường hợp bé khóc và dấu hiệu nhận biết thường gặp:
- Bé đói bụng sẽ khóc kèm với các biểu hiện mút tay, nhóp nhép miệng hay dụi đầu vào ngực mẹ.
- Bé bị đầy hơi hoặc đau bụng thường khó chịu ở bụng nên sẽ quấy khóc ngay cả khi được bế ở tư thế bé thường rất thích. Một số bé sẽ co người lại khi xuất hiện những cơn đau ở vùng bụng.
- Bé khóc khi buồn ngủ sẽ kèm thêm các dấu hiệu khác như dụi mắt, ngáp, gãi tai…
- Bé khóc khi muốn làm nũng sẽ không ra nước mắt, ánh mắt cầu cứu mẹ, tay chân khua khoắng.
- Một số lý do khác khiến bé khóc như ướt bỉm, bé mọc răng, hoảng sợ, mệt…
Cách bế trẻ sơ sinh không khóc đơn giản nhất
Trẻ sơ sinh tháng đầu thường chưa quen với môi trường nên rất hay khóc. Và sẽ có những lúc bố mẹ luống cuống và bực bội vì dỗ mãi bé không nín. Vậy thì hãy thử những cách bế trẻ sơ sinh không khóc sau đây nhé, chắc chắn sẽ có tư thế khiến bé thích thú.
Tư thế bế ngửa và nhẹ nhàng đung đưa
Đây là cách bế trẻ sơ sinh không khóc mà ai cũng có thể thực hiện được. Tư thế bế ngửa rất phổ biến ở giai đoạn trẻ 0-3 tháng, và cực kỳ hiệu quả khi dỗ bé khóc nếu kết hợp động tác đung đưa nhẹ nhàng.
Đầu tiên hãy bế bé ở đúng tư thế, dùng tay đỡ phần đầu cổ và lưng bé sao cho chắc chắn nhất. Lưu ý mặt bé ngửa lên và thân áp sát vào người mẹ. Nhẹ nhàng đung đưa cơ thể và trò chuyện cùng bé để bé cảm thấy an tâm và thoải mái hơn.
Bế ngửa và nhẹ nhàng dung đưa xoa dịu trẻ rất tốt
Với tư thế bế này, mẹ có thể bật thêm một bài hát thiếu nhi hoặc âm thanh nhẹ nhàng và ôm chặt người bé để bé cảm thấy quen thuộc như khi đang ở trong bụng mẹ. Tư thế này không chỉ giúp bé ngừng khóc mà còn có tác dụng ru bé vào giấc ngủ cực nhanh.
Cho bé nằm trên người mẹ
Với các bé đã cứng cáp hơn một chút, mẹ có thể đổi sang tư thế nằm úp trên người mẹ để đỡ mỏi tay và khiến bé thích hơn. Bạn hãy bế trẻ vào phòng hoặc không gian yên tĩnh để trẻ bình tĩnh trở lại, sau đó ôm bé và nhẹ nhàng đặt bé nằm trên ngực, bụng mình. Nhẹ nhàng vỗ về an ủi và trò chuyện cùng bé nữa bố mẹ nhé.
Cách bế bé nằm sấp
Là một cách bế khó cần nhiều kỹ thuật và sự cẩn thận nhưng hầu hết em bé nào cũng mê tít tư thế này. Theo hướng dẫn của bác sĩ, mẹ hãy để em bé nằm trên mặt phẳng, gập 2 tay ôm sát ngực. Sau đó mẹ dùng 1 tay ôm bé và xoay nhẹ để bé ở tư thế hướng xuống. Tay còn lại đỡ mông và nâng bé lên góc 45 độ, từ từ đung đưa và quan sát phản ứng của bé.
Với tư thế này, mẹ nên làm các động tác thật nhẹ nhàng, chậm rãi tránh làm bé giật mình. Cách bế này rất phù hợp với em bé mới sinh còn nhẹ cân, với các bé lớn nặng hơn mẹ sẽ rất vất vả để giữ thăng bằng và có thể gây nguy hiểm cho bé.
Tư thế bế vác
Cách bế trẻ sơ sinh không khóc này cực kỳ hiệu quả đối với những bé bị đầy hơi khó tiêu sau khi ăn. Mẹ hãy nhẹ nhàng nâng bé lên và đặt đầu bé vào vai mẹ, lót thêm một chiếc khăn sữa để phòng trường hợp bé bị ọc sữa. Tiếp theo xoa đều và vỗ nhẹ nhàng lưng bé theo chiều từ dưới lên trên.
Bế vác giúp trẻ ợ hơi và quan sát được nhiều đồ vật xung quanh Đối với các bé lớn trên 6 tháng, tư thế bế vác với độ cao vừa phải giúp bé dễ dàng quan sát xung quanh và cảm nhận rõ hơi ấm của mẹ. Điều này trấn an bé rất tốt nên bé có thể vui vẻ trở lại ngay lập tức.
Cách bế và đặt trẻ sơ sinh xuống không khóc
Các thao tác bế bé lên và đặt bé xuống nếu không thực hiện đúng cách sẽ khiến bé quấy khóc và tổn thương cột sống yếu ớt. Để nâng bé lên từ tư thế nằm ngửa, mẹ hãy thực hiện như sau:
- Bước 1: Luồn tay xuống dưới gáy, đỡ đầu và cổ bé, tay còn lại đỡ mông.
- Bước 2: Di chuyển dần tay đang đỡ đầu xuống sâu dưới lưng của bé rồi từ từ nâng bé lên.
- Bước 3: Khi nâng bé lên ngang ngực, luồn cánh tay đang đỡ mông lên đỡ cả đầu bé và di chuyển tay còn lại gập lại để đỡ đầu bé. Sau khi hoàn thành, rút tay đỡ mông để ôm lấy bé.
Nếu bé đang nằm sấp, mẹ hãy dùng 2 tay nâng và dựng bé lên đồng thời xoay người bé trở lại tư thế nằm ngửa trước khi bế. Lưu ý, dùng tay đỡ bé sao cho toàn bộ đầu cổ và lưng cùng nằm trên 1 đường thẳng.
Học cách bế trẻ không khóc giúp mẹ nuôi con nhàn tênh
Khi cần đặt bé xuống, mẹ hãy giữ vững đầu bé không bị trượt ra khỏi tay, vì dễ làm bé bị nghẹo cổ, giật mình và khóc toáng lên. Từ từ dùng tay đỡ mông di chuyển lên đỡ cả lưng và đầu rồi nhẹ nhàng đặt đầu bé xuống trước. Tiếp theo đặt lưng và mông bé thật chậm rãi.
Mẹo dỗ trẻ sơ sinh ngừng khóc
Ngoài những cách bế trẻ sơ sinh không khóc này, mẹ có thể áp dụng thêm các mẹo dỗ trẻ cực hữu ích sau đây:
- Quấn trẻ trong nhộng chũn.
- Sử dụng núm ti giả.
- Massage nhẹ nhàng cho bé.
- Sử dụng vật dụng hỗ trợ như địu, gối chữ U…
Nằm lòng những cách bế trẻ sơ sinh không khóc này, bố mẹ sẽ thấy việc chăm sóc và dỗ dành bé sẽ không còn là “ám ảnh”. Tuy nhiên, nếu áp dụng những cách này mà bé vẫn không ngừng quấy khóc dữ dội thì có thể do bé đang gặp các vấn đề về sức khỏe, mẹ hãy tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ nhé.
Ly Ly
Nguồn: Tổng hợp