Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tình trạng mất nước là gì? Nguyên nhân gây ra mất nước và cách điều trị, phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mất nước xảy ra khi lượng dịch mà cơ thể sử dụng hoặc lượng dịch mất đi nhiều hơn lượng dịch nạp vào dẫn đến tình trạng thiếu nước. Mất nước có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe.  Nguy hiểm nhất là tình trạng shock giảm thể tích có thể dẫn đến tụt huyết áp, truỵ tim mạch và tử vong. Điều trị mất nước phụ thuộc vào tuổi tác, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra mất nước.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Mất nước là gì? 

Mất nước xảy ra khi lượng dịch mà cơ thể sử dụng hoặc lượng dịch mất đi nhiều hơn lượng dịch nạp vào dẫn đến tình trạng thiếu nước. Điều này khiến cơ thể không thể thực hiện được các chức năng bình thường của nó.

Ở những người lớn tuổi, họ không có/giảm cảm giác khát dù cơ thể đang bắt đầu mất nước. Tình trạng mất nước có thể trở nên trầm trọng hơn nếu người lớn tuổi bị sốt hoặc mắc các bệnh làm giảm khả năng tự uống nước của họ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng gợi ý tình trạng mất nước

Khát nước không phải lúc nào cũng là dấu hiệu đáng tin cậy về nhu cầu nước của cơ thể. Đặc biệt ở những người lớn tuổi, họ không cảm thấy khát cho đến khi cơ thể đã mất nước rất nhiều. Đó là lý do tại sao phải tăng cường uống nước khi thời tiết nóng bức hoặc khi bạn bị ốm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng mất nước có thể khác nhau tùy theo độ tuổi.

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Môi và lưỡi khô, khóc không có nước mắt, mắt trũng, không ghi nhận tã ướt sau 3 tiếng, bứt rứt/kích thích hoặc li bì/ngủ gà.

  • Trẻ lớn/người lớn: Cực kỳ khát, tiểu ít, nước tiểu sậm màu, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẫn.

Biến chứng có thể gặp khi mất nước

Mất nước có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là tình trạng shock giảm thể tích có thể dẫn đến tụt huyết áp, truỵ mạch và tử vong. 

Các biến chứng khác có thể gặp bao gồm:

  • Co giật: Xảy ra do rối loạn điện giải đặc biệt là Natri và Kali do mất nước dẫn đến tình trạng rối loạn điện thế trong tế bào gây ra co giật.

  • Suy thận và sỏi thận: Mất nước có thể gây ra tình trạng cô đặc nước tiểu, tạo điều kiện hình thành sỏi thận. Ngoài ra, mất nước kéo dài có thể dẫn đến suy thận.

  • Tổn thương do nhiệt: Thường gặp ở những người vận động thể thao cường độ cao nhưng không bù đủ nước sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao quá mức dẫn đến hội chứng tổn thương do nhiệt từ nhẹ (như chuột rút) cho đến nặng như shock nhiệt (heatstroke).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mất nước

Lượng nước cơ thể mất hằng ngày thường từ các nguồn như mồ hôi, qua hơi thở, đại tiện và tiểu tiện cũng như nước mắt và nước bọt. Việc uống nước đầy đủ và lượng nước hấp thu từ thức ăn mỗi ngày giúp bổ sung lượng nước mất. 

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra mất nước ở trẻ nhỏ là tiêu chảy và nôn ói nhiều.

Người lớn tuổi thường có lượng nước trong cơ thể thấp và có thể có các bệnh kèm hoặc sử dụng các thuốc gây giảm thể tích nước trong cơ thể. Người lớn tuổi thường không có/giảm cảm giác khát nếu đi kèm với tình trạng sốt cao có thể khiến tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mất nước?

Bất kỳ ai cũng có thể bị mất nước nhưng tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mất nước

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mất nước bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Thường có diện tích bề mặt cơ thể lớn hơn thể tích nước nên dễ mất nước do tình trạng sốt cao hoặc bỏng. Ngoài ra, trẻ không thể nói rằng trẻ khát nước hoặc không thể tự uống nước được.

  • Người lớn tuổi, nhiều bệnh kèm: Khi lớn tuổi, dự trữ nước của cơ thể giảm kèm theo cảm giác khát trở nên ít rõ rệt. Ngoài ra, khi bị bệnh, người lớn tuổi thường chán ăn và không uống nhiều nước vì mệt mỏi. Điều này dẫn đến mất nước âm thầm.

  • Người làm việc ngoài trời trong thời tiết nóng ẩm: Ở thời tiết này, mồ hôi không thể dễ dàng bay hơi và làm hạ nhiệt cơ thể hiệu quả, điều này dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng lên và gây mất nước nhiều hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mất nước

Ngoài việc dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng điển hình, một số xét nghiệm có thể hỗ trợ bao gồm:

  • Đo huyết áp: Giảm thể tích nước trong cơ thể có thể dẫn đến tụt huyết áp.

  • Xét nghiệm máu và điện giải.

  • Tổng phân tích nước tiểu.

Phương pháp điều trị mất nước hiệu quả

Cách điều trị hiệu quả duy nhất cho tình trạng mất nước là bù dịch và điện giải đã mất. Điều trị mất nước phụ thuộc vào tuổi tác, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra mất nước.

Trẻ em và người cao tuổi bị mất nước nghiêm trọng cần được nhập cấp cứu để bù dịch và điện giải qua đường tĩnh mạch.

Nếu bạn làm việc hoặc tập thể dục ngoài trời trong thời tiết nóng, ẩm. Uống nước mát là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Đồ uống thể thao có chứa chất điện giải và dung dịch đường cũng có thể có ích.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế mất nước

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Người cao tuổi bị suy giảm cảm giác khát nước có thể duy trì những thói quen như uống nước vào bữa ăn, ăn những món ăn có lượng nước nhiều như súp hoặc trái cây như dưa hấu.

Phương pháp phòng ngừa mất nước hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Nếu trẻ bị tiêu chảy, nôn ói: Nên bắt đầu cho trẻ bù nước ngay, không chờ đến khi mất nước xảy ra.

  • Người cao tuổi: Thường bị mất nước nhất là khi bị những bệnh nhẹ - chẳng hạn như cúm, viêm phế quản hoặc viêm bàng quang. Hãy đảm bảo uống thêm nước khi bạn cảm thấy không khỏe.

Nguồn tham khảo

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dehydration/symptoms-causes/syc-20354086

2. https://www.nhs.uk/conditions/dehydration/

3. https://www.webmd.com/a-to-z-guides/dehydration-adults

Các bệnh liên quan

  1. Suy nhược cơ thể

  2. Suy tim trái

  3. U xương

  4. Bàng quang tăng hoạt

  5. Đau vú

  6. Vỡ mâm chày

  7. Rong kinh tiền mãn kinh

  8. Suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới

  9. Nhiễm Arbovirus

  10. Viêm lưỡi bản đồ