Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam? Loại nào tốt hơn?

Ngày 17/12/2023
Kích thước chữ

Virus Rota là nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh viêm dạ dày ruột và tiêu chảy cấp ở trẻ em. Vậy cha mẹ đã biết trẻ nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam chưa?

Virus Rota có khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng sinh sôi mạnh mẽ trong hệ tiêu hóa của con người, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có đến 125 triệu ca tiêu chảy bắt nguồn từ virus Rota. Tuy nhiên, cha mẹ có thể nâng cao hệ miễn dịch của trẻ, chống lại loại virus này một cách hiệu quả bằng vắc xin phòng Rota. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam.

Virus Rota nguy hiểm như thế nào?

Các bác sĩ chuyên khoa đã cảnh báo rằng: Virus Rota rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt và nhạy cảm nên chỉ cần một lượng nhỏ virus xâm nhập vào cơ thể cũng có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm về sức khỏe như: Suy nhược, mệt mỏi, tiêu chảy, sốt cao, mất nước, thậm chí là tử vong.

Loại virus này thường lây nhiễm qua đường phân - miệng hoặc tay - miệng. Bệnh kéo dài từ 2 - 5 ngày và rất khó điều trị. Ở những trường hợp nặng, trẻ có thể đi ngoài lên đến 20 lần/ngày, gây mất nước nghiêm trọng.

Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam? Loại nào tốt hơn? 1
Virus Rota có khả năng lây bệnh nhanh chóng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Khi nào nên cho trẻ uống vắc xin Rota?

Trước khi tìm hiểu: “Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam?”, cha mẹ cần nắm rõ được thời điểm phù hợp cho trẻ uống vắc xin ngừa bệnh do virus Rota. Theo tính toán, trẻ có thể bị nhiễm virus Rota ngay từ tháng thứ 3 sau khi sinh. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm virus Rota sẽ tăng cao trong giai đoạn trẻ sơ sinh từ 6 - 36 tháng tuổi. Đây lại là thời kỳ trẻ mọc răng, khiến nhiều trẻ có thói quen ngậm tay hoặc đồ chơi trong miệng.

Chính vì lý do này, các chuyên gia tiêm chủng khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ sử dụng vắc xin ngừa Rota ngay khi trẻ đạt 6 tuần tuổi và hoàn thành tất cả các liều trước khi tròn 6 tháng tuổi. Vắc xin khi đi vào cơ thể sẽ tạo ra lớp kháng thể tự nhiên cho trẻ, giúp trẻ chống lại virus Rota.

Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam?

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 4 nước trên thế giới có thể sản xuất được vắc xin phòng ngừa virus Rota, chỉ sau Mỹ, Bỉ và Trung Quốc. Trong đó, Rotavin-M1 là loại vắc xin ngừa tiêu chảy cấp đã được Bộ Y tế công nhận đạt hiệu quả tốt về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch ở cơ thể người. 

Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam? Loại nào tốt hơn? 2
Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam? Cả 2 loại vắc xin đều phòng bệnh hiệu quả

Tuy nhiên, vẫn có không ít bậc phụ huynh thắc mắc: “Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam?”. Trên thực tế, việc lựa chọn cho trẻ dùng loại vắc xin nào còn phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Cụ thể:

Vắc xin Rotarix của Bỉ

Rotarix là vắc xin do hãng dược phẩm GSK tại Bỉ sản xuất. Nó được khuyến nghị nên sử dụng cho trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 6 - 24 tuần tuổi. Phác đồ uống gồm 2 liều cách nhau tối thiểu 1 tháng. Điểm đặc biệt của loại vắc xin này là chủng Rotavirus được lấy từ người G1P8 đã có miễn dịch chéo với 9 chủng Rota khác. Do Rotarix là loại vắc xin nhập khẩu nên giá thành cũng cao hơn so với vắc xin trong nước.

Vắc xin Rotavin-M1 của Việt Nam

Nhiều nghiên cứu cũng như thí nghiệm trên động vật đã chỉ ra rằng vắc xin Rotavin-M1 do Việt Nam sản xuất rất an toàn với sức khỏe của trẻ nhỏ. Khoảng thời gian vắc xin mang lại hiệu quả cao nhất là khi trẻ đạt 6 tuần - trước 6 tháng tuổi. Cũng giống như vắc xin Rotarix, loại vắc xin này cũng được chia thành 2 liều, cách nhau từ 1 - 2 tháng. Tuy nhiên, giá thành của nó lại rẻ hơn.

Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng nếu liều đầu tiên cha mẹ đã chọn loại vắc xin nào cho trẻ thì liều thứ 2 cũng phải chọn loại đó. Đây là quy định rõ ràng của cả 2 loại vắc xin, giúp chúng phát huy được tối đa tác dụng khi đi vào cơ thể.

Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam? Loại nào tốt hơn? 3
Rotavin là loại vắc xin phòng virus Rota được sản xuất tại Việt Nam 

Cách phòng bệnh tiêu chảy Rota ở trẻ

Bên cạnh phương pháp phòng bệnh bằng cách cho trẻ sử dụng vắc xin, cha mẹ cũng cần lưu ý thay đổi những thói quen sinh hoạt hàng ngày để ngăn chặn virus tiêu chảy Rota xâm nhập vào hệ miễn dịch mỏng manh của trẻ:

  • Thực hiện nghiêm túc quy tắc “ăn chín, uống sôi”.
  • Hạn chế cho trẻ sử dụng những loại thực phẩm đã được chế biến sẵn, kém vệ sinh và không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ.
  • Tiệt trùng bình sữa, đồ dùng đựng thực phẩm trước mỗi lần sử dụng bằng nước sôi hoặc máy tiệt trùng chuyên dụng.
  • Thường xuyên vệ sinh khu vực sinh hoạt và đồ chơi của trẻ để tránh virus Rota bám trên bề mặt, đặc biệt là với những trẻ có thói quen cho đồ chơi vào miệng.
  • Tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc các loại men vi sinh để tăng đề kháng cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam? Loại nào tốt hơn? 4
Cha mẹ nên tiệt trùng bình sữa của con thường xuyên 

Trên đây là những thông tin tổng quát nhất xoay quanh chủ đề: “Nên uống Rota của Bỉ hay Việt Nam?”. Cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng vắc xin Rota nói riêng và các loại vắc xin khác nói chung tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để nâng cao sức đề kháng của bé yêu nhé!

Nếu vẫn còn băn khoăn không biết nên cho trẻ uống Rota của Bỉ hay Việt Nam, cha mẹ có thể đưa con đến các chi nhánh của Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được các bác sĩ tư vấn và khám sàng lọc. Tại đây, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để cha mẹ có lựa chọn phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bé và kinh tế của gia đình. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể liên hệ trực tiếp với Tiêm chủng Long Châu qua hotline 1800 6928 (miễn phí) để được tư vấn và đặt lịch tiêm nhanh chóng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Tiêm chủng